Một ngụy quyền nữa ra đi - Dân Làm Báo 1

Một ngụy quyền nữa ra đi

Huỳnh Ngọc Chênh - Mấy hôm nay con gái út khóa bàn phím, không cho ba viết nữa. Chiều qua điện cho nó than thở, ba ở nhà một mình buồn quá cho ba viết lại đi chứ không ba lại đi nhậu hư hỏng. Nó động lòng bảo, đừng viết cái gì đụng đến chuyện yêu nước nhé. Tôi hứa, ba chỉ viết chuyện thế giới thôi mà. Nó đồng ý. Tôi cười bảo, viết xong rồi có cần gởi qua cho con duyệt trước khi đăng không. Nó phán, con tin ba. Thế là tôi lại kéo bàn phím ra gõ được hai bài.

Ngụy Quyền mà tôi muốn nói tức là những nhà cầm quyền độc tài nhưng núp dưới danh nghĩa dân chủ để lừa đảo nhân dân. Họ là nhà cầm quyền ngụy dân chủ, cướp chính quyên bằng bạo lực, hoặc mỵ dân để được bầu lên rồi sau khi nắm quyền lực lại lén lút chuyển qua chế độ độc tài nên gọi là ngụy quyền. Nó khác với những nhà cầm quyền dân chủ thật sự do nhân dân bầu lên thông qua bầu cử tự do.

Phần lớn những nhà cầm quyền ở Tây Á và Bắc phi là ngụy quyền.

Đã là ngụy quyền thì không thể nào tồn tại lâu dài, vì sự tồn tại của chúng dựa vào sự trấn áp nhân dân bằng những thủ đoạn vừa tàn bạo vừa đê hèn bất chấp luật pháp và đạo lý. Đến một mức nào đó thì bộ mặt thật của chúng không còn thể nào che đậy được nữa, bất bình lan rộng và nhân dân nổi lên

Cách mạng Hòa Lài là câu trả lời cho bọn ngụy quyền ở Bắc Phi và Tây Á*.

Bắt đầu với Zine El Abidine Ben Ali, Tổng thống độc tài của Cộng hòa Tunisia. Y lên nắm quyền lực từ năm 1987 rồi dùng mọi thủ đoạn để duy trì ghế tổng thống suốt trong 24 năm cho đến đầu năm 2011 bị nhân dân nổi dậy lật nhào.

Kế tiếp là Hosni Mubarak, làm Tổng thống Ai Cập từ 1981 và cũng dùng mọi thủ đoạn trấn áp và lừa mỵ nhân dân để kéo dài ngôi vị độc tài của mình trong suốt 30 năm. Bị nhân dân nổi dậy lật đổ vào tháng 2 năm 2011.

Và bây giờ đến lượt Muammar Gaddafi của Libya. Bằng một cuộc đảo chính quân sự lật đổ chế độ độc tài phong kiến vào năm 1969, Kadafi thay vì xây dựng một chế độ văn minh dân chủ, y lại lập ra một chế độ độc tài không giống ai núp dưới nhãn hiệu “Dân chủ nhân dân trực tiếp” và y làm vua trong chế độ quái dị đó. Triều đại của y kéo dài được 47 năm thì cách mạng hoa lài ập đến.

Khác với Ben Ali và Mubarak, khi nhân dân nổi dậy đến cao trào thì họ hiểu rằng không thể nào chống lại sức mạnh của nhân dân, họ từ bỏ quyền lực, Kadafi có súng đạn tiền nong và lính đánh thuê trong tay nên ra sức trấn áp nhân dân bằng những hành động vũ lực tàn bạo nhất mà quân đội y có thể làm được, kể cả việc dùng không quân ném bom vào đám đông biểu tình.

Trong thế giới văn minh ngày nay không thể có chuyện muốn bắt bớ, hành hạ và tàn sát dân mình thế nào thì cứ làm bất chấp luật pháp, đạo lý và công ước quốc tế. Thời đó đã qua rồi. Liên Hiệp Quốc đành phải can thiệp. Và chế độ ngụy quyền của Gadafi sụp đổ tan tành.

Đây là bài học cảnh báo cho bọn độc tài thối nát còn lại trên thế giới, không phải có súng đạn trong tay là có quyền tàn sát nhân dân mình như tàn sát heo bò để bảo vệ cái chế độ khốn nạn của mình.

Vấn đề còn lại của Lybia là phe nổi dậy sẽ thiết lập một nhà nước dân chủ thật sự hay lặp lại vết xe đổ của Kadafi.

-----------------------------

* Nên gọi là Tây Á thay vì theo thói quen gọi là Trung Đông theo kiểu gọi của người Tây phương. Từ góc độ Châu Âu, họ phân vùng đất phía đông của họ ra nhiều vùng theo mức độ gần xa đối với họ nên mới có các từ: Cận Đông (Thổ Nhĩ Kỳ), Trung Đông (Tây Á) và Viễn Đông (Đông Á). Chính thức Châu Á hiện nay phân làm bốn khu vực địa lý: Tây Á, Nam Á, Trung Á và Đông Á.

Huỳnh Ngọc Chênh


Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1