Hơn 20 ngôi mộ bị vùi lấp trong đêm - Dân Làm Báo 1

Hơn 20 ngôi mộ bị vùi lấp trong đêm


Sáng ra, người dân bất ngờ khi khoảng 20 ngôi mộ nằm trong nghĩa trang bị bùn đất vùi sâu tới 2 m. UBND xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) xác nhận "thủ phạm" là đơn vị thực hiện dự án nút giao thông Nam Thăng Long.

Nghĩa trang thôn Cáo Đỉnh, xã Xuân Đỉnh rộng khoảng 1.000 m2 nằm ở đầu Nam cầu Thăng Long, sát với đường Phạm Văn Đồng. Hiện 2/3 diện tích nơi này đã bị bùn đất vùi lấp. 

Do các ngôi mộ nằm cách mặt đường khoảng 2 m, nên theo ước của người dân, để san bằng với mặt đường Phạm Văn Đồng như hiện nay, người ta đã phải huy động hàng trăm chuyến xe tải chở bùn đất và lợi dụng đêm tối để đổ. 

Chiều 23/9, hàng chục công nhân của đơn vị thực hiện dự án chỉnh trang, mở rộng đường Nam Thăng Long đang dùng cuốc, xẻng đào bới để tìm những ngôi mộ phía dưới. Một số mộ cải táng xây dựng kiên cố dần được lộ thiên, những mộ khác vẫn bị phủ kín và được đánh dấu bằng cọc tre. 

Nhiều ngôi mộ bị vùi lấp được đánh dấu bằng những cọc tre. Ảnh: Phương Sơn.


Có mặt tại nghĩa trang thôn Cáo Đỉnh, khuôn mặt buồn rầu, cụ Điền cho biết, sáng 7/9 nghe người dân bàn tán về việc nhiều ngôi mộ nằm trong dự án chỉnh trang nút giao thông Nam Thăng Long bị vùi lấp, cụ vội vã ra kiểm tra và phát hoảng khi thấy hai ngôi mộ đất của gia đình đã biến mất, năm ngôi xây kiên cố bị vùi lấp một nửa. 

"Nhìn thấy mà đau xót quá, cứ nghĩ đến việc mồ mả tổ tiên nằm dưới đống bùn đất mà không đêm nào ngủ yên giấc. Người ta vẫn sống về mồ về mả, giờ đây mất mồ thì hỏi con cháu làm sao yên ổn được", cụ Điền nói. 

Theo cụ Điền, gia đình không đồng ý với giá đền bù di dời mộ là 3 triệu đồng với mộ đất và 5,3 triệu đồng với mộ xây. UBND xã chưa có cuộc họp để thỏa thuận về biện pháp di dời, giá cả và hỗ trợ khu nghĩa trang để di dời mộ đến thì đã xảy ra hiện tượng trên. 

Gia đình ông Nguyễn Văn Quý cũng có 4 ngôi mộ bị vùi lấp, giờ đây chỉ nhận biết bằng những cọc tre. "Chúng tôi còn chưa nhận được tiền đền bù về việc di dời mồ mả mà người ta đã đổ đất vùi lấp, thật quá sức chịu đựng", ông Quý nói.
Chiều 23/9 sau nhiều ngày bị vùi lấp, những ngôi mộ bằng bê tông đã dần lộ thiên. Ảnh: Phương Sơn.


Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Huân, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh xác nhận, sự việc trên xảy ra vào đêm 6/9, đơn vị thực hiện dự án cải tạo chỉnh trang nút giao thông Nam Thăng Long đã đổ đất, san lấp mặt bằng. 

Sau khi người dân phản ánh, UBND xã lập tức mời đơn vị thi công về làm việc và yêu cầu dừng thi công, khắc phục hậu quả bằng cách "dùng cuốc, xẻng, dùng tay đào đất chứ không được dùng máy ủi, máy xúc vì sẽ ảnh hưởng đến những phần mộ". Họ đang khẩn trương khắc phục. 

Ông Huân cho biết thêm, hiện nghĩa trang thôn Cáo Đỉnh nằm trong dự án cải tạo chỉnh trang nút giao thông Nam Thăng Long, chủ đầu tư là Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Trong văn bản bàn giao với UBND xã ngày 3/8 vừa qua có 38 ngôi mộ có hồ sơ biên bản kèm theo và 7 mộ bổ sung nằm trong dự án. 

Ngày 25/12/2010 và 25/7/2011, phía UBND xã đã thông báo tới những hộ dân có phần mộ thuộc dự án trên để lên kế hoạch di chuyển. Tuy nhiên, nhiều người dân không chấp thuận với giá đền bù, hỗ trợ của nhà nước nên hiện tại nhiều ngôi vẫn chưa được di dời. 

Tháng 8/2010 VnExpress từng phản ánh vụ 30 ngôi mộ thuộc khu nghĩa trang Đồng Trưa, thôn Ỷ La, Dương Nội, Hà Đông "mất tích" trong đêm bởi nạn đổ trộm phế thải. Đến 13/1/2011 sau quá trình điều tra, "thủ phạm" đổ trộm phế thải đã được đưa ra xét xử. 


Phương Sơn



Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1