Khi ta vô cảm - Dân Làm Báo 1

Khi ta vô cảm


Vũ Nhật Khuê (danlambao) Từ khi đoạn phim ngắn ngủi về một bé gái 2 tuổi bị xe tải 2 lần cán nằm bất động giữa sự thờ ơ của người qua lại ở Trung Quốc thì cả thế giới lên án hành động phi nhân này. Từ Âu sang Á, từ Mỹ qua Phi, từ Úc đến các miền hải đảo xa xôi, dù là người có internet hay đọc báo giấy, xem tivi hay nghe kể lại thì ai cũng bàng hoàng thảng thốt. Xót xa cho số phận của em bé gái đáng thương chúng ta lên án kẻ gây tai nạn và cũng nguyền rủa những kẻ vô tâm đi ngang qua chứng kiến cảnh đau lòng mà vẫn bỏ đi. Giật mình nhìn lại: chúng ta vẫn còn cảm giác người hay là đã là vô cảm phi nhân?

Không nói chuyện bên Tàu, bên Tây gì cho xa ngay giữa đường phố Sài Gòn người lâm nạn vì bị cướp giựt tiền té xuống do cố giữ túi tiền. Nạn nhân ngã xuống, tiền trong túi xách rơi lả tả. Thay vì cứu người bị nạn thì kẻ qua đường nhào vô hôi của lượm lấy tiền của nạn nhân. Chiếc xe tải chở dưa hấu bị tai nạn ở 1 tỉnh Bắc Miền Trung thì người đi đường tranh nhau vào cướp dưa hấu với vẻ mặt hân hoan rạng ngời. Hành động đó thua gì kẻ qua người lại trước số phận của em bé đáng thương ở Trung Quốc? 

Tôi có vô cảm và vì sao tôi dửng dưng? 

Cuộc sống này có lắm cảnh ngang trái. Chúng ta có cần lấy những việc riêng tư để biện minh cho hành động vô cảm của mình được chăng? Hay là chúng ta sợ liên lụy? Thời buổi mà vào đồn công an không chết cũng bị thương thì dính dáng tới mấy chuyện chứng cứ , thưa kiện, ra tòa mệt lắm. Nhắm mắt làm ngơ tự dối mình. Có thể là trước mắt không liên lụy đến bản thân nhưng liệu giấc ngủ và lương tâm có yên lặng khi hình ảnh bất công, trái ngang ấy tái diễn trong ký ức chúng ta. Điều gì xảy ra nếu ta vô cảm và dửng dưng với nạn nhân nhưng nạn nhân ấy lại là người thân của chúng ta? 

Tôi xin thuật lại cho các bạn câu chuyện có thật ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam vào cuối tháng 9.2011 đến nay vẫn còn xôn xao dư luận nơi này. 

Ông Nguyễn Trâm Anh ở Thôn Hà Mật xã Điện Phong huyện Điện Bàn đi ăn đám cưới về ngang qua Thị Trấn Nam Phước thấy một vụ tai nạn thương tâm. 3 thanh niên bị tai nạn nằm giãy dụa bên đường mà người dân đứng xa xa nhìn vào bởi họ sợ liên lụy. Ông Nguyễn Trâm Anh xuống xe và la những người đứng coi là sao không cứu người mà coi ngó cái gì. Trong đêm tối, ông thấy 2 anh thanh niên nằm bất động, và một anh thanh niên đang nằm giãy dụa trong vũng máu. Ông ôm vội thanh niên này kêu cấp cứu vào trung tâm y tế Huyện Duy Xuyên gần đó. 

Ông ôm chàng thanh niên tội nghiệp trong bóng đêm nhập nhoạng gần tối. Thấy cánh tay săn chắc và khổ người có vẻ lực sĩ ông nói sao anh này giống con trai tôi quá chừng. Và khi nhận ra rằng anh thanh niên đó chính là con ruột của mình thì ông Nguyễn Trâm Anh ngất xỉu luôn. Người nhà ông và cũng là nhân viên y tế huyện Duy Xuyên đưa con ông và 2 thanh niên kia đi cấp cứu. Nhưng đã quá muộn. Cả 3 đều chết, cái chết liên quan đến cảnh sát giao thông công an huyện Duy Xuyên. Phần ông Nguyễn Trâm Anh dù có đau lòng mất đi người con trai duy nhất đang là sinh viên năm thứ 3 Đại học Bách Khoa Đà Nẵng nhưng cũng có chút an ủi là con ông ra đi trong vòng tay của ông. Nếu ông Nguyễn Trâm Anh cũng vô cảm bỏ đi luôn vì sợ liên lụy thì chắc ông sẽ ân hận suốt quãng đời còn lại. 

Chúng tôi dừng lại đây để nói về tội ác của công an huyện Duy Xuyên và cái chết thuơng tâm của 3 sinh viên tội nghiệp nói trên. Sinh viên T. chở bạn cũng là sinh viên từ Duy Phước lên Thị Trấn Nam Phước có công chuyện. Vì họ không đội nón bảo hiểm nên cảnh sát giao thông huyện Duy Xuyên rượt theo để phạt tiền. Hai sinh viên nghèo sợ tốn tiền tắt đèn pha chạy trốn. Anh Nguyễn Đình Toàn con ông Nguyễn Trâm Anh vừa từ bệnh viện Duy Xuyên thăm bà nội mình nằm ở đây vừa ra, dù có nón bảo hiểm đi chậm nhưng cú tông xe của 2 sinh viên ngược chiều rất mạnh làm cả 3 đều chết . CSGT thấy tai nạn thì bỏ chạy luôn giữa chứng kiến hàng trăm người dân thị trấn Nam Phước. Đám tang của anh Nguyễn Đình Toàn là một đám tang lớn ở miền quê này. Nhiều bạn bè anh Toàn từ Đà Nẵng và Sài Gòn muốn qua công an huyện Duy Xuyên làm cho ra lẽ nhưng ông Nguyễn Trâm Anh quá đau lòng cho cái chết oan nghiệt của con mình buông xuôi tất cả. 

Nếu chúng ta vô cảm thì tội ác và bất công có thể đến với chúng ta bất cứ lúc nào. Hôm nay thì nạn nhân xấu số là người xa lạ nhưng mai này thì có thể là chúng ta và người thân của chúng ta. 

Chị Minh Hằng một người biểu tình yêu nước bị bắt đi ngay giữa thủ đô Hà Nội vừa qua sẽ ấm lòng nếu biết rằng bạn bè ngoài này vẫn đấu tranh cho chị mấy hôm nay. Anh Điếu Cày nếu còn sống cũng sẽ có chút an ủi là ngoài này người ta vẫn không quên anh. Chú Trương Văn Sương có về bên kia thế giới thì cũng mãn nguyện bởi còn nhiều người nhớ đến sự hi sinh của chú. 

Ngày nay nghe nói chuyện các ngư dân đánh cá Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt đòi tiền chuộc thì nhiều người cũng dửng dưng vô cảm. Coi như đó là chuyện ở đâu đâu, chuyện của người khác chứ còn mình ở Kiên Giang, Cà Mau, Daklak, Lào cai, Yên Bái... chẳng liên can gì thì cũng là một sự vô cảm. 

Thấy em bé thương tâm ở Trung Quốc bị nạn mà vô cảm là ta đã mất đi tình người, mất đi tình yêu đồng loại. 

Thấy ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt đánh và đòi tiền chuộc mà ta vô cảm thì ta đã mất đi tình yêu đồng bào và lòng ái quốc. 

Thấy chuyện bất bình mà nhắm mắt làm ngơ để tìm sự an phận thì ta đã là kẻ vô tâm trong kiếp người. 

Và còn nhiều nhiều lắm những vô cảm trên đường đời ta thấy mà cũng bắt gặp trong ta sự vô cảm ác tâm như vậy. 

Đất nước đang lâm nguy mất biển, mất đảo, mất rừng, mất tài nguyên mà ta vẫn cứ vô tâm mà sống an phận thì liệu có phải là một sự vô cảm với vận mệnh đất nước chăng? Đừng để cho nhân loại mỉa mai và khinh bỉ chúng ta là một người Việt Nam vô cảm đến khốn nạn. 




Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1