Tác động của 'Mùa Xuân Miến Điện' - Dân Làm Báo 1

Tác động của 'Mùa Xuân Miến Điện'


Đoàn Xuân Lộc Những chuyển biến gần đây tại Miến Điện cho thấy một mùa xuân dân chủ đang thực sự bắt đầu tại đất nước này. Nếu tại các nước Bắc Phi - Ả Rập phong trào dân chủ được người dân khởi xướng thì tại Miến Điện tiến trình dân chủ lại được chính quyền chủ động tiến hành.

̣Mẹ đón con ra tù: Miến Điện bước vào một thời kỳ mới 

Kể từ khi cho tổ chức bầu cử, thiết lập một chính phủ dân sự thay thế chính quyền quân phiệt cách đây hơn một năm, giới lãnh đạo Miến Điện đã có nhiều thay đổi quan trọng.

Trong số đó có việc cởi trói báo chí, sửa đổi luật bầu cử cho phép đối lập tranh cử, thả hàng trăm tù nhân chính trị, đối thoại với bà Aung San Suu Kyi – lãnh đạo đảng Liên đoàn Dân tộc vì Dân chủ và là người giới quân nhân coi như kẻ thù và nhiều lần tìm cách loại ra khỏi chính trường. 

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ Washington Post hôm 17/03, Tổng thống Thein Sein nhấn mạnh rằng nước này sẽ tiếp tục con đường cải cách. Tuyên bố đó vừa để trấn an những ai còn nghi ngờ thiện chí của chính quyền Miến Điện (vì trước đây lãnh đạo nước này đã nhiều lần thất hứa), cũng vừa nhằm khẳng định tiến trình dân chủ của họ là đúng. 

Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Thein Sein cũng đề cập đến khả năng mời bà Suu Kyi tham gia chính phủ sau cuộc bầu cử bổ sung vào Quốc hội ngày 01/04 tới đây. 

Trả lời báo chí hôm 17/01, sau khi gặp bà Suu Kyi và quan chức chính phủ, ông Mitch McConnell – lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ và cũng là người luôn chủ trương trừng phạt chính quyền Miến Điện trước đây – đã nhấn mạnh rằng các cải cách tại Miến Điện là có thực. 

Điều gì đã khiến chính quyền Miến Điện chủ động thay đổi và đồng ý chia sẻ quyền lực? Khi tiến hành thay đổi như vậy họ được những gì? Và nếu thành công, tiến trình dân chủ tại Miến Điện có tác động, ý nghĩa gì đối vơi khu vực? Đó là những câu hỏi mà giới quan sát, nghiên cứu thường đặt ra khi theo dõi những diễn biến gần đây tại đất nước này. 

Tại sao thay đổi? 

Tại một lần tiếp xúc với giới báo chí hôm 15/01 – trong đó có Arnaud Vaulerin, thuộc nhật báo Pháp Libération, và nội dung của cuộc phỏng vấn được đăng trên báo này – khi được hỏi tại sao chính quyền Miến Điện cho tiến hành những cởi mở lúc này, bà Suu Kyi nêu ra hai yếu tố chính.

Thứ nhất, bà cho rằng những cải cách này xảy ra vì Tổng thống Thein Sein và những người có đầu óc cải cách khác trong chính phủ ý thức rằng đã đến lúc cần có những thay đổi tại Miến Điện. Việc ông Thein Sein lên nắm quyền là cơ hội cho những người có đầu óc cởi mở tiến hành những cải cách mà họ ý thức được từ lâu. 

Thứ hai, theo bà việc người dân Miến Điện rơi vào cảnh cơ cực, tuyệt vọng, phải vất vả kiếm sống và mong được sống như những con người thực sự cũng là một yếu tố quan trọng khác dẫn đến những thay đổi này. 

Ngoài ra, những biến động trên thế giới và các thay đổi tại khu vực trong thời gian qua chắc chắn cũng có những tác động không nhỏ buộc chính quyền Miến Điện phải thay đổi. 

Chẳng hạn, chứng kiến những kết cục thê thảm của các nhà độc tài Bắc Phi - Ả Rập – người thì bị truất phế, kẻ thì phải bỏ nước chạy trốn, người khác phải chết nhục nhã – chắc giới tướng lãnh Miến Điện cũng không muốn rơi vào tình trạng bi thảm tương tự. Hơn nữa, qua những biến động đó, chắc họ cũng nhận ra rằng, càng ham quyền cố vị, càng muốn độc tài nắm giữ quyền lực, họ càng dễ dàng mất nó. 

Nhìn sang Bắc Hàn, rồi so sánh nước này với các nước khác trong khu vực, chắc họ cũng nhận ra rằng tiếp tục độc tài toàn trị kiểu đó chỉ làm mình cô lập, lập dị và người dân nghèo đói, cơ cực. 

Nhiều năm phụ thuộc vào một mình Trung Quốc và cắt đứt với thế giới phương Tây dân chủ, tiến bộ, cuối cùng họ cũng biết tiếp tục con đường đó chỉ đưa đất nước tới ngõ cụt, không lối thoát. 

Hơn ai hết, sau nhiều thập niên cô lập, bị khinh rẻ, coi thường, bị trừng phạt vì các vi phạm nhân quyền, chắc giới tướng lãnh Miến Điện hiểu rõ cái giá của độc tài, toàn trị. Và vì vậy, họ buộc phải thay đổi nhằm để giúp họ chính danh tồn tại và người dân cũng được tự do, ấm no. 

Được nhiều hơn mất 

Bà Aung San Suu Kyi có cơ hội tham chính sau nhiều năm đấu tranh 

Đúng vậy, khi chấp nhận thay đổi, khi cho người dân tự do, khi đồng ý chia sẻ quyền lực, giới lãnh đạo Miến Điện không chỉ không mất quyền mà còn củng cố thêm quyền lực và uy tín, vị thế của họ được nâng cao. 

Dù trở thành viên của Asean từ 15 năm nay, Miến Điện chưa được một lần trao chức chủ tịch luân phiên của hiệp hội này. Và có lúc, họ bị các đối tác của Asean, như Liên minh châu Âu (EU), và thậm chí một số nước thành viên Asean chỉ trích, coi thường. 

Nhưng khi đồng ý cởi mở, Miến Điện đã được trao giữ chức chủ tịch Asean vào năm 2014. 

Trong nhiều năm, giới lãnh đạo, quan chức ngoại giao các nước phương Tây từ chối gặp mặt lãnh đạo, quan chức Miến Điện hay thậm chí đòi tẩy chay các hội nghị nếu có sự hiện diện lãnh đạo, quan chức ngang hàng từ Miến Điện. 

Những thay đổi gần đây đã mở đường cho Ngoại trưởng các nước Mỹ, Anh, Pháp tới thăm Miến Điện. Đây là lần đầu tiên sau hơn 50 năm, các quốc này có những chuyến thăm cấp cao như vậy tới Miến Điện. 

Không chỉ thế, Mỹ, EU, Úc cũng đồng ý nới lỏng, chấm dứt các biện pháp trừng phạt với chính quyền nước này, cũng như tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Miến Điện. 

Ngoài ra, với việc bỏ các biện pháp trừng phạt và thiệt lập quan hệ ngoại giao, giới đầu tư, các công ty lớn của Mỹ, châu Âu và nhiều nước khác sẽ vào làm ăn tại Miến Điện. Và như vậy, nền kinh thế của nước này sẽ được cải thiện, phát triển. 

Nhưng phần thưởng có ý nghĩa nhất mà giới cầm quyền Miến Điện mong đợi và thực sự đã có được từ những cởi mở gần đây là được chính người dân ủng hộ, tôn trọng và đặc biệt cộng đồng quốc tế thừa nhận, khen ngợi. Có thể nói, họ được nhiều hơn mất từ những thay đổi này. 

Nếu vì độc tài toàn trị, nếu cứ đàn áp, vi phạm nhân quyền, họ bị cộng động quốc tế ghét bỏ, người dân coi thường, thì những cố gắng dân chủ hóa của họ gần đây được thế giới ủng hộ, người dân cảm phục. 

Tổng thống Thein Sein đón bà Hillary Clinton đến thăm Miến Điện 

Chẳng hạn, sau khi tới thăm Miến Điện, thượng nghị sỹ Mitch McConnell – từng là một trong những người chỉ trích chính quyền Miến Điện gắt gao nhất – đã ca ngợi Tổng thống Thein Sein và coi ông là một nhà cải cách thực sự. 

Tác động khu vực 

Nếu Mùa Xuân Miến Điện thực sự đâm hoa, kết trái, chắc chắn nó không chỉ giúp đất nước này tươi đẹp, yên bình, ấm no, tự do hơn mà ít hay nhiều nó cũng lan tỏa và có tác động không nhỏ tới khu vực. 

Theo một bài viết của Ernest Z. Bower, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), tại Washington D.C, được đăng trên CSIS hôm 19/01, những thay đổi tại Miến Điện cũng có ý nghĩa với Asean. 

Vì theo chuyên gia này, kể từ khi gia nhập Asean vào năm 1997, Miến Điện làm cản đường bước tiến của Hiệp hội. Những cải cách gần đây của Miến Điện sẽ giúp Asean xây dựng một tổ chức kinh tế, an ninh vững mạnh. 

Và qua đó khuyến khích Trung Quốc cùng thỏa thuận thiết lập các nguyên tắc ứng xử chung về thương mại cũng như an ninh và hợp tác trong những vấn đề lớn như Biển Đông. 

Ngoài ra, theo Ernest Z. Bower, những cải cách ở Miến Điện cũng là một chỉ dấu về tiến trình dân chủ hóa ở Đông Nam Á. Nếu tiến trình này được tiếp tục, chắc chắn nó sẽ buộc chính phủ các nước trong khu vực gia tăng chống tham nhũng, đẩy mạnh các cải cách kinh tế, chính trị và tăng cường các cơ chế dân sự, và qua đó giúp thiết lập một cơ cấu quản lý công bằng và bền vững tại Đông Nam Á. 

Và cũng theo ông, nếu trong thập niên này các nước Asean tiến tới dân chủ hóa, có cơ cấu tổ chức, quản lý minh bạch và hiệu quả, chắc chắn Asean sẽ có ảnh hưởng lên Trung Quốc nhiều hơn kinh tế Trung Quốc tác động lên Asean. 

Đúng vậy, dù tiến trình dân chủ hóa tại Miến Điện được bắt đầu không giống như tại Tunisia, nhưng ít hay nhiều, nó cũng có sức lan tỏa, ảnh hưởng tới các nước khu vực khác như cuộc Cách mạng hoa Nhài của người dân Tunisia. 

Nếu cuối cùng tiến trình dân chủ hóa tại Miến Điện thành công, dù muốn hay không một số nước khác chưa có tự do, dân chủ trong khối ASEAN buộc phải suy nghĩ và dần dần phải dân chủ hóa. Và khi các nước Asean dân chủ, chắc chắn họ sẽ được sự ủng hộ của Mỹ và nhiều nước dân chủ khác trong khu vực. Và như vậy, tiếng nói của họ cũng có trọng lượng hơn, có uy thế trong quan hệ với Bắc Kinh.




Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1