Giải phóng dân tộc, ô hô buồn quá chào mi - Dân Làm Báo 1

Giải phóng dân tộc, ô hô buồn quá chào mi


“Đầu lòng hai ả tố nga, 
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân. 
Kiều càng sắc sảo mặn mà, 
So bề tài sắc lại là phần hơn.” 

Nếu cuộc “Cách mạng giải phóng dân tộc” khỏi ách nô lệ ngoại bang và bóc lột phong kiến trên danh xưng đã thành công thì, trong thực tế, tình trạng xã hội Việt Nam dưới sự cai trị của chính quyền Cộng Sản ngày nay thì “so bề tàn khắc lại là phần hơn”.

Trưng dẫn bằng chứng chế độ hiện tại tức nhà nước CHXHCNVN tàn khắc hơn thời đất nước và dân tộc chưa được giải phóng, thiển nghĩ là việc “biết rồi khổ lắm, nói mãi” trong thời buổi Gu Gồ Yu Túp và điện thoại kỹ thuật số di động đa năng đa hiệu có mặt khắp mọi nơi, sẵn sàng bắt quả tang tại trận và truyền đi nhanh đúng như chớp (300.000km/giây) nhất cử nhất động của những tên tội phạm, đặc biệt với bọn tội phạm đội lốt nhân viên công lực, chức sắc chính quyền. Chỉ cần vào Gu Gồ oánh mấy chữ “tội ác của CSVN”, là có ngay những tài liệu bằng chữ và hình ảnh được cung cấp từ những bàn tay không nhận tiền văn nô.

Chẳng hạn như Công an đánh chết người vì không đội mũ bảo hiểm khi lái xe và ngay cả khi xe đã đừng lại gỡ mũ ra để nói điện thoại; cha bị đánh gãy cổ tại đồn CA do đích tay quan nhớn trung tá CA con tới xin đưa đi cấp cứu không cho còn bị dọa nạt. Chẳng hạn như Công an đạp vào mặt, giật cướp nón người yêu nước Việt Nam biểu tình bảo vệ tổ quốc rồi đưa vào tù không cần xét xử. Chẳng hạn như không cho vợ con gặp mặt chồng cha đang ở tù vì tội “trốn thuế”. Chẳng hạn khi người chồng là Đoàn Văn Vươn bị dí vào đường cùng vì bị tước đoạt công lao lấp biển qua bao nhiêu năm và bằng cái chết của người con gái, chống lại người nhà nước thi hành tư vụ, thì vợ và những người con không làm gì vẫn bị bắt đi và bị đánh đập dã man. Chẳng hạn như cảnh đầy dẫy dân bị chính quyền địa phương dùng vũ lục cưỡng chiếm nhà cửa đất đai kéo nhau về thủ đô kêu oan tháng này qua năm khác không được giải quyết lại bị săn đuổi đánh đập xúc lên xe như những tội nhân... Và vô số những cái “chẳng hạn như” khác, mà thời kỳ “đất nước ta chìm trong bóng dài phong kiến nô lệ” không tệ đến thế. 

Thực ra thì “so bề tàn khắc lại là phần hơn” của thời kỳ hậu cách mạng giải phóng dân tộc thành công không phải “nổi lên” mới đây vì máu tư bản đỏ bỏ đồng Rúp núp núp đồng Đô xông cao huyết áp làm mờ mắt, hay do cái háu ăn của anh háu đói lâu năm nay trở thành trọc phú - có người Việt lai Pháp gọi là “ô hô đồ thằng lơ nu vô (le nouveau)” - nhưng nó đã chiếm phần hơn cái “bề tàn khắc” từ lâu lắm rồi trong bóng tối, trước cả khi “trả ơn” mẹ Nguyễn Thị Năm (ảnh trái) tức bà Cát Hanh Long “là người đã che giấu và nuôi dưỡng các lãnh đạo cộng sản như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Lê Thanh Nghị, Lê Giản… trong thời gian ĐCS còn hoạt động bí mật. Trong “Tuần lễ vàng” bà đã đóng góp cho Việt Minh 100 lạng vàng. Hai con trai bà, ông Nguyễn Công và ông Nguyễn Hanh đều theo Việt Minh từ trước 1945. Khi CCRĐ được phát động, ông Nguyễn Công đang làm chính uỷ trung đoàn và ông Nguyễn Hanh là đại đội phó bộ đội thông tin.” (*) bằng loạt đạn khai hoả mở màn Giết: 

“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ, 
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong, 
Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng, 
Thờ Mao chủ tịch, thờ Sít-ta-lin … bất diệt.” (**) 

“Cách mạng gỉai phóng dân tộc” là tâm nguyện của mọi người Việt Nam khi xưa nghe sao mà trân qúy linh thiêng; lúc đó “giải phóng dân tộc”mới chỉ là trong kỳ vọng mà lòng người đã đầy tri ân. Nhưng bất hạnh thay cho dân Việt, “tránh được vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”. Đất Nước thoát khỏi “đêm dài nô lệ” lại đâm chầm vào bóng tối thăm thẳm đầy ác thực chứ không phải là ác mộng. “Đêm giữa ban ngày”, như tâm sự của con trai người bí thư riêng cho kẻ được cho là “cha già dân tộc”, lúc bé đã dạt dào hạnh phúc khi được ngủ với “bác Hồ”. Ngày nay nghe nhắc đến mà tội nghiệp và xấu hổ cho chuổi mỹ từ ấy, bị đẩy vào trong những cái ngoặc kép.

Những cái ngoặc kép như cỗ áo quan để chôn đi một thực thể “thà đừng sinh ra thì hơn” không phải do nạn nhân hay do“bọn xấu”, mà chính từ những kẻ có công không nhỏ cho cuộc “Cách mạng giải phóng dân tộc” đi đến thành công trên danh nghĩa, gọi là nhưng“nhà cách mạng lão thành phản tỉnh.

“Cách mạng giải phóng dân tộc”, ô hô buồn quá chào mi. 



________________________

Chú thích:
* Theo Nguyễn Minh Cần, cựu Phó Chủ Tịch TP. Hà Nội 
** Tố Hữu


Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1