Tòa án tối cao: đổi mới = y như cũ - Dân Làm Báo 1

Tòa án tối cao: đổi mới = y như cũ


Vũ Nhật Khuê (danlambao) Ngày 30.8 2011 ông Trương Tấn Sang đương là chủ tịch nước có buổi làm việc với Tòa án tối cao. Buổi làm việc ở ngay trụ sở Tòa án tối cao số 48 Lý Thường Kiệt - Hà Nội. Ngành tư pháp Việt Nam rất quan tâm đến buổi làm việc này. Hầu hết cán bộ chủ chốt của Tòa án Tối cao đều tham dự. Tòa án Tối cao dưới quyền của ông Chánh án Trương Hòa Bình, gốc Long An, cũng chẳng làm nên những đột biến nào. Vẫn là những bản án luôn bị kháng cáo, dân chúng rồng rắn kéo về thủ đô để kháng cáo, kêu cứu những bản án qua 2 lần xét xử sơ thẩm và phúc thẩm ở các địa phương. Riêng các vụ án chính trị dù được cho là xét xử "công khai" nhưng luôn có vấn đề.

Trong buổi làm việc sáng 30.8 ông Trương Tấn Sang cũng khen sơ qua "các thành tích" của ngành tòa án được báo cáo nhưng sau đó phần phê bình cũng không kém phần: nào là chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, án tồn đọng còn khá nhiều, chất lượng cán bộ tòa án còn yếu kém và còn thiều. Ông Trương chủ tịch đề nghị ông Trương chánh án khắc phục chuyện thiếu biên chế ngành. Nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ và quan trọng nhất là "xây dựng đảng trong ngành và không ngừng học tập tư tưởng HCM ".

Nói như vậy coi như là chuyện đổi mới ngành tòa án trở về với số không to tướng. Xây dựng đảng và học tập tư tưởng HCM thì quan trọng chuyện "hồng hơn chuyên". Tức là ngành tòa án vẫn không có được tự do trong cải cách tư pháp. Cán bộ thiếu cũng không được tự do tuyển công chức mà phải qua một quá trình tuyển lựa hết khó khăn. Sinh viên các trường luật ra trường thất nghiệp hàng ngàn nhưng không có cửa vào tòa án. Chỉ ưu tiên cho cán bộ lâu năm hay con em trong ngành. Dù cán bộ đó không có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cũng ưu tiên chọn trước.

Trong buổi làm việc với TATC này thì ông Trương chủ tịch cũng đặt vấn đề "trong sạch của ngành tòa án" với ông Trương chánh án. Nhưng không nêu ra cách giải quyết như tăng lương cho các quan tòa (thẩm phán và các hội thẩm). Ai cũng biết là hiện nay vì lương của thẩm phán quá bèo nên mới có chuyện là "chạy án"để giúp các thẩm phán "sống được ". Khi đó đương nhiên là có những quyết định của tòa án bẻ cong công lý. Vụ ly hôn của bà Đặng Thị Hoàng Yến ở tòa án tỉnh Long An, quê hương của ông Chánh án TATC, là một ví dụ về "nén bạc đâm toạt tờ giấy". Do phanh phui vụ án này mà nhà báo Hoàng Hùng đã trả giá bằng chính sinh mạng của anh. Bà Đặng Thị Hoàng Yến thì "yên bề "là một đại biểu quốc hội hiện nay.

Xây dựng đảng trong ngành tòa án vững mạnh có nghĩa là những vụ án cho là "án điểm" thì cũng đưa ra cuộc họp chi bộ của tòa án cấp đó xem xét trước và cho kết luận gọi là chỉ thị cho xét xử. Nghĩa là vụ án chưa được xét xử công khai nhưng được chỉ đạo từ cấp đảng ủy đó phải xử như thế này, như thế nọ. Và hoạt động xét xử coi như không còn độc lập. Những vụ án chính trị liên quan đến an ninh thì bản án đã có trước, xét xử chỉ có hình thức. Các phương cách đối phó đã được tính toán từ khâu tổ chức đến chọn thẩm phán, các hội thẩm kể cả các "quần chúng tự phát" cũng gắt gao. Cho dù đài báo, tivi nói là "xét xử công khai" nhưng không có một ai, người dân bình thường nào có thể tham gia những phiên tòa xét xử vì các điều luật 79, 80, 88 Bộ luật hình sự.

Bà Phương Nga phát ngôn của BNG thì luôn nhắc đến cụm từ "nhà nước pháp quyền" cũng chỉ để lòe thiên hạ mà thôi. Pháp quyền cũng dưới đảng quyền. Đảng nói A thắng trong vụ kiện dân sự này là A thắng, đảng bảo B đi tù 7 năm trong vụ án hình sự là B đi tù 7 năm. Đảng có chỉ thị hình sự hóa vụ hành chính hay dân sự này thì phải làm như vậy. Cải cách tư pháp, nhà nước pháp quyền chỉ là nói cho vui, cho dễ đi vay ODA vậy thôi chứ còn có làm theo hay thực hiện đúng các điều luật, các cam kết quốc tế thì cũng chờ xin ý kiến của... đảng.

Ông Trương chủ tịch rời trụ sở TATC cũng với đoàn xe còi hụ. Sau đó thì đâu cũng vào đó. Án tồn đọng cũng nhiều, án sai, án sửa càng chồng chất do cán bộ tòa án cấp dưới quá kém. Dân chúng từ 63 tỉnh thành lại ùn ùn kéo về 48 Lý Thường Kiệt kêu oan. Cải cánh tư pháp trở lại thời kỳ quá độ và nhà nước pháp quyền trở nên chuyện viễn tưởng xa vời. Những câu nói bất hủ của các nguyên chánh án TATC trước đây tuyên bố vẫn còn nguyên giá trị hiện thực của nó.




*

Chủ tịch nước làm việc với Tòa án nhân dân tối cao

7:07 PM, 30/08/2011

(Chinhphu.vn) - Sáng 30/8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm và làm việc với các cán bộ chủ chốt của Tòa án nhân dân tối cao.



Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với cán bộ chủ chốt Tòa án nhân dân tối cao.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, hoạt động của ngành Tòa án đã có những đổi mới, đồng bộ, tạo được kết quả rõ rệt trong công tác xét xử, xây dựng đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cho rằng vẫn còn một số tồn tại như chất lượng xét xử chưa đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp. Đội ngũ cán bộ tuy có tăng cả về số lượng và chất lượng nhưng nhìn chung vẫn còn thiếu và hạn chế; án tồn đọng tuy có giảm nhưng vẫn là vấn đề lớn, chưa thể giải quyết ngay được.

Chủ tịch nước đề nghị, ngành Tòa án tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết về công tác tư pháp và cải cách tư pháp. Tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử, triển khai đề án tổ chức tòa án sơ thẩm khu vực, cùng với đó chú trọng công tác tổng kết và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, hướng dẫn cho Tòa án cơ sở.

Chủ tịch nước lưu ý, ngành Tòa án cần khắc phục triệt để tình trạng thiếu biên chế ở một số Tòa án địa phương, làm tốt hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ các cấp để tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, xây dựng ngành trong sạch, vững mạnh.

Ngoài ra, cần chú ý công tác xây dựng Đảng trong toàn ngành, tiếp tục cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đồng thời tạo quyết tâm lớn để có sự chuyển động mạnh trong khóa này, góp phần thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Theo báo cáo của ngành Tòa án nhân dân, 8 tháng qua, toàn ngành đã giải quyết được hơn 224.000 vụ án các loại, đạt 79% tổng số vụ án đã thụ lý.

Tòa án các cấp đã làm tốt công tác hòa giải, với tỷ lệ hòa giải thành công chiếm 52% số vụ án dân sự đã giải quyết.

Hầu hết các vụ án được giải quyết, xét xử trong thời gian luật định, đã khắc phục khá tốt tình trạng để án quá thời hạn giải quyết.

An Huyền



Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1