Nếu vậy thì... còn gì cái đảng!? - Dân Làm Báo 1

Nếu vậy thì... còn gì cái đảng!?


Xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Phải trị những kẻ tham nhũng, tiêu cực 
Phải phát động cuộc chỉnh đốn thật sự, tập trung vào những người nắm trọng trách, lãnh đạo.

12 năm trước, tháng 2-1999, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII ra Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) “về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”. Nay Trung ương khóa XI lại bàn tiếp một nghị quyết có tên tương tự. Phải chăng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua chưa thực sự tạo chuyển biến, đẩy lùi được tình trạng suy thoái trong Đảng

Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn ông Vũ Quốc Hùng (ảnh), Ủy viên Trung ương khóa VII, VIII, IX, người tham gia từ đầu quá trình chuẩn bị cũng như triển khai Nghị quyết Trung ương 6 (2). Ông nói:

Ở năm đầu tiên của nhiệm kỳ mà Trung ương khóa XI đưa vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng ra bàn cho thấy tầm quan trọng của nội dung này. Tôi cho rằng quyết định như thế là đúng, trúng. 

Lâu nay ta thường dùng “một bộ phận không nhỏ” để mô tả về tình hình suy thoái trong đảng viên. Bộ phận ấy là nhiều hay ít thì phải có khảo sát, thống kê. Nhưng như cảm nhận của tôi và nhiều đảng viên, của người dân thì rõ ràng tiêu cực đã ở mức phổ biến, được nhìn thấy ở nhiều nơi. Thực trạng ấy, Đảng là lực lượng lãnh đạo duy nhất, phải nhận trách nhiệm về mình. Đấy là trách nhiệm của người cầm lái, chèo chống con thuyền cách mạng Việt Nam. 

Ngoài ra, quy luật là muốn giữ vai trò cầm quyền, Đảng phải luôn luôn đổi mới, có thế mới lấy được lòng dân. Cho nên, xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn là việc làm thường xuyên, không phải chờ phát bệnh mới chữa. 

Điều lạ lẫm đã trở thành bình thường 

. Vậy theo ông, tình hình 12 năm trước và hiện nay khác nhau như thế nào? 

+ Tôi nhớ, hồi đánh giá tình hình để chuẩn bị ra Nghị quyết Trung ương 6 (2), lãnh đạo Đảng rất lo lắng về sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống. Lo lắng lúc đấy là vì thấy tham nhũng, tiêu cực rất lạ lẫm; thái độ là không chấp nhận, không cam chịu, và niềm tin là có thể quyết liệt khắc phục, đẩy lùi được. 

Việc công khai xét xử đến nơi đến chốn các quan chức tham nhũng sẽ phục hồi lòng tin nơi dân. Trong ảnh: Xét xử một vụ tham nhũng tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD 

Còn tình hình hiện nay, như thể hiện trong các văn kiện Đảng, trong các báo cáo trước QH thì có vẻ chuyển sang một cấp độ mới: Tiêu cực, tham nhũng dường như đã trở thành thói quen, bình thường. Tham nhũng, tiêu cực thành dây, có chỗ dựa vững chắc. Đảng viên và quần chúng tiếp tục tức giận, bức bối, uất ức đấy nhưng dường như một bộ phận chuyển sang chán chường, chấp nhận “sống chung với lũ”, tặc lưỡi cho qua. 

Thế giới đang chứng kiến những cuộc cách mạng màu tại Bắc Phi, Trung Đông. Nhưng ở ta, tôi tin rằng chẳng lực lượng phản động bên ngoài nào lôi kéo được nhân dân chống lại chế độ. Có chăng, chính sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, quan liêu của đảng viên, nhất là lãnh đạo, mới đe dọa sự tồn vong của chế độ. 

Một thời sôi sục không khí phê và tự phê 

. Quay lại 12 năm trước, khi Đảng tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện tự phê bình - một nội dung của Nghị quyết Trung ương 6 (2), không khí chung thế nào, thưa ông? 

+ Cuộc vận động ấy được khởi động sau Hội nghị Trung ương 6 (2) của khóa VIII ba tháng, vào dịp 109 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 19-5-1999. Lúc ấy, ban, bộ, ngành, địa phương đều tiến hành phê bình, tự phê bình. Người đứng đầu phải tự phê bình trước anh em. Anh em đóng góp ý kiến mạnh dạn hơn, ngoài ra còn có gợi ý phê bình từ Ban Chỉ đạo Trung ương 6 (2), nên không tự giác cũng không được. Phái viên ban chỉ đạo là những người thẳng thắn, có nghiệp vụ, được cử về tham dự các cuộc phê - tự phê ấy. Không khí rất sôi nổi, tính chất lành mạnh chứ không đấu đá; không sợ vì phê - tự phê mà mất uy tín... 

Trong không khí chung ấy, bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương 6 (2) trở thành địa chỉ tin cậy của quần chúng. Rất nhiều thông tin đã được gửi tới, chúng tôi cử người, phối hợp với các bộ phận chức năng xác minh. Làm quyết liệt nhưng không manh động. Tất cả đều lập văn bản báo cáo Bộ Chính trị. Tinh thần là không có vùng cấm, không trừ một ai. Trước Điều lệ Đảng, trước pháp luật tất cả đều bình đẳng. 

. Tại sao không khí ấy về sau lại không được sôi sục như trước nữa? 

+ Sang khóa X, có đánh giá rằng việc phê - tự phê trong Đảng đã trở thành bình thường, đưa vào sinh hoạt hằng ngày của các cấp, các ngành. Các ban của Đảng đều có chức năng, nhiệm vụ gắn với xây dựng Đảng. Việc triển khai Nghị quyết Trung ương 6 (2) được giao cho các ban Đảng, như thế không cần bộ phận thường trực và Ban Chỉ đạo Trung ương 6 (2) nữa. 

Chúng tôi và ban chỉ đạo các tỉnh sau đó giải tán và dường như thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (2) được cụ thể hóa thông qua thực thi Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) và Nghị quyết Trung ương 3, dưới sự theo dõi đôn đốc của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN... Nhưng kết quả thì như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu ở Hội nghị Trung ương 4: “Các mặt khuyết điểm, yếu kém chưa khắc phục được bao nhiêu, có mặt còn phức tạp thêm, gây băn khoăn, lo lắng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”

Chỉnh đốn thực sự từ lãnh đạo cấp cao 

. Hội nghị Trung ương 4 này một lần nữa xác định những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, liệu có thổi luồng sinh khí mới vào cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã khởi động từ Hội nghị Trung ương 6 (2) khóa VIII, thưa ông? 

+ Tâm tư quần chúng giờ khác 12 năm trước nhiều. Nhưng tôi tiếp xúc cả thông tin nội bộ và bên ngoài, vẫn có niềm tin là Trung ương 4 khóa XI này sẽ thúc đẩy công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên một bước. Tôi tin trong hơn 170 ủy viên Trung ương, rất nhiều người có trách nhiệm trước dân tộc. Thứ nữa, nhân dân hiền hòa, vị tha nhưng cũng rất cách mạng, sẽ không cho phép những kẻ tham nhũng, tiêu cực hống hách, ngông nghênh mãi. 

Nhưng để có chuyển biến thực sự, phải phát động một cuộc chỉnh đốn thực sự, không dàn trải với 3 triệu đảng viên, mà tập trung vào những người nắm trọng trách, lãnh đạo. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi ý rất trúng: “Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là từng ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình; cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, tệ hại”

Qua lần gột rửa này, chỉ cần lãnh đạo công khai tài sản với dân, vài người thấy được khuyết điểm, sai sót của mình mà từ chức, chuyển đổi vị trí công tác, vài vụ việc lớn được đưa ra điều tra, xử lý, kết luận công khai thì chắc chắn sẽ phục hồi lòng tin nơi dân. Nhân dân ta rất vĩ đại, tin tưởng ở Đảng và sẵn lòng vị tha nếu Đảng tự biết, tự sửa khuyết điểm. 

. Xin cảm ơn ông. 

NGHĨA NHÂN thực hiện



Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1