Nguyện ước cuối - Dân Làm Báo 1

Nguyện ước cuối

Đỗ Trường (Danlambao) - Viết tưởng nhớ một người anh em, người bạn vừa rời cõi tạm để trở về với đất)

Có mấy tháng không gặp, thế mà hắn đã biến dạng một cách ghê gớm. Tuy còn tỉnh táo và minh mẫn, nhưng hình hài hắn như bộ xương khô đang cựa quậy trên giường. Thấy tôi, hắn tắt Tivi, hơi xoay người bấm nút, đẩy đầu giường lên cao, và chống tay định đứng dậy. Tôi bảo, hãy ngồi yên như vậy. Hắn cười, với cái cười rúm ró thay cho lời chào. Tôi nắm chặt bàn tay gầy, tái nhợt của hắn, hỏi: Có khá hơn không? Hắn lắc lắc cái đầu, vẫn không bỏ được tính diễu cợt: Bệnh này làm sao mà khá được hả bác, cầm cự như thế này là tốt lắm rồi. Ở Việt Nam, em nghẻo củ tỏi từ lâu rồi.


Bệnh viện ít bệnh nhân, nên chỉ có mình hắn trong phòng đôi. Do vậy, tôi ngồi chuyện trò với hắn khá lâu và thoải mái. Ước muốn cuối cùng của hắn là được gặp thằng con trai, chưa từng biết mặt, và trong hoàn cảnh hiện nay, có lẽ tôi giúp được hắn. Tôi bảo, sẽ cố gắng và thử xem, bởi công việc bới gợi lại quá khứ buồn cho cả hai gia đình, nhạy cảm, tế nhị lắm. Nhưng hắn có vẻ tự tin: Bác viết văn, viết báo, quen biết Hòa Thượng Thích Như Điển và các bác trên Chùa Viên Giác, nơi vợ chồng Đào đã được Hòa Thượng quy y. Bác nhờ các cụ ở trên đó, nói cho mấy tiếng, chắc gia đình Đào đồng ý thôi…

Đến giờ bác sĩ thăm bệnh buổi chiều, tôi đành đứng dậy, tạm biệt hắn. Hắn buông tay tôi, bất chợt, nơi hốc mắt khô khốc lăn ra những giọt nước đục mờ, chảy dốc xuống. Không dám nhìn thẳng vào những giọt nước mắt ấy, tôi vội quay mặt, và an ủi hắn cứ yên tâm tĩnh dưỡng, sẽ tìm cách khác, cùng bất đắc dĩ mới phải nhờ đến Hòa Thượng. 

Hắn là họ hàng xa bên mẹ tôi. Tuy lớn tuổi hơn, nhưng hắn vẫn gọi tôi bằng anh, bởi mẹ tôi ở ngành trên của bố hắn, cùng dòng họ Đặng làng Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định. Ngày còn sống, mẹ tôi hay phàn nàn, Hành Thiện tuy thanh bần, nhưng đất học. Không hiểu sao nảy nòi ra bố hắn không chịu học hành, từ nhỏ đã bỏ nhà lang thang bụi đời, nghe nói là đệ tử của ông Trần Quốc Hoàn (Bộ trưởng công an), sau đó còn tham gia vào lực lượng an ninh nha cảnh sát. Có lẽ, bị ám ảnh bởi những vụ bắt bớ, bắn giết, nhất là sau vụ Ôn Như Hầu (1946), bố hắn chán nản, bỏ về quê, theo nghề đóng cối xay.

Hắn được phôi thai không biết bởi vì tình, hay vì rượu giữa ông phó cối với người đàn bà góa, trong một lần được thuê đóng cối, ở vùng biển Nghĩa Hưng. Khi hắn cất tiếng khóc chào đời, là lúc mẹ hắn qua đời bởi băng huyết, dưới bàn tay đỡ của bà lang vườn. Do vậy, ông bố trút buồn vào hắn bằng cái tên Đặng Huy Đắng. Sau đó, bố hắn buộc phải đưa hắn trở về quê nhờ gia đình, họ hàng nuôi dưỡng. Khi đã biết chạy nhảy, hắn được bố cho theo đóng cối khắp vùng. Chính vì thế, việc học hành của hắn thường bị gián đoạn. Nhưng chẳng hiểu thế quái nào, hắn học rất giỏi, có năm còn nhảy cóc, dù bị chuyển trường, chuyển lớp liên tục. Có lẽ, vượng khí đất học Hành Thiện vẫn còn vận vào hắn chăng? 

Năm 1971, đang học năm cuối, hắn và đa số bạn cùng lớp được đặc cách tốt nghiệp cấp 3, nhập ngũ, chi viện quân số cho chiến trường miền Nam. Trước khi hành quân vào Nam, thấy cái tên Đắng (cay), bôi bác mất lập trường quá, nên ban chính trị, quân lực mới quyết định, bỏ dấu sắc đi, từ đó hắn có tên mới Đặng Huy Đăng. 

Mới chỉ sớm sang thu, vậy mà lá đã trải vàng lối đi. Con đường chạy tắt qua cánh rừng nhỏ vồng lên, tụt xuống vòng vèo, tưởng chừng xe đang lạc vào vùng lòng chảo. Gió từng cơn như ngọn roi quất xuống. Lá bay lên, lượn xuống đập rào rào vào thành, vào kính xe. Xe quẹo theo đường chỉ dẫn, bất chợt trước mặt một thị trấn cổ kính, sầm uất, uốn lượn theo những sườn đồi. Tuy sầm uất và cách không xa thành phố Freiburg, nhưng thị trấn dường như được tách biệt, có một khoảng không riêng của mình vậy. Sự tĩnh lặng, trầm mặc đó, có lẽ là đặc trưng riêng của thị trấn vùng biên Đức, Thụy sĩ.

Nhà chị Đào nằm trên con phố cổ, dành cho người đi bộ của trung tâm thị trấn. Có lẽ, do Dũng Gù gọi điện báo trước, nên tới nơi, thấy chị đẩy xe lăn cho chồng lòng vòng trước cửa, chờ chúng tôi. Tôi quen thân Dũng Gù ở trại tị nạn Tây Berlin và Ingelheim, khi anh làm công tác thiện nguyện vào những ngày bức tường Berlin sụp đổ (1989). Anh nguyên lính không quân của Việt Nam Cộng Hòa và có vợ người Vĩnh Phú, là công nhân lao động thời Đông Đức. Do vậy, trong anh dường như không có khoảng cách Bắc Nam hay thuyền nhân, tường nhân, hoặc công nhân lao động. Tuy nhiên, tư tưởng chính kiến của anh rất rõ ràng, nên tiếp xúc với anh có cảm giác rất tình người và dễ chịu. Trong một lần điện thoại thăm hỏi nhau, tôi vô tình kể chuyện về Đặng Huy Đăng cho anh. Anh bảo, anh quen vợ chồng anh chị Đào, Khiêm và biết thằng cu Hải từ khi còn bé tí. Tuy không thật thân, không đi cùng một con tầu vượt biển, nhưng trước đây anh cùng đơn vị, cùng vào tù cải tạo với anh Khiêm. Nhưng được hơn năm, anh Khiêm trốn trại. Hiện nay, thỉnh thoảng vẫn gặp nhau ở những sinh hoạt cộng đồng. Tôi hỏi, anh có thể giúp cho hắn được không? Anh vui vẻ nhận lời với điều kiện, tôi phải qua Mainz đón anh cùng đi. 

Khi Dũng Gù giới thiệu tôi, anh chị Đào, Khiêm cười đùa: Biết Đỗ Trường trên báo Viên Giác đã mấy chục năm rồi, cứ tưởng là ông già khú đế, không ngờ trông vẫn còn ngon cơm ra phết. 

Đã quá trưa, câu chuyện chiến tranh, người lính, tù đày rồi đến vượt biên, và bạn bè ai còn, ai mất giữa Dũng Gù và anh Khiêm vẫn chưa đến hồi kết. Chị Đào điện cho quán dưới nhà mang đồ ăn lên. Tôi cản chị, bọn em đã ăn trên Autobahn rồi. Chị cười, khách đường xa đến là phải cơm nước, không thì chủ nhà làm sao mà yên tâm. Đây là quán nhà mình, khi anh Khiêm chưa bị tai biến mạch máu não, anh chị vẫn tự làm, nhưng năm, sáu năm nay, cho thuê toàn bộ và cả căn hộ áp mái trên. 

Anh Khiêm tuy nói năng còn một chút khó khăn, nhưng tỉnh táo và minh mẫn, anh bảo, đang luyện tập để có thể tự đi lại được. Anh xin lỗi, không được phép dùng rượu. Tôi phải lái xe cũng không được phép, nên trong bữa cơm chỉ có Dũng Gù uống. Uống một mình, tuy hơi buồn, và Dũng Gù có lẩm bẩm, phàn nàn đôi chút. Nhưng quả thật, nếu không có rượu, không thể gây cho anh cảm hứng “hót“ làm cho anh Khiêm, một con người yêu và ghét rất cực đoan, phải vui vẻ đồng ý để Đặng Huy Đăng và thằng Hải nhận cha con. 

Cơm rượu xong, Dũng Gù lên cơn nghiền thuốc. Anh và anh Khiêm kéo nhau ra Balkon ngoài phòng khách ngồi. Phòng ăn còn lại chị và tôi. Biết tôi là người bà con và là bạn lâu năm của hắn, cũng như mục đích đến với gia đình chị hôm nay, chị nói luôn: 

- Hôm trước anh Dũng Gù điện thoại, nói chuyện với chị khá lâu. Với chị và cháu Hải không có vấn đề, nhất là trước hoàn cảnh bệnh tật, không biết sống chết lúc nào của Đăng. Nhưng với anh Khiêm chồng chị, nếu suy nghĩ căng thẳng, hoặc bị sốc, dẫn đến tai biến lần hai là đi luôn. Nên chị phải thật từ từ và tế nhị. Hoàn cảnh mất mát, đau thương trước đây của anh Khiêm, và tình cảm, hy vọng anh ấy đã dành cho cho cháu Hải thế nào, chắc anh Dũng Gù đã kể với em? 

- Vâng! Em đã biết. Nên hôm nay, em đưa anh Dũng Gù đến nói chuyện với anh Khiêm. Có lẽ, cùng là người lính, đã qua tù tội và mất mát, các anh ấy dễ sẻ chia với nhau hơn.

- Chị cũng nghĩ vậy, và linh cảm anh Khiêm đã biết chuyện này khá lâu rồi. Nhưng anh không hỏi và chị cũng chưa biết bắt đầu câu chuyện như thế nào với anh ấy…

- Có thể cả hai đều tế nhị, chờ những câu nói trước của nhau mà thôi, phải không chị?

Nghe tôi hỏi câu này, dường như nét mặt chị hơi bị sững lại. Tuy không trả lời, nhưng tôi hiểu được sự day dứt, giằng xé trong lòng chị. Chị và anh Khiêm đều cần một cái chìa, hay sự xúc tác ban đầu để mở cái ổ khóa của lòng mình. 

Và có thể Dũng Gù chính là người dẫn nguồn xúc tác đó…

Tôi muốn biết, chị và Đặng Huy Đăng gặp nhau trong hoàn cảnh nào. Chị cười buồn: Trong chiến tranh và cay đắng, nhưng em đừng viết thành truyện đấy nhé. Vâng! Nỗi đau và sự trớ trêu đó đâu có phải của riêng chị, của Đăng, của Khiêm mà của cả dân tộc này. Và khi nào chị cho phép, chắc chắn em sẽ viết…

Chị sinh ra và lớn lên trong gia đình khá giả ở một quận ven Đà Nẵng. Ba chị làm nghề xây dựng, nên thường cuối tuần mới về. Nhà vắng vẻ, do vậy mấy căn phòng ở dãy nhà ngang, ba mẹ chị cho vợ chồng ông thày dạy trung học thuê. Lúc này, chị đã bỏ học ở nhà phụ mẹ bán hàng. Thấy vợ chồng ông giáo hiền lành, cởi mở, nên chị thường xuyên qua lại. Rảnh rỗi, vợ chồng ông giáo hay chuyện trò, giảng giải về xã hội, con người và chiến tranh cho chị. Lúc đầu, chị không hiểu và không quan tâm nhiều. Nhưng dần dà chị thấy hấp dẫn, hứng thú bởi sự công bằng bắc ái, với tương lai xán lạn của Chủ Nghĩa Cộng Sản, dưới sự dẫn dắt ngọt ngào của ông thày. Từ đó, quan hệ giữa chị và vợ chồng ông giáo trở nên thân mật, gần gũi như người trong nhà. Kỳ này, khách qua lại nhà vợ chồng ông hơi nhiều. Chị giúp họ mua bán, liên lạc thư từ một cách hồn nhiên. Sau nhiều lần thử thách như vậy, vợ chồng ông giáo thổ lộ với chị, họ là người của phía bên kia, và muốn giới thiệu chị với tổ chức. Và chị đồng ý, từ đó chị nằm trong tổ của vợ chồng ông, thuộc một tổ chức nội thành. Sau tết Mậu Thân 1968, vợ chồng ông giáo nguy cơ bị lộ, bởi cơ sở đã bị đánh phá, nhiều người nằm vùng đã bị bắt. Trong hoàn cảnh đó, chị buộc phải trốn gia đình, theo vợ chồng ông giáo ra Đặc Khu Quảng Đà, ở cái tuổi mười bảy.

Không phải đến khi chuyển về Ban tài mậu chị mới biết Đặng Huy Đăng, mà khi còn bên giao vận chị đã đôi, ba lần gặp hắn. Đăng là lính của một đơn vị hậu cần thuộc Quân khu 5, nên hắn cũng phải đi lại và có nhiều mối quan hệ với các đơn vị quanh vùng. Mấy lần đầu gặp, dường như hắn chẳng để lại một chút ấn tượng, ngoài cái nhỏ tuổi, vào chiến trường sau chị đến những ba năm, nhưng không bao giờ chịu làm em. Sau này, tiếp xúc va chạm nhiều, đột nhiên chị đâm ra yêu quí cái tính khôi hài, vô tư của hắn. 

Cuối năm 1973, trong một lần vào thành, công việc xong, chị trở về thăm nhà. Cổng vẫn ổ khóa cũ, nhà chính tối om, cửa khóa, nghe có tiếng ở nhà ngang, chị nhẹ bước, qua khe cửa thấy người bác họ trông nhà ngồi đó. Lách cửa vào, người bác nhận ra chị, và cho biết: Cha mẹ đã chuyển vào Sài Gòn từ mấy tháng trước, để lại địa chỉ và khuyên chị nên về nhà. Chị đã nhận được nhiều lần về những lời khuyên, lời nhắn gửi từ cha mẹ, nhưng có lẽ lần này buồn và hụt hẫng nhất, làm cho chị phải suy nghĩ nhiều. Bước chân quay trở lại đơn vị, chị cảm thấy nặng chịch… 

Về đến bìa rừng, thấy Đăng ngồi lù lù dưới gốc cây săng lẻ, chưa kịp hỏi, hắn đã bảo chờ chị. Vẻ mặt hắn có vẻ khác thường, và chị cũng đang cảm thấy hẫng và trống trải. Chị theo hắn vào hang dưới chân núi, trước đây là nơi đóng quân của một đơn vị hậu cần. 

Chiều đông, nền trời xám ngắt, màn sương mỏng dường như đã giăng kín cả cánh rừng. Bên kia ngọn núi, còn một vài vệt nắng cuối ngày hắt ngược lên như nét vẽ vụng của một tay họa sĩ tồi. Những cây săng, cây gỗ dầu bị bom, đạn pháo phạt ngang gập xuống. Vài, ba cành bị bốc lên treo lủng lẳng trên thân cây đã cháy trụi. Sau hiệp định Paris, chiến tranh chùng xuống, tuy tiếng súng giảm đi, nhưng cả hai đều tích cực chuẩn bị hậu cần, quân lực. Cuộc chiến đang bước vào cục diện mới. 

Chị và Đăng đứng dựa lưng vào vách đá. Lặng im. Tiếng gió hu hú ngoài cửa hang. Dường như hơi lạnh, chị co người lại. Đăng quàng tay lên vai, xoay người chị úp vào lòng mình, thì thào hỏi: Nếu Đào đồng ý, Đăng sẽ không ra Bắc học sĩ quan đợt này! 

Tuy trong lòng có tình cảm với Đăng đã lâu, nhưng chị luôn kìm nén, bởi hắn còn quá trẻ, vô tư so với chị, và chiến tranh còn mịt mù phía trước. Nhưng trước những lời thổ lộ của hắn hôm nay, quả thật làm cho chị có chút bồi hồi, bối rối. Chị ngước mắt nhìn hắn: Kém người ta đến mấy tuổi, có sợ người khác cười không? Giọng hài ước của hắn lại trở về: Gái hơn hai, giai hơn một, các cụ đã dạy, cứ thế mà mần. Bất chợt, hắn ôm chặt lấy chị. Người chị nóng và run lên, khi chiếc hôn đầu đặt trên môi. Hắn luồn tay xuống tìm kiếm…Chị rướn người lên, làm chiếc quần tụt xuống chân… Và gió đã luồn được vào trong hang, dập vách đá, cứ giật lên từng hồi.

Từ đồng bằng về, chị mới biết Đặng Huy Đăng bị thương nặng đã hơn một tháng. Khi đi, chị hẹn với hắn, sau đợt này sẽ trình báo đơn vị, bởi chị đã có thai được mấy tháng. Biết Đăng đã được phẫu thuật ở bệnh xá Quế Sơn, chị xin phép đơn vị đến thăm. Nhưng tới nơi, hắn vừa được chuyển ra Bắc, bởi ngoài bị thương ở chân, ở bụng, một mảnh bom nhỏ còn găm gần cột sống, điều kiện, phương tiện của bệnh xá không thể xử lý được. Tuy nhiên, hắn có viết thư và nhắn, dứt khóa sẽ quay lại tìm mẹ con chị. 

Chị sinh con đúng ngày Buôn Ma Thuộc thất thủ, miền Nam hoàn toàn rối loạn. Và sau Huế, Quảng Ngãi, đường vào Đà Nẵng đã được mở. Bởi mới sinh, nên chị thuộc nhóm trong cơ quan về thành muộn. Bước chân về phố, tuy phấn khởi, rạo rực, nhưng chị không về cơ quan ngay, mà bế con thẳng về nhà. Đến cổng, chị tưởng bị nhầm nhà, bởi cửa mở tung, một tốp dân phòng, súng ống, băng rôn, cờ đỏ rực cả sân. Chị bước vào, một thanh niên tay đeo băng đỏ, lăm lăm cây súng cản lại:

- Chị là ai? Có việc gì? 

Thấy câu hỏi lấc cấc, vô lễ, nhưng chị cố dằn giọng:

- Đây là nhà tôi, một cán bộ của đặc khu, các anh là ai và làm gì ở đây?

- Chúng tôi thuộc Ban quân quản, nhà này của một tư sản bỏ chạy, đã nằm trong diện trưng dụng, và quản lý của chính quyền mới. Có vấn đề gì, chị lên gặp các đồng chí trên Ban.

Chị đã nổi khùng, nhưng các đồng chí quân quản, dân phòng kiên quyết ép chị ra khỏi nhà. Lòng nghẹn đắng, chị bế con lủi thủi trên đường phố vừa quen, vừa lạ. Hôm sau, chị tìm gặp Hồ Nghinh, Bí thư đặc khu, Chủ tịch ủy ban quân quản, người một thời gần gũi trên rừng. Hồ Nghinh vui vẻ an ủi động viên: 

- Cháu cố gắng công tác. Chính quyền mới còn rất nhiều việc phải làm, rảnh rang dứt khoát chú sẽ giải quyết việc của cháu. 

Đồng chí Hồ Nghinh còn sốt sắng viết thư tay, đề nghị các đồng chí lãnh đạo cơ quan nơi chị làm việc, bố trí nhà ở cho hai mẹ con. Tuy nhiên, lời hứa của đồng chí Chủ tịch ủy ban quân quản mãi mãi chỉ là cơn gió bay trên ngọn núi Hòn Tàu. Nó đã làm cho chị hụt hẫng, niềm tin đã bị rơi rụng, và trong nỗi buồn ấy, dường như có một thoáng xót xa ân hận. Với cái tuổi mười bảy và bảy năm chiến trường, bom đạn, đói khát đã quật nát tuổi thanh xuân, quãng đời đẹp nhất của chị. Để giờ đây, khi nghe lại những cái tên Hòn Tàu, Duy Xuyên, Quế Sơn làm chị giật mình kinh hãi. Và cũng chính nơi này, tiếng khóc chào đời của con chị đã hòa vào tiếng pháo kích xé toác màn đêm…

Phải đến hai tháng sau ngày 30-4-1975, chị nhận được tin hồi âm của ba từ Sài Gòn. Được biết, mẹ đã được anh hai của chị, cựu sinh viên du học, đón sang Đức ngay từ đầu năm 1975. Ba chị dứt khoát ở lại chờ chị. Thời gian này, chị chờ đợi và viết khá nhiều thư gửi về quê cho Đăng. Nhưng không biết chị đã nhầm địa chỉ, hay hắn đã chết trên đường ra Bắc, nên thư đều quay trở lại. 

Mãi đến tết âm lịch, chị mới thu xếp xong công việc để đưa con vào Sài Gòn thăm ba. Mấy năm không gặp, nhìn ba già và sọp đi quá nhanh, chị bật khóc. Ông an ủi chị nhiều, và bảo vì tương lai, mẹ con chị phải rời khỏi Việt Nam. Trước mắt, với lý do cha già bệnh tật, cần sự chăm sóc, chị chuyển công tác vào Sài Gòn, để tiện móc nối xuống tàu. Sợ ba buồn, chị vâng vâng, dạ dạ để ba yên tâm.

Trở lại cơ quan đúng lúc thành lập tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, sự tranh giành quyền lực, đấu đá, bới móc thành phần xuất thân, lý lịch của các đồng chí từ rừng về, từ Bắc vô, làm chị ngao ngán. Từ đó, chị quyết định chuyển vào Sài Gòn, một quyết định không phải dễ dàng. Như vậy, chị đã hoàn toàn tin vào lời của ba mình. Và là người phụ nữ trẻ, có thâm niên bảy năm hoạt động trong phố và nằm rừng, xin chuyển vào làm cái chân lon ton vô thưởng vô phạt ở cái hội phụ nữ Sài Gòn lúc ấy, quả thật không khó khăn đối với chị…

Tuy tàu của chị được chuẩn bị rất kỹ, nhưng hai lần đầu vượt biển đều không thành. Rất may, mẹ con chị đều thoát khỏi sự truy bắt của các đồng chí công an, du kích nhờ kinh nghiệm của những năm tháng nằm rừng. Và lần thứ ba chị lại ra đi vào mùa hè 1977, do chính gia đình Khiêm đứng ra tổ chức mới trót lọt, nhưng cái giá phải trả quá đớn đau. Lần này, kinh nghiệm nằm rừng, tuy bất lực trước bọn cướp của, hãm hiếp, giết người giữa biển cả mênh mông, nhưng nó đã giúp cho chị sự bình tĩnh, nhẫn nại chịu đựng để giữ lại cái mạng sống của mình. Hai phần ba đàn bà con gái trên tàu bị chết hoặc giết chết, ngay sau khi bị bọn hải tặc thay nhau hãm hiếp qua nhiều đợt. Vợ và con gái mới mười tuổi của anh Khiêm bị chết ngay đợt đầu. Quá uất ức, và nhục nhã, tất cả đàn ông, con trai cùng nhau chống lại. Nhiều người bị giết chết, quẳng thây xuống biển. May mắn hơn, anh Khiêm chỉ bị chúng đánh ngất và đâm thấu bả vai. Anh bị điên khùng mất một thời gian, khi ở trại tạm dung. Nhờ sự chăm sóc của chị, anh Khiêm tỉnh táo trở lại. Khi được định cư ở Đức, anh chị đã nên nghĩa vợ chồng. Nhưng khả năng sinh đẻ của chị không còn. Từ đó, anh Khiêm dồn tất cả tình cảm cho Hải con trai của chị. 

Về chiều, bầu trời dường như bị ai đó kéo xà xuống đầu ngọn núi của bên kia biên giới. Những vệt mây đậm một màu tro xám, mọng căng túi nước vắt ngang nền trời. Và gió đã trở lại, lùa vào nơi chúng tôi ngồi. Lau vội những giọt nước mắt, chị luồn tay kéo cánh cửa, rồi lặng nhìn ngọn núi cao vòi vọi và xa vời ấy. Đột nhiên chị hỏi:

- Đỗ Trường có hay về chùa Viên Giác (Hannover) không? 

- Thi thoảng mới về được, bởi công việc và mấy cháu nhà em cuối tuần phải thi đấu bóng bàn (bundesliga) hoặc tập huấn, nên cũng phải đưa đón.

Chị bảo, rằm tháng giêng vừa rồi, mấy chị em quanh vùng thuê xe về chùa. Khi lễ phật, hoặc thăm hỏi các thày, thấy một người đàn ông đứng ngó nhìn. Lúc đầu, chị không để ý, nhưng lúc ra về người này vẫn lẽo đẽo theo sau. Nên chị cảm thấy kỳ, quay lại, thấy khuôn mặt có nét quen, người có vẻ ốm yếu bệnh tật. Chị định bước tiếp. Người này lập bập một lúc mới rõ tiếng:

- Bà có phải là Đào người Đà Nẵng, một thời ở Đặc Khu Quảng Đà không ạ?

- Vâng! Đúng rồi, nhưng bác là… 

Tưởng chừng người đó ngã đổ vật xuống, may có một cô gái chạy tới. Vịn vào vai cô, người đó mới bật ra từng tiếng:

- Đăng… Đặng Huy Đăng đây... Chào... chào bác đi con!


Lúc này, chị đứng như trời trồng. Khi tiếng gọi lên xe của mấy bà bạn, mới làm chị chợt tỉnh. Chị đi nhanh về phía hắn:

- Đăng thật đây sao? Bệnh tật gì mà ra nông nỗi này? 

Hai giọt nước mắt chảy dài xuống gò má nhăn nheo của hắn. Không trả lời, hắn hỏi lại chị:

- Cuộc sống của Đào và con chúng ta bây giờ như thế nào?

- Không sao, tốt cả. Thằng Hải có vợ, con lớn rồi. Nó là kỹ sư của nhà máy sản xuất Auto. 

Sự gặp lại, một cách bất ngờ, sau bốn mươi mốt năm, làm cho chị hoàn toàn không thể nghĩ, và nói được điều gì, trong hoàn cảnh này. Chị nhờ con gái hắn ghi số điện thoại cho cả hai, khi trấn tĩnh sẽ liên lạc, nói chuyện sau. Lúc chị quay đi, hắn bảo, muốn gặp con bởi quĩ thời gian của hắn không còn nhiều. Chị hứa, nhất định sẽ gặp, khi điều kiện cho phép.

Có lẽ, nói năng khó khăn, mệt nhọc và phải sống trong sự tuyệt vọng trước căn bệnh hiểm nghèo, nên mấy lần chị nói chuyện qua điện thoại, hắn đều xúc động, bị ngắt giữa chừng. Là người đã quy y, nên với chị, tất cả đã trở thành vô thường. Nhưng dường như trong sâu thẳm tâm hồn, chị vẫn còn chút băn khoăn về hoàn cảnh của hắn sau khi từ chiến trường Quảng Đà ra Bắc năm 1974…

Năm 1982 nhà tôi đã chuyển từ ngõ chợ Khâm Thiên ra Ô Chợ Dừa được mấy năm. Lúc này, tôi bỏ việc nhà nước và hành nghề buôn bán máy may, máy dệt. Buổi tối, tôi thường ngồi sửa chữa, lau chùi gỉ sét những đầu máy vừa mang tàu biển lên. Trời đã khuya, tôi ra ngoài, đóng cửa hàng nước cho mẹ. Đang dọn dẹp, thấy một gã tuổi chừng ba mươi vai khoác ba lô lộn, ăn mặc có vẻ bụi bặm, bước vào. Mẹ tôi tưởng khách, bảo đóng cửa rồi. Hắn cười cười: Cháu là Đặng Huy Đăng con ông Ba Cối đây ạ. Học ở Hà Nội bốn, năm năm rồi không biết nhà bác. Cháu vừa nghỉ hè ở quê ngoại Nghĩa Hưng, và tạt về Hành Thiện, bác Doanh Gà cho địa chỉ. Hôm nay cháu đến thăm bác. Mẹ tôi nhìn hắn từ đầu đến chân: Ba Cối chỉ có một thằng con duy nhất tên Đắng, làm gì có thằng nào tên Đăng! Hắn gãi đầu, gãi tai: Ngày đi bộ đội, họ đã đổi tên cháu thành Đăng ạ. 

Học Bách Khoa cũng gần, rảnh rỗi, hắn hay ra nhà. Chủ nhật, có khi hắn giúp mẹ tôi bán hàng cả ngày. Thấy hắn có nhiều thời gian vật vờ, tôi bảo: Ông là thương binh, nên đi vận chuyển máy khâu, máy vắt sổ, thuế vụ, công an ít sờ ngó đến. Nghe có lý, từ đó ngoài thời gian học, hắn vận chuyển máy khâu không chỉ cho riêng tôi, khi từ Hải Phòng về, lúc quanh Hà Nội. Có tiền rủng rỉnh, hắn khoái lắm. Nhưng cái tật, có tiền là tụ tập bạn bè rượu chè, không bao giờ hắn bỏ được. 

Có lần, hắn uống ở đâu đó, rồi đến tìm tôi, ngồi khóc như trẻ con, và kể:

Lội suối, trèo đèo cả tháng trời, rồi đồng đội cũng khiêng được hắn ra tới ngoài Bắc. Sau khi mổ xẻ, điều trị tại bệnh viện 103, hắn được chuyển về trại thương binh Hà Nam Ninh, để tập đi và an dưỡng. Thời gian này, hắn viết khá nhiều thư cho Đào, nhưng không có hồi âm. Có lẽ, chiến tranh đã kết thúc, Đào đã chuyển về thành hoặc đơn vị mới. Tuy đi đứng rất khó khăn và còn trong thời gian an dưỡng và tập luyện, nhưng hắn xin đơn vị cho chuyển về Trường Văn Hóa Thương Binh Nam Dương (Nam Ninh, Hà Nam Ninh) để ôn thi đại học. Mùa thi năm 1977, hắn đã đỗ vào Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội. Trong lúc chờ nhập học, hắn vào Đà nẵng tìm mẹ con Đào. Gặp lại mấy anh chị quen thân cũ của Đào, họ cho biết, chị chuyển vào Sài Gòn. Và trước đây mấy tháng Đào đã dẫn con vượt biên, không may tàu gặp hải tặc, tất cả đều bị cưỡng hiếp và giết chết, chỉ còn hai thanh niên vốn là dân chài sống sót. Tin sét đánh này, làm hắn choáng váng. Vậy là hắn đã mất Đào và vĩnh viễn, không bao giờ được gặp con. Trên tàu lộn về đất Bắc, hắn như kẻ mộng du. Và từ đó, chỉ có rượu mới làm hắn vơi đi đớn đau, ân hận mỗi khi nghĩ đến mẹ con Đào. 

Ngắc ngứ mãi, năm 1983 hắn cũng tốt nghiệp đại học. Làm ở Bộ công nghiệp nhẹ được mấy tháng, hắn xin chuyển vào nhà máy dệt Đà Nẵng. Rồi cuộc sống buộc hắn phải có vợ. Đứa con ra đời, cuộc sống vợ chồng hắn càng luẩn quẩn với đồng lương chết đói thời bao cấp. Bàn tính mãi, năm 1988 buộc hắn phải khoác ba lô sang Đức, làm thuê cuốc mướn cho một nhà máy dệt may thuộc vùng Limbach-oberfrohna. Khi bức tường Berlin sụp đổ, hắn chuồn sang Tây Đức, làm đủ thứ nghề, và đưa được vợ con từ Đà Nẵng sang. 

Càng lớn tuổi, dường như nỗi đau ấy càng dày thêm lên, và rượu chính là chỗ vịn cho nỗi buồn của hắn. Để rồi, căn bệnh xơ gan đã quật gã hắn… 

Khi những tia nắng quái cuối ngày bất chợt sáng vụt lên, rồi tắt lịm sau ngọn núi, giữa cánh rừng đen. Để lại một quầng đen thẫm trên nền trời. Hai mắt chị Đào đỏ hoe. Chị định đi châm thêm nước. Tôi đứng dậy, nắm lấy hai bả vai run rẩy của chị và nói lời tạm biệt. 

Khi lên xe, tôi đưa cho chị địa chỉ, số điện thoại bệnh viện và gia đình Đặng Huy Đăng. Anh Khiêm nắm chặt tay chúng tôi bảo, cuối tuần tới sẽ đưa cháu Hải đến chỗ Đăng, nếu có thời gian các ông nhớ đến nhé. Nghe anh Khiêm vui vẻ nói, tôi cảm thấy mình như vừa trút được gánh nặng, và lập bập hứa: Vâng! Nhất định em sẽ đến...

Được phép của anh chị Đào, Khiêm tôi viết lại câu chuyện này, khi lễ cúng 49 ngày của hắn vừa được làm vào tuần trước. Vợ con hắn có mời tôi và vợ chồng chị Đào. Thằng Hải, chở anh chị Đào, Khiêm và vợ con đến từ tối hôm trước, bởi nó lo sắm sửa thêm, ra dáng ông trưởng của hai gia đình. Bữa cơm cúng được làm ngay tại nhà hắn. Tuy hơi chật, nhưng cảm thấy ấm cúng, trong lòng mọi người đều thấy thanh thản. Nhìn lên nóc tủ, sau làn hương khói mỏng, tôi thấy hắn ngồi đó, vẫn cười tươi và vô tư như thuở nào.

Leipzig ngày 4-12-2015




Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1