Không phải cừu, cũng không thích chọn… - Dân Làm Báo 1

Không phải cừu, cũng không thích chọn…

P.H.V Mấy ngày qua diễn đàn thôn Danlambao rừng rực cháy cuộc tranh luận về như thế nào mới là trí thức. Đây là một cuộc tranh luận rất nên có, bởi vì nó đặt người trí thức vào trong một vị trí mới. Phải chăng đã đến lúc người Việt Nam bắt đầu quý trọng trí thức, hiểu rằng đấy là nền tảng để xây dựng một xã hội văn minh hơn? Nếu quả như thế thì dân tộc có phước quá. Ngày nào mà "giai cấp vô sản của liên minh công nông" còn là những người quyết định ý thức hệ của đất nước, ngày đó dân tộc ta còn lầm than, nhân dân còn đau khổ. Thế nhưng sự thật là trong các bài báo đăng trên Danlambao vừa qua, người ta hầu như chỉ thấy những quan điểm một chiều, tạm gọi là lề trái. Quan điểm này thay vì phân tích vai trò của trí thức, lại tranh thủ lôi một cá nhân là giáo sư Ngô Bảo Châu ra để… thóa mạ.

Tác giả của những bài báo này của đáng tội, cũng có lý của họ. Người ta có thể đồng ý, hoặc phê phán Ngô Bảo Châu, nếu không đồng tình với những lời nói việc làm của anh. Quan điểm của họ là những quan điểm cá nhân, chẳng ai có tư cách gì để nói họ sai hay họ đúng. Điều đáng buồn là sau khi những bài báo này được đăng, một số lượng lớn khủng khiếp các comment ùn ùn được đăng tải để thi nhau chửi bới người Việt Nam duy nhất được trao giải thưởng Fields toán học. Họ hầu như quên mất Ngô Bảo Châu đã đem lại vinh quang cho Việt Nam như thế nào. Họ tập trung vào mổ xẻ ngôi nhà triệu đô và khoản tiền đầu tư cho viện toán học mà giáo sư Châu được nhận từ Nhà nước, coi đây là bằng chứng kết tội thông đồng… với ma quỷ. Thế mới biết tòa án nhân dân là một khái niệm khủng khiếp. Khi một người bình thường tự nhiên có được "quyền" phán xét người khác, chỉ cần một chút thành kiến trong đầu, họ có thể lôi người bị phán xét ra để mổ xẻ ở mọi góc cạnh để tìm "tội ác". Nếu có trong tay một chút thực quyền, dám chắc các bloggers đã lôi giáo sư Châu ra bêu riếu trước công luận và cho về quê chăn vịt thay vì cho tiếp tục làm toán. Không có đấu tố, không có thi hành án, nhưng không khí trên Danlambao mấy ngày qua chẳng khác gì không khí của tòa án Stalin mà vô số blogger – những quan tòa tự phong – vỗ ngực coi mình là chuẩn mực của lề trái, là đại diện cho bên Thiện, đại diện cho nhân dân (Sic). 

Bởi vì phản biện là quyền và là nghĩa vụ của mỗi người, tôi viết bài này để trả lời tất cả những ai công kích giáo sư Ngô Bảo Châu. Anh Châu không có thời gian, cũng như không có nghĩa vụ phải trả lời những công kích này. Cũng như tôi không phải người thân, cũng chẳng phải luật sư của anh Châu, lẽ ra tôi có thể ngậm miệng. Nhưng bởi vì nếu không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng, nên tôi phản biện để những người có suy nghĩ như tôi biết rằng chúng tôi tồn tại, và chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với những ai từ trước đến giờ vẫn ngang nhiên comment với tư cách là đại diện tự phong cho lề trái. Tôi lên tiếng để nói rằng chân lý chẳng thuộc về ai, chân lý cũng chẳng phải là duy nhất. 

Trước khi nêu lên quan điểm của mình, tôi sẽ trình bày tóm lược các luận điểm công kích mà tôi tổng kết được trên trang Danlambao. Cám ơn Dân Làm Báo đã cho mỗi người chúng ta quyền tự do được nói điều mà chúng ta nghĩ, vì với tôi, đấy là nền tảng quan trọng nhất cho dân chủ. 

Luận điểm 1: Thế nào là trí thức? 

Luận điểm này bắt nguồn từ việc Ngô Bảo Châu nói rằng với anh, trí thức là người lao động trí óc. 

"Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”... Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội" 

Với những người không chia sẻ quan điểm này (tạm gọi là bên đối lập), định nghĩa này sai. Tựu trung bên đối lập cho rằng trí thức phải dám phản biện, dám dấn thân vì xã hội. 

Luận điểm 2: Ngô Bảo Châu có phải là trí thức không? 

Ngô Bảo Châu không nói gì, bởi vì chẳng ai lại hỏi anh câu ấy cả. Có hỏi anh cũng không thể trả lời. Theo định nghĩa của anh thì đương nhiên anh là trí thức. Còn theo bên đối lập thì anh chưa chắc đã là trí thức. 

Luận điểm của bên đối lập thật ra khá phức tạp. Một số người nghi ngờ, còn một số người khác công khai nói rằng theo họ, anh… chưa phải là trí thức, bởi vì chưa có các hành động dấn thân và hy sinh, là các tiêu chuẩn trong định nghĩa của họ. 

Luận điểm 3: Ngô Bảo Châu tham tiền, tham nhà triệu đô, tham danh vọng, chứ thực ra anh có tâm huyết nào với dân với nước đâu. 

Luận điểm 4: Ngô Bảo Châu làm toán thì đúng là siêu việt, nhưng về mặt chính trị, xã hội thì hơi bị …ngu lâu (xin lỗi giáo sư). Kết quả của việc này là anh trở thành công cụ của Nhà Nước, bị nhà nước điều khiển, sai khiến. Với một số người, luận điểm 4 gắn chặt với luận điểm 3. Bởi vì anh bị gắn cái vòng kim cô là nhà triệu đô và danh vọng lên đầu, cho nên anh phải nghe lời (các) ông chủ của cái vòng kim cô đó. 

Luận điểm 4 bị đẩy thành 4’ do ông Nguyễn Bá Chổi kể chuyện ngụ ngôn có thật, rằng lúc đầu thì trí thức cũng là trí thực thật nhưng sau đó dần dần đi vào mê lộ của quyền lực. Sai lầm tiếp nối sai lầm, đâm lao phải theo lao, nết kết cục tự biến mình thành một loại công cụ cho quyền lực. Đã thế họ lại còn không tỉnh ngộ, cãi chày cãi cối khi bị phê phán. 

Luận điểm 5: Ngô Bảo Châu là người của công chúng. Hình ảnh của anh rất lớn. Anh phải có trách nhiệm với lời nói và việc làm của mình. Luận điểm 5 bị sẻ đôi thành hai tiểu luận điểm như sau: 

5a. Ngô Bảo Châu phải có trách nhiệm nói những điều vì dân vì nước. Vinh quang, hình ảnh, tài sản của anh là do 90 triệu người dân Việt Nam đem lại. Nếu anh vào hùa với Nhà nước tức là anh làm hại người dân. Nếu như thế trước hết anh là một thằng hèn, thứ hai anh là thằng khốn nạn. 

5b. Nếu anh không nói được những điều vì dân & vì nước, bởi chúng đặt anh vào những tình cảnh khó xử thì cũng làm ơn đừng nói những điều hại dân & hại nước. Nói tóm lại trong trường hợp này, xin anh ngậm miệng đừng nói gì thì hơn. 

Luận điểm 5 bị đẩy lên đỉnh điểm thành luận điểm cực đoan 5’: Nếu không là cừu, anh phải chọn lề. Không thể có chuyện đi nước đôi trên cả hai lề được. 

Để trả lời tất cả 5 luận điểm này, tôi xin được sử dụng hai mệnh đề nền tảng sau. 

Mệnh đề 1: Đa nguyên là bản chất của xã hội. Quan điểm của công luận không thể chỉ gói gọn trong hai chữ lề trái hay lề phải. Không đi lề phải không có nghĩa là đang đi lề trái, và ngược lại. 

Nói như Edgar Morin, thế giới mà chúng ta đang sống là một thế giới phức tạp. Đừng đòi hỏi cuộc sống phải giản đơn thành các giá trị nhị phân 0 hay 1, trắng hay đen. Đừng đòi hỏi các vấn đề xã hội, chính trị rõ ràng rành mạch là trái hay là phải. Nói cách khác, có bao nhiêu bộ óc biết suy nghĩ thì có thể có bấy nhiêu lề. Đừng vì đã chọn đứng trên một bên lề mà nhìn tất cả những ai không nằm trên lề của mình là kẻ thù. Họ có thể đang đi con đường của họ, chẳng giống ai, cũng chẳng yêu cầu ai phải giống họ. Cho rằng những người không cùng lề của mình nhất thiết phải đứng trên lề quân địch là một sai lầm ấu trĩ. 

Mệnh đề 2: Một sự trao đổi phải được xây dựng trên nguyên tắc có đi có lại, minh bạch, tự nguyện, không ép buộc. Nếu không như thế trao đổi này vi phạm các nguyên tắc công bằng và đạo đức. 

Trên cơ sở hai mệnh đề này, tôi xin trả lời các luận điểm từ 1 đến 5, nhưng theo chiều ngược lại. 

Trả lời luận điểm 5: Ngô Bảo Châu có trách nhiệm với công chúng về lời nói và hành động của mình không? Câu trả lời đương nhiên là có. 

Kể từ khi nhận giải thưởng Fields, anh không còn là người của gia đình mình nữa. Hình ảnh của anh có thể thay đổi xã hội, lời nói của anh có thể có những kết quả và hậu quả lớn vượt qua cái khung gia đình. Câu hỏi đặt ra là Ngô Bảo Châu phải có trách nhiệm như thế nào? 

Câu trả lời của tôi là trách nhiệm như thế nào, chỉ mình anh mới có thể trả lời được. Cộng đồng mạng đang có tình gán ghép cho anh những trách nhiệm chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của họ. Theo kiểu anh phải công khai phản đối Nhà nước, phải từ chối ngôi nhà được tặng, phải đừng nhận quốc tịch Pháp hay đừng làm giáo sư tại Mỹ…vv và vv. Bên đối lập đang khoác lên người anh những thứ trách nhiệm không rõ ràng, không minh bạch vốn chẳng tương xứng với bất cứ quyền gì. Có nghĩa vụ thì phải có quyền tương xứng. Thử hỏi bên đối lập đã làm gì cho Ngô Bảo Châu mà cứ đòi hỏi này đòi hỏi nọ. Mệnh đề 2 không được thỏa mãn. 

Cái đòi hỏi vô lý của bên đối lập thật ra có cơ sở với lập luận là những gì Ngô Bảo Châu đang có ngày hôm nay là do nhân dân Việt nam đưa cho anh. Học vấn của anh là do tinh hoa của nước Việt đem lại. Ngôi nhà anh được tặng là do tiền của của nhân dân bị chính phủ cuỗng mất để đưa cho. Vinh quang của anh là do hàng triệu người Việt nam hâm mộ và ủng hộ. Vì những lẽ đó, anh phải có trách nhiệm trả lại cho Việt nam những gì anh nợ. Cứ như thể là trí tuệ và mồ hôi nước mắt của Ngô Bảo Châu đổ vào nghiên cứu chỉ là nước lã, chẳng có một xu giá trị gì nếu tách anh khỏi hai chữ Việt Nam. 

Câu trả lời này bị gắn với luận điểm 2 về định nghĩa trí thức, theo đó ngay cả khi anh Châu chẳng nợ gì Việt nam nhưng nếu là trí thức thì anh cũng phải làm gì đó, phải gánh tránh nhiệm lên người dù chẳng có tí quyền lợi tẻo teo nào tương xứng cả. Nhưng phần này xin được trả lời trong luận điểm 2 bên dưới. 

Điểm yếu trong lập luận này là vấn đề nhân danh. OK cứ cho là Ngô Bảo Châu nợ, và có trách nhiệm trả nợ. Nhưng mà nợ ai? Nói nhân dân Việt Nam là một khái niệm hết sức mơ hồ, ai cũng có thể nói được. Không tin xin mời cứ giở báo lề phải ra mà đọc. Ở đây lập luận của bên đối lập chỉ có giá trị khi bên đối lập có thể chứng minh mình là đại diện cho dân. Nói thật xin lỗi, chúng ta - những blogger ủng hộ dân chủ và tự do ngôn luận - chưa đáng là đại diện cho dân oan, đừng nói là đại diện cho dân nói chung. Đã không phải là đại diện cho dân thì thay dân đi đòi nghĩa vụ của Ngô Bảo Châu thế đếch được. 

Dân là ai mới được chứ? Anh Đoàn Văn Vươn, chị Bùi Thị Minh Hằng hay blogger Mẹ Nấm đúng là dân thật, nhưng họ có đòi anh Ngô Bảo Châu làm gì không? Các anh CHHV, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức… là những người đã thật sự hy sinh, dấn thân. Họ có yêu cầu cá nhân Ngô Bảo Châu phải làm gì cho họ không? Nếu hỏi họ câu này thì còn có khi là xúc phạm họ, bởi họ đâu có hy sinh để đòi hỏi phải được đền đáp gì. Những người đã mất rất nhiều còn chẳng yêu cầu Ngô Bảo Châu phải có nghĩa vụ gì, thế mà có những người chẳng mất gì cả lại cứ xùng xục đòi anh phải có trách nhiệm, quả thật là buồn cười. Thiệt hại cũng chẳng phải mình, nghĩa vụ cũng chẳng phải của người ta, vậy mà yêu cầu này yêu cầu nọ cứ như thể mình là một vị quan tòa công minh lắm. Giả sử Ngô Bảo Châu có ứng cử làm speaker của lề trái, và các vị có bầu cho anh một cách đàng hoàng, thì lúc đấy nói Ngô Bảo Châu không làm tròn trách nhiệm mới có cơ sở. Còn nếu không như thế, chỉ là những sự duy diễn tưởng tượng, xin đừng nhân danh vì dân mà chúng tôi buồn (cười ) đến chết. 

Luận điểm 4: Ngô Bảo Châu hơi kém thông minh chính trị, hoặc bị vòng kim cô kẹp đầu, bị quyền lực biến thành công cụ của mình. 

Để có luận điểm này, trước hết phải phiên lại lời phát biểu của giáo sư Châu theo bản dịch của bên đối lập "Vô hình chung, giáo sư Ngô Bảo Châu đã ủng hộ ĐCS VN trong việc khóa trí thức Việt Nam trong chiếc lồng "Chuyên tâm chăm chú vào nghiệp vụ còn việc lãnh đạo quốc gia là việc của ĐCS VN"

Tôi cho rằng để trả lời luận điểm này, cần phải định nghĩa thế nào là công cụ. Theo nghĩa đơn giản nhất, trở thành công cụ nghĩa là bị ai sử dụng để hoàn thành mục đích của họ. Trở thành công cụ còn hàm ý bị sai khiến lợi dụng mà không biết, hoặc biết mà làm ngơ, không tự mình điều khiển được mình. Câu hỏi của tôi là, làm sao biết giáo sư Châu không tự điều khiển được mình và để người khác lợi dụng? Bên đối lập tự cho mình cái quyền nhìn xa trông rộng hơn bộ óc đã nhận giải thưởng Fields. Làm sao các anh & các bác biết anh Châu ngây thơ bị biến thành công cụ? trong khi việc sờ sờ ra trước mắt là nhờ những động thái tương đối mềm mại của mình, giáo sư Châu ký tên vào kiến nghị đòi hủy dự án Bauxite nhưng vẫn mở cửa được Viện Toán Học hiện đại đầu tiên của Việt Nam, và bắt đầu đào tạo chuyên nghiệp những nhà toán học tương lai của đất nước. Ai là công cụ của ai? Hay là các anh & các bác nghĩ rằng Viện Toán học này chẳng qua chỉ là cái nhà thổ để lừa phỉnh dư luận? Rằng ở trong đấy chỉ có những cái đầu rỗng tuếch, những con cừu biết làm toán? 

Tôi cho rằng đây là luận điểm suy diễn và mơ hồ nhất trong tất cả 5 luận điểm. Chúng ta suy diễn một cách hết sức hồ đồ rằng ai đó là công cụ của ai đó. Xin đừng tỏ vẻ ngây thơ, các blogger chúng ta thèm nhỏ rãi biến Ngô Bảo Châu thành công cụ tuyên truyền của mình, hy vọng anh ta nói hộ những điều chúng ta nghĩ, chúng ta nói. Trở thành người nổi tiếng, Ngô Bảo Châu chỉ có con đường trở thành công cụ mà thôi, không phải công cụ của phe phái này thì cũng là công cụ của nhóm người khác. Cái hình ảnh lẫy lừng đấy đang sờ sờ trước mặt, không vơ lấy được mà dùng thì kể hơi phí. Chúng ta bực mình chẳng qua chỉ vì công cụ thì tồn tại mà lại không phục vụ cho lý tưởng đẹp của chúng ta. Trong khi đấy, ta lại quên mất là công cụ cũng là người, cũng biết suy nghĩ, cũng có lựa chọn, và cũng có con đường của mình. Trong khi công cụ này không tự nhận là lề trái hay lề phải thì một số người lại cứ vu cho anh ta là lề phải, chỉ bởi lý do duy nhất là anh ta không thuộc lề trái. Đúng là một tư tưởng nhị phân thảm hại, vi phạm mệnh đề 1. 

Để kết thúc cái luận điểm phi lý này, tôi xin nói nhỏ với các bạn rằng, theo quan điểm của các bạn, vô hình chung các ông CHHV, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, cũng như vân vân vô số những anh hùng khác của chúng ta cũng đang là công cụ của Nhà nước đấy. Công cụ xịn hẳn hoi, hình ảnh của họ bị lợi dụng để chứng minh là tất cả những ai vi phạm pháp luật (sic) sẽ bị lãnh những hậu quả nặng nề. Các "công cụ" này phát huy hiệu quả ra phết, không phải với chúng ta, mà là với những người dân không có điều kiện tiếp xúc với môi trường tranh luận tự do. Họ tin sái cổ Đảng có thể không tốt những vẫn là chế độ tối ưu trong hoàn cảnh hiện tại. Vì thế nếu công cụ Ngô Bảo Châu có bị đem ra xài một chút, nhưng gỡ gạc lại được là có một nơi đào tạo toán học cho người Việt Nam, thì cũng chẳng phải là chuyện gì xấu xa cả đâu. 

Luận điểm 3: Ngô Bảo Châu tham tiền, tham danh vọng, nhưng lại không muốn vác lên mình cái trách nhiệm của người trí thức chân chính mà nhờ có nó anh mới có tiền và danh vọng. 

Hê hê, nếu tự nhiên có ai đó cho tôi nhà triệu đô và đánh bóng hình ảnh của tôi trên truyền thông thì kể tôi cũng sợ thật. Tôi chẳng làm gì xứng đáng với những điều đó để dám nhận. Nhưng ở đây người nhận nhà lại là người khác. Anh là người Việt nam duy nhất đạt giải thưởng Fields vĩ đại. Anh là vinh quang của Việt nam, là điều làm chúng ta tự hào, cho chúng ta khí thế trên con đường giao lưu với thế giới. Có một căn nhà bé tẹo teo để vinh danh anh thì đã lấy gì làm to tát mà phải kêu ầm lên như thế. Cả thế giới ngưỡng mộ anh, nước Mỹ trải thảm đỏ để đón vĩ nhân vào làm giáo sư đại học Chicago. Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Không lẽ một căn nhà ấy là quá to so với tài năng của Ngô Bảo Châu? 

Phê phán giáo sư Châu trên phương diện này cho thấy cãi lõi đố kỵ và vô ơn trong chúng ta khá lớn. Khi có người đem lại vinh quang chung cho chúng ta, chúng ta đón nhận thản nhiên. Chúng ta dựng họ lên mây xanh, trao cho họ những trách nhiệm nặng nề và phi lý để… xứng đáng với sự trông đợi của chúng ta (sic, ai cần cái sự trông đợi ấy). Sau đó chỉ cần họ lỡ bước là tượng đài sụp đổ. Chúng ta quên rất nhanh, sẵn sàng xông vào chửi bới những người mà chỉ mới đây thôi là niềm tự hào, niềm tin tưởng. Bằng chứng hiển nhiên nhất là những gì xảy ra với bao nhiêu huấn luyện viên bóng đá nước ngoài đến Việt Nam. Khi họ đến, chúng ta trải thảm đỏ, chẳng ai phàn nàn sao mức lương họ cao thế, sao đãi ngộ họ lớn thế. Đến khi họ đi, hình ảnh của họ biến ngay thành những tên bất tài, lừa đảo. Chúng ta ăn xổi ở thì, cạn tàu ráo máng, hay yêu quá hóa rồ? Trong khi giáo sư Châu hay bất cứ một con người nào khác, cũng không thể có phép thần thông để vừa lòng tất cả mọi người. Họ cũng cần nhà để sống, cần tiền để tiêu, và cần ô tô để đi giảng bài. Không có những thứ đó, còn ai dám làm khoa học? còn ai dám tin con đường anh ta đi? Nếu tôi có con, tôi sẽ nói với nó rằng, con ơi đừng dại dì học nhiều, học đến như có giải thưởng quốc tế cũng chỉ có tiếng mà không có miếng. Đã thế ở Việt Nam lại bị phơi thân ra để cho xã hội chửi là trí thức mà không dám phản biện, nhục lắm con ạ. 

Nói cho đến cùng, cứ cho là Ngô Bảo Châu tham tiền tham nhà, chuyện đấy có gì là xấu? Tiền đấy, nhà đấy là kết quả của một cuộc trao đổi công bằng. Ngô Bảo Châu đem lại vinh quang cho Việt Nam. Việt Nam trao cho anh nhà và Viện toán học. Không lẽ chúng ta muốn Ngô Bảo Châu ép xác trên núi tuyết hay cắt thịt đùi cho chim ưng để đưa dân Việt nam ra khỏi bể khổ, thì mới phong cho anh danh hiệu trí thức. Mỗi người đều có quyền tự do mưu cầu hạnh phúc. Ngô Bảo Châu chẳng lừa ai để có nhà, chẳng giết ai để xây viện Toán, hà cớ gì lôi chuyện vật chất vào cuộc tranh luận thế nào là trí thức? Tôi cho rằng luận điểm này sai từ gốc bởi một quan điểm bắt rễ trong xã hội Việt nam rằng trí thức phải…. NGHÈO. Nói cách khác, nếu trí thức mà có của ăn của để, không chịu đem thân mình ra làm thịt cho đồng loại thì chỉ là trí thức dởm. Tuy nhiên vì bài viết này không phục vụ cho việc chứng minh quan điểm này nên chỉ dừng ở đây. 

Luận điểm 1 và 2: 

Thế nào là trí thức? và Ngô Bảo Châu có phải trí thức không? 

Ngô Bảo Châu đã có định nghĩa, và tôi cũng chia sẻ định nghĩa này của anh. Trí thức là người làm việc, lao động trí óc. Chấm hết. Chẳng có dấn thân, cũng chẳng có hy sinh gì. Theo định nghĩa này, Ngô Bảo Châu là trí thức. Định nghĩa này có thể sai với một số người, nhưng tôi chẳng thấy có lý do nào để nói nó sai cả. Xin đừng vì thế mà vu cho những người đồng quan điểm với định nghĩa này là người của lề phải. 

Với một số người khác, trí thức phải dám phản biện, phải dám dấn thân. 

Theo định nghĩa này thì Ngô Bảo Châu có thể là trí thức, có thể không. Lý do là vì anh Châu có phản biện, nhưng với một số người là chưa đủ, anh Châu cũng có dấn thân nhưng với một số người là dấn thân tẹo teo. Khổ nỗi chẳng ai biết phản biện thế nào là đúng, là đủ, dấn thân thế nào là nhiều là ít? Bên đối lập cứ giơ gương những người bất đồng chính kiến để làm ví dụ. Họ quên anh Châu chỉ quan tâm đến việc làm toán, không quan tâm đến chuyện làm chính trị. Lẽ đương nhiên nếu so sánh như thế thì Việt nam chẳng có nhiều trí thức, chỉ có một số ít đếm trên đầu ngón tay là những người đang ở trong tù và hoặc đang bị theo dõi. Trí thức ở Việt Nam bị cô lập, và trong hoàn cảnh đấy họ còn cố tình tự cô lập nhau bằng cái định nghĩa ngớ ngẩn: phải như thế này mới là trí thức. Đúng là giọng điệu của mấy ông Nho sỹ thời kỳ mất nước. Xã hội đa nguyên, một người trí thức hàng đầu vừa lên tiếng thì lập tức có một số lớn các ông trí thức tự phong nhao nhao hô hào ông này đếch phải trí thức theo định nghĩa của chúng tôi. Còn ai dám bước vào hàng ngũ của các anh nữa? 

Nói tóm lại, bài viết của tôi là để ủng hộ lời nói và việc làm của giáo sư Ngô Bảo Châu. Tôi biết là sẽ có rất nhiều người phản bác và có thể chửi bới tôi trên diễn đàn, nên tôi chẳng dại gì đưa tên thật ra. Tôi chẳng được lợi gì từ việc nhận comment chửi bới, cũng chẳng cần phải có vô số người ủng hộ. Tôi chỉ làm cái việc mà anh Châu đã ủng hộ là phản biện. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng. Điều này chẳng ảnh hưởng gì tới suy nghĩ thật của anh Châu, bởi vì tôi không phải là speaker của anh ấy. Tôi cũng bảo lưu quyền được phản đối anh Châu trong tương lai nếu sau này tôi thấy mình đã diễn giải sai quan điểm của anh. 

Để kết bài, tôi xin nhắc lại mệnh đề. Bản chất xã hội là đa nguyên. Lề phải thì ai cũng biết là gì, nhưng lề trái thì không phải là duy nhất. Đừng tự nhận vơ mình là lề trái duy nhất, để được độc quyền nó. Có rất nhiều lề trái. Lề trái của anh khác lề trái của tôi. Đừng vì khác nhau mà vu cho tôi thuộc lề phải. Đừng tự nhận là lề dân, bởi vì dân là tất cả chúng ta, nhưng cũng chẳng là ai cả. Cũng đừng cứ hơi tí là bắt người khác phải dấn thân, phải hy sinh. Dấn thân và hy sinh là quyền tự do của mỗi người. Lựa chọn của họ phụ thuộc vào chính họ. Không phải vì họ không dấn thân hy sinh theo cách mà chúng ta muốn, mà ngay lập tức họ biến thành cừu. 

"Mourir pour les idées, C’est bien beau, mais lesquelles? 
…..Mourez donc les premiers, nous vous cédons le pas 
Mais de grâce, morbleu! Laissez vivre les autres! 
La vie est à peu près leur seul luxe ici bas" 
theo lời một bài hát của G.Brassens. 



Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1