Thư gửi ngài Bộ Trưởng Bộ GTVT - Dân Làm Báo 1

Thư gửi ngài Bộ Trưởng Bộ GTVT


Kính gửi Ngài Đinh La Thăng, 

Ngài thực sự đã gây ấn tượng cho tôi khi ngay trong ngày nhậm chức Ngài đã hùng hồn tuyên bố “Tư lệnh ra chiến trường phải được toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi, nếu chờ xin phép thủ trưởng ở nhà thì sẽ lỡ cơ hội”. Tôi ấn tượng vì tôi nghĩ rằng với một tuyên bố như thế hẳn Ngài sẽ thuộc vào một trong hai loại người: 1) hoặc là loại người thông minh tuyệt đỉnh với sự tự tin cao độ rằng những quyết sách của mình sẽ mang đến lợi ích và sự đồng thuận trong rộng rãi quần chúng nhân dân hay 2) hoặc là loại người duy ý chí. Tôi kỳ vọng, trông đợi và cuối cùng tôi đã dần cảm nhận được Ngài thuộc loại người nào, ít nhất là cho đến lúc Ngài ra đề xuất thu phí lưu hành của ô tô và xe máy.

Quyết định đầu tiên của Ngài kể từ ngày nhậm chức khiến tôi ngờ ngợ là Ngài cấm cán bộ ngành giao thông vận tải chơi golf vào ngày nghỉ cuối tuần. Lúc đầu tôi cứ nghĩ người ta đưa tin nhầm là thay vì đáng ra phải là Ngài khuyến cáo, động viên thì đưa nhầm thành “Cấm”. Nhưng khi chính mình đọc văn bản của Ngài với chữ CẤM thì tôi thực sự thất vọng. Một quyết định vi hiến, thể hiện sự duy ý chí! Pháp luật không yêu cầu cụ thể công dân chỉ được phép làm những gì trong ngày nghỉ, ngày lễ cũng như không coi golf là một môn thể thao phạm pháp thì làm sao Ngài lại có thể ban hành một văn bản trên cả pháp luật để cấm cán bộ của mình chơi golf được? Từ thất vọng này, tôi đã lờ mờ hiểu ra tính cách muốn gây tiếng vang của Ngài khi tôi nhớ lại rằng tôi có mấy người bạn vốn có bạn cùng lớp hồi phổ thông và thuộc giới chức sắc ở Tập Đoàn Dầu Khí tại thời điểm mà Ngài làm Chủ Tịch Hội Đồng Thành Viên. Bạn tôi bảo rằng “tụi nó sống sướng lắm ông ạ, hôm trước vào Sài Gòn nó rủ đi uống rượu, loại rượu vang cỡ vài trăm ngàn tụi nó bảo uống không được, tụi nó toàn gọi chai vài trăm đến cả ngàn đô cơ. Thể thao thì tụi nó chơi golf thôi”. Tôi cũng không thể không tin được vì trước đó một người thân khác của tôi cũng gặp những người bạn ở Tập Đoàn Dầu Khí đó mấy lần. Sau khi mời ăn uống thì có lúc họ rủ hôm sau xuống Vũng Tàu đánh golf có lúc họ lại rủ bay từ Sài Gòn lên Đà Lạt đánh golf. Chả lẽ lúc Ngài ở Tập Đoàn Dầu Khí thì Ngài chưa thấy cần thiết phải cấm chơi golf sao? 

Kế tiếp là đến việc Ngài lại đề xuất đổi giờ làm việc, học tập ở hai thành phố lớn. Ngài ra đề xuất mà dường như chẳng tính đến việc mỗi người dân thành phố ngoài bản thân mình ra còn phải lo cho con cái họ nữa. Giờ học của con một đằng, giờ làm của bố mẹ một nẻo, vậy là ngài không lường được viễn cảnh bố mẹ suốt ngày phải lang thang ngoài đường. Trả lời với báo giới Ngài bảo Ngài không duy ý chí với quyết định này, vậy tôi cũng chẳng hiểu nổi nó không duy ý chí ở điểm nào. Thực tế, cái tính duy ý chí và phong cách làm việc kiểu muốn đưa ý kiến cá nhân áp dụng cho toàn xã hội của Ngài đã ảnh hưởng không nhỏ đến thuộc cấp của Ngài. Còn nhớ cách đây mấy tháng xảy ra vụ lái xe buýt bắt hành khách quỳ, lúc đó một quý ngài khác của Bộ Giao Thông Vận Tải là Giám đốc sở Giao Thông Công Chánh Hà Nội đòi tước giấy phép lái xe của người lái xe vi phạm đó. Hỡi ôi, tôi tìm mỏi mắt trong luật lệ Giao Thông Đường Bộ chả thấy có điều khoản xử phạt tước giấy phép lái xe với lỗi vi phạm như thế! Phải chăng, Ngài muốn tiên phong trong việc xây dựng một phong cách xử sự trong xã hội bằng cách thay đổi từ dựa trên pháp luật sang thành dựa trên chủ ý của người lãnh đạo hay sao? 

Hãy quay lại với đề xuất thu phí lưu hành của xe ô tô và gắn máy, dựa trên cơ sở mà Ngài cho rằng làm như thế mới đảm bảo công bằng xã hội và có nguồn thu để xây dựng cầu đường. Chúng ta hãy thử phân tích ở cả hai khía cạnh này xem thử cơ sở lý luận của Ngài khoa học đến mức nào: 

+ Đảm bảo công bằng xã hội: Bản thân tôi hiểu rằng khái niệm “công bằng” là người làm ra nhiều của cải tiền bạc thì được hưởng nhiều, người làm ít của cải tiền bạc thì được hưởng ít. Vậy thì người làm ra ít tiền thì đi xe đạp, người làm ra nhiều tiền hơn thì đi xe máy, người làm nhiều hơn nữa thì đi ô tô và nhiều nhiều hơn nữa thì đi máy bay. Vậy nên việc người ta bỏ tiền của người ta làm ra để mua sắm phương tiện hợp với túi tiền của họ thì có điểm gì không công bằng mà khiến Ngài cảm thấy cần phải bổ sung thêm cái phí lưu hành để mà điều tiết sự công bằng? Hay là Ngài nghĩ những khoản tiền mà họ dùng đó toàn là tiền “Lộc” không phải có được từ mồ hôi nước mắt như một lớp người nào đó quanh Ngài? 

Hoặc giả ta hãy hiểu sự công bằng theo cách khác: người chiếm nhiều diện tích giao thông phải đóng góp nhiều và người chiếm ít diện tích giao thông đóng góp ít. Về điểm này thì tôi nghĩ sự công bằng đã được thực hiện hơn quá nhiều so với mong đợi của Ngài. Hãy xem nhé: người đi xe đạp đóng góp cho nhà nước khoản gì nhỉ? May ra chỉ có thuế VAT với giá trị tuyệt đối tính trên mỗi xe chả đáng là bao. Thế còn người đi xe máy và đi ô tô? Thử tính mà xem, thật là một con số khổng lồ so với đóng góp của người đi xe đạp. Các khoản đó bao gồm: Thuế nhập khẩu đến vài chục phần trăm tùy loại xe, thuế tiêu thụ đặc biệt cũng vài chục phần trăm, thuế VAT tùy nơi mà từ 10-20%, lệ phí trước bạ, lệ phí cấp biển. Con số vài chục phần trăm tính trên giá trị tuyệt đối từ một ngàn cho đến vài ngàn USD tính trên đầu mỗi chiếc xe máy và vài chục ngàn đến vài trăm ngàn USD tính trên đầu mỗi chiếc ô tô. Thật là lớn!!! Như vậy liệu chưa đủ công bằng sao? Đó là chưa kể các khoản phí như cầu đường, thuế môi trường được bắt đầu áp dụng từ đầu năm 2012. Tôi thực sự không hiểu còn điểm nào là không công bằng nữa! 

+ Tạo nguồn thu để xây dựng cầu đường: Tôi tự thắc mắc những khoản thuế và lệ phí đã phân tích ở trên liệu chả có phần nào được dùng để đưa vào cải thiện hệ thống giao thông hay sao? Việc sử dụng bao nhiêu phần trong khoản này vào mục đích cải thiện hệ thống giao thông là hoàn toàn mù mờ đối với người đóng thuế. Vậy thì thử hỏi cho dù có đóng thêm cái khoản phí lưu hành như Thánh ý của Ngài thì người đóng thuế có thể tin tưởng được mấy phần vào mục đích sử dụng của nó? 

Ngài mở miệng ra là bảo bên Mỹ họ áp dụng thu khoản này lâu rồi, bên Singapore người ta thu khoản nọ từ bao nhiêu thuở. Vậy sao chả thẩy Ngài đả động gì đến việc hệ thống mạng lưới giao thông công cộng của người ta tốt đến mức nào và thuận tiện đến mức nào? Tôi cũng đã được may mắn du học ở nhiều nước trên thế giới và tôi cũng thực sự muốn nước mình có được một mạng lưới giao thông công cộng tốt bằng chỉ vài phần như họ, để tôi đỡ phải sử dụng phương tiện cá nhân. Với thực trạng hệ thống giao thông công cộng ở Việt Nam mà cho đến bây giờ mới vẻn vẹn được một số lượng hạn chế xe buýt ở mức chất lượng mà Ngài cũng buộc phải thú nhận là “bản thân tôi cũng không thể đi nổi” thì thử hỏi rằng nếu không sử dụng phương tiện cá nhân thì người dân phải đi bằng cái gì? Hay trong thâm tâm Ngài muốn người dân nước Việt rèn luyện thể lực bằng môn đi bộ suốt ngày để sau này phá kỷ lục của môn thi đấu này ở đấu trường Olympic? Không hiểu liệu với cái đà này thì sắp tới Ngài có đề xuất thu thêm phí “quyền được mua ô tô xe máy” hoặc phí “mơ đến việc sở hữu ô tô, xe máy” nữa hay không! Quả là lạm thu đến mức không thể tưởng tượng được. 

Có thể Ngài muốn thể hiện mình, có thể Ngài muốn theo đuổi mục đích chính trị nên đã có những hành động quá tham vọng. Xin thưa Ngài, đã biết bao nhiều bài phân tích và chính bản thân Ngài cũng đã thừa nhận là giải quyết vấn nạn tắc nghẽn giao thông phải là sự đồng bộ các biện pháp và của nhiều cơ quan thì Ngài cứ cố làm một mình theo hướng đẩy gánh nặng về phía người dân vốn đang cơ cực mưu sinh trong thời buổi lạm phát cao, sản xuất kinh doanh đình đốn như hiện tại thì liệu có hợp lý? Vấn đề giao thông nói riêng và hạ tầng cơ sở của một đất nước nói chung luôn cần phải đi trước một bước trong sự phát triển của xã hội. Nhưng oái oăm thay, các bậc tiền bối lãnh đạo của Ngài đã không làm được điều này. Bây giờ di sản cho Ngài đã là một mớ bòng bong thì Ngài có cố gỡ rồi theo cách Ngài đang làm chỉ càng làm cho nó thêm rối mà thôi. Ngài thử xem Hàn Quốc người ta có hệ thống đường sá và phương tiện công cộng tốt như thế mà họ cũng đã từng ân hận là chưa chú ý đúng mức đến phát triển hạ tầng giao thông thì những biện pháp của Ngài trong bối cảnh hiện tại liệu giúp ích được gì? Vì vậy, thay vì cứ cấm và đùn gánh nặng cho dân, sao Ngài không chú ý đến các biện pháp tổng thể mà bao nhiêu người đã hiến kế nhỉ? Chẳng hạn như: 

+ Quy hoạch đô thị: Làm việc với các cơ quan chức năng liên quan kiên quyết không cấp phép xây dựng nhà cao tầng nếu hạ tầng giao thông ở khu vực đó không đủ khả năng gánh tải (giá mà trước đây các bậc tiền bối của Ngài đã lưu ý thì tình trạng giao thông ở các đô thị lớn đâu đến mức tệ hại như bây giờ?) 

+ Giải quyết quyết liệt tện nạn lấn chiếm lòng lề đường: Ngài thử đi một vòng xem cái vấn nạn này nó nghiêm trọng đến mức nào? Đi đâu cũng thấy hàng quán! Người bán hàng lấn chiếm, người mua hàng dừng lại mua hàng hóa dịch vụ ở những nơi lấn chiếm đó lại góp thêm phần lấn chiếm. Vậy lấy đâu chỗ cho giao thông? Vấn đề này đúng ra thuộc về chính quyền địa phương nhưng hỡi ôi Ngài biết rồi đó, cái thói quen thân, cả nể, lại thêm điếu thuốc, chai rượu, phong bì hay “nộp tô” là coi như chính quyền địa phương đã bị vô hiệu đến mức mà tưởng như không còn có mặt nữa. Vậy, có lẽ Ngài nên táo bạo đề nghị lấy lực lượng an ninh của địa phương này để dẹp tệ nạn lấn chiếm lòng lề đường của địa phương khác. Cứ liên tục, quyết liệt như thế chắc cũng thừa ra khối chỗ cho luồng giao thông, góp phần cải thiện giao thông. 

+ Xây dựng các bãi đỗ xe: Biết bao nhiêu lòng lề được đã bị chiếm dụng cho việc để xe? Mà cũng chấp nhận thôi vì người ta muốn gửi cũng đâu có chỗ nào khác mà gửi? Các khu đô thị mới, các khu quy hoạch mới cũng chỉ chăm chăm phân được nhiều lô, bán được nhiều nền chứ ai chú ý đến việc đỗ xe đâu? Vậy hay chăng là Ngài lưu ý nhiều đến vấn đề này? 

+ Phối hợp làm việc với lực lượng cảnh sát giao thông để luôn có cảnh sát túc trực ở những điểm hay ùn tắc vào giờ cao điểm: như Ngài biết đó, ý thức giao thông của dân ta cũng kém lắm, một người cố vượt đèn đỏ, hay một người cố len lách, nếu không lọt là tắc đường xảy ra như chơi. Cần có cảnh sát giao thông để xử lý nghiêm các trường hợp này. 

+ Giáo dục: phối hợp với Bộ Giáo Dục, đưa chương trình dạy ý thức tham giao giao thông, luật lệ giao thông đường bộ nhiều hơn và thường xuyên hơn vào giảng đường, để nâng cao ý thức tham gia giao thông của xã hội. 

Tuy nhiên, trên đây cũng chỉ là những giải pháp trước mắt, chứ để giải quyết cơ bản vấn đề ùn tắc giao thông thì cần một quá trình lâu dài và tốn kém với những chủ trương lớn như: 

+ Giãn dân, giãn cơ quan hành chính nhà nước, nhà máy, trường học ra các đô thị mới 

+ Các khu đô thị mới phải được quy hoạch mạng lưới giao thông tốt, mặt đường phải đủ rộng không chỉ cho lưu thông bây giờ mà còn cho nhiều năm về sau nữa. Thật tiếc là các khu đô thị mới bây giờ như Trung Hòa, Nhân Chính, Mỹ Đình, Định Công, Linh Đàm…đã tương đối hoàn chỉnh mà mặt cắt đường thật bé quá. Chắc có lẽ người làm quy hoạch trước đây cũng chỉ nghĩ đến việc bán sao cho được nhiều nhà mà thôi. 

+ Và quan trọng nhất là hệ thống giao thông công cộng gồm xe buýt, tàu điện ngầm, tàu điện, monorail…có chất lượng và độ phủ đủ rộng. Nếu được như vậy thì thiết nghĩ rằng lúc đó Ngài không hạn chế thì người dân cũng sẽ tự động sử dụng nhiều hơn các phương tiện giao thông công cộng này. 

Ngài sẽ hỏi tôi tiền đâu mà làm nhỉ? Dễ mà không dễ, sẵn mà không sẵn Ngài ạ: thuế của dân đóng đó, viện trợ của các nước khác đó, tiền vay của các tổ chức tài chính đó. Nếu mà không bị mang đi đầu tư dẫn đến thất thoát như Vinashin hay nhiều tập đoàn đầu tư ngoài ngành khác, hoặc giả không bị tham nhũng Ngài nhỉ, thì có mà thoải mái đi chứ! Vấn đề này thì Ngài vốn đang ở vị trí gần như dưới một người, trên cả muôn người mà không giải quyết được đúng là phải bắt dân đóng góp tiếp theo mà thôi. 

Vài dòng tâm sự kính gửi đến Ngài, mong Ngài hiểu rõ nổi khổ của người dân. Họ đã đóng quá nhiều loại thuế và phí rồi, Ngài chớ có bắt họ đóng thêm nữa. Mà kể cả Ngài có bắt thì họ cũng buộc phải đóng và cũng sẽ lại dùng phương tiện cá nhân để ra đường thôi, chứ còn có cách nào khác để đi làm mưu sinh đâu? Và như vậy là tắc đường cũng vẫn là tắc đường mà thôi Ngài ạ!. 

Tác giả gửi cho QC




Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1