Khơi nguồn sáng tạo ở Việt Nam cần luật sư, không cần trường học - Dân Làm Báo 1

Khơi nguồn sáng tạo ở Việt Nam cần luật sư, không cần trường học


James Bao - Việt Nam cần nhiều luật sư về sở hữu trí tuệ hơn, và một hệ thống hành pháp mạnh mẽ. Nghe nhàm chán quá chăng? Có lẽ vậy, nhưng số liệu từ báo cáo 2011 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy đó có thể là con đường duy nhất để đưa Việt Nam từ một nhà sản xuất ở thế giới thứ ba lên vị trí kẻ cạnh tranh toàn cầu như Hàn Quốc. Vâng, việc này thậm chí còn cần được ưu tiên hơn việc xây dựng những ngôi trường mới.

Con Hổ châu Á hay con mèo nhân bản? (*)

Sự khác nhau giữa những Con Hổ châu Á (Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore) và phần còn lại của châu Á là gì? Là nếu bạn sáng chế ra cái gì đó ở một nước “Hổ”, bạn được đảm bảo một cách hợp lý rằng sáng chế của bạn sẽ không bị ăn cắp, không bị copy, nhờ có một đội quân luật sư, một hệ thống luật sở hữu trí tuệ hùng mạnh và nghiêm minh, và một cơ quan hành pháp (chính phủ) đầy hợp tác – sẽ phạt tiền hoặc tống giam bất cứ kẻ nào ăn cắp bí mật thương mại của bạn. Kết quả là, những Con Hổ thụ hưởng mức sống cao nhất trên thế giới và là nơi đóng trụ sở của những thương hiệu lớn như HTC, Samsung, HSBC, và LG.

Ngược với đó, bước chân vào Trung Quốc hay Việt Nam (hoặc nhiều nơi khác ở châu Á, khi nói về vấn đề này), và bạn sẽ thấy chẳng có gì là quan trọng. Một chuyến dạo chơi ở Trung tâm Sài Gòn sẽ cho bạn thấy những chiếc ví nhái Louis Vuitton, những balô nhái Northface, và, vâng, thậm chí cả giấy vệ sinh nhãn hiệu Google. Người ta hầu như không có khái niệm về thương hiệu bởi vì bất cứ cái gì cũng có thể bị copy. Các doanh nghiệp cạnh tranh bằng cách hạ giá xuống mức thấp nhất, làm ăn chụp giật và kém chất lượng. Ai trách họ được? Việc gì mà họ phải tốn thời gian vào việc xây dựng một thương hiệu có chất lượng, hoặc đổi mới sáng tạo, khi mà chỉ cần đợi và copy của thằng cha ở bên cạnh mà không phải chịu hậu quả gì cả. Kết quả là người tiêu dùng Việt Nam có nhu cầu mua hàng nước ngoài, còn các thương hiệu nội địa thì bị đẩy ra cạnh tranh ở dưới đáy, kiếm chút lợi nhuận ít ỏi (nguyên văn: razor thin margins, nghĩa là có lợi nhuận thì cũng không hơn nhau bao nhiêu – ND).

Đơn giản thôi: hãy bảo vệ ý tưởng cá nhân và người ta sẽ thấy việc sáng tạo, đổi mới là bõ công. Sáng tạo mang lại một nền kinh tế vững mạnh hơn. Không lạ khi 10 nước có mức sống cao nhất cũng là 10 nước có luật sở hữu trí tuệ và các cơ quan hành pháp nghiêm khắc nhất – theo báo cáo của WB, “Chỉ số Sở hữu Trí tuệ Toàn cầu Taylor Wessing và Kinh doanh 2011” (“Taylor Wessing Global Intellectual Property Index and Doing Business 2011”).

Bảo vệ sở hữu trí tuệ quan trọng hơn mở trường học

Chúng ta là Thế hệ Internet. Với dân số độ tuổi trung bình 26, Việt Nam đại diện cho thế hệ này hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Sài Gòn trẻ trung, thành thạo Internet, và tham lam. Họ có thể học đủ thứ từ khắp nơi. Stanford, Harvard, và Berkeley đều có những khóa học bằng hình trên mạng. Có những khóa học về các chủ đề trên web. Có vô số chuyện về những tay chơi (art major) trở thành ngôi sao về công nghệ (star developer) nhờ học được cách tạo mã trên mạng (code online).

Thế hệ Internet không phụ thuộc vào các trường học truyền thống như những thế hệ trước đây. Điều mà Thế hệ Internet ở Việt Nam cần nhất là một hệ thống bảo vệ ý tưởng và sáng tạo của họ. Họ cần có thể công khai sáng tạo và hợp tác với nhau mà không phải lo giữ gìn từng ý tưởng của mình một cách đầy đố kỵ.

Có những dấu hiệu mờ nhạt về việc xây dựng một cộng đồng các công ty công nghệ (**) ở Việt Nam, nhưng tôi sợ việc này có nguy cơ thất bại nếu hệ thống sở hữu trí tuệ không được sửa đổi và củng cố. Những năm trước mắt sẽ xác định Việt Nam vươn thành một Con Hổ châu Á hay sẽ chỉ là một con mèo nhân bản nữa.

James Bao là người đồng sáng lập, Giám đốc Điều hành của OneVietnam Network. Trước đây, James làm phân tích tài chính trong các lĩnh vực công nghệ, viễn thông và không gian truyền thông. James tốt nghiệp UC Berkeley ngành quản trị kinh doanh.

Người dịch: Thủy Trúc

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011


Người dịch chú thích:

(*) Nguyên văn: Asian Tiger or Copy Cat? Copy Cat là từ chỉ người bắt chước một cách mù quáng, cũng là tên con mèo nhân bản vô tính đầu tiên trên thế giới. Ở đây, tác giả chơi chữ với hai từ “hổ” và “mèo”.

(**) Nguyên văn: a start-up community. Từ “start-up” có nghĩa là “mới thành lập”, hoặc dùng để chỉ các công ty dot com, công ty công nghệ cao, dựa trên nền tảng sáng tạo và đổi mới về công nghệ.

http://basam.info/2011/03/27/415-kh%C6%A1i-ngu%E1%BB%93n-sang-t%E1%BA%A1o-%E1%BB%9F-vi%E1%BB%87t-nam-c%E1%BA%A7n-lu%E1%BA%ADt-s%C6%B0-khong-c%E1%BA%A7n-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-h%E1%BB%8Dc/



Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1