Thư gửi anh Vũ Duy Thông - Dân Làm Báo 1

Thư gửi anh Vũ Duy Thông


Trần Nhương - Người ta biết đến anh ở những bài thơ 5 chữ ấy, chứ họ không biết anh làm chức vụ gì, vì thế nếu cứ ngỡ “Cái ghế” là vị thần cứu tinh cho danh giá của mình thì thật là nhầm lẫn, nhầm lẫn giữa cái “Đế”(gọi chệch đi một tí) với cái Đầu (Cũng là chữ Đ cả) thì thật là thảm hại...

*

TNc: Nhà thơ Trần Trương và Vũ Duy Thông đều là bạn đồng nghiệp của tôi. Cả hai ông đều hạ cánh cả rồi. Ông Trương hồi hưu về viết những bài thơ nhân tình thế thái. Ông Thông hồi hưu nhưng vẫn vung roi. Thế mới biết ở đời biết mình khó lắm thay.

Anh Thông thân mến! Vừa qua tôi có đọc bài viết của anh trên báo Hà Nội Mới *, tôi thấy cách thể hiện “Lòng yêu nước” của anh hơi quá mức so với trình độ, chức vụ cũng như học hàm học vị của anh. Sự “lên gân” và cách nói có thể là thiếu lễ độ ấy rất gây phản cảm cho bạn đọc. Cái oai của anh cũng chỉ là cái chức Vụ trưởng một thời mà thôi; ngày xưa biết bao vị công hầu, khanh tướng lúc về hưu cũng có bao giờ nói “mạnh” như anh đâu. Người ta biết đến anh ở những bài thơ 5 chữ ấy, chứ họ không biết anh làm chức vụ gì, vì thế nếu cứ ngỡ “Cái ghế” là vị thần cứu tinh cho danh giá của mình thì thật là nhầm lẫn, nhầm lẫn giữa cái “Đế”(gọi chệch đi một tí) với cái Đầu (Cũng là chữ Đ cả) thì thật là thảm hại.

Đến ngay ông Giám đốc Công an Hà Nội cũng bảo biểu tình là yêu nước, ông Phạm Quang Nghị, ông Nguyễn Thế Thảo cũng phát ngôn trước các nhà trí thức rất đàng hoàng, cởi mở, đúng mức và khiêm nhường, hèn chi anh mới ở cái chức “bạch mã ôn” mà đã lên gân quá. Không biết anh có nghe dư luận người ta nói về cái bài viết theo kiểu “bồi bút” của anh như thế nào không? Tôi cũng thấy có cái gì đấy ở cái giọng nói của anh đã đi quá bước chân của mình, và có ý coi thường những người tham gia biểu tình, và đặc biệt là các nhà trí thức vào loại bậc đàn anh nếu không muốn nói là bậc thầy của anh.

Nhiều người nói bóng, nói gió về anh, nhưng tôi chọn phương cách nói thẳng với anh để khỏi băn khoăn, vì dù sao tôi vẫn còn nhận ra rằng, có thể anh viết theo đơn đặt hàng hoặc vì một sự mưu sinh bức xúc nào đó. Anh hãy nhớ rằng khi xúc phạm đến danh dự của ai đó mà theo kiểu ”cả vú lấp miệng em” là rất không nên, dù người ấy là “Đại Giáo sư” đi nữa, chứ không phải mới chớm giáo sư như anh.

Tôi không là người bị anh xúc phạm, nhưng tôi thấy cái nguy hại ở bài báo anh viết trên HNM mang tính “răn đe” theo kiểu áp đặt thì chính cái lời lẽ phản cảm ấy có khi lại là mồi lửa đốt cháy cả cái ý đồ mà anh tưởng là “trong sáng” của anh.

Rất mong nhà “tập làm chính trị” Vũ Duy Thông hãy viết những câu thơ 5 chữ thật hay, đừng nhầm tưởng đứng cạnh “Ông to” lại ngỡ mình cũng TO, anh ạ.

Chúc anh mạnh khỏe bằng chính tinh thần của mình. Thân ái!



Dưới đây là bài viết của ông Vũ Duy Thông trên báo Hà Nội mới:

Cần nhận rõ những mưu đồ thâm độc

22/08/2011 06:40

(HNM) – Nhân dân ta có lòng nồng nàn yêu nước. Hàng nghìn năm nay, lòng yêu nước khi thấm sâu, khi sôi sục trở thành những dòng thác mạnh mẽ nhấn chìm những âm mưu thôn tính, xâm lược của kẻ thù để giữ vững độc lập, tự do cho đất nước.

Thể hiện lòng yêu nước có nhiều cách. Thể hiện bằng lời nói, bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả phù hợp với năng lực, và trong khuôn khổ pháp luật thì các hoạt động hô hào cũng là một cách nhưng lại không mang lại hiệu quả nhất. Không chỉ thế, những người có ý đồ xấu thường lợi dụng hình thức biểu tình, tụ tập đông người này (mà nhiều người tham gia thường nhẹ dạ, cả tin, không biết mình đang bị lợi dụng) để thực hiện những mưu đồ của họ.

Mưu đồ đó là gì? Cứ nói thẳng ra, đó là muốn mọi cố gắng về ngoại giao và các mặt khác của Đảng, Nhà nước bị thất bại, quan hệ Việt – Trung ngày một xấu đi, phải tăng cường mọi biện pháp tự vệ, ngân sách không còn được ưu tiên đầu tư cho xây dựng hòa bình, cho công cuộc phát triển và đời sống người dân ngày một khó khăn, xã hội rối ren… Âm mưu lâu dài, chiến lược của họ là cô lập và làm suy yếu đất nước ta, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, chống phá Đảng và Nhà nước ta, làm suy yếu để đi đến lật đổ chế độ.

Với mưu đồ như vậy nên khi UBND TP Hà Nội ra thông báo yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát trên địa bàn thành phố và áp dụng các biện pháp cần thiết đối với những người cố tình không chấp hành chủ trương trên, một số người và nhất là những người không thiện cảm với nước Việt Nam hiện nay, thông qua các phương tiện thông tin đã ra sức vu cáo, kích động người đọc. Họ còn hằn học và thâm hiểm khi chọn Hồ Gươm là địa bàn tụ tập gây mất trật tự công cộng với hy vọng chuyện bé xé ra to, tìm cớ tung những thông tin thất thiệt ra bên ngoài khi chủ trương của chính quyền được dư luận người dân trong và ngoài thành phố hưởng ứng, khi số người tham gia các hoạt động biểu tình, tụ tập đông người giảm đi rất nhiều do đã nhận rõ ý đồ xấu của một số kẻ chủ mưu.

Những hành vi vi phạm pháp luật của họ đã thất bại và trở nên lố bịch trong mắt mọi người. Sáng Chủ nhật 21-8, trong lúc nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, liên hoan văn nghệ của hàng nghìn người kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 diễn ra sôi nổi, một nhóm người đã mượn danh yêu nước, đứng ra hò hét, kích động và đã không nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân. Hành động vi phạm pháp luật, gây rối trật tự công cộng của họ đã bị các lực lượng chức năng xử lý trong sự đồng tình, ủng hộ của những người thật sự yêu nước, yêu chuộng hòa bình.

Lòng yêu nước chân chính là như Bác Hồ đã nói “Làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Lòng yêu nước chân chính là giữ vững được chủ quyền đất nước, bảo vệ và xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh như các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần phát biểu trước dư luận trong và ngoài nước.

Muốn thực hiện được những mục tiêu cao nhất đó, lòng yêu nước chủ yếu thể hiện ở việc làm trong lao động, học tập, nghiên cứu sáng tạo ở những cương vị khác nhau trong cuộc sống hằng ngày. Lòng yêu nước là hiểu và ủng hộ những việc làm của Đảng và Nhà nước ta trên các mặt trận chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hóa để đạt được các mục tiêu đề ra. Lòng yêu nước là không ngừng rèn luyện đạo đức, trí tuệ, thể lực để sẵn sàng “đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần” như bao lớp cha anh ta đã từng khắc sâu. Đó là lòng yêu nước, là truyền thống, là bản lĩnh của người Việt Nam tiếp nối từ hàng nghìn năm nay.

PGS.TS Vũ Duy Thông




Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1