Gặp một nhà thơ ở thủ đô nước Thái - Dân Làm Báo 1

Gặp một nhà thơ ở thủ đô nước Thái

VN là một cường quốc về thơ!Nguyễn Quang Thiều

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) Cách đây chưa lâu, ông Bùi Minh Quốc đã phán (một câu) rằng “thơ thiêng lắm.” Mọi thứ thiêng liêng trên cõi đời này, tất nhiên, đều rất nên tôn kính. Nhưng riêng chuyện thơ thẩn, tôi cảm thấy có hơi hơi nghi ngại nên xin mạn phép được rà lại (chút xíu) cho nó chắc ăn. 

Tôi không quen nhưng biết khá nhiều thi sĩ rất nặng tình với thi ca. Cuộc sống của họ, tuy thế, không hề được thơ phú phù bật, phù hộ hay phù trợ gì ráo trọi; đã vậy, thi nhân còn bị đời hành cho bầm dập và te tua thấy rõ! 

Nguyễn Thị Hoài Thanh là một trong những vị này: 

“Thời con gái chị vốn xinh đẹp. Nhất dáng nhì da. Chị được cả hai. Nhưng hồng nhan đa truân. Hai lần kết hôn, hai lần ly dị. Vẻ đẹp của tuổi ba muơi đang chín. Cái sắc đẹp không chủ đã gây cho chị biết bao nhiêu khó khăn, nhiều khi cả nguy hiểm nữa. Hình như Nguyễn Thị Hoài Thanh sinh ra là để gặp rắc rối và vuợt qua những rắc rối khó khăn. Chịu đựng và vượt qua một cách thản nhiên bình tĩnh, không kêu ca như cuộc đời vốn như vậy... 

Có việc gì mà không trải qua. Hãy kể những việc chính: Công nhân xi măng, thợ điện Hải Phòng điện khí, thợ điện công ty xây lắp, công nhân bóc lạc công ty xuất nhập khẩu, đứng máy bào cuốn xí nghiệp gỗ Trương Công Định, công nhân công ty xếp dỡ, cấp dưỡng công ty vật liệu kiến thiết, súc sạc ắc qui Công Ty Quốc Doanh Đánh Cá Hạ long…Đó là chưa kể còn đi giao bánh rán, bánh mì, kẹo lạc, làm và bán nước mắm … Đồng luơng không đủ nuôi mình mà còn phải nuôi con...” (Bùi Ngọc Tấn. “Một Mơ Ước Về Kiếp Sau.” Viết Về Bè Bạn. Tiếng Quê Hương: Virginia, 2005). 

Thảo nào mà thơ của Nguyễn Thị Hoài Thanh đọc nghe như một tiếng thở dài, dù (rất) khẽ:

Sông Cấm ơi! Sông như người bạn mới quen
Thân thiết thế mà sao không hiểu được
Chiều tan ca tôi đi bên dòng nước
Sông với tôi, với bóng là ba
Bóng tôi nghiêng với bao la
Sông mang về biển
Bóng tôi còn nguyên vẹn không sông?

Sông Cấm chả hiểu có mang được “nguyên vẹn” bóng người “về biển” hay không nhưng chị Thanh, tiếc thay, đã không giữ được nguyên vẹn hình hài của chính mình:

“Tai nạn xẩy ra ngay ngã Sáu, gần nhà tôi. Chị nằm ngất trên đường mưa dầm ngày tết, mặt đường sền sệt một thứ nước bùn hoa. Cánh tay dập nát, xương gẫy... Chị bảo người nhà xin cho người tài xế đã gây ra tai nạn vì người ta không cố ý, người ta cũng khổ như mình.” (Bùi N.T. sđd, trang 111-112).

Sau đó, sau khi bị thương tật, Nguyễn Thị Hoài Thanh không bao giờ còn được “khổ như” nhiều người dân Việt (trung bình) khác nữa. Ở vào bước đường cùng, loay hoay mãi vẫn không lối thoát, chị đành bỏ nhà vào Nam đi... mót!

Với dân Việt thì gặt lúa, bẻ bắp, rỡ khoai, rỡ lạc là những sinh hoạt quen thuộc hàng ngày. Mót lúa, mót bắp, mót khoai, mót lạc cũng là những sinh hoạt quen thuộc khác - với những người không có một hòn đất ném chim, như... Nguyễn Thị Hoài Thanh.

Có chiều, ở Đồng Xoài, chị đang ngồi chơi vẩn vơ đùa nghịch với những cây hoa mắc cở (trong khi chờ người ta rỡ đậu phụng xong để mót) thì ý thơ chợt đến:

Chiều lặng ngồi trên cây xấu hổ
Lá thẹn thò sau đám cỏ rối bời
Hãy ngoảnh mặt lại đây
Có gì đâu mà mắc cở
Chỉ mình ta bầu bạn với ta thôi.

Có gì đâu mà mắc cở? Vậy mà tôi cứ xấu hổ mãi vì quê hương đất nước của mình (“một cường quốc về thơ”) đã “xuôi tay” để cho một thi nhân phải... đi mót lạc!

Đi mót, nghĩ cho cùng, vẫn đỡ hơn đi xin như hoàn cảnh đau lòng (hơn) của một nhà thơ khác:

“Lật hồ sơ Dương Ánh Dương, thấy ông ghi thế này: Họ và tên: Dương Thân Mật. Sinh năm 1950. Bút danh: Dương Ánh Dương. Nghề nghiệp: ăn mày …

Mình bật cười. Mấy ông văn nghệ sĩ chỗ nào cũng tếu táo được. Hồ sơ lý lịch là chuyện nghiêm túc, các ông vẫn đùa như thường. Mục Đã đi nước ngoài lần nào chưa anh Lê Văn Thảo trả lời: dễ gì! Mục Chức vụ cao nhất đã kinh qua anh Đỗ Chu trả lời: Đàn anh Hữu Thỉnh. Vui nhất là Mục Quá trình tham gia cách mạng. Thằng Trung Dũng sinh sau đẻ muộn, lớn lên đã hết chiến tranh, suốt ngày chỉ đi học và vẽ, chẳng làm gì tốt cho cách mạng. Không biết ghi thế nào, nó ghi: Ngày Bác Hồ mất, gia đình có tổ chức khóc Bác. Hi hi... 

Té ra không phải, Dương Ánh Dương không đùa, anh hành nghề ăn mày đã mấy chục năm rồi. Thằng Vinh nói oa chà, chuyện ông này đúng là một bi kịch rất đặc biệt. Vinh khoa chân múa tay kể, nói ông này xuất thân là giáo viên cấp 3. Năm 1975 đói quả bỏ dạy đem vợ vào Sài Gòn kiếm sống. Chưa đầy năm thì vợ bỏ anh theo bạn vượt biên. Buồn chán anh tìm về một làng chài ở Nha Trang làm thuê kiếm ăn qua ngày, làm được đồng nào thả vào hũ rượu đồng đó. Ngày đi đánh cá thuê, vá lưới thuê, xẻ mực thuê… tối về uống rượu làm thơ đọc thơ giải khuây. 

Có người thương lấy làm chồng, sinh được đứa con, vợ chồng sống đắp đổi qua ngày tạm gọi là hạnh phúc. Không ngờ anh đi tàu đánh cá, luýnh quýnh thế nào đó bị ngã cuốn vào chân vịt, gãy chân tay, chấn thương sọ não bán thân bất toại, nằm liệt giường hai năm. Sau vài năm ra sức chạy chữa cho anh, nợ nần chồng chất, bà vợ thấy cùng đường đành ôm con bỏ đi. Anh phải lê lết ăn mày từ đó. (Nguyễn Quang Lập. “Gã Ăn Mày Thi Sĩ.” Bạn Văn 2. NXB Hội Nhà Văn: Hà Nội, không rõ năm xuất bản).

Chiều qua, tại Thái Lan, tôi tình cờ lại gặp thêm một nhà thơ nữa. Ông cũng đang “ở bước đường cùng,” dù không bị tai nạn hay thương tật gì ráo trọi. So với Nguyễn Thị Hoài Thanh và Dương Ánh Dương, Dương Văn Nam thuộc vào một thế hệ khác, và thời đại khác: Thời Internet. Chính những “bài thơ phê phán chế độ” trên FB đã khiến ông phải “tìm đường chạy trốn” - theo như thông tin của blogger Huỳnh Bá Hải, đọc được trên trang Thông Luận:

“Lại thêm một người đấu tranh cho dân chủ từ Việt Nam sang Bangkok lánh nan. Đó là ông Dương Văn Nam, sinh năm 1970 quê ở Bắc Giang. Ông Nam là nông dân hay làm thơ phê phán chế độ và ủng hộ cho dân chủ...

Anh em dân chủ ở khu vực phía Bắc hay gọi ông với biệt danh chất phác: ‘Nhà thơ nông dân’. Trên đường chạy trốn đợt khủng bố gần đây nhất của công an Việt cộng, anh ‘nông dân làm thơ’ đến được Bangkok cùng với đôi dép tổ ong.”

Dương Văn Nam ở Bắc Giang
Tôi nhận ra ngay người đồng hương không nhờ vào “đôi dép tổ ong” mà vì ánh mắt ngơ ngác, và lạc lõng của Dương Văn Nam, giữa lòng thủ đô Vọng Các. Tôi bước đến trước mặt ông, đọc khẽ mấy câu thơ (những vần thơ mà tôi đã làm hơn ba mươi năm trước, khi bước chân ra Bangkok lần đầu) để làm quen:

Chiều về trên xứ lạ
Xe ngược xuôi trăm đường
Trăm ngàn khuôn mặt lạ
Mong một người đồng hương... 

Chút xíu nữa “thằng chả” ôm chầm ngay lấy tôi vì ngạc nhiên, và vì cảm động:

- Thế bác cũng là người Việt à?

- Vâng.

- Bác cũng biết nàm thơ à?

- Vâng.

- Em nàm nông nhưng thỉnh thoảng cũng có nàm thơ... Nếu không vì thơ chưa chắc em đã phải bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ vợ, bỏ con nưu nạc đến tận nơi này.

Tôi đã tiếp xúc với không ít những nông dân Việt Nam đang đẩy xe bán kem, bán nước dừa, bán trái cây, hay phụ bếp trong những tiệm ăn ở Thái Lan. Họ lâm vào cảnh tha phương cầu thực giản dị chỉ vì mất hết đất đai, và không tìm được kế sinh nhai ở quê nhà. Đây là lần đầu tiên tôi mới gặp một người “nàm nông nhưng thỉnh thoảng cũng có nàm thơ” phải bỏ nước ra đi chỉ vì những câu thơ chân chất (y như đất và khoai, bắp) của mình đã xuất hiện trên face book:

lương tâm các mác tuyệt vời
muốn cho nhân loại sướng đời muôn năm 
nhưng vì chủ thuyết oái oăm 
khi đem thí nghiệm không thành cái chi
chỉ thành xã hội ngu xi
dân thì khổ nhục quan thì sướng rên 
sướng vì độc đảng triền miên 
quan tham hút máu dân đen đời đời.

Dương Văn Nam (phải) ở Bangkok.
Ảnh chụp tháng 11/2015
Tôi mời Dương Văn Nam vào quán bên đường uống mấy chai bia, và nghe ông tâm sự:

- Vừa sang đến đây em được giới thiệu đi làm phụ hồ ngay cho ông Trần Thanh Hải nhưng ông ấy không trả cho cắc bạc nào cả...

- Cha này tên là Hải Xây Dựng. Bà con H’mông của mình ở xóm chợ Dênh Chơn Lơn cũng than phiền là ông ấy hay mướn người tị nạn làm việc rồi quỵt tiền, hay chỉ trả tượng trưng thôi, vì biết chắc là chả ai dám thưa kiện gì cả.

- Bây giờ em chưa biết tính nàm sao, có người khuyên đi bán kem. Bác nghĩ thế lào? 

- Bán kem thì chả cần phải vốn liếng gì vì xe kem của chủ nhưng đẩy xe từ sáng đến tối cũng chỉ được chia khoảng ba bốn trăm baht, nghĩa là chừng mươi mười đô la hay nhỉnh hơn chút xíu thôi.

- Thì em cũng chỉ cần đến thế thôi. Vợ em nó đi nàm ô sin ở Macao đã đủ tiền gửi về nhà để nuôi bố mẹ hai bên, với hai cháu bé rồi.

Nói xong nét mặt của Dương Văn Nam trông thư giãn hẳn. Ông tợp một ngụm bia cực lớn như một cách tự thưởng vì vừa tìm ra được sinh lộ giữa cảnh khốn cùng. 

So với chuyện đi mót Nguyễn Thị Hoài Thanh, hay đi xin của Dương Ánh Dương ngày trước thì “viễn tượng” đi bán hàng rong tuy không huy hoàng nhưng (ngó) dễ coi và đàng hoàng hơn thấy rõ. Thế nước (quả) đang lên, dù không nhanh lắm. Tuy chậm nhưng không chóng thì chầy “Việt Nam (sẽ) là một cường quốc về thơ.” Nghĩ cho cùng thì thơ thiêng thật, chỉ e là “không thiêng lắm” thôi! 




Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1