Vì sao chỉ số giáo dục của Việt Nam vẫn ở nhóm trung bình? - Dân Làm Báo 1

Vì sao chỉ số giáo dục của Việt Nam vẫn ở nhóm trung bình?


TTCT - Báo cáo phát triển con người mà Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố ngày 9-11 vừa qua cho thấy Việt Nam có chỉ số phát triển con người (HDI) ở nhóm trung bình, xếp bậc 128/187 quốc gia. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng trên Lào và Campuchia, xếp sau tất cả các nước còn lại. Chưa hết, trong ba chỉ số quan trọng, chỉ số phát triển giáo dục của chúng ta có giá trị khá thấp.


Các chỉ số phát triển

Từ năm 2010, UNDP sử dụng phương pháp tính HDI mới, trong đó giá trị của HDI được tính là trung bình nhân của chỉ số tuổi thọ (LEI), chỉ số giáo dục (EI) và chỉ số thu nhập (II).

So với thời điểm trước năm 2010, phương pháp tính mới này có thêm vào chỉ số nghèo đói đa chiều (MPI). Trong đó thay vì tính mức nghèo đói theo một định lượng duy nhất là thu nhập trung bình tính theo đầu người, chỉ số này còn phản ánh mức độ tiếp cận các dịch vụ y tế - giáo dục và chất lượng cuộc sống qua việc sử dụng điện, nước, nhà vệ sinh, diện tích nhà ở, tài sản sở hữu, mức độ suy dinh dưỡng của trẻ em... Như vậy, chỉ số nghèo đói đa chiều phản ánh toàn diện hơn mức sống của người dân. 

Theo chỉ số này, tỉ lệ nghèo đói đa chiều ở Việt Nam đã tăng lên mức 23,3%, thay vì mức 14,5% là tỉ lệ nghèo đói quốc gia nếu chỉ tính theo mức thu nhập trung bình.

Nhìn vào giá trị của các chỉ số này thấy rằng chỉ số thu nhập đạt giá trị rất thấp (0,478). Điều này cũng dễ hiểu vì Việt Nam vừa ra khỏi nhóm nước chậm phát triển năm 2008.

Tuy nhiên, chỉ số giáo dục cũng có giá trị rất thấp. Nguyên nhân chính làm chỉ số này có giá trị thấp, theo tính toán ở trên, là số năm đến trường trung bình của người dân (từ 25 tuổi trở lên) chỉ đạt mức 5,5 năm, tức là vừa qua bậc tiểu học được nửa năm. Từ năm 2000, Việt Nam đã công bố đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập tiểu học. Năm học 2002-2003, tỉ lệ biết chữ ở người trong độ tuổi 15-24 đạt mức 95% với số năm học trung bình là 7,3 năm. 

Nhìn vào xu hướng thay đổi của các chỉ số phát triển thấy rằng trong thập niên 2000-2011, HDI của Việt Nam đã tăng chậm hơn so với mức trung bình của thập niên trước đó, đạt mức 1,06%/năm so với mức 1,5% của cả giai đoạn 1990-2011. Trong khoảng thời gian 2006-2011, Việt Nam chỉ tăng được một bậc trong bảng xếp hạng của HDI. Đây là những dấu hiệu đáng lo ngại.

Ngoài ra, báo cáo phát triển con người năm nay nhấn mạnh đến hai yếu tố: bình đẳng và bền vững, được phản ánh rõ trong tiêu đề: “Bình đẳng và bền vững: Một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người”. Tuy nhiên, cả hai tiêu chí bình đẳng và bền vững này lại là những tồn tại lớn của Việt Nam. Chính sách phát triển kinh tế theo bề rộng: phát triển do tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và xuất khẩu nguyên liệu thô, không chú trọng bảo vệ môi trường, chất lượng giáo dục thấp đã không giúp Việt Nam phát triển bền vững. 

Con số 8% người dân sống trên các vùng đất thoái hóa (năm 2010), cao hơn nhiều nước châu Phi có chỉ số HDI thấp hơn cũng gợi lên nhiều lo ngại. Ngoài ra, các số liệu trong báo cáo cho thấy Việt Nam có sự bất bình đẳng lớn giữa các vùng miền. Nếu xét đến sự bất bình đẳng, HDI của Việt Nam giảm 14%, trong khi chỉ số giáo dục giảm 17,1%. Như vậy, đã có sự bất bình đẳng lớn hơn mức trung bình đối với chỉ số giáo dục.

Giáo dục đáng lo ngại

Nếu dựa vào số liệu của báo cáo phát triển con người của UNDP, thành tích giáo dục của Việt Nam dường như đang thụt lùi: số năm đi học trung bình trong báo cáo (5,5 năm: năm 2011) thấp hơn so với con số công bố trong nước trước đó (7,3 năm trong khoảng 2002-2003). Nguyên nhân của sự khác biệt này có thể do thống kê của Việt Nam và UNDP không giống nhau, hoặc đích xác là chất lượng giáo dục đã thật sự thụt lùi: trẻ em bỏ học tăng, tỉ lệ tái mù chữ cao...

Dù nguyên nhân thật sự của sự khác nhau này là gì đi chăng nữa thì một điều không thể phủ nhận là dưới con mắt của các chuyên gia quốc tế, trình độ giáo dục của Việt Nam đang ở mức rất thấp. Tính trung bình, người Việt Nam trưởng thành chỉ có trình độ giáo dục ở mức tiểu học (số năm đi học trung bình là 5,5 năm), trong khi kỳ vọng chung đối với Việt Nam, người trưởng thành phải có mức giáo dục đạt trình độ giữa phổ thông trung học (số năm học trung bình là 10,4 năm). Như vậy, giáo dục của Việt Nam quả là đáng lo.

Để cải thiện tình trạng này, Việt Nam trước hết cần ngăn chặn việc bỏ học quá sớm nhằm gia tăng số năm đến trường của trẻ. Thay vì theo đuổi những mục tiêu xa vời, ngành giáo dục hãy đưa trẻ đến trường và ngăn chặn tình trạng bỏ học giữa chừng. Nếu không giáo dục sẽ có nguy cơ tụt hậu như cảnh báo và Việt Nam sẽ rất khó phát triển bền vững, nhất là khi Việt Nam đang đặt ra mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020. Sẽ rất khó hình dung một nước công nghiệp hóa khi tính theo trung bình, người dân chỉ mới trải qua bậc học tiểu học. 

Chính vì thế bà Ingrid Fitzgerald, tác giả báo cáo, cho rằng: “Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh hiệu quả trong một thị trường ngày càng toàn cầu hóa cao, và khó tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình nếu không thể cải thiện các kết quả giáo dục và trình độ kỹ năng một cách bền vững”. 

Nhận định này hoàn toàn trùng khớp với khuyến nghị của giới chuyên môn và các nhà làm chính sách trong và ngoài nước suốt nhiều năm qua. Chẳng hạn, ông Lý Quang Diệu trong chuyến thăm Việt Nam năm 2007 đã cho rằng: “Chất lượng nguồn nhân lực chính là “nút cổ chai” phát triển mà Việt Nam phải đương đầu”. 

Các chuyên gia và trí thức trong và ngoài nước như giáo sư Hoàng Tụy, nhóm giáo sư đại học cùng một số trí thức trong và ngoài nước cũng có những nhận xét và đề xuất tương tự về cải cách giáo dục, trong nhiều năm liên tiếp với nhiều ý kiến tâm huyết. Tiếc thay, chất lượng giáo dục của Việt Nam vẫn không cải thiện. Trong khoảng thời gian 1990-2011, nếu chỉ số tuổi thọ tăng ấn tượng do phát triển kinh tế thì chỉ số giáo dục tăng không đáng kể.

Vì thế, đã đến lúc ngành giáo dục nghiêm túc nhìn lại mình, vì qua báo cáo phát triển con người của UNDP, chất lượng giáo dục của Việt Nam không tốt như đánh giá của những người có trách nhiệm trong ngành.




Chỉ số phát triển con người (HDI) là trung bình nhân của chỉ số tuổi thọ (LEI), chỉ số giáo dục (EI) và chỉ số thu nhập (II):
Các chỉ số này đều được tính theo một công thức chung:
Các giá trị tối đa và tối thiểu được chọn như sau:
Với LEI: mức tuổi thọ trung bình tối đa là 83,4 tuổi (ứng với Nhật Bản), mức tối thiểu được chọn là 20. Với EI: số năm học trung bình tối đa là 13,1 (ứng với Cộng hòa Czech), số năm học kỳ vọng tối đa chọn được là 18; số năm học tối thiểu được chọn là 0. Với II: mức thu nhập bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương tối đa là 107.721 USD (ứng với Qatar) và mức tối thiểu được chọn là 100 USD.
Với Việt Nam, năm 2011, ước tính tuổi thọ trung bình đạt mức 75,2 tuổi; số năm học trung bình là 5,5 năm; số năm học kỳ vọng là 10,4 năm; thu nhập bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương là 2.805 USD. Do đó, các chỉ số sẽ có giá trị như sau:
Khi đó, HDI của Việt Nam sẽ có giá trị:

GIÁP VĂN DƯƠNG
---
Nguồn: Tuổi trẻ Cuối tuần, 4/12/2011


http://www.giapvan.net/2011/12/vi-sao-chi-so-giao-duc-cua-viet-nam-van.html


Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1