Đại Nghĩa (Danlambao) - Không có lúc nào như lúc này, lòng mọi người dân Việt bừng lên niềm hy vọng, hy vọng một ngày mai như người dân Miến Điện hôm nay. Người dân Việt Nam mơ phá tan xiềng tỏa của chế độ cộng sản bạo tàn đã ngự trị trên toàn cỏi đất nước suốt 40 năm qua. Bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hy vọng của người dân Việt Nam hướng về người dân Miến Điện đang tưng bừng đón ngày tự do dân chủ sau bao nhiêu năm quằn quại dưới ách độc tài của chế độ quân phiệt.
Trông người mà nghĩ đến ta!
Bị trị thì cùng bị trị, bị áp bức thì cùng bị áp bức, nhưng mỗi hoàn cảnh mỗi khác, người Việt Nam chúng ta hãy bình tâm mà tìm ra những điều kiện gì khiến người dân Miến Điện có được như ngày hôm nay mà dân tộc Việt Nam chúng ta chưa có được.
1. Miến Điện bị cấm vận kiệt quệ.
Dưới sự cai trị độc tài của chế độ quân phiệt Miến Điện đã đưa đất nước đến chỗ suy vong, từ một nước tài nguyên phong phú thì lại trở thành nghèo nàn, lạc hậu phải ngửa tay nhận tiền viện trợ từ Trung cộng để rồi đưa đất nước vào vòng lệ thuộc, nhân dân chán ghét. Điều kiện mấu chốt là nhờ bị Tây phương trừng phạt, bao vây cấm vận đến nỗi kiệt quệ. Giới cầm quyền Miến Điện từ đó nhận ra là muốn thoát khỏi viễn ảnh tương lai đen tối của dân tộc là lệ thuộc vào Trung cộng thì phải tìm lối thoát bằng cách chấp nhận điều kiện xả bỏ cấm vận của phương Tây là trả lại quyền lãnh đạo đất nước cho người dân và thực thi tự do dân chủ.
“Cho nên, cách duy nhất là giới cầm quyền Miến Điện phải giảm thiểu lệ thuộc vào TQ một cách ‘nhục nhã và tổn hại’….
Giới cầm quyền Miến muốn thoát khỏi biện pháp trừng phạt của phương Tây cùng tình trạng sa sút kinh tế, vì con đường Miện Điện đến thiên đường XHCN mà chính quyền quân phiệt Ne Win áp đặt trước đây đã đưa xứ này đến ngỏ cụt, kinh tế giống như trường hợp Bắc Hàn, cùng nhiều hậu quả nghiêm trọng khác, khiến Miến Điện trở thành xứ nghèo nhất ĐNÁ mà giờ Rangoon mới nhận ra là một nỗi quốc nhục”. (RFA online ngày 7-4-2012)
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, thuộc khoa Quan hệ Quốc tế trường ĐH George Mason cho biết nguyên nhân đầu tiên dẫn đến hàng loạt đổi mới gần đây của Miến Điện.
“Nói về sự thay đổi thì những nhà lãnh đạo Miến Điện thấy rằng sự thay đổi có lợi cho nước họ và cho họ. Và có một số điều kiện khiến cho họ thay đổi được. Trước hết, áp lực từ phía bên ngoài rất mạnh nên kinh tế Miến Điện bị ‘kẹt’, bị cô lập và bị lệ thuộc quá nhiều từ TQ. Muốn làm như thế họ phải hướng ra nước ngoài - Tây phương. Nếu muốn vậy họ phải thực hiện một số công việc mà tây phương yêu cầu như dân chủ nhân quyền. Làm như vậy thì họ không bị cô lập ngoại giao và có triển vọng phát triển kinh tế của nước”. (RFA online ngày 5-4-2012)
Ở Việt Nam ta thì ngược lại không có được điều kiện thuận lợi như người dân Miến Điện vì Tây phương và ngay cả Hoa Kỳ đang thi nhau trải thảm đỏ đón lãnh tụ CSVN, các nước tư bản thi nhau tăng cường viện trợ, thi nhau đổ vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng cường quan hệ ngoại giao, liên kết quốc phòng và ngay cả tiền kiều hối của người Việt ở hải ngoại mỗi năm gửi về nuôi chế độ cả 10 tỷ mỹ kim làm thì sao mà họ từ bỏ miếng mồi béo bở bây giờ, chỉ có hoàn cảnh khốn cùng như Miến Điện thì may ra.
2. Chính quyền quân nhân bị nhân dân chống đối.
“Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”, chân lý ấy được người dân Miến Điện triệt để vận dụng. Họ đã can đảm đấu tranh chống lại nhà cầm quyền quân phiệt độc tài làm cho đất nước họ bị kiệt quệ và ngày càng lệ thuộc dưới sự khống chế của ngoại bang. Người dân Miến Điện đã nhiều lần biểu tình hy sinh cả tính mạng để đòi quyền tự do dân chủ khiến cho nhà cầm quyền phải chùn tay tàn sát. Còn ở Việt Nam chưa bao giờ có được một cuộc biểu tình nào phản đối cách cai trị độc tài tàn ác của nhà cầm quyền cộng sản cho ra hồn. Người dân Miến Điện đã có:
- “Các cuộc biểu tình lớn lần cuối diễn ra vào năm 1988, khi quân đội mở cuộc trấn át ồ ạt những người biểu tình đòi dân chủ. Các cuộc bạo động đã làm khoảng 3.000 người thiệt mạng”. (VOA online ngày 22-8-2007)
- “Gần 20.000 người tại thủ đô cũ Rangoon của Myanmar đã tham gia vào cuộc biểu tình lớn nhất từ gần 20 năm qua nhằm phản đối chính phủ quân đội.
Đứng đầu đoàn biểu tình vẫn là các nhà sư, nhưng số dân thường tham gia ủng hộ đông hơn nhiều so với những hôm trước đây và lần đầu tiên người ta thấy hàng trăm ni cô tham gia”. (BBC online ngày 23-9-2007)
- “Công dân Miến Điện bắt đầu nhiều tuần lễ biểu tình rầm rộ chống quân đội vào tháng 6 năm 2007 trước khi nhà cầm quyền dẹp tan các cuộc biểu tình. Liên Hiệp Quốc cho biết có ít nhất 31 người thiệt mạng và hàng ngàn người khác bị bắt giữ trong cuộc đàn áp”. (VOA online ngày 8-3-2012)
Sự kiên cường bất khuất đấu tranh và trả giá của người dân Miến Điện vô biên mà người dân Việt Nam chưa có được, do vậy người dân Miến có quyền tự hào và xứng đáng đón nhận thành quả vẻ vang ngày hôm nay và là bài học cho người dân Việt Nam muốn có tự do dân chủ thì phải đấu tranh, phải có hy sinh mất mát chứ tự do dân chủ không ai cho không biếu không bao giờ.
3. Miến Điện có “Gorbachov” Thein Sein.
Từ khi đảo chính cướp chính quyền năm 1962 cho đến nay nhà cầm quyền quân phiệt đã áp dụng chính sách cai trị độc tài chuyến chế khiến phương Tây cấm vận và nhân dân chống đối. Nhận thức được viễn ảnh đen tối của đất nước và tương lai ảm đạm của chính mình, giới lãnh đạo quân phiệt sớm thức tỉnh, biết sợ cái “ngày tàn của bạo chúa” và họ sớm chọn con đường “hạ cánh an toàn” trước khi quá muộn. May mắn thay cho nhân dân Miến có được những người cầm quyền sáng suốt đỡ hao tốn xương máu của dân lành. Ngược lại, tại Việt Nam chưa có được bộ mặt nào sáng sủa, biết tìm ra lối thoát cho dân tộc, họ cứ khư khư giữ lấy quyền lực cam tâm làm nô lệ ngoại bang. Để mưu cầu danh lợi, CSVN đã trải thảm đỏ rắc hoa đón tiếp nồng hậu đồng chí 16 chữ vàng ôm hôn thắm thiết trong khi người cựu chiến binh Trần Bang bị bè lũ bán nước đánh máu me bê bết vì không muốn tiếp tên Tập Cận Bình, kẻ xâm lược chiếm biển đảo của tổ quốc thân yêu.
“Cách nay khoảng một năm, sau khi thể chế quân sự chính thức rút lui nhường bước cho tân chính phủ dân sự trên danh nghĩa Tổng thống Thein Sein, thì vị tướng trở thành tổng thống này, ông được xem là Mikhail Gorbachov của Miến Điện, mở đường cho những đổi thay ngạc nhiên, từ việc chính trị, phóng thích tù nhân lương tâm, đối thoại với Liên Đoàn Toàn Quốc Vì Dân Chủ, ký thỏa thuận ngừng bắn với sắc tộc thiểu số, đình chỉ dự án đập thủy điện TQ, nới lỏng việc kiểm duyệt báo chí, cải cách kinh tế, cho tới thành lập Ủy ban Nhân quyền Quốc gia, viết lại luật đất đai, lao động, mời những nhà bất đồng chính kiến lưu vong trở về”. (RFA online ngày 7-4-2012)
Giới cầm quyền Miến Điện dù độc tài nhưng vẫn có lỗ tai, có con mắt, biết nhìn và biết lắng nghe tiếng nói của người dân, biết sợ sự nô lệ, nhất là nô lệ Trung cộng. Họ đã biết từ chối những món tiền ODA bẩn thỉu của Trung cộng để làm đập nước 3,2 tỷ mỹ kim cũng như “Dưới áp lực của dư luận, Miến Điện hủy dự án đường sắt với TQ” như đài RFI đã đưa tin:
“Một lần nữa, chính quyền Miến Điện chứng tỏ họ không ngại làm mích lòng láng giềng khổng lồ TQ, qua việc đình chỉ dự án đường sắt hàng chục tỷ đô la, mở đường cho TQ ra đến Ấn Độ Dương”. (RFI online ngày 23-7-2014)
Theo giáo sư Tương Lai khi trả lời phỏng vấn của Mặc Lâm đài RFA thì:
“Ông Thein Sein thoát ra khỏi vòng kim cô, ra khỏi áp lực của TQ, theo chỗ tôi biết thì đường biên giới của Miến Điện với TQ còn dài hơn gấp hai lần đường biên giới giữa Việt Nam và TQ. Áp lực của TQ do lính đánh thuê TQ nhân danh đảng Cộng sản Miến Điện nằm áp sát biên giới đó và vẫn tiếp tục đe dọa bằng vũ lực liên miên trong hàng chục năm. Đến bây giờ, bối cảnh đã thay đổi và áp lực đó bị đẩy lùi.
Không đẩy lùi được cái này, không cắt đứt cái vòi bạch tuộc của TQ thì dù ông Thein Sein có muốn cũng không làm được”. (RFA online ngày 10-11-2015)
Chính quyền Miến Điện thì như thế, còn chính quyền CSVN thì sao? Mới đây Tập Cận Bình bố thí cho 200 triệu mỹ kim cho vay thì đã nhanh tay vồ lấy và miệng thì cảm ơn ríu rít.
Thế rồi Tập Cận Bình ra lệnh cho Nguyễn Tấn Dũng sau khi “lên ngôi” (TBT) phải sang Bắc Kinh triều kiến để nhận chiếu chỉ sắc phong, Nguyễn Tấn Dũng tỏ ra khúm núm cúc cung tận tụy, ôm hôn họ Tập những ba lần.
Ở Việt Nam ngày nay giới cầm quyền chỉ biết tham quyền cố vị, bám trụ mưu cầu quyền lực và bảo vệ lợi ích riêng tư bằng cách cày cắm con cháu vào những vị trí then chốt cũng như vương quốc Bắc Triều Tiên cha truyền con nối để bảo vệ bãi đáp được an toàn chẳng khác thời phong kiến.
4. Miến Điện có bà Aung San Suu Kyi.
Phúc đức thay cho dân tộc Miến Điện có người nữ anh thư khả kính, có tư cách hơn người đã kiên trì đấu tranh đầy gian khổ, gây được sự kính trọng và tin tưởng trong dân chúng, xứng đáng là một lãnh tụ để người dân đem hết tâm huyết mà ủng hộ bà trong sự nghiệp đấu tranh qua Liên Đoàn Toàn Quốc Vì Dân Chủ. Có được vị lãnh tụ anh minh đáng kính người dân Miến Điện đã sẵn sàng hy sinh, điều này ở Việt Nam hiện đang thiếu hẳn, chưa có một vị lãnh tụ xứng đáng, do đó nhân dân Việt Nam chưa sẵn sàng để đấu tranh, vì thế mà chế độ độc tài cộng sản ngày càng củng cố qua những hạt giống đỏ. Bà Aung San Suu Kyi đã biết vì quyền lợi của tổ quốc trên hết chứ không phải chỉ vì quyền lợi của đảng như CSVN. Với tấm lòng vị tha, bà đã chống lại “công lý trả thù”, do đó bà đã thuyết phục được giới cầm quyền và họ đã tin tưởng nơi tư cách và uy tín của bà mà chịu từ bỏ quyền lực và an tâm hạ cánh.
“Trả lời câu hỏi về khả năng trong tương lai có một tòa án xét xử các cựu lãnh đạo chế độ độc tài quân sự, bà Aung San Suu Kyi nói: ‘Tôi không muốn kiểu công lý trả thù, nhưng muốn có công lý tái lập. Trước hết, đất nước chúng tôi cần tái lập một Nhà nước pháp quyền”. (RFI online ngày 23-2-2012)
Đất nước Việt Nam hòa bình và thống nhất đã 40 năm rồi nhưng lòng người còn chia rẽ sâu sắc chưa có một cơ may hàn gắn được. Nhà cầm quyền thì cứ mãi khư khư ngồi trên danh lợi tỵ hiềm ích kỷ với ám ảnh nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, nhìn đâu cũng thấy “diễn biến hòa bình”, nhìn đâu cũng thấy lật đổ. Ở Việt Nam không thấy có gương mặt nào sáng giá như tướng Than Shwe, Tổng thống Thein Sein của Miến Điện xuất hiện mà quanh đi quẩn lại chỉ thấy những bộ mặt tăm tối của Nguyễn Phú Trọng, của Nguyễn Tấn Dũng, của Phùng Quang Thanh… Những tướng tá lão thành thì đang bo bo giữ sổ hưu, may ra có vài vị trí thức bất mãn lên tiếng lấy lệ, còn tuổi trẻ lớp thì đầu bù tóc rối lo việc kiếm miếng sinh nhai, lớp con ông cháu cha hay con mấy đại gia thừa tiền thì lo ăn chơi phè phỡn. Chỉ một số ít trí thức trẻ dấn thân nhưng không đủ làm nên mùa Xuân, không đủ để nhà cầm quyền bắt nhốt.
Nhìn về Miến Điện thì người Việt Nam ước mơ, ước mơ thì vẫn ước mơ, nhưng điều kiện ắt có, cần và đủ thì ta chưa thấy đâu.
Để kết luận bài viết này tôi xin mượn ý của Khải Tường, một bạn trẻ phát biểu trong cuộc hội thoại với Chân Như trên đài RFA như sau:
“Theo em Myanmar có lẽ là một bài học và cũng là một gương sáng để Việt Nam noi theo. Em đang rất phân vân không biết là Việt Nam “họ” có đang mở lòng ra để noi theo giống như Myanmar vì Myanmar đã làm một việc trước đây họ không bao giờ nghĩ tới. Họ nói thẳng là họ thoát trung được”. (RFA online ngày 18-11-2015)
24/11/2015