Đôi lời với PGS. TS Nguyễn Ngọc Điện - Dân Làm Báo 1

Đôi lời với PGS. TS Nguyễn Ngọc Điện


Người Bán Báo Trong bài: Không để cái xấu, cái ác lộng hành đăng trên báo Tuổi trẻ 9/1/2012, tôi rất đồng tình với ông về cái tựa. Nhưng cách đặt vấn đề của ông hình như có chút khiên cưỡng. Thứ nhất: ông đã đánh đồng việc nổ mìn tại nhà giám đốc công an tỉnh với vụ việc của gia đình anh Vươn. Sự so sánh này sẽ hướng bạn đọc nghĩ gia đình anh Vươn là một băng nhóm xã hội đen, đồng nghĩa với một ổ nhóm trộm cướp!

Nguyên văn: TT - Vụ nổ mìn tại nhà một giám đốc công an tỉnh làm chấn động dư luận những ngày qua. Cách đó ít hôm, vụ mâu thuẫn trong cưỡng chế thu hồi đất dẫn đến làm trọng thương một số nhân viên công lực cũng tạo ra tác động xã hội tương tự. 

Thứ hai: ông nói: Con người vốn là một loài động vật và luôn có xu hướng tự nhiên hành động theo bản năng. Để giải thích nguồn gốc của cái xấu, cái ác. Tôi cũng không đồng tình với việc viện dẫn này, vì tôi cho rằng con người sinh ra là lương thiện và cái xấu cái ác không hề tiềm ẩn bên trong bản năng, mà nhiễm phải từ xã hội bên ngoài. Trong trường hợp này, không phải tất cả con người đều hành xử theo bản năng. 

Thứ ba: không hiểu ông GS muốn dạy dổ công dân như trên giảng đường hay sao mà dùng toàn những lý luận và học thuật cao siêu rườm rà rắc rối. Tôi là người ít học nên suy nghĩ đơn giản hơn: 

Trong một xã hội, chính pháp luật là cái xương sống giử cho xã hội đó phát triển lành mạnh. Vậy thì tại sao bạo lực tràn lan như bây giờ không chỉ: “chuyện cãi cọ trong những trường hợp mâu thuẫn xoay quanh việc tìm kiếm lợi ích.” Mà còn do luật pháp không nghiêm minh, không được thực thi đúng nghĩa với phương châm: Sống và làm việc theo pháp luật. Một ví dụ cụ thể là vụ gia đình anh Vươn, nếu hành xử đúng pháp luật chính quyền phải giao đất 20 năm, tức theo lời TS. Đặng Hùng Võ thì phải đến năm 2017 mới đến hạn trả lại cho nhà nước. Nếu chính quyền làm đúng thì việc manh động có xảy ra không? Tôi chắc là không.

Giờ hãy thử làm con tính, theo như người em của anh Vươn khai: gia đình còn mắc nợ cả chục tỷ đồng tiền đầu tư vào khu đất ấy. Ta khoanh lại món nợ chỉ 5 tỷ thôi. Thử tính; vay ngân hàng với lãi suất 21%/năm. Cứ mỗi tháng gia đình anh phải trả lãi 105 triệu đồng. Thí dụ như gia đình chấp nhận hành xử theo đúng trình tự pháp luật, tức tạm tuân theo lệnh trả lại đất rồi mới đi khiếu nại theo đúng trình tự pháp luật thì trong bao lâu sẽ được giải quyết? Và trong thời gian đó, đồng hồ của ngân hàng vẫn cứ chạy chứ đâu có dừng lại mà chờ phân xử. Ai sẽ chịu thanh toán khoản lãi chứ chưa nói đến trả nợ cho gia đình anh? 

Như vậy nguyên nhân dẫn tới việc manh động do không còn niềm tin vào chính pháp luật, cái mà lẽ ra nó phải đứng về phía công lý. Và họ bế tắc. 

Như người ta thường nói: Luật của kẻ mạnh! Ngày nào luật còn chưa được hành xử và tôn trọng đúng mực thì ngày đó những hành vi manh động vẫn sẽ còn tiếp diễn. Ở đây tôi cũng không thấy ông GS đề xuất giải pháp nào cho hợp lý, ông chỉ nói chung chung mà ai cũng nói được chứ không cần phải là PGS. TS như ông.

Trích:

(Rõ hơn, muốn trật tự, sự bình ổn trong xã hội được duy trì vững vàng, một trong những điều tối cần thiết là các cơ quan thực thi pháp luật phải thực hiện chức năng được giao phó có hiệu quả. Đặc biệt, các vị trí chuyên môn phải tích cực, tận tụy với công việc; chủ động và nhạy bén trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật; không lơi lỏng, xuề xòa; luôn tỉnh táo và đứng vững trước mọi thách thức, đe dọa, cám dỗ; chấp nhận đương đầu và kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác.) 

Xin lỗi ông GS, tôi lúc này hơi bị dị ứng với mấy cái chữ to đứng trước tên của 1 ngài nào đó. Nếu có gì đụng chạm xin ông thứ lỗi.




Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1