Hãy tha thứ cho nàng vì nàng đẹp - Dân Làm Báo 1

Hãy tha thứ cho nàng vì nàng đẹp


Trần Vinh Dự - Thế nhưng, mặc dù các quan chức sử dụng bằng giả để tiến thân không được như cô diễn viên tên Nhàn (còn gọi là Lý Nhã Kỳ) ở cái điểm “vì nàng đẹp” nhưng vẫn được tha thứ và ung dung tại vị. Thế thì làm sao ông Nguyễn Văn Tình - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế - lại không bảo vệ Nhàn (Lý Nhã Kỳ) cho được. Hãy tha thứ cho nàng vì nàng đẹp, và vì nhiều quan chức khác to hơn nàng nhiều lần cũng vẫn dùng bằng giả đấy thôi.

*

Hãy tha thứ cho nàng vì nàng đẹp

Đó là một câu nói khá nổi tiếng. Không biết xuất xứ từ đâu, nhưng trong truyện “Hoa tầm xuân của mùa thu” đăng trong tập truyện ngắn “Các vĩ nhân tỉnh lẻ” của Dương Thu Hương có một đoạn đối đáp giữa nhân vật chính tên Thành với một họa sĩ về một cô gái làm mẫu như sau: 

“Thành: Người đàn bà có tên ở mọi chuyện dơ dáng trong thành phố. Thiếu mẫu sao mà anh thuê cô ta?” “Họa sĩ lớn cười khà khà: Tớ biết, tớ biết… Nhưng hãy tha thứ cho nàng, bởi vì nàng đẹp” 

Hãy tha thứ cho nàng 

Triết lý trong tiểu thuyết là vậy. Ngoài đời thì sao? Gần đây ở Việt Nam rộ lên nhiều chuyện xoay quanh một cô diễn viên tên là Trần Thị Thanh Nhàn (cô Nhàn có nghệ danh mang phong cách Trung Quốc là Lý Nhã Kỳ). Ngày 21/9 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao, và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3000/QĐ-BVHTTDL về việc bổ nhiệm cô Nhàn làm Đại sứ Du lịch Việt Nam. Ngay sau việc bổ nhiệm này, người ta phát hiện ra nhiều vấn đề, không hẳn là dơ dáng như cô người mẫu trong truyện của Dương Thu Hương, nhưng cũng không vui vẻ gì. 

Đầu tiên là việc có vẻ như cô Nhàn nói không thật về chuyện ai là bố cô. Trước đây, khi được hỏi về gia đình mình, cô cho biết cha cô là người Nga, gặp và yêu mẹ của cô trong những năm tháng ông sang công tác tại Vũng Tàu trong ngành dầu khí. Đến tháng 4/2010, cô tái khẳng định với báo Đất Việt: "Đúng là tôi có mang hai dòng máu Việt - Nga". Tuy nhiên, trong hồ sơ ứng cử chức vụ Đại sứ Du lịch Việt Nam, cô Nhàn khai cha cô là liệt sĩ, từng tham gia chiến đấu tại Rừng Sác, Cần Giờ. 

Tiếp đến là việc học hành của cô. Trong thông tin cung cấp cho báo chí trước đây, Cô Nhàn khẳng định, cô từng học ngành kinh tế tại Đại học Real ở Đức. Sau khi tốt nghiệp, cô trở về Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người đã kiểm chứng và tìm ra không có trường nào là Đại học Real ở Đức cả. Bị hỏi về vấn đề này, cô Nhàn giải thích tên đầy đủ của trường cô là Alexander Wiegand. "Trường tôi có slogan là 'Con người thật - Công việc thật - Hành động thật'. Sinh viên chúng tôi gọi tắt tên trường là REAL (nghĩa là 'thật'). Từ REAL được lấy từ ALEXANDER. 'ER' và 'AL' ở đầu và cuối được đảo ngược, ghép lại thành REAL". 

Ngay sau đó, báo chí và dư luận lại ồn ào vì chuyện khi đưa cụm từ "Alexander Wiegand" vào tìm kiếm trên Internet, kết quả cho thấy chỉ duy nhất có một địa chỉ liên quan đến trường học là Hundeausbildung Alexander Wiegand – là địa chỉ nuôi dạy chó, có trụ sở tại 99094 Erfurt - Hochheim, ở Hessen, Đức. Bị hỏi về chuyện này, cô Nhàn dựa vào Cục Hợp tác Quốc tế "Đó chính là ngôi trường tôi đã tốt nghiệp và được Bộ Văn hóa và Cục Hợp tác Quốc tế kiểm định, xác nhận. Nếu như lấy cái tên của trường tôi để tìm kiếm trên mạng rồi khẳng định đó là ngôi trường nuôi dạy động vật thì thật vô lý". 

Trong buổi họp tổng kết hoạt động 9 tháng đầu năm của Bộ Văn hóa, Thể thao, và Du lịch sáng 7/10 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tình - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế - đơn vị đề cử cô Nhàn, khẳng định ông đang cầm trong tay bản sao bằng đại học của Lý Nhã Kỳ. Tuy nhiên, khi phóng viên yêu cầu ông cho xem bản sao này, ông Tình trả lời: “Chúng tôi có bản sao nhưng do quy chế không yêu cầu có bằng đại học nên không có lý do gì để trình ra”. 

Không bằng lòng với câu trả lời của ông Tình, nhiều người tham dự cuộc họp báo cho rằng, có thể quy chế không yêu cầu Lý Nhã Kỳ có bằng đại học nhưng, nói như Vnexpress, một người nắm giữ trọng trách lại không trung thực là điều không thể chấp nhận và đòi phải có bằng chứng xác thực. Ông Tình nhấn mạnh: “Chúng tôi không có trách nhiệm để trả lời ở đây. Bằng cấp thế nào mời những người quan tâm lên gặp anh Hoàng ở Cục Xúc tiến Du lịch để xem”. 

Với sự bảo vệ của Bộ Văn hóa, Thể thao, và Du lịch, cô Nhàn vẫn giữ được chức Đại sứ Du lịch. Tuy nhiên dư luận chắc chắn vẫn chưa thể làm ngơ với cô và chủ đề này vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện trên báo chí trong thời gian tới. Câu hỏi đặt ra là tại sao Bộ Văn hóa, Thể thao, và Du lịch lại quyết tâm bảo vệ cô? 

Có phải vì “tớ biết, tớ biết… Nhưng hãy tha thứ cho nàng, bởi vì nàng đẹp”? Hay là vì một lý do nào khác? 

Có lẽ có một lý do khác ngoài câu chuyện “hãy tha thứ cho nàng, bởi vì nàng đẹp”. Đó là câu chuyện về sự phổ biến của bằng cấp giả và rởm trong xã hội. Nó phổ biến tới mức chuyện học vấn của cô Nhàn, nếu quả thật là chuyện giả, thì cũng không phải là chuyện lớn. 

Chuyện bằng giả thứ nhất 

Ngay tháng 9 vừa qua, dư luận trong nước cũng ồn ào chuyện ông Cao Minh Quang, đương kim thứ trưởng Bộ Y tế, khai man lý lịch bằng cách tự phong mình là tiến sĩ y khoa. Theo tờ Tiền Phong, trong các bản khai lý lịch, phiếu đảng viên, ông Cao Minh Quang tự khai và cam đoan rằng ông đạt học vị tiến sĩ. Theo đó, giai đoạn từ năm 1991-1994, ông là nghiên cứu sinh của Đại học Uppsala (Thụy Điển) và bảo vệ luận án tiến sĩ dược khoa tại đại học này. 

Báo Tiền Phong cho biết: Thực chất, qua tìm hiểu của chúng tôi thì ông Quang chỉ đạt chứng chỉ “Licentiatexamen”, cấp ngày 26-10-1994 của trường Uppsala, với tên đề tài: “Phytochemical and Pharmacological evaluation of Choerospandias axillaris, a Vietnamese medical plant used to treat burns” (tạm dịch: Đánh giá nguồn gốc hóa học và dược lý của Axit Laris choerospondias trong cây thuốc ở Việt Nam dùng điều trị bỏng). Căn cứ vào chứng chỉ này, ông Cao Minh Quang đã tự phong luôn học vị tiến sĩ dược cho mình. Học vị này luôn được ông in trong danh thiếp và trong các văn bản mà ông ký ban hành với vai trò cục trưởng, thứ trưởng. 

Sự thật về học vị tiến sĩ của Thứ trưởng Quang đã được cơ quan chức năng làm rõ. Ngày 9-9-2011, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), có văn bản 664/KTKĐCLGD-VB xác nhận tính hợp pháp bằng cấp của ông Cao Minh Quang như sau: Căn cứ vào thông tin trao đổi với Trường Đại học Uppsala, phía trường này đã khẳng định ông Cao Minh Quang, sinh ngày 6-6-1953, đạt chứng chỉ “Licentiatexamen” về nghiên cứu khoa học dược phẩm tự nhiên vào ngày 26-10-1994. Đây là chứng chỉ chứ không phải văn bằng. Theo quy định của trường Uppsala, chứng chỉ nói trên cần phải đạt được để tham dự khóa học tiến sĩ. 

Cũng theo báo Tiền Phong Ngày 13-9-2011, Cục An ninh Chính trị nội bộ (A83) thuộc Tổng cục An ninh II cũng xác định, trường đại học Uppsala Thụy Điển đã cấp chứng chỉ về nghiên cứu Khoa học Dược phẩm tự nhiên cho ông Cao Minh Quang, chứ không phải văn bằng. Chứng chỉ này cần đạt được để tham dự khóa học tiến sĩ. 

Mặc dù bị phanh phui câu chuyện khai man lý lịch như vậy, ông Cao Minh Quang hiện vẫn đang tại vị ở chức thứ trưởng Bộ Y tế.

Câu chuyện bằng giả thứ hai 

Trước đó không lâu là chuyện của ông Vũ Viết Ngoạn, đương kim chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia. Thông tin chính thức tính tới thời điểm này về ông Ngoạn trên website của Quốc hội vẫn cho biết trình độ học vấn của ông Ngoạn là tiến sĩ. Trong sơ yếu lý lịch trước đây được công bố, ông Vũ Viết Ngoạn là tiến sĩ tài chính Đại học La Salle. 

Theo Dân Trí, trả lời phóng viên về nghi vấn bằng giả của ông, ông Ngạn đã nói: “Tôi đăng ký và được cơ quan cử đi học vào cuối năm 1995 tại Trường La Salle (Hoa Kỳ) theo phương thức học từ xa. Năm 1996 trường đã xảy ra vụ bê bối do ông hiệu trưởng vi phạm quy định pháp luật, trong đó có việc quảng cáo sai về chất lượng đào tạo. Đầu năm 1997, trường được chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác và được cơ cấu lại. Trường có hội đồng quản trị mới và ban giám hiệu mới. Giai đoạn sau này trường hoạt động khá quy củ, nề nếp. Thời gian tôi đăng ký thi là vào năm 1997, 1998 và bảo vệ luận án vào cuối năm 1998.” 

Trên thực tế thì trường La Salle (ở Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania, Mỹ) là một trường đại học được chứng nhận về chất lượng (accredited), nhưng lại không có chương trình đào tạo tiến sĩ về tài chính mà chỉ có chương trình tiến sĩ về tâm lý trị liệu và về thực hành điều dưỡng. Một trường khác, hoàn toàn là giả, có địa chỉ ở Louisiana, nhái tên trường La Salle là LaSalle. Trường này hiện nay đã bị đóng cửa và đang được cảnh báo khắp nơi trên nước Mỹ bởi tổ chức Diploma Mill Police (Cảnh sát chống bằng giả).

Theo cuốn “Degree Mills: The Billion-Dollar Industry That Has Sold Over a Million Fake Diplomas” do Allen Ezell (chuyên viên FBI) và John Bear (chuyên gia tư vấn về bằng giả cho FBI), thì trong giai đoạn ông Ngoạn đi học ở LaSalle, trường này chỉ có một giáo viên duy nhất phục vụ cho 15,000 sinh viên. Cô này cũng có bằng đại học do chính trường LaSalle cấp, tức là cũng là bằng giả nốt.

Trường LaSalle sau đó bị đưa ra tòa, ba “sáng lập viên” của trường, gồm James Kirk (còn gọi là Thomas McPherson) và hai cộng sự bị truy tố. Kirk bị kết án 5 năm tù – mức cao nhất theo khung hình phạt của Mỹ. FBI đã thu hồi được 12 triệu USD từ “trường LaSalle” trong đó có 10 triệu USD là tiền mặt. Quan tòa của vụ này đã gửi thư tới tất cả các học viên và cựu học viên của LaSalle có tên trong cơ sở dữ liệu của trường để bất kỳ ai trong số này cũng có thể đăng ký nhận tiền về và trả lại bằng. Theo Allen Ezell và John Bear, chỉ có một số người đến trả bằng và nhận lại tiền.

Rõ ràng là ông Vũ Viết Ngoạn không nằm trong số này. Và dù ông có tuyên bố trên báo chí rằng “tôi học không vì tăng lương, tăng chức” thì ngay câu chuyện ông dùng từ “học” ở đây cũng không trung thực. Và khi ai cũng đã biết câu chuyện bằng giả của ông rồi, thì việc vẫn giữ cái học vị tiến sĩ trên các sơ yếu lý lịch chính thức như trên website của Quốc hội vẫn là một lời nói dối ngang ngược và là một sự sỉ nhục đối với tất cả những người từng tốt nghiệp tiến sĩ thực sự.
Ông Ngoạn hiện nay vẫn là đại biểu Quốc hội và là chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia. 

Câu chuyện bằng giả thứ ba 

Một vụ khác cũng gây xôn xao dư luận hồi năm ngoái, là câu chuyện của ông Nguyễn Ngọc Ân, giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ. Theo báo Dân Trí, Sự việc bắt đầu từ khi ban tổ chức hát Xoan tỉnh Phú Thọ giới thiệu ông Ân là “tiến sĩ” làm nhiều người ngỡ ngàng, vì trước đó ông Ân chỉ là cử nhân tại chức kinh tế quốc dân khóa 24 (lớp học được tổ chức tại thành phố Việt Trì). 

Ông Ân khẳng định trong thời gian làm tiến sĩ từ tháng 2/2007 đến 9/2009 tại trường Southern Pacific University (Mỹ), ông có sang trường đại học này để học hai đợt, mỗi đợt một tuần, được nghe giảng tiếng Anh qua phiên dịch sang tiếng Việt và ngay cả khi ông bảo vệ luận án cũng có người dịch cho ông từ đầu đến cuối. Ông cũng khẳng định ông tự học là chính thông qua tài liệu của trường đại học Southern Pacific University soạn bằng tiếng Việt và đĩa CD. Trường đại học Nam Thái Bình Dương cũng không yêu cầu những nghiên cứu sinh như ông Ân phải biết tiếng Anh, không phải thi nhập học mà chỉ cần gửi đề cương sang cho họ chỉnh sửa là được. 

Ông Ân cũng cho hay, luận án tiến sĩ quản trị kinh doanh của ông không có người hướng dẫn nhưng lại có tới ba người phản biện. Mặc dù là ông nói luận án tiến sĩ của ông là về quản trị kinh doanh, nhưng chủ đề của luận án lại là “vấn đề di sản văn hóa với việc phát triển kinh tế du lịch tỉnh Phú Thọ”. Trường Southern Pacific University nằm trong danh sách những trường giả (không được các tổ chức công nhận chất lượng có uy tín chứng nhận về chất lượng) trong danh sách “Bogus Institutions and Accrediting Bodies” của TransCript Research do Peggy Bell Hendrickson soạn. 

Mặc dù câu chuyện bị lộ tẩy như vậy, trao đổi với báo Sài Gòn Tiếp thị, ông Bùi Trung Thành, trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Phú Thọ, cho rằng “những thông tin trên khiến chúng tôi rất bất ngờ và không thể không quan tâm. Nhưng nó chưa đủ căn cứ để xem xét văn bằng này có hợp pháp hay không cũng như việc xử lý cán bộ”
Ông Thành cũng nói thêm “Tôi cho rằng, với cương vị hiện tại, ông Ân không nhất thiết phải có văn bằng tiến sĩ. Tất nhiên, chúng tôi hoan nghênh sự ham học hỏi của mọi cán bộ, trong đó có ông Ân.” Và với lập trường đó, ông Ân hiện nay vẫn tại vị.

Câu chuyện bằng giả thứ tư 

Hồi đầu năm nay, thế giới chứng kiến một trường hợp thú vị về bằng cấp ở Đức khi Bộ trưởng Quốc phòng Đức Karl-Theodor zu Guttenberg, phải từ chức ở tuổi 39 và trên đỉnh cao sự nghiệp khi người ta phát hiện ra ông đạo văn trong luận án tiến sĩ (thật) của mình. Trả lời báo chí khi từ chức, ông Karl-Theodor zu Guttenberg thừa nhận “đây là bước đi đau lòng nhất trong cả đời tôi, tôi luôn sẵn sàng chiến đấu, nhưng tôi phải thừa nhận là tôi đã đạt đến giới hạn” 

Đó là chuyện ở Đức, quay sang Mỹ, Tuổi Trẻ có làm một phóng sự điều tra hồi tháng 7/2010 về tình hình bằng giả dưới tiêu đề “Chợ bằng giả tại Mỹ”. Bài này có đề cập đến một vụ khá đình đám hồi năm 2003 về trường hợp bà Laura Callahan. Bà Laura Callahan khi đó là một vụ trưởng vụ thông tin (Chief Information Officer – CIO) của Bộ An ninh Nội địa Mỹ. Bà Laura Callahan tự nhận là có 3 bằng cấp, trong đó bằng cấp gần nhất là tiến sĩ lấy được từ một trường giả là Hamilton University có địa chỉ ở Wyoming. Bằng này đã giúp bà có được vị trí CIO trong Bộ An ninh Nội địa. Sau khi bị phát hiện, bà Laura Callahan ngay lập tức bị đình chỉ công tác và sang năm 2004 thì bà bị buộc phải từ chức. 

Thay cho lời kết 

Nhiều người khi bênh vực các “nạn nhân” bị báo chí phanh phui về câu chuyện bằng giả, bằng dởm thường lập luận rằng năng lực thực tế của các nạn nhân này mới là cái quan trọng chứ không phải câu chuyện bằng cấp. Cô Nhàn, ông Quang, ông Ngạn, hay ông Ân có thể có tài năng xứng đáng để làm việc ở chức vụ mà họ đang giữ. Tôi không phủ nhận chuyện ngay cả với nhiều người có bằng cấp thật cũng chưa chắc đã có năng lực tốt bằng những người chưa từng qua trường lớp. Bản thân tôi cũng có nhiều người bạn, người anh, người chị làm việc trong và ngoài bộ máy nhà nước chỉ có những bằng cấp vừa phải nhưng năng lực của họ đáng để nhiều người ngả mũ kính trọng. 

Thế nhưng, vấn đề ở đây không phải là có bằng cấp thật thì giỏi hơn hay kém hơn người không có bằng cấp. Vấn đề ở đây là (1) việc sử dụng các văn bằng giả và/hoặc dởm để thăng quan tiến chức và (2) về một mặt nào đó, hành vi này có tình cách lừa đảo, và nó thể hiện tư cách thật của họ. 

Báo Nhân Dân điện tử ngày 9/9 có đăng bài “Sử dụng bằng giả - Tội vi phạm chuẩn mực, đạo đức'' trong đó dẫn lời một cán bộ ngành điều tra Bộ Công an nói rằng “bằng giả thời nay loại nào cũng có. Nhiều trường hợp mua bằng tiến sĩ tận bên Mỹ đầu những năm 2000 mà không hay biết trường đại học này đã đóng cửa từ thập niên 90.Vậy mà những bằng tốt nghiệp kiểu ấy vẫn giúp họ thăng quan tiến chức.” 

Bài báo này cũng nhấn mạnh: “Lý do các cán bộ sử dụng các văn bằng giả này đơn giản là họ tự tạo cho mình cơ sở, điều kiện để cất nhắc. Những tấm bằng giả của không ít cán bộ, công chức đã bị công luận phanh phui và nhiều tấm bằng giả vẫn còn ‘ẩn mình’ đâu đó chưa bị phát hiện. Những cán bộ đã, đang sử dụng bằng giả làm phương tiện tiến thân đã ‘vi phạm đạo đức chuẩn mực xã hội’. ‘Tội’ đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của đội ngũ cán bộ của các cơ quan công quyền, nó trở thành một hiện tượng xã hội đáng lên án, làm ảnh hưởng đến những công chức chân chính, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.” 

Thế nhưng, mặc dù các quan chức sử dụng bằng giả để tiến thân không được như cô diễn viên tên Nhàn (còn gọi là Lý Nhã Kỳ) ở cái điểm “vì nàng đẹp” nhưng vẫn được tha thứ và ung dung tại vị. Thế thì làm sao ông Nguyễn Văn Tình - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế - lại không bảo vệ Nhàn (Lý Nhã Kỳ) cho được. 

Hãy tha thứ cho nàng vì nàng đẹp, và vì nhiều quan chức khác to hơn nàng nhiều lần cũng vẫn dùng bằng giả đấy thôi.





Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1