Cảm nhận của một sinh viên Huế về Hà Nội - Dân Làm Báo 1

Cảm nhận của một sinh viên Huế về Hà Nội

Một bài viết trên trang Dân Trí về Hà Nội, DLB đăng lại. Chắc mỗi chúng ta những ai đã từ đến và sinh sống ở Hà Nội hay là đã nghe qua sẽ có một cảm nhận riêng tư. Đến khi bài này được đăng lại thì hầu hết các ý kiến đều đồng ý với cảm nhận của bạn sinh viên đến từ Huế:

Hà Nội và… điều tôi trăn trở

(Dân trí) -Tôi là một sinh viên năm cuối ở Huế ra Hà Nội tham quan, trong chuyến đi tôi hồ hởi vì lần đầu được đi thăm Thủ đô. Sau thời gian đã đi rất nhiều nơi, biết được nhiều điều và hình như Hà Nội hơi khác với sự suy nghĩ, tưởng tượng của mình.

Hà Nội thật sầm uất với bao tòa nhà, công trình, đường sá… và cả con người! Bởi vì mật độ dân số ở đây rất cao, phố xá đông đúc, xe cộ tấp nập… Và đằng sau sự đồ sộ, sầm uất của Hà Nội tôi không khỏi chạnh lòng bởi những điều làm mất thẩm mỹ và thiện cảm đối với mọi người về một trong mười bảy Thủ đô lớn nhất thế giới này.

Đầu tiên theo tôi thấy thì thái độ chấp hành pháp luật, nhất là luật giao thông của một số người dân ở các quận, huyện vùng ven rất thấp. Tình trạng đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, chở quá người quy định… làm cho giao thông lộn xộn nguy hiểm cho mọi người, và điều ngạc nhiên nhất theo tôi thấy thì tỉ lệ người điều khiển xe máy tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm rất phổ biến, đứng quan sát và ghi hình khoảng 1 giờ thì tỉ lệ không đội mũ ở những nơi không có cảnh sát giao thông làm việc từ 50 đến 60%!

Đúng là Hà Nội quá lớn, mọi người hãy tự ý thức bảo vệ cho mình và làm đẹp hình ảnh đường phố.

Thêm vào đó là dịch vụ xe buýt – phương tiện quen thuộc và thuận lợi nhất cho người dân thì không an toàn nhất là đội ngũ tài xế và “lơ” xe rất nhiều người xem thường hành khách, họ làm việc vì nhiệm vụ chứ không kể đến cảm nhận của mọi người, lời ăn tiếng nói và cả hành động nhiều lúc không đứng đắn mặc dù xe buýt là phương tiện công cộng.

Thứ hai là thái độ ăn nói, cư xử của nhiều người, không biết có phải do tác động của cuộc sống xô bồ ở đô thị và sự xen cư, ảnh hưởng của văn hóa nhiều nơi, nhiều vùng mà những giá trị, nét đẹp của Hà Nội dần dần mất đi, tất nhiên chỉ là một bộ phận nhỏ nhưng làm mất thiện cảm đối với mọi người, nhất là du khách.

Từ nhỏ đến lớn tôi được nghe, được học nhiều về vẻ đẹp, lịch sự của người Hà Nội nhưng bây giờ đến đây tôi gặp người… Hà Nội rất ít! Hàng ngày tiếp xúc với các cơ quan, công sở với sự nhiệt tình, hồ hởi và lịch sự nhưng khi ra đường nhất là ở nơi công cộng như công viên, chợ, đường phố… chứng kiến nhiều hành vi bức xúc với những cử chỉ, lời nói chẳng giống công dân… “Thủ đô” tí nào. Sự chênh lệnh này thật sự quá lớn khiến ai cũng ngỡ ngàng.

Đây là chưa kể các bạn trẻ thế hệ trẻ 8X, 9X, và cả 0X với đủ trò từ ăn mặc, tóc tai nhìn chẳng giống ai đến nói tục, chửi thề rượt đuổi đánh nhau “tơi bời” cả nam lẫn nữ trong công viên hay trên đường phố, tôi cũng là 8X nhưng chẳng hiểu nổi một số bạn trẻ ngày nay nghĩ gì và được giáo dục như thế nào nữa.

Thứ ba đập vào mắt mọi người đó là các trụ điện với chằng chịt dây mà báo chí đã nhiều lần nhắc đến. Thật nguy hiểm bởi nhiều trụ điện trước mặt các ngôi nhà, trong khu chung cư dây điện cứ treo lủng lẳng trong khi bên dưới là các gian hàng, quán xá tấp nập người nhỏ kẻ lớn ra vào. Nguy cơ cháy nổ và đứt gãy do gió bão không thể lường trước được. Đứng nhìn thấy choáng cả mắt: công tơ, dây điện chằng chịt như vậy thì lưới nhện cũng…  không bằng, thôi thì tạm gọi là lưới… điện vậy!

Thứ tư là vấn đề bán hàng rong chủ yếu là thức ăn, nước uống và nghiêm trọng hơn với hành vi phân biệt “khách” và “nhà” làm mọi người té ngửa khi lỡ mua với giá… trên trời. Thậm chí đi vệ sinh công cộng cũng vậy, đa số là 2000đ/lượt nhưng một số nơi đi xong… 5000đ em ơi!!!

Và còn nhiều vấn đề nữa khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn, bởi vì Hà Nội là một thành phố lớn, văn minh với cơ sở hạ tầng, hệ thống di tích mang tính lịch sử và nhiều thắng cảnh ít địa phương nào có được nên hàng năm thu hút hàng triệu lượt người đến tham quan, làm việc, học tập… Hơn nữa Hà Nội là bộ mặt của cả nước, nên ngoài sự cố gắng của cơ quan, chính quyền thì mỗi một người dân hãy tự giác hành động để xứng với công dân Thủ đô nghìn năm tuổi.

Phạm Ngọc (Đại học Khoa học Huế)

http://dantri.com.vn/c202/s202-471625/ha-noi-va-dieu-toi-tran-tro.htm

*

Còn bạn thì sao? Nếu ai từ ở đây thì thấy thế nào?Những ai từng đến đây thì cảm nhận ra sao? Hà Nội thời nay lẽ nào chỉ thấy công an và an ninh chìm tràn ngập mọi hang cùng ngõ hẻm thôi sao?. Hà Nội bỏ lại phía sau thời xe đạp. Nón cối, dép râu, rau muống, phân bắc phân xanh thời bây giờ thì đồng chí không bằng đồng tiền. Lưu Quang Vũ đã thảng thốt kêu lên: « hết thời kỳ đồ đá chuyển sang thời kỳ đồ đồng. Hết thời kỳ đồ đồng chuyển sang thời đồ...đểu». Nhân xét này nghe ra rất... Hà Nội.



Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1