Beo ơi là Beo!? - Dân Làm Báo 1

Beo ơi là Beo!?

Da Vàng - Đứng trước một câu chuyện đẹp, lại đang diễn ra tại một đất nước vừa trải qua cơn bĩ cực thì có lẽ lý do duy nhất là BEO cảm thấy vui khi xoi mói nỗi đau của người khác và trong thâm tâm BEO không dám đối diện với cái đẹp, không muốn cho cái đẹp lên ngôi. Một người có đầy đủ bản lĩnh, có học thức, có địa vị như BEO lại có những nhận xét như vậy thật là hiếm trên thế gian này?

Hiện nay, dư luận trên mạng râm rang về chuyện: Hà Minh Thành là ai? Và viết bài với mục đích gì?

Trên blog Phạm Viết Đào có hẳn một entry dài đặt nghi vấn của một người nào đó về Hà Minh Thành và cũng được nhân vật tên Hà Minh Thành trả lời rành mạch từng câu hỏi một.

Trong mục Điểm Tin 27-3-2011 trên trang www.basam.info ngày 27.03.2011, Anh Ba Sàm cũng có đưa ra một số thông tin quan trọng về nhân vật này. Và Anh Ba Sàm không dành cho những thông tin này lời “bình loạn” nào.

Tất nhiên những thông tin này đều chưa được kiểm chứng thì Da Vàng Blog cũng không có “loạn bình” gì thêm.

Nhưng trong một khía cạnh khác, trên Blog BEO có một đoạn viết nhận xét về người Nhật và câu chuyện mà tác giả Hà Minh Thành đã kể, được nhiều blog và báo chí VN đăng tải. Đó là bài viết LƯỢM ƠI!, nguyên văn như sau:

“Tối qua, chat được với chú em học đại học Thủy lợi ra nhưng sang Nhật  đi móc cống dạng xuất khẩu lao động, mới dám viết entry này, khẳng định nghi ngờ của Beo là trúng bóc.

Nước Nhật sau thảm họa cũng đầy rẫy náo loạn tranh cướp nhưng truyền thông Nhật (theo lời nó) tuyệt nhiên chỉ đưa những hình ảnh đầy nhân văn, vừa trấn an dân chúng vừa gìn giữ hình ảnh về phẩm cách người Nhật, trước  thế giới. Đây mới chính là  bài vỡ lòng đáng học nhất của truyền thông Việt, trước các sự kiện lớn.

Dễ cũng cả tuần rồi, chưa thấy ai đủ dũng cảm nói ra sự thật đã bị mắc lỡm thế nào trong vụ LƯỢM mới nhất, bài Cậu bé Nhật và sự hy sinh của blogger Hà Minh Thành”.

- Nhậu xong không xỉn biên tiếp.

- Bài này không biên tiếp, theo yêu cầu của mụ Hổ, một người bạn chung giữa Beo và Hà Minh Thành

(Hết trích)

Đọc bài viết trên đây, có thể thấy rằng BEO đúng là một nhà báo kỳ cựu nhưng nhìn đâu cũng thấy toàn “màu đen”, đen như chính trái tim mình.

Trong khi cả thế giới đang hướng về Nhật Bản với một sự cảm thông sâu sắc. Những hành động lớn nhỏ của Chính phủ và người dân Nhật Bản đang chống chọi trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên được nhiều người (không riêng gì Việt Nam) thán phục. Sự bình tĩnh, trật tự, chia sẻ, đùm bọc nhau trong cơn hoạn nạn của nhiều người trong cảnh màn trời chiếu đất đã làm xúc động biết bao trái tim. Có lẽ hành động của 50 con người, vì sự an toàn của các lò phản ứng hạt nhân, vì sự sống còn của mọi người trước nguy cơ rò rỉ hạt nhân, nguy cơ nổ lò phản ứng được ví như những người anh hùng dám “đi vào cõi chết” là rất hiếm gặp trong thế giới hiện đại với lợi ích cá nhân được đặt lên hàng đầu, …

Chừng ấy cũng chưa đủ làm cho BEO tin rằng có những điều kỳ diệu ở đất nước mặt trời mọc. Do đó, với bản lĩnh của một nhà báo kỳ cựu, BEO không ngần ngại đặt nghi vấn: Những hình ảnh trên đều là giả tạo?

Thông qua một người quen mà BEO “trân trọng” giới thiệu làm nghề MÓC CỐNG  ở Nhật, BEO đã biết được có một hình ảnh khác ở Nhật Bản, đó là cảnh náo loạn, tranh cướp đầy rẫy. Đồng thời cũng cho rằng đây là bài học cho truyền thông Việt Nam trước những sự kiện lớn.

Quả thật, phát hiện của BEO rất đáng quan tâm. Tuy nhiên với một đất nước tự do và phát triển như Nhật Bản, nhất là trong lúc nguy cấp, khi mọi con mắt của cả thế giới đang hướng về thì bằng cách nào để giới truyền thông Nhật Bản che đậy được những hình ảnh này? Đó là chưa kể các hành vi này là bình thường (nếu có) bất kỳ đâu. Phát hiện này không phải là phát hiện của người làm báo mà đích thị là sự châm chọc có chủ ý. Và cũng rất có thể, BEO đang muốn chứng minh điều ngược lại mà báo chí thế giới đang mô tả trong thời gian qua.

Còn về câu chuyện do tác giả Hà Minh Thành kể. Có thể khẳng định ngay rằng đây là một câu chuyện mang tính nhân văn sâu sắc. Trong thời gian vừa qua, câu chuyện này như là một “hiện tượng”, rất nhiều báo chính thống đã trích đăng hay đăng lại toàn bộ. Chừng yấy thôi cũng đủ để thấy sức lan tỏa của nó lớn tới đâu. Đây quả là một bài học quý giá cho bất kỳ ai, bất kỳ quốc gia nào. Qua câu chuyện của mình, tác giả Hà Minh Thành đã làm cho bao con tim phải “vỡ òa”, tự cảm thấy xấu hổ trước cách ứng xử của một con người, đúng hơn là một em bé mới tập tễnh làm người.

BEO đã sai khi so sánh câu chuyện về em bé 9 tuổi của Hà Minh Thành với vụ “cô Lượm VTV” tại Việt Nam. Bởi một điều đơn giản rằng, giá trị mà câu chuyện mang lại sẽ lớn hơn bất kỳ bài học làm người nào được dạy trong sách vở.

Nhiều người nhận xét rằng: BEO thật khó hiểu? Khó hiểu từ lời nói, từ suy nghĩ, từ cách đặt vấn đề. Đó là phong cách riêng của mỗi người. Tuy nhiên, trong trường hợp này, một nhà báo kỳ cựu như BEO lại có cách xách mẻ, khó chịu về một câu chuyện đẹp, một bài học về làm người rất đáng trân trọng mà em bé 9 tuổi kia dạy chúng ta thì lại là một chuyện khác.

Trong bài viết Ba người phụ nữ, anh Lái Gió đã lý giải lý do tại sao BEO thường hay có những nhận xét cay độc về những người phụ nữ mà BEO biết, rằng “Có lẽ sâu xa hơn nữa để một người phụ nữ chà đạp vào nỗi đau của người phụ nữ khác là do bởi họ cô độc hơn, bất hạnh hơn. Bởi sự ích kỷ nhỏ nhen đó mà họ không vượt qua được, họ hằn học với những người phụ nữ khác được yêu thương hơn”.  Nhưng đó là nhận xét của những người phụ nữ với nhau. Còn lần này là đứng trước một câu chuyện đẹp, lại đang diễn ra tại một đất nước vừa trải qua cơn bĩ cực thì có lẽ lý do duy nhất là BEO cảm thấy vui khi xoi mói nỗi đau của người khác và trong thâm tâm BEO không dám đối diện với cái đẹp, không muốn cho cái đẹp lên ngôi.

Một người có đầy đủ bản lĩnh, có học thức, có địa vị như BEO lại có những nhận xét như vậy thật là hiếm trên thế gian này?

Da Vàng

http://davangblog.wordpress.com/2011/03/28/beo-%C6%A1i-la-beo/



Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1