Tiếp tục tranh cãi về vai trò trí thức - Dân Làm Báo 1

Tiếp tục tranh cãi về vai trò trí thức


BBC - Cư dân mạng tiếp tục tranh cãi sôi nổi về vai trò của giới trí thức trong xã hội Việt Nam sau bình luận của Giáo sư Ngô Bảo Châu. Hôm thứ Sáu 20/1, báo Tuổi Trẻ Cuối tuần đăng bài phỏng vấn Giáo sư Châu. Trong bài, vị giáo sư toán có chia sẻ một số ý kiến về vai trò của giới trí thức và phản biện xã hội.

Ý kiến của ông Ngô Bảo Châu đã gây phản ứng mạnh trên một số trang blog nhiều người đọc. 

Trong bài phỏng vấn trên Tuổi Trẻ, Giáo sư Châu nói ông phản đối việc "coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm 'trí thức'”. 

Ông nói: "Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc... Giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội". 

Giáo sư Châu cũng cảnh báo: "Những người có học, có tri thức thật ra cần phải rất tỉnh táo khi tham gia việc phản biện xã hội". 

Ông cho rằng "Trước khi lên tiếng về một vấn đề nào đó, người trí thức hơn ai hết cần phải hết sức ý thức về ảnh hưởng của nó". 

"Cá nhân tôi thường tránh bàn luận các vấn đề mà tôi không biết rõ. Tôi quan tâm nhiều hơn tới những lĩnh vực mà tôi có thể trực tiếp tham gia hành động thay vì chỉ nêu ý kiến." 

Tuy nhiên, ông Ngô Bảo Châu khẳng định "việc đưa ra các phản biện có lập luận chặt chẽ là những đóng góp lớn cho xã hội, cho đất nước của giới trí thức". 

"Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng." 

Những bình luận trên của vị giáo sư hiện đang giảng dạy tại Hoa Kỳ đã "khiến mạng Facebook sôi sùng sục", như nhận xét của blogger, nhà văn Nguyễn Quang Lập. 
Đóng góp xã hội 

Trên blog Quê Choa của mình, ông Lập viết: "Không thể nghĩ đơn giản: trí thức là người lao động trí óc". 

"Các nhà khoa học được coi là Trí thức hay không phải xét xem họ đã dấn thân trong cộng đồng và xã hội như thế nào, xưa nay đều thế cả." 

Nhà văn Nguyễn Quang Lập cũng bày tỏ quan ngại: "Phát biểu của Châu, dù vô tình đi chăng nữa, sẽ làm cho đám trí thức trùm chăn được thể vênh vang, tiếp tục trùm chăn kĩ hơn nữa, trong khi vẫn có cớ để dè bỉu và chỉ điểm những trí thức chân chính". 

Trực diện hơn nữa, một blogger khác - nhà văn, dịch giả Phạm Viết Đào, viết ra nhận xét của ông về một giới trí thức mà "phần lớn có thể xếp họ vào tầng lớp 'trí ngủ' , họ buông xuôi, họ làm ngơ, họ thờ ơ với thời cuộc, với vận mệnh đất nước". 

Ông Đào viết: "Trong lớp trí thức này được bổ sung thêm những thành phần kiểu như Giáo sư Ngô Bảo Châu". Ông cũng cho rằng việc nhà nước Việt Nam vinh danh Giáo sư Châu là "động thái chính trị hơn là một hành động thể chế hóa chính sách trọng dụng trí thức". 

Năm 2010, Giáo sư Ngô Bảo Châu được nhận giải thưởng danh giá - giải thưởng Fields, mà nhiều người coi như giải Nobel của toán học. 

Ông cũng gây chú ý qua một số bài viết trên mạng, như bài về vụ xử Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ, hay trang blog nói về thực trạng tự do ngôn luận, vốn bị chi phối bởi hiện tượng "lề trái, lề phải". 

Khi đó ông Châu viết "bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do.'' 

Cuộc tranh cãi về vai trò của trí thức trong đời sống xã hội Việt Nam gần đây nổi lên trên các diễn đàn mạng với nhiều ý kiến trái chiều.



Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1