Chút lòng yêu nước từ sau... xin chừa - Dân Làm Báo 1

Chút lòng yêu nước từ sau... xin chừa

Lời dẫn của Nguyễn Thông: Tôi đã mấy lần gọi điện, hết nhẽ khuyên can, bảo Kim Anh đừng có đi biểu tình nữa, mọi việc đã có đảng, chính phủ lo rồi, mình làm sao khôn hơn đảng; thôi, cứ ở nhà mà nghiên cứu, dịch sách, trông cháu cho nó lành. Tôi cũng nhờ Hương Big nói với K,A vài tiếng, chả gì cũng phận đàn bà với nhau. Kim Anh bạn tôi, một tay nữ sĩ sừng sỏ, hàng chuyên gia số 1 về chữ cổ, rất đỗi dịu dàng tê lê phôn cho tôi, cám ơn tôi đã thay mặt nhà nước giác ngộ những người yêu nước. Bạn bảo rằng tớ chỉ mong cậu giữ được tấm lòng với đất nước như tớ, cậu đừng tự biến thành thằng Trung Quốc cư ngụ trên đất Việt nhé. Nhưng nghe lời cậu khuyên, tớ cũng ngoáy vài dòng “tự thú” này gửi cậu. Đọc xong, tôi nghĩ nếu không lưu lại nhật ký của mình, nữ sĩ sẽ cho mình là thằng Trung Quốc thật thì sao.

Sau đây là bài viết của Kim Anh:

Tôi đi biểu tình vì rất nhiều lý do:

Bởi không cầm được nước mắt khi vào những đêm mất ngủ, nhớ đến ông anh mới 17 tuổi đã ngã xuống ở chiến trường Đại Lộc, Quảng Nam trong chiến tranh chống Mỹ vào năm 1969, được đem chôn chỉ với mảnh quần đùi trên người vì quần áo phải lột ra để người sống mặc, tôi không muốn để một lần nữa, mảnh đất mà bao người VN trong đó có anh tôi hy sinh để giành lấy, lại rơi vào tay quân xâm lược.

Tôi đi bởi không thể quên tiếng khóc hờ chồng hằng đêm của người thiếu phụ sống gần nhà – vợ một sĩ quan QĐND VN hy sinh trên một cao điểm nơi biên giới vào năm 1979, khi TQ tấn công VN.

Tôi đi bởi tim tôi đau nhói trước hình ảnh những người lính Việt Nam cầm cờ đỏ sao vàng trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của VN, bị đạn trên tàu chiến Trung Quốc bắn xối xả gục chìm xuống khi không có khả năng kháng cự, cũng không thể trốn tránh vào đâu được giữa biển mênh mông nước vào năm 1988.

Tôi đi bởi nỗi phẫn uất khi thấy những người đàn ông ngư dân Việt vạm vỡ khỏe mạnh, đang đánh cá trên ngư trường quen thuộc ngàn đời của cha ông, bỗng phải bất lực ôm đầu ngồi dưới họng súng lính TQ, với lý do bị bắt vì xâm phạm chủ quyền lãnh hải Trung Hoa.

Tôi đi bởi văn hóa TQ lại đang lấn át, hàng giả hàng rởm của TQ đang tràn ngập thị trường VN… Bởi nhiều lắm những điều xấu đến từ phương Bắc.

Nỗi tức giận cứ dồn lên ứ nghẹn đã từ lâu nhưng khó bề giải tỏa, vậy nên khi biết có biểu tình chống TQ, tôi đã xuống đường. Khi hòa vào dòng người yêu nước, được nhìn những khẩu hiệu yêu nước, được nghe những tiếng hô vang với quyết tâm bảo vệ đât nước, tôi trào nước mắt và thấy lòng nhẹ nhõm.

Cũng như nhiều người khác hiện nay, tôi lúc nào cũng bận rộn, suốt ngày hết việc nọ đến việc kia vì cơm áo gạo tiền, chỉ có một chút thôi thời gian, một chút thôi tình cảm dành cho đất nước vào mấy sáng chủ nhật hiếm hoi vừa rồi, vậy mà tôi bị ngăn cản.

Lực cản đến từ nhiều phía, CA đến nhà, gia đình, bè bạn lo sợ khuyên can mắng mỏ, báo đài Hà Nội đua nhau buộc tội người biểu tình, lại còn có hẳn một ông PGS – TS kiêm nhà thơ (nghe qua mấy cái danh hiệu đã biết là đầu óc thuộc loại hổ lốn) nhân danh yêu nước chân chính để chụp mũ chúng tôi. Tất cả những điều đó khiến tôi buồn chán. Cổ nhân có câu “Có cứng mới đứng đầu gió”, tôi vốn không phải người cứng rắn.

Tối nay lại vừa bị ông bạn thân cho một bài choáng váng hết cả người. Buồn quá, thôi đành… “chút lòng yêu nước từ sau… xin chừa”[1], để nước cho mấy ông bà GS, PGS – TS kiêm nhà thơ nhà báo nhà văn nhạc sĩ họa sĩ ca sĩ v.v… yêu cho đúng cách, tôi là người dân thường, chỉ biết yêu nước bằng cách biểu tình. Giờ thấm mệt rồi, nghỉ thôi!

Đã bụng bảo dạ như vậy mà không hiểu sao cứ thấy uất nghẹn trong lòng.

Không thể chịu nổi, có lẽ sáng mai phải tìm một chỗ đất nào đó đào lấy cái lỗ mà … hô xuống đấy vậy!

Nghĩ đến đây tôi tự cho mình mơ mộng lạc quan một chút:

Biết đâu, từ cái hố ấy lại mọc lên một cây thông thẳng tắp vươn trên nền trời cao, ngày đêm reo vang trong gió:

DÂN LÀ DÂN NƯỚC, NƯỚC LÀ NƯỚC DÂN.

K.A

[1] Nhại Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du



Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1