Viện Toán cao cấp Việt Nam - Dân Làm Báo 1

Viện Toán cao cấp Việt Nam

Vũ Duy Mẫn - Tin Ngô Bảo Châu được nhận giải thưởng Fields năm 2010 làm nức lòng nhiều người Việt Nam, nhất là giới sinh viên và những người làm toán. Giáo dục Việt Nam nhân sự kiện này khuyến khích, động viên việc học, việc nghiên cứu khoa học là điều rất tốt và thiết thực, còn nếu Chính phủ lấy đó làm xuất phát điểm để đầu tư cho một Viện Toán cao cấp thì lại là một viêc cần xem xét. 

Hôm nay đọc bài “GS Ngô Bảo Châu tiết lộ ‘bí mật’ của Viện Toán cao cấp” đăng trên báo Giáo duc Việt Nam (Thứ tư 18/01/2012), không thể không viết lại vài cảm nhận. 

Bài viết có đoạn Ngô Bảo Châu phát biểu: “hiện nay tỷ lệ giảng viên toán có trình độ tiến sỹ chỉ là một con số rất nhỏ, quan trọng hơn tỷ lệ giảng viên toán có các công trình nghiên cứu khoa học theo chuẩn quốc tế nào đó lại là một con số vô cùng nhỏ.” 

Phát biểu trên đúng không chỉ đối với ngành toán mà còn đối với mọi ngành khoa học của Việt Nam. Vậy câu hỏi được đặt ra là: “liệu toán học có phải là ngành cần đầu tư phát triển nhất ở Việt Nam?” Rất có thể khoa học xã hội, nông nghiệp hay môi trường xứng đáng được ưu tiên phát triển hơn và mang lại nhiều lợi ích trực tiếp hơn cho đất nước. 

Viêt Nam là nước đang phát triển, còn rất nghèo, có nền toán học chưa tiên tiến. Vậy tại sao lại “hào phóng” đầu tư nghiên cứu toán cao cấp để có thể người được hưởng lợi nhiều chưa chắc đã là Việt Nam? Mục tiêu phấn đấu “đến năm 2020 toán học Việt Nam có thứ hạng thứ 40 trên thế giới” thực chất chẳng có ý nghĩa gì nhiều và hoàn toàn không đáng để hấp dẫn. 

Đoạn: “Được biết, kinh phí hoạt động của Viện toán được Chính phủ dành tới 650 tỷ đồng để hoạt động, Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ không yêu cầu Viện phải nghiên cứu cái gì, việc sử dụng số kinh phí trên như thế nào là quyền của GS Ngô Bảo Châu, Hội đồng khoa học…” làm người đọc bức xúc về sự “dễ dãi” trong điều hành của Chính phủ. Khi trao kinh phí cho một đơn vị, Chính phủ cần đưa ra những nhiệm vụ cụ thể và đòi hỏi trách nhiệm giải trình của đơn vị đó. 

Viện Toán cao cấp đã ra đời, còn cần thêm một thời gian nữa để đánh giá về hiệu quả của nó nói riêng, về chính sách phát triển nói chung và rút ra những bài học.



*

GS Ngô Bảo Châu tiết lộ “bí mật” của Viện Toán cao cấp

GS Ngô Bảo Châu cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và các giáo sư, nhà khoa học hàng đầu Việt Nam và thế giới trong ngày ra mắt Viện nghiên cứu về Toán. Ảnh Xuân Trung

Từ khi được Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 12/2010, sang năm 2011 cấu trúc của Viện nghiên cứu cao cấp về toán cơ bản được hình thành. Hiện, GS Ngô Bảo Châu được bổ nhiệm là Giám đốc khoa học của Viện, GS. TSKH Lê Tuấn Hoa làm Giám đốc điều hành Viện. Ngày 17/1 vừa qua có lẽ là sự kiện đáng nhớ nhất của nền toán học nước nhà khi chính thức ra mắt quốc tế về Viện nghiên cứu cao cấp về toán ở Việt Nam. 

Hãy nhìn vấn đề từ gốc 

GS Ngô Bảo Châu thốt lên rằng: “Đây là mốc quan trọng trong lịch sử còn non trẻ của ngành toán học Việt Nam. Từ những ngày đầu tiên manh nha gây dựng nền toán học của GS Lê Văn Thiêm (ĐH SP Hà Nội), GS Hoàng Tụy, từ Trường ĐH KHTN (ĐHQGHN), đến nay nền toán học Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Đội ngũ giảng viên toán ở các trường đại học đã lớn mạnh hơn nhiều so với những ngày đầu”, tuy nhiên theo GS Châu số lượng này vẫn chưa đáp ứng được về chất lượng. GS Châu thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay tỷ lệ giảng viên toán có trình độ tiến sỹ chỉ là một con số rất nhỏ, quan trọng hơn tỷ lệ giảng viên toán có các công trình nghiên cứu khoa học theo chuẩn quốc tế nào đó lại là một con số vô cùng nhỏ. 

GS Ngô Bảo Châu dẫn chứng cho thực trạng này, vào dịp hè năm trước dư luận còn xôn xao về thành tích không tốt của đội tuyển Olympic toán học Việt Nam: “Thực ra, con số đáng lo ngại hơn nhiều vấn đề đó là điểm chuẩn đầu vào của khoa toán, các ngành khoa học cơ bản rất thấp. Con số đáng buồn này phần nào làm lu mờ đi tương lai của nền toán học Việt Nam” GS Châu cho biết. 

Trước thực trạng đó, một Ban soạn thảo chương trình toán quốc gia đã được thành lập nhằm phát triển ngành toán học giai đoạn từ 2011-2020, điểm nhấn là việc thành lập Viện nghiên cứu cao cấp về Toán. 

GS Châu “tiết lộ”, Viện nghiên cứu về toán sẽ hoạt động khác so với những Viện nghiên cứu đang có ở Việt Nam, Viện sẽ không có hoặc có rất ít cán bộ nghiên cứu cơ hữu, “Viện hoạt động theo mô hình nghiên cứu và tổ chức các nhóm nghiên cứu có quy mô lớn nhỏ khác nhau để cho khác biệt, và từ đó lôi cuốn được nhiều các nhà khoa học quốc tế xuất sắc đến Việt Nam. Đồng thời tạo điều kiện để các nhà khoa học Việt Nam đang làm việc trong nước có cơ hội tiếp xúc với những gì là “nóng hổi” nhất trong môi trường nghiên cứu toán học quốc tế” GS Châu nhấn mạnh. 

Cũng theo GS Ngô Bảo Châu, Viện sẽ là nơi lôi cuốn các nhà khoa học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài về nước làm việc lâu hơn và có nhiều hợp tác với đồng nghiệp trong nước hơn trong thời gian tới. 

Là giảng viên, đồng thời nằm trong Hội đồng tư vấn quốc tế về toán, GS. R. Fefferman Hiệu trưởng Phân viện khoa học tự nhiên, Trường ĐH Chicago, nơi GS Ngô Bảo Châu đang công tác, cho biết việc ở Việt Nam có Viện nghiên cứu về toán sẽ đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển sau này của ngành toán học. 

“Trường ĐH Chicago chúng tôi rất vinh dự có được một đồng nghiệp tài năng, lỗi lạc là GS Ngô Bảo Châu. Trường chúng tôi sẵn sàng chào đón tất cả những nhà khoa học, không phân biệt giới tính, sự xuất thân từ đâu. Ở trường ĐH Chicago ngay từ cuối thế kỷ XIX đã nhấn mạnh tới việc giảng dạy và nghiên cứu toán học, đồng thời các trường ở Mỹ kể cả trung học và đại học rất chú trọng tới việc học toán và nghiên cứu toán, những nhà nghiên cứu thường được hưởng các chế độ ưu đãi lớn, họ không cần phải giảng dạy, do vậy thời gian dành cho nghiên cứu nhiều hơn và thời gian giảng dạy cũng nhẹ nhàng đi” GS. Fefferman chia sẻ về mô hình hoạt động của trường ĐH Chicago. 

GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cũng cho biết, thực tế mô hình Viện nghiên cứu cao cấp về toán đã hoạt động nhiều năm nay ở một số nước phát triển, với nền toán học tiên tiến và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của nền toán học thế giới. 

Theo GS Châu, một trong những nguyên nhân khiến trình độ giảng viên toán ở các trường đại học hiện nay thấp có căn nguyên từ gốc, do điểm chuẩn đầu vào các ngành khoa học cơ bản, toán thấp. Ảnh Xuân Trung 

“Tuy vậy, việc thành lập Viện nghiên cứu toán học cao cấp ở Việt Nam, ở một nước đang phát triển, với trình độ phát triển kinh tế xã hội tương đối thấp, đó là một hiện tượng hiếm hoi, là sự kiện đặc biệt của đất nước chúng ta và cộng đồng toán học nói riêng. Viện ra đời thể hiện sự kỳ vọng của Đảng và Nhà nước, của nhân dân và toàn xã hội đối với ngành toán học Việt Nam trong sự nghiệp phát triển chung của đất nước, cũng như trong sự nghiệp phát hiện và bồi dưỡng tài năng toán học” GS Đào Trọng Thi kỳ vọng. 

Chính phủ không yêu cầu Viện phải nghiên cứu 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Viện nghiên cứu cao cấp về toán ra đời nhằm thực hiện sứ mạng lịch sử phát huy tiềm năng, tư duy sáng tạo trong khoa học cơ bản, góp phần đẩy mạnh nâng cao chất lượng đào tạo về toán ở Việt Nam. 

Phó Thủ tướng cho biết, ngày 17/8/2010 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển toán học Việt Nam giai đoạn 2010-2020, đây là lần đầu tiên trong lịch sử khoa học Việt Nam có một Chương trình quốc gia phát triển 10 năm về toán học. 

“Mục tiêu chung là phát triển nền toán học mạnh mẽ về mọi mặt, nghiên cứu, ứng dụng, giảng dạy nhằm góp phần nâng cao số lượng chất lượng những người làm toán chuyện nghiệp, để toán học Việt Nam đi vào xu thế phát triển bền vững, đến năm 2020 toán học Việt Nam có thứ hạng thứ 40 trên thế giới. Cũng đến năm 2020, đội ngũ giảng viên dạy toán ở các trường đại học ít nhất có khoảng 70% trình độ tiến sỹ” Phó Thủ tướng chỉ đạo và đặt kỳ vọng vào sứ mệnh mà Viện toán phải phát huy được tiềm năng của mình. 

Được biết, kinh phí hoạt động của Viện toán được Chính phủ dành tới 650 tỷ đồng để hoạt động, Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ không yêu cầu Viện phải nghiên cứu cái gì, việc sử dụng số kinh phí trên như thế nào là quyền của GS Ngô Bảo Châu, Hội đồng khoa học… 

“Chính phủ chỉ có mong muốn thông qua đây, với quy chế đặc biệt Viện sẽ trở thành một Trung tâm toán học xuất sắc của Việt Nam và khu vực, tạo môi trường làm việc tốt tương đương với các nước đang phát triển. Là nơi trao đổi học tập giữa các nhà khoa học trong nước và nước ngoài” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.



Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1