Phỏng vấn một tượng đài - Dân Làm Báo 1

Phỏng vấn một tượng đài


Liêu Thái (tienve.org) - Đây là cuộc phỏng vấn ngoài dự tính của một phóng viên không bao giờ có bài đăng ở các báo trong nước ở thể loại phỏng vấn nghiêm túc này. Bởi y quên mất một điều, trong một đất nước không chấp nhận sự thật, nói lên sự thật, hỏi về sự thật cũng đồng nghĩa với sự nguy hiểm và úp nồi gạo, lương thực không phải để phục vụ cho sự thật... trừ khi, y là... một tượng đài khác!

Phóng viên (PV): Thưa mẹ, mẹ có thấy vui khi mẹ được xây dựng thành tượng đài lớn nhất Đông Nam Á ? 

Tượng đài (TĐ): Thôi thôi, xí chuyện này nha, đừng gọi tui bằng mẹ, cứ gọi tui là tượng đài! 

PV: Dạ thưa, vì sao ... ạ? 

TĐ: À, vì tui là tượng đài, tui không thể là mẹ của các ông, càng không thể gọi tui là mẹ, các bà mẹ Việt Nam đều tốt bụng, đều mang cái bụng bao dung của mình dành cho con cái, cho đồng loại, không có bà mẹ nào nuốt trong bụng mình số bạc quá lớn như vậy được. Chỉ có tượng đài mới làm điều này thôi! 

PV: Có nghĩa là ... ? 

TĐ: Nghĩa với lý gì mấy ông! Phải nói thế này, tui là tượng đài, tui không liên quan gì đến các bà mẹ, tui được tô đắp, nhào nặn bởi một ít công thức hiện thực. 

PV: Dạ, không hiểu ạ, vui lòng nói rõ hơn? 

TĐ: Ồ, thế à, hoá ra các ông rất chậm tiêu, nhưng các ông lại nói rất nhiều. Các ông chậm tiêu bởi các ông ăn rất nhiều, ui dào! Thì công thức xây dựng tượng đài gồm năm hạn mục: hiện thực, khoa học, cơm, cá và gạo tẻ. Nghĩa là động cơ xây tượng đài phải mang chủ nghĩa tung hê, tung càng mạnh, càng cao thì càng có nhiều người hê theo mình, mà muốn có người hê theo thì cần phải biết ai hê, hê để làm gì và hê có lòi tiền ra không... Muốn vậy phải biết bưng bê, xu phụ và áp phe! 

PV: Xây dựng tượng đài là tri ân, tỏ lòng biết ơn với người xưa, sao lại dùng công thức này? 

TĐ: Ồ, cho tui hỏi ông có phải là người Việt Nam? 

PV: Dạ đúng, người Việt Nam chính hiệu! 

TĐ: Vậy thì sao còn hỏi những câu ngớ ngẩn thế này nhỉ! Ông sinh năm nào? Mà thôi, không cần trả lời, nhìn mặt ông cũng đủ biết ông chỉ mới ăn cơm một chuồng. Mà đã ăn cơm chuồng nào thì mùi cũng bốc ra từ chuồng đó. Tui muốn nhắc lại, ông không được phép gọi tui bằng mẹ, tui là tượng đài. Giá như các ông cứ gọi tui là tượng đài ngay từ đầu, đừng thêm chữ “mẹ” vào thì hay thật là hay! Đằng này bắt tui gánh thêm chữ “mẹ” này, nó vô duyên và giả dối vô cùng! Đừng bao giờ nói chuyện tri ân ở đây, đói thì cứ ăn, khát thì cứ uống, muốn chấm mút thì cứ xây tượng đài. Việt Nam có biết bao nhiêu bà mẹ đói khổ, những tượng đài của họ là bữa cơm, là con cá kho, là cái áo ấm, chứ không phải là cục đá tổ tướng và mấy cái câu sáo rỗng... Các ông giỏi lắm! 

PV: Vì sao? 

TĐ: Lại hỏi vì sao? Giỏi hỏi nhỉ! Tui đã nói rồi, tui được xây đắp để ca tụng chủ nghĩa, để rửa tiền một cách thông minh và để làm chỗ dựa cho nhiều cái bụng cần tiền. Để xây dựng nên tui, người ta thu gom nhiều mồ hôi cần lao của các bà mẹ, của tiền thuế, sau đó dùng một ít để đắp lên mặt mũi, tay chân, áo quần tui, số còn lại đắp lên thân thể của gái điếm, nhà báo, nhà đài, nhà quản lý và nhà xây dựng. Một tượng đài trong nhiều tượng đài. 

PV: Không hiểu ạ?! 

TĐ: Tui không mang hình ảnh chung hay cá tính của riêng ai. Ông cần phải hiểu rằng tui là tượng đài của tượng đài, vì tượng đài thật nằm trong ánh mắt, nếp nghĩ của những bà mẹ, những đứa con còn đang lưu lạc đâu đó trong cõi người, và hơn hết là nó nằm trong cái lạnh hiu hiu của cần lao nghèo khổ, nó muốn bứt thoát ra chính mình, nó muốn được bằng an và nói tiếng người một cách tự do và độ lượng. Nhưng tui được đắp ra không phải từ thứ đó, tụi hiện hữu với sứ mệnh dang rộng hai tay che chở cho nhiều dự án và nhiều tài khoản tâm linh đã bị sâu đục mấy chục năm nay. Với tui, như vậy cũng đủ rồi! Đừng gọi tui bằng mẹ, vì tui là tượng đài! 

PV: Nhưng mà là tượng đài một người mẹ! 

TĐ: Nè ông, ông bớt nhẫn tâm đi nhá, ông cần phải tôn trọng sự thật, dù điều này ông có thể không được phép nói ra, nhưng đó là sự thật. Ông cần phải hiểu rằng tui không muốn có mặt tui trong lúc này, và đặc biệt là không được phép có mặt bất cứ bà mẹ nào trong lúc này! 

PV: Vì sao? 

TĐ: Vì những bà mẹ hiện tại quanh tui đều quá nghèo khổ, quá khó khăn, họ làm tổn thương cái chủ nghĩa và cái chân lý tượng đài của tui! Tui là hiện thân của hoành tráng, giàu có và vĩ đại. Dù muốn hay không muốn, tui cũng phải là hiện thân của thứ này. Dù muốn hay không muốn, tui cũng là hiện thân của một niềm tin về điều này! Tui phải dang rộng cánh tay để bảo chứng điều này. Nếu không vậy, người ta không cần xây dựng tui, và nếu tui nói ra sự thật, người ta đập bỏ tui ngay tức khắc! 

PV: Sự thật nào? 

TĐ: Ông đang buồn ngủ lắm sao? Sự thật các bà mẹ Việt Nam dủ không muốn cũng phải làm anh hùng. Làm anh hùng bằng cách nào à? Bằng cách vui vẻ và im lặng, để người ta đẩy mình từ một người mẹ dịu dàng, mất mát, sang thù hận và anh hùng. Ông thử nghĩ có bà mẹ nào muốn đẩy đàn con mình vào chiến tranh, mất xác, để được làm “anh hùng”? Vô lý! Hết sức vô lý! Các ông đã cố gắng đẩy lòng thù hận lên đỉnh cao, gắn cho nó chữ “anh hùng” và biến thành tượng đài, sau đó thổi cho nó phình to ra, cao lên, làm một thứ biểu tượng của lòng thù hận nhưng có cái tên rất bao dung và thơm tho. Mẹ Việt Nam à? Cái này do các ông tự sướng với nhau thôi, tui là tượng đài, không có bất kì bà mẹ nào được phép bén mảng đến gần tui! Không ai được phép gọi tui bằng mẹ! 

PV: Vậy ... Bà là gì? 

TĐ: Tui được làm nên bởi mồ hôi, xương máu của nhân dân và ý tưởng khôn lanh của một số người khôn lanh, thế thôi! Các bà mẹ Việt Nam không được phép ăn mặc nhếch nhác đến gần tui, mà ở đất nước này, thì có đến hơn tám chục phần trăm bà mẹ nhếch nhác. Ngay cả cái bà mẹ Thứ, nếu bà mà sống dậy, bước đến gần tui, tui sẽ nuốt bà vào bụng ngay; bà không được phép sống lại, và ngay cả lúc còn sống, bà cũng bắt buộc phải sống theo nếp của tui cho đến lúc chết, vì bà được dùng để xây tượng đài. Vì tui là tượng đài. Tui mang sứ mệnh sừng-sững-như-tượng-đài! 

PV: Nếu gặp mẹ Thứ, bà sẽ nói gì? 

TĐ: Không nói gì cả, vì chắc chắn chuyện ấy không bao giờ xảy ra. Bà chưa kịp bước đến gần tui, đã có kẻ bắn hạ bà rồi! Bà đã làm làm anh hùng, đã nhúng chân vào lịch sử thì đửng hòng bước ra khỏi nó! Không riêng gì bà đâu, mà bất kì kẻ nào lỡ thành tượng đài rồi, thì đồng nghĩa với việc phải biến khỏi thế giới này để nhường chỗ cho tượng đài. Mà tượng đài, nếu không tô vẽ thì không còn là nó nữa, ngộ ra chưa? 

PV: Dạ, hơi ngộ rồi, cảm kích và xúc động quá! 



Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1