Gửi Ngô Bảo Châu - Dân Làm Báo 1

Gửi Ngô Bảo Châu


Nguyễn Quang Lập - Trong bài: Giáo sư Ngô Bảo Châu:Bạn trẻ vẫn đầy niềm tin tương lai” , trả lời câu hỏi: “Giáo sư suy nghĩ thế nào về trách nhiệm phản biện xã hội của giới trí thức cũng như vai trò của giới trí thức trong xã hội?”, Ngô Bảo Châu nói: “Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”. Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “trí thức”? Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.” Mặc dầu anh có nói thêm: "Mặt khác, cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng.”, mạng FB vẫn sôi sùng sục.

Sáng 30 tết đáng lẽ nghỉ ngơi thư giản chút ít mà mình cứ bứt rứt không yên. Không thể nghĩ đơn giản: “trí thức là người lao động trí óc“, cũng như không thể nghĩ giản đơn con người là động vật biết tư duy. Muốn biết ai đó là con người hay không, CON NGƯỜI viết hoa ấy, phải xét xem anh ta đã sống như thế nào, tức là tư cách của anh ta. Sản phẩm làm ra của Châu - các công trình toán học của Châu, hoàn toàn xứng đáng giá trị của một nhà toán học, một nhà khoa học, nhưng không vì thế mà người ta coi Châu là trí thức đâu, TRÍ THỨC viết hoa ấy, Châu ạ. Các nhà khoa học được coi là TRÍ THỨC hay không phải xét xem họ đã dấn thân trong cộng đồng và xã hội như thế nào, xưa nay đều thế cả. 

Định viết bài nói lại với Châu nhưng nghĩ lại mình không viết nữa, dù sao tết cũng đến rồi. Mình đưa bài của Trần Minh Khôi, theo mình đây là bài viết hay, chí lý. Cũng như Châu, Khôi là người bạn mới quen của mình. Cũng như mình, Khôi rất quí mến Châu. Nhưng cũng như mình, Khôi muốn nhắn gửi tới Châu: Phát biểu của Châu, dù vô tình đi chăng nữa, sẽ làm cho đám trí thức trùm chăn được thể vênh vang, tiếp tục trùm chăn kĩ hơn nữa, trong khi vẫn có cớ để dè bĩu và chỉ điểm những trí thức chân chính. 


TRÁCH NHIỆM TRÍ THỨC 

Trần Minh Khôi

Đó là tựa đề của hai bài viết, cách nhau 45 năm, của Noam Chomsky bàn về trách nhiệm trí thức. 

Trong cuộc bầu chọn 100 trí thức đương đại có ảnh hưởng nhất trong không gian tư duy Anh Ngữ của hai tạp chí Prospect và Foreign Policy năm 2005, cái tên Noam Chomsky đứng đầu danh sách. Điều này tự nó xác tín thẩm quyền của ông về đề tài mà ông bàn đến. 

Trong bài đầu tiên, được viết năm 1967, khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang ở đỉnh điểm của sự tàn phá, Noam Chomsky lên tiếng cảnh báo giới hàn lâm và khoa học về thái độ khúm núm của họ trước quyền lực chính trị và những quyết định của chính quyền (Mỹ) liên quan đến cuộc chiến. Trách nhiệm của trí thức là nói lên sự thật và vạch trần dối trá của chính quyền, ông tuyên bố. Gần nửa thế sau, sự chính trực và thái độ không thỏa hiệp đó của Chomsky vẫn nguyên vẹn. Ông nhấn mạnh đến trách nhiệm đạo đức của trí thức trong việc dùng những đặc quyền và địa vị của mình để đấu tranh cho tình thương, cho hòa bình, công bằng, và tự do. Bài viết thứ hai này có thêm cái phụ đề “đặc quyền để thách thức nhà nước”. 

Thách thức quyền lực, và thách thức quyền lực chính trị, thuộc về truyền thống trí thức phương Tây; Socrates và Jesus, Tolstoy và Marx, Montesquieu và Roger Williams, Martin Luther và J.J. Rousseau, và đương nhiên Noam Chomsky và Richard Dawkins, Václav Havel, Christopher Hitchens, Jared Diamond, Salman Rushdie,…Nói đến trí thức là nói đến lòng dũng cảm và sự chính trực đối diện với quyền lực, dù đó là quyền lực nhà nước, quyền lực tôn giáo, hay quyền lực văn hóa và lịch sử. Trí thức do đó bao giờ cũng là sự đe dọa đối với các định chế quyền lực, ngay cả quyền lực hàn lâm. Điều này đưa một hệ luận trực tiếp là khi một người tự nguyện phục vụ quyền lực, hay chỉ mon men quyền lực, thì người đó cũng đã tự nguyện từ chối vị thế trí thức của mình. Trí thức không a dua với kẻ cầm quyền. 

Trí thức là một quy chuẩn giá trị, không phải là một quy chuẩn nghề nghiệp. Một người lao động trí óc chỉ là một một chuyên viên, một công chức, một học giả, một nhà khoa học. Dù thành quả lao động của anh ta lớn đến đâu, đẳng cấp chuyên môn của anh ta cao đến đâu, nhưng anh ta vẫn không phải là trí thức cho đến khi thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Trong xã hội công dân, trí thức trước hết thực hiện trách nhiệm công dân, nghĩa là trách nhiệm bảo bệ các quyền căn bản, và sau đó là trách nhiệm đạo đức đối với xã hội của một người được hưởng đặc quyền và địa vị. Trong những xã hội mà ở đó nền pháp quyền chưa đủ mạnh để chế tài quyền lực nhà nước, trí thức thực hiện trách nhiệm bảo vệ công lý và bảo vệ các quyền tự do trước sự bạo ngược của nhà nước.“Trí thức”, cũng như với những khái niệm khác như “tự do”, “quyền”, “dân chủ”,… khi đi vào không gian tư duy tiếng Việt, đã được gọt giũa lại cho phù hợp với cái tâm thức thần dân của nổi sợ hãi truyền thống trước quyền lực các loại. Đã có rất nhiều người bàn về khái niệm “trí thức”, về việc có hay không có một tầng lớp trí thức ở Việt Nam, về vai trò của trí thức đối với người cầm quyền và đối với quốc gia,… nhưng gần như không ai bàn đến quan hệ đối kháng giữa trí thức và quyền lực. Từ đó, “trí thức” bị đánh đồng với chuyên viên, học giả, công chức. “Trí thức” trong tiếng Việt không còn chứa đựng nội hàm của thái độ thách thức quyền lực như trong ý nghĩa nguyên thủy của nó. Điều này tự nhiên trong tiến trình chuyển tiếp từ một xã hội thần dân sang một xã hội công dân. Khi quyền lực nhà nước vẫn còn quá bạo ngược, sợ hãi để tồn tại, “tôi sợ”, tự nó cũng là quy chuẩn đạo đức đáng khâm phục. Nhưng tư biện loanh quanh để lẩn tránh sự sợ hãi, trong nhiều trường hợp là vô hình, như trường hợp với những người mà cuộc sống của họ ở ngoài sự kiểm soát của quyền lực, lại là thái độ hèn nhát, không xứng đáng với trách nhiệm trí thức. Và cũng như với tất cả sự hèn nhát khác, nó vô dụng. 

Tiến trình hình thành tầng lớp trí thức ở Việt Nam, nghĩa là tiến trình trả lại đầy đủ ý nghĩa của khái niệm “trí thức”, song hành với tiến trình xây dựng một xã hội công dân, giới hạn quyền lực nhà nước và bảo vệ các quyền tự do. Nó đòi hỏi lòng dũng cảm và chính trực. 

Trí thức, theo Chomsky, là một đặc quyền. Đặc quyền đưa đến cơ hội. Cơ hội đòi hỏi trách nhiệm. Và mỗi cá nhân có chọn lựa của mình, trong đó có chọn lựa trở thành trí thức. 






Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1