Những mùa xuân bị đánh cắp - Dân Làm Báo 1

Những mùa xuân bị đánh cắp


Trần Quốc Việt (danlambao) - Cách đây mấy ngàn năm Aesop từng nói đại ý rằng chúng ta treo cổ những tên trộm vặt và chọn những tên trộm lớn vào những chức vụ lãnh đạo. Bậc thầy ngụ ngôn này nếu sống đến ngày nay ở tại các nước cộng sản như Việt Nam hay Bắc Hàn sẽ thấy mình nói không đúng. Thực tế là chúng ta treo cổ những tên trộm vặt và để yên những tên trộm lớn trị vì trên số phận chúng ta. Và chúng ta không bao giờ bầu chúng lên, chúng ta chỉ là những nô lệ bị lịch sử ép duyên với tướng cướp Cộng sản...


*

Cựu thiếu tướng người Rumania Ion Mihai Pacepa là viên chức cao cấp nhất của khối cộng sản đào thoát sang Tây phương. Mới đây trong một bài viết ông kể ông đã từng nghe Nikita Khrushchev, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, nhiều lần nói to: "Nghĩa vụ của chúng ta là ăn cướp của bọn tư bản. Các đồng chí, đừng có nhướng mày lên như thế. Tôi cố ý dùng từ ăn cướp. Chúng ta có nghĩa vụ lịch sử ăn cướp của bọn tư bản." (1) 

Khrushchev đã nói toạc ra bản chất "nghĩa vụ lịch sử" mà những người tiền nhiệm của ông như Lê Nin và Stalin đã thực hiện bài bản đúng như tinh thần của bản Tuyên ngôn Cộng sản. 

Ăn cướp là chính sách quốc gia của các nước cộng sản xưa nay. Ông Pacepa viết như sau về chính sách ăn cướp ở Liên Xô: 

"Ăn cướp quả thực đã trở thành chính sách quốc gia vào ngày Liên Xô ra đời. Sau cách mạng 1917, Lê Nin sung công tất cả của cải của hoàng gia Nga, tịch thu đất của những người Nga giàu có, và quốc hữu hoá các ngành công nghiệp, nông nghiệp và ngân hàng Nga. Nhờ ép buộc các nông dân vào các nông trang tập thể, điện Kremlin đã ăn cướp ruộng đất, súc vật và các nông cụ của họ."(2) 

Ayn Rand, nhà văn người Mỹ gốc Nga, vào năm 1962 đã viết như sau về bao đau thương đổ nát khởi sinh từ chính sách ăn cướp của những tín đồ cộng sản Nga: 

"Làm sao tính hết được biết bao đau thương kiếp người, bao đớn hèn, bao mất mát và kinh hoàng gộp lại để trả chỉ riêng cho một nhà chọc trời được tán tụng nhiều ở Mạc tư khoa, hay trả cho những nhà máy hay các hầm mỏ hay các đập nước, hay cho bất kỳ phần nào của nền "công nghiệp hoá" dựa trên máu - và - của cải cướp được. Tuy nhiên, chúng ta thật sự biết được một điều, đó là bốn mươi lăm năm là khoảng thời gian dài: thời gian ấy trải dài qua hai thế hệ; chúng ta cũng thật sự biết, nhân danh sự ấm no sung túc như đã hứa, hai thế hệ kiếp người đã sống và chết như con vật trong cảnh nghèo khổ cùng cực.." (3) 

Và lịch sử đã lập lại gần đây ở Bắc Hàn qua vụ đợt đổi tiền trong năm 2009. Thực chất của vụ đổi tiền là cướp đoạt trắng tợn thành quả lao động của người dân khiến hàng loạt người tự tử vì tuyệt vọng hay mất nhà rồi lâm vào cảnh màn trời chiếu đất và chết bờ chết bụi. (4) 

Chúng ta hãy cùng nhau xem đoạn phim về một thiếu nữ Bắc Hàn quay vào tháng Sáu 2010. 


(người viết dịch lại những lời phụ đề trong phim) 

"Đây có phải là cỏ em cắt cho thỏ ăn?
Cỏ này em đem bán. 

Em bao nhiêu tuổi?
Hai mươi ba. 

Em ngủ ngoài trời?
Vâng. 

Em ăn gì?
Đâu có gì ăn. 

Cha mẹ em đâu?
Cha em chết rồi 

Thế mẹ em?
Mẹ em cũng chết rồi." 

Người thực hiện đoạn phim trên là một nhà báo dân báo người Bắc Hàn tên Kim Dong -cheol. Ông là một trong 10 phóng viên dân báo Bắc Hàn hoạt động bí mật trong lòng Bắc Hàn. Họ được tổ chức Asia Press, trụ sở tại Nhật, trang bị những máy quay phim cực nhỏ và các thẻ nhớ để viết bài, quay video, chụp hình, và sau đó tìm cách đưa thông tin ra khỏi Bắc Hàn. Phần thưởng họ nhận được là niềm vui giúp đất nước sớm thoát khỏi ách nô lệ. Còn hậu quả là một cái chết chắc chắn nếu họ bị bắt. Họ tin "nếu ta không làm gì cả, ta chỉ là nô lệ." (5) 

Ông Kim Dong-cheol cho biết thiếu nữ có xưng tên nhưng giọng nói của cô quá yếu nên ông không thể nghe rõ được. Ông sau đó biết thiếu nữ bất hạnh ấy đã chết vào ngày 20, tháng 10, 2010. Ông viết: 

"Nhà cửa không có, cô gái ấy phải lang thang khắp đâu đường xó chợ để ăn xin. Rồi một hôm người ta phát hiện cô gái nằm chết trên cánh đồng bắp. Lúc ấy đang vào dịp thu hoạch bắp, nên có lẽ cô gái đang cố tìm bắp sống để ăn ... Sau đó người ta khẳng định rằng đó là xác của cô gái vô gia cư 23 tuổi. Cô gái chết lâu rồi nên xác bắt đầu thối rửa. Nhưng công an vẫn để xác nằm ở đấy trong một thời gian dài."(6) 

Lịch sử Việt Nam dưới thời cộng sản cũng không phải ngoại lệ. 

Chính sách ăn cướp lộ rõ nhất là những đợt cải cách ruộng đất kinh hoàng, rồi đến những đợt ăn cướp đánh vào những người giàu có ở miền bắc sau 1954. Rồi đến những đợt đánh "tư sản mại bản" ở miền nam, chưa kể những lần đổi tiền và xua dân đi kinh tế mới để lấy nhà và tài sản của họ. Còn biết bao nhiêu vụ cướp ngày trắng trợn khác nhân danh ý thức hệ. Chính sách ăn cướp dưới bao nhiêu hình thức, bao nhiêu thủ đoạn, và qua đó gây ra biết bao nhiêu thảm cảnh cùng bi kịch không những chỉ cho quốc gia mà cho các cá nhân, xin mượn lời của Ayn Rand, là "vệt máu dài xuyên suốt lịch sử" của đảng Cộng sản Việt Nam. Vệt máu ấy vẫn còn kéo dài, vẫn còn tươi rói qua biết bao vụ cướp đất và tài sản nhân danh "quy hoạch" trong những năm gần đây, hay mới đây nhất qua vụ cướp trắng trợn tài sản và công sức của gia đình anh Đoàn Văn Vươn. 

Mùa xuân nào trọn vẹn và hạnh phúc trên bối cảnh đau khổ triền miên như thế của biết bao nhiêu nạn nhân bị cướp bóc từ xưa đến nay. Nhưng tàn ác nhất vẫn là vụ thảm sát vào mùa xuân Mậu Thân cướp đi sinh mạng hàng ngàn người. Họ bị giết tức tưởi bên xác pháo chưa kịp phai khi hoa mai chưa kịp rụng. Vụ thảm sát Mậu Thân đã đẩy lùi nền văn minh Việt vào thời tiền sử về mặt đạo đức. 

Cách đây mấy ngàn năm Aesop từng nói đại ý rằng chúng ta treo cổ những tên trộm vặt và chọn những tên trộm lớn vào những chức vụ lãnh đạo. Bậc thầy ngụ ngôn này nếu sống đến ngày nay ở tại các nước cộng sản như Việt Nam hay Bắc Hàn sẽ thấy mình nói không đúng. Thực tế là chúng ta treo cổ những tên trộm vặt và để yên những tên trộm lớn trị vì trên số phận chúng ta. Và chúng ta không bao giờ bầu chúng lên, chúng ta chỉ là những nô lệ bị lịch sử ép duyên với tướng cướp Cộng sản. 

Vệt máu ấy mỗi năm đều tiếp tục kéo dài bắt đầu vào đầu Xuân . 

Tài liệu tham khảo: 

(1)&(2) PJ Media

(3) Ayn Rand - Những kẻ xây tượng đài, Dân làm báo 13/1/2012 

(4)Asiapress, Rimjin-gang 

(5) Melanie Kirkpatrick, A free Press Stirs In North Korea 

(6) Như chú thích 4

YouTube - Videos from this email




Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1