Thư gửi các bạn mật thám - Dân Làm Báo 1

Thư gửi các bạn mật thám



Các bạn mật thám thân mến 

Trong những ngày cuối năm vừa qua, chứng kiến công việc của các bạn mới thấy cảm thông với nỗi vất vả của các bạn cả về thể xác lẫn tinh thần. Tôi trăn trở nhiều đêm về các bạn, muốn viết về các bạn trước khi những tờ lịch năm cũ vẫn chưa bị bóc xuống để coi như thay một lời chúc mừng năm mới, nhưng cứ lần lữa mãi vì chưa chọn được đại từ nhân xưng nào khả dĩ để gọi các bạn cho đúng. Đó chính là sự muộn màng của bài viết này. Còn giờ đây khi đã gọi các bạn bằng từ “Mật thám” thì tôi cũng phải có đôi lời giải thích tránh cho những hiểu lầm không đáng có từ phía các bạn.

Không cần thiết phải tra từ điển Việt-Việt, các bạn chắc cũng hiểu đây là từ không mấy tốt đẹp dành để chỉ những người làm công việc theo dõi, dò xét, thu thập thông tin về một người hay một tổ chức nào đó một cách bí mật nhằm phục vụ cho một tổ chức hoặc một đảng phái nào đó. 

Trong thời Pháp thuộc, Mật thám là công cụ đắc lực bảo vệ chế độ thực dân. Mật thám có thể là quan chức trong ngành Cảnh sát như Bazin là kẻ đã ra lệnh đàn áp cuộc biểu tình của học sinh Trường Pétrus Ký, bắn chết sinh viên Trần Văn Ơn. Mật thám cũng có thể là người hoạt động cách mạng chống Pháp rồi trở thành chỉ điểm cho mật thám Pháp như Lâm Đức Thụ, kẻ bán đứng Phan Bội Châu, về sau bị dân quân giết tại quê hương làng Vũ Trung, huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình. Nói sơ qua như thế để thấy Mật thám là một nghề xấu xa luôn bị người đời căm ghét, khinh bỉ. Chả thế mà bài Á tế Á ca trong sách giáo khoa chúng ta đã học có câu: Lũ mật thám chó săn khéo rúc… 

Dù muốn tránh gọi các bạn bằng từ mật thám nhưng quả thật cũng chẳng thể gọi các bạn là thám tử-một từ có nghĩa khác hẳn công việc các bạn đang làm cũng như không thể gọi các bạn là An ninh vì ai dám nói các bạn đang làm việc cho lực lượng Công an nhân dân? 

Ngày đó mấy anh chị em Thiện nguyện viên đem sách về tặng các cháu thiếu nhi nông thôn và thăm một Cô nhi viện của Bùi Chu, nơi đang chăm sóc các cháu nhỏ tật nguyền. Ai đã đến nơi này không thể cầm được nước mắt khi thấy hàng trăm cháu bé không may mắn bị khiếm khuyết về thể chất lại bị bỏ rơi không nơi nương tựa. Các cháu được Cô nhi viện Thánh An tiếp nhận chăm sóc, nuôi nấng chỉ bằng nguồn kinh phí của những ân nhân xa gần. 

Cô nhi viện Bùi Chu đã có từ năm 1852 do Đức cha Joseph Diaz Sanjurjo người Tây Ban Nha thành lập nhằm nuôi dưỡng trẻ mồ côi khuyết tật từ 12 tuổi trở xuống không phân biệt lương giáo. Trải qua 156 năm, Cô nhi viện đã nuôi dưỡng không biết bao nhiêu các cháu nhỏ. Trải qua các thăng trầm của lịch sử cả về những cấm cách về đức tin cũng như nạn đói hoành hành, có thời điểm Cô nhi viện đã phải tiếp nhận tới 2000 cháu bé (Sử ký địa phận miền Trung, trang 237-238) và tồn tại đến ngày nay.

Tại đây, đi tới đâu cũng có người bám theo các Thiện nguyện viên. Ban đầu không ai để ý nhưng khi các bạn Thiện nguyện viên bị theo từng bước và có những những người khác lén quay phim trong suốt hành trình, suốt thời gian và trong tất cả công việc thì ai cũng hiểu rằng mình đã bị giám sát. Có lẽ các chị làm việc ở đây đã quen với các hoạt động mật thám như thế nên nói nhỏ với các bạn Thiện nguyện viên rằng: Các anh chị đang bị theo dõi đấy, họ đứng đầy cả bên ngoài kia kìa. 

Khi những thùng sách quyên góp chủ yếu là sách giáo khoa, truyện cổ Grim, truyện tranh Cô bé quàng khăn đỏ… vv…được mở ra trao cho các cháu nhỏ thì các bạn mật thám đã xông tới tận nơi lật từng cuốn ra xem không cần sự đồng ý của chủ nhân. Những hành động vượt quá phạm vi mật thám như thế đã làm cho không khí trở nên hết sức căng thẳng. Nó giống như một hình thức đàn áp tinh thần. 

Một phụ nữ người Australia có nhiều năm chuyên làm các công việc thiện nguyện trên khắp thế giới khi đang đẩy x e lăn cho một cháu nhỏ ra hóng nắng tình cờ gặp chúng tôi cũng nhắc nhở rằng: “Các bạn đang bị chụp ảnh lén đấy. Ở đây đôi khi tôi cũng bị người ta đòi xem passport khi đang chăm sóc các cháu nhỏ. Làm việc thiện nguyện ở Việt nam thật khó” 

Có thể có ai đó lợi dụng các hình thức thiện nguyện để làm những việc xấu như “âm mưu lật đổ chế độ, tuyên truyền nói xấu đảng” chẳng hạn nhưng thực tế tất cả các hoạt động từ thiện đều mang đến cho mọi người kém may mắn tình thương yêu, sự cảm thông chia sẻ với những mất mát của đồng loại. Hầu hết kinh phí làm từ thiện đều được chắt chiu tằn tiện từ nguồn thu nhập ít ỏi của những người có tấm lòng bác ái được chia sẻ một cách âm thầm vô vị lợi. Điều đó khác hẳn với những cuộc làm từ thiện bằng tiền ngân sách rầm rộ vẫn thấy trên ti vi. 

Có thể các bạn mật thám được giao nhiệm vụ theo dõi các đối tượng được cho là nguy hiểm nhưng thực tế, các bạn đã thấy rõ rằng những cuốn sách giáo khoa, chuyện cổ tích cho trẻ thơ kia là hoàn toàn chẳng có gì là tài liệu tuyên truyền chống phá đảng. Những giọt nước mắt, những vòng tay ôm, những an ủi vỗ về của các Thiện nguyện viên với các cháu bé tật nguyền kia chẳng có gì là biểu hiện xúi dục của các thế lực thù địch cả thì các bạn có nghĩ gì không? 

Đáng lẽ ra, nhiệm vụ của các bạn phải là phải phát hiện tìm ra những con mọt Nước tham ô hàng triệu đô như vụ PMU 18, vụ in tiền Polyme, đáng lẽ nhiệm vụ của các bạn phải là phát hiện ra những vụ đánh bạc tiền tỷ ở Cần thơ chứ những việc Thiện nguyện kia đâu phải việc các bạn phải tốn công sức tốn tiền ngân sách như vậy. Giám sát những việc Thiện nguyện tốt lành (khác hẳn công việc của các bạn đang làm) và duy trì công việc cho rất nhiều người như các bạn là một khoản chi quá lớn làm giảm đi bát cơm của người nghèo và tăng thêm sự bất bình của xã hội với các bạn. 

Sức trẻ của các bạn lẽ ra phải ở nơi biên cương bảo vệ Tổ Quốc chứ đâu phải để làm cái việc dò la những người tử tế như các bạn đã thấy hoặc hè nhau giành giật, khiêng, bắt những người biểu tình yêu nước chống trung Quốc gây hấn bắn giết bộ đội ta ở đảo Gạc ma, bắt bớ dân chài Quảng Ngãi, cắt cáp tàu Việt nam? 

Khi tiếp xúc với chúng tôi, các bạn thấy dù thế nào chúng tôi cũng luôn nhìn vào mắt các bạn và nói thật ngay rằng chúng tôi là ai, nói thật những việc chúng tôi làm dù rằng chúng tôi chẳng có trách nhiệm phải nói với các bạn điều đó. Còn các bạn đã phải nói dối khi được hỏi các bạn là ai, phải nói dối những việc các bạn đang làm. Trong sâu xa tâm thức, các bạn chắc cũng không thể không công nhận rằng việc chúng tôi làm là những việc tốt và xấu hổ về những việc các bạn đang làm: Mật thám. 

Người ta thường nói: Trâu chết để da, người chết để tiếng. Có thể đến một lúc nào đó khi đến tuổi về hưu hoặc khi như quả chanh đã bị vắt hết nước, trở về cuộc sống đời thường các bạn sẽ nhận được sự thương hại hoặc tệ hơn là sự khinh bỉ của mọi người xung quanh về những việc các bạn đã làm thì các bạn sẽ thấy cuộc đời con người ta sẽ vô nghĩa và đớn hèn biết bao khi sống hoàn toàn không có những việc làm vì tha nhân, vì sự dâng hiến cao đẹp mà làm việc duy nhất đơn thuần chỉ vì đồng lương dù rằng để tồn tại đồng lương là quý giá. 

Trong thời đại ngày nay tôi cam đoan với các bạn mật thám rằng chẳng có ai tự hào khoe ra là đang làm mật thám cả. Đúng hơn là chính các bạn cũng rất ngại ngùng bởi công việc này chẳng đáng để người ta cho là công việc tử tế. 

Nếu có bạn nào đó làm mật thám một cách mẫn cán đến nhẫn tâm để mong được cất nhắc lên một vị trí cao hơn nhằm mưu lợi lộc cá nhân thì tôi không cần phải nói với bạn nữa vì những điều tôi nói là vô ích. Với các bạn mật thám làm việc vì miếng cơm manh áo thì các bạn cũng nên bớt thời gian ăn nhậu để đọc sách tìm hiểu xem cuộc đời của các nhân vật mật thám trong toàn bộ lịch sử thế giới đã gặt hái được gì và trả giá ra sao. 

Cuối cùng, những điều tôi viết ra đây có thể không khiến các bạn mật thám tức giận mà lại làm cho ai đó vô cùng tức giận thì người đó cũng nên tự hỏi rằng nhân cách con người mình có bằng được với tên mật thám hay không? 

Thiện nguyện viên chương trình Sách cho Trẻ em.




Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1