BBC- Bộ chỉ huy Quân sự TP Hồ Chí Minh vừa được đổi tên thành Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh nhằm "tăng cường sức mạnh vũ trang" để đối phó với các "lực lượng thù địch".
Lễ đổi tên theo quyết định của Bộ Quốc phòng vừa được tổ chức hôm thứ Sáu tuần trước (28/01).
Báo Người Lao động dẫn lời Tư lệnh, Đại tá Trương Văn Hai, nói: "Trong bối cảnh các phần tử cực đoan, phản động trong và ngoài nước được sự hỗ trợ của các lực lượng thù địch đã liên kết với nhau tìm mọi cách xây dựng lực lượng chống đối Đảng, Nhà nước, yêu cầu cấp thiết cần phải có một tổ chức tương xứng nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng vũ trang của TPHCM".
Lãnh đạo thành phố tham gia lễ đổi tên cũng được dẫn lời yêu cầu lực lượng vũ trang TP Hồ Chí Minh "tăng cường sức mạnh quốc phòng, làm thất bại âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, góp phần giữ ổn định chính trị, xã hội trên địa bàn thành phố".
Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh trực thuộc Quân khu 7.
Việc đổi tên thực chất là quay lại tên gọi cũ có từ sau năm 1975. Năm 1978, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh đổi tên thành Bộ Chỉ huy Quân sự TP Hồ Chí Minh.
Sự kiện mới này cho thấy ổn định an ninh chính trị-xã hội trở nên một tiêu chí hàng đầu, trong khi đang có nhiều quan ngại về bàn tay của các thế lực thù địch nước ngoài trong bối cảnh tình hình thế giới xảy ra nhiều biến động.
Bảo vệ chính trị
Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh là Đại tá Trương Văn Hai, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng là Đại tá Nguyễn Văn Nam.
Chính ủy là Đại tá Nguyễn Văn Hưng.
Hai đô thị lớn nhất Việt Nam như vậy đang được bảo vệ bằng hai bộ tư lệnh.
Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội được tổ chức lại từ Quân khu Thủ đô hồi tháng 7/2008.
Về tổ chức cơ cấu, bộ tư lệnh ngang tầm quân đoàn. Mỗi quân đoàn ở Việt Nam hiện có ba đến bốn sư đoàn với khoảng 20.000 quân trong mỗi sư đoàn.
Trong một diễn biến khác, Việt Nam khẳng định không chạy đua vũ trang, nhưng nói "mua sắm vũ khí là chuyện hết sức bình thường" và sẽ tiếp tục được thực hiện tùy theo nhu cầu và khả năng kinh tế.
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng quốc phòng, trong một phỏng vấn mới đây với báo Thanh Niên, nói: "Việc hiện đại hóa quân đội nhằm đáp ứng các nhu cầu phòng thủ theo lộ trình phù hợp với nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam, thể hiện tinh thần hòa bình, tự vệ trong chính sách quốc phòng".
Ông Vịnh cũng bình luận về việc các "nước lớn quan tâm và muốn can dự vào khu vực".
Ông thứ trưởng nói Việt Nam, với vị thế một nước nhỏ, có thể tận dụng cơ hội này để bảo vệ độc lập, chủ quyền.
Tuy nhiên ông cũng cảnh báo "các nước nhỏ phải tỉnh táo trong quan hệ với các đối tác nhất là các cường quốc trên những vấn đề mà các bên có quyền lợi mâu thuẫn nhau".
Trung tướng Vịnh khẳng định: "Độc lập tự chủ là quan trọng nhất, Việt Nam không ngả về bên nào, không cùng với nước này để chống nước kia, không tham gia vào những 'trò chơi quyền lực' của các nước lớn".
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/01/110130_viet_military_command.shtml