Nghịch lý - Dân Làm Báo 1

Nghịch lý


Khổng Minh Dụ (CAND) - Cha tôi trở thành đảng viên cộng sản từ những năm cuối thập niên 40 của thế kỷ trước. Có một điều tôi chưa lý giải được về ông. Một nông dân chính hiệu, chữ nghĩa không có bao nhiêu, vậy mà sao ông lại thấm nhuần những điều cơ bản về học thuyết Mác - Lênnin sâu sắc như vậy. Hỏi về giai cấp và đấu tranh giai cấp, ông có thể nói tới hàng giờ đồng hồ; Hỏi về tiến trình phát triển của xã hội loài người, ông có thể giảng giải cả buổi.

Một lần, khi mới được kết nạp vào Đoàn thanh niên Lao động, đắn đo mãi tôi mới "liều mạng" hỏi ông: "Vì sao người ta lại nói chủ nghĩa xã hội là giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản? Hai chủ nghĩa ấy khác nhau ở chỗ nào?”. Ông trợn mắt nhìn tôi, ngỡ ngàng: "Tuổi con, chưa hiểu nổi đâu! Nhưng, đã là Đoàn viên rồi thì phải phấn đấu vào Đảng. Vì vậy, biết suy nghĩ và tìm hiểu như vậy là tốt. Về bản chất thì đó là một chế độ xã hội, nhưng chia thành 2 giai đoạn. 

Giai đoạn đầu là xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, rồi mới tiến lên xây dựng chế độ Cộng sản chủ nghĩa. Dù ở giai đoạn nào thì nó vẫn là một chế độ công bằng dân chủ (thời đó ông chưa biết thêm từ văn minh như ta thường nói bây giờ). Một xã hội không có bóc lột, người với người là bạn. Con người sống tử tế với nhau, không hận thù, mưu mẹo, thủ đoạn để chém giết, thôn tính lẫn nhau… Ở nước ta bây giờ mới đang ở thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Còn khác nhau là gì ư? Đó là lao động và hưởng thụ. 

Ở chế độ XHCN (kể cả thời kỳ quá độ) thì làm theo năng lực, hưởng theo năng lực (làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít). Sự công bằng là ở đấy. Còn, khi đã tiến lên Cộng sản chủ nghĩa thì lại khác, con người có thể làm theo năng lực, nhưng được hưởng theo nhu cầu. Vì trình độ giác ngộ của con người lúc đó rất cao, không có cảnh lười biếng dẫn tới nghèo khổ. Ngược lại, cũng sẽ không có mưu ma, chước quỷ vơ vét đầy túi tham như mấy ông chủ nhiệm hợp tác xã bị mất chức vừa rồi". 

Tôi như nuốt hết những lời cha tôi vừa nói và nguyện sẽ đi theo con đường ông đã chọn. 

Bây giờ thì cha tôi đã yên nghỉ ngàn thu nơi chín suối. Ông từ giã cõi đời này đã trên 20 năm. Và, kể từ khi ông phán những lời tâm huyết trên, tới nay vừa tròn nửa thế kỷ. Nếu có phép mầu cho ông trở về với hiện tại chắc ngoài niềm vui về sự phát triển của đất nước, ông sẽ không tránh khỏi nỗi đau buồn bởi những nghịch lý từ những lý thuyết kinh điển ông đã hấp thụ. 

Sự nghịch lý ghê sợ gấp trăm, gấp nghìn lần cái nghịch lý thời ông đã sống. Không ít kẻ đã lợi dụng chức, quyền và những sơ hở trong khâu quản lý kinh tế, đút vào cái túi tham hàng tỉ tới nhiều tỉ đồng. Mức hưởng thụ gấp hàng chục, hàng trăm lần năng lực của họ chứ phải đâu như mấy cái anh chủ nhiệm "gà què ăn quẩn cối xay". 

Nhắc lại chuyện xưa để nói tới chuyện hôm nay, nói tới cái nghịch lý của thời chúng ta đang sống. Cái nghịch lý mà nhiều người không ngờ tới, kể cả kẻ viết bài này. Xin nêu ra vài việc, có thể đã âm ỷ từ lâu, nhưng nó vừa phơi bày ra vào cái tháng "củ mật" của năm con Mèo này. 

Đầu tháng, rộ lên cái chuyện ở Tổng công ty Xăng dầu (Petrolimex), “lập lờ đánh lận”, chi sai nguyên tắc trên 500 tỉ đồng, nhưng lại gộp vào cái khoản lỗ để Nhà nước phải chịu. 

Giữa tháng lại lòi ra cái chuyện ở "xứ sở" ông Ngân hàng. Trọng tâm là chuyện tham ô, tham nhũng. Không nhắc lại làm chi những chuyện mà báo chí đã nêu… Nơi này thất thoát mấy chục tỉ, nơi kia biển thủ mấy nghìn cây vàng… mà chỉ xin nhắc lại có tính "thu gom" những vụ mất mát, tham nhũng điển hình của ngành Ngân hàng. Chỉ trong mấy năm thôi mà đã để thất thoát tới 8.000 tỉ đồng, giỏi lắm chỉ thu lại được 2.000 tỉ, mất toi 6.000 tỉ. Vậy mà lương bình quân của ngành này lại cao ngất ngưởng. 

Hai "tiếng sấm" trên còn đang âm ỷ, vang dền đây đó, thì những ngày cuối tháng lại dội lên "tiếng sét" của ngành điện - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Mấy hôm nay, một số báo cùng với việc đưa tin từ 20/12/2011, giá điện tăng thêm 5%, là các bài viết "ưu ái" dành cho EVN với những tít lớn, tít bé nghe đến lạ lùng, khó hiểu: "Sốc với lương ngành điện"; "Lương cán bộ tập đoàn gần 30 triệu đồng/tháng"; "Lãnh đạo EVN thu nhập bao nhiêu?". "Lương lãnh đạo hơn lương nhân viên hàng chục lần; Phân chia tiền lương bất hợp lý; Lỗ nặng, lương vẫn khủng; Thiếu tiền trả nợ, thừa tiền gửi ngân hàng lấy lãi; Thiếu tiền đầu tư, có tiền gửi ngân hàng; Hết năm, EVN lỗ 40.000 tỉ đồng…”. Đây là tin công khai trên báo, được kiểm định qua Kiểm toán Nhà nước, người nghe mà không động lòng, day dứt thì quả là thần kinh có vấn đề. 

Cái nghịch lý nằm im ỉm lâu nay, bây giờ mới lòi ra, đó là thu nhập bình quân toàn công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực VN là 13,7 triệu đồng/người/tháng. Lương bình quân khối văn phòng công ty mẹ xấp xỉ 30 triệu đồng/người/tháng. Theo hiểu biết của "thảo dân" thì cán bộ văn phòng là những người gián tiếp sản xuất. Lương hầu hết ở khối văn phòng các cơ quan đơn vị đều thấp bởi tính chất "bàn giấy" của nó. Hà cớ gì ở đây nó lại vống lên như vậy. Hẳn đây sẽ là tin buồn đối với các anh các chị công nhân đang ngày đêm giam thân dưới hầm máy hoặc phơi mình với nắng gió trên các cột cao thế ngút trời. Mà khối văn phòng của tập đoàn có ít đâu, nghe nói tới gần 400 người. Mỗi năm EVN phải chi lương cho khối này tới trên 140 tỉ đồng. Riêng lương của lãnh đạo tập đoàn, nghe nói thu nhập hàng tháng lên tới năm, sáu chục triệu đồng (không kể những khoản thu nhập khác). Thật là vô lý. Thật là nghịch lý đến lạ lùng. Cái "bệnh" này đã "nhuốm" từ lâu mà sao tới những ngày cùng tháng tận của năm con Mèo này mới rờ tới. Rờ tới 3 nơi đều có chuyện "động trời", với bao nghịch lý. Còn các địa chỉ khác thì sao? 

Đó là mới nói tới chuyện gian lận, tham nhũng, vô nguyên tắc... để thất thoát hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng của Nhà nước; cho tới việc lương, thưởng tùy tiện tạo sự bất công ngay trong nội bộ và toàn xã hội. Ấy là chưa nói tới chuyện lãng phí về nhân lực. Ở nhiều nước, bố trí nhân lực ở bất kể ngành nào, người ta tính rất chi ly, khoa học. Ví như ngành điện, để sản xuất 1MW - chỉ cần 2,5 tới 3 người. Còn ở ta thì sao? Phải tới trên 10 người. Bởi thế mà ngành điện Việt Nam mới có tới quân số xấp xỉ một vạn người. 

Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, quần chúng đều ngán ngẩm, đắng lòng mong đợi - mong đợi sự ra tay công tâm, kiên quyết của các cơ quan chức năng góp phần giảm thiểu những bất công, nghịch lý như trên.




Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1