“Ly thân”, làm tiếng ếch gọi mưa - Dân Làm Báo 1

“Ly thân”, làm tiếng ếch gọi mưa


Nguyễn Thanh Giang (danlambao) - Tôi không mê thơ Trần Mạnh Hảo đến mức như một thầy dạy hóa nào đó qua lời kể của Đỗ Trường: “Ngày còn đi học, mấy thằng "học sinh cá biệt" chúng tôi luôn bị các thầy cô giáo gọi kiểm tra bài tập đầu giờ. Nhất là mấy môn học thuộc, chúng tôi thay nhau trốn đâu đó, chờ cho thầy cô kiểm tra bài xong, mới xin vào lớp muộn. Nhưng đặc biệt giờ học môn hóa của thầy Lễ, không bao giờ chúng tôi phải trốn. Chẳng phải chúng tôi giỏi giang, hay chăm chỉ làm bài tập ở nhà, vì thầy đọc thơ Trần Mạnh Hảo cho chúng tôi nghe, thay cho kiểm tra bài đầu giờ… Dần dà cái lửa trong thơ của Trần Mạnh Hảo cháy vào tôi lúc nào không hay, và rồi hình như tôi đã nghiện thơ của ông” (1).

Chính nhà văn này đã đánh giá thơ Trần Mạnh Hảo như sau: “Tôi rất thích đọc những bài thơ tứ tuyệt, hoặc những bài thơ viết về quê hương, đất nước của ông. Đọc những bài thơ này, ta như đang trở về với hồn thiêng sông núi, khí phách của cha ông hình như cũng còn phảng phất đâu đây. Không phải là người nghiên cứu văn học, nhưng nếu phải đưa ra một nhận định, ai là người tiếp nối hồn thơ những Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn... Hồ Xuân Hương, Tản Đà, tôi sẽ nghĩ ngay đến Huy Cận và Trần Mạnh Hảo” (1). 

Quả như vậy thật. Tôi chợt nhớ ra, vào lúc nào đó tôi cũng đã từng lầm nhẩm những câu thơ như tráng ca của Trần Mạnh Hảo:

“Con thương mẹ con thương đất nước
Từ ngàn xưa cho đến hôm nay
Những tên giặc phương xa vừa phải cút
Khói Cam Tuyền ải Bắc đã vờn mây
……

Tất cả núi đều đổ ra biên giới
Tất cả rừng đều cuộn tới chở che
Giặc phương Bắc mà liều mình lao tới
Những đỉnh núi kia sẽ đổ xuống đè
………

Thế hệ chúng con đi như gió thổi
Quân phục xanh đồng sắc với chân trời
Chưa kịp yêu một người con gái
Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai
*
Thế hệ chúng con ồn ào, dày dạn
Sống thì đi mà chết thì nằm
Giọt lệ phần mình, nụ cười dành bạn
Đất nước là một cuộc hành quân
……

Mẹ ơi, bất kỳ từ điểm nào trên trái đất
Ai cũng thấy mẹ sinh nhiều con trai
Khi đất nước Việt Nam mang dáng hình tia chớp
Rạch chân trời một lối đến tương lai”
(Đất nước hình tia chớp)

“Gió níu hoàng hôn xuống đáy tranh
Lá rụng trời xao động cổ thành
Đổi dòng, sông gửi hồn ngưng đọng
Mượn hồ trả kiếm lại trời xanh

Tôi muốn mang hồ đi trú đông
Mà không khiêng vác được sông Hồng
Mà không gói nổi heo may rét
Đành để hồ cho gió bấc trông

Sao Hồ Gươm biết tôi ra đây
Mà thương ôm bóng kẻ lưu đầy
Mà lau đôi mắt tôi bằng sóng
Mà cả trời kia xuống hết cây?”
(Tôi mang Hồ Gươm đi)

“Khi chưa có mùa thu
Hoa phượng còn dang dở
Bạn nằm xuống lưng đồi
Mùa thu dừng lại đó
Đâu chỉ vì cô gái
Tên trùng với tên mùa
Đâu phải loài hoa ấy
Nở ven rừng bâng quơ
Chưa ai yêu mùa thu
Như bạn mình mơ mộng
Ai xui tiếng chim gù
Kéo trời lên xanh thẳm” 
(Khi chưa có mùa thu)

Nhà thơ tâm sự như tuyên ngôn:

“Thơ của tôi là niềm đau của tôi với đất nước hôm nay. Mình đang bị đế quốc phương Bắc nó xâm lược mà mình không làm gì được chỉ ngồi trong nhà mà viết những dòng thơ đau đớn như thế thì rất là buồn.

Khi mình còn sợ hãi quá mức như thế thì mình sống không phải là con người nữa. Mình không được biểu lộ tình cảm xao động nhất của lòng mình ra bằng những vần thơ khi mình là người cầm bút thí mình đâu còn bút nữa? Đâu còn tâm hồn đâu còn tư tưởng nữa! Thế thì mình là con người hay là con gì? Tôi nghĩ như vậy nên tôi xúc động thì viết ra, tôi làm thơ".

E rằng thơ chưa bộc lộ đủ “niềm đau của tôi với đất nước hôm nay”, ông viết chính luận. 

Ông phàn nàn:

“Chưa bao giờ số phận dân tộc ta, đất nước ta có nguy cơ tiêu vong như hôm nay: nước nhà đang bị giặc ngoại bang xâm lấn bằng cuộc chiến tranh ngọt ngào, chiến tranh ôm hôn thắm thiết và tặng hoa, tặng quà anh anh chú chú, bằng cách chiếm dần hai quần đảo chiến lược Hoàng Sa và Trường Sa, lấn chiếm dần dần biên giới đất liền và hải đảo, khiến nguồn lợi biển vô cùng tận của ta rồi sẽ mất hết, dân tộc ta không còn đường ra đại dương, coi như tiêu. Ngoại bang dùng chiêu bài “ý thức hệ” và “16 chữ vàng” làm dây trói vô hình, trói buộc Đảng cầm quyền và nhà nước Việt Nam phải nhân nhượng kẻ xâm lược hết điều này đến điều khác” (2).

Ông chi tiết hóa cái nhận định tổng quát “Chưa bao giờ số phận dân tộc ta, đất nước ta có nguy cơ tiêu vong như hôm nay” bằng một danh mục quốc nạn:

“- quốc nạn tham nhũng (Bùi Tiến Dũng con cưng của Đảng đánh bạc một lúc hết 07 triệu USD)

- quốc nạn dối trá (chuyên gọi sai tên sự vật; ví như Quốc hội của Đảng thì nói là Quốc hội của dân; cấm không cho dân ra báo tư thì gọi là tự do báo chí; đàn áp, bắt bớ người bất đồng chính kiến thì hô lên là tự do tư tưởng, tự do tranh luận…)

- quốc nạn độc quyền chân lý (Đảng CSVN kiêu ngạo cho mình tuyệt đối đúng, tuyệt đối thánh, cấm tranh luận công khai về các sai lầm của Đảng - quy cho là phạm tội “chống cộng = chống Tổ quốc” ?)

- quốc nạn “Trên bảo dưới không nghe ” (Một nhà nước vô hiệu quả, vô pháp luật. Lời ông Phan Văn Khải)

- quốc nạn nói và làm ngược nhau (Nói và lờ - Lời cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh)

- quốc nạn trói nhân dân (Lời cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh : “Đảng đang cởi trói cho văn nghệ sĩ, cho các nhà văn…)

- quốc nạn diệt trí thức (Khẩu hiệu của ĐCSĐD : “ Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ)

- quốc nạn Đảng & Nhà Nước đối đầu với nhân dân (Thời đại này cả nhân loại đã từ bỏ đối đầu để chuyển sang thành đối thoại: “Thời đại đối thoại”; riêng ĐCSVN không bao giờ chịu đối thoại với nhân dân, chỉ quyết đối đầu với nhân dân bằng còng số tám, nhà tù: không cho phép tranh luận công khai về những sai lầm của đảng)

- quốc nạn quy chụp: ai nói khác ý mình là Đảng bịa chuyện vu cáo họ có tội phản quốc, làm gián điệp…

- quốc nạn cắt đất cắt biển nhượng cho Trung Quốc mà không cho dân biết cụ thể việc ấy ra sao?

- quốc nạn tụt hậu (VN có thu nhập bình quân đầu người vào loại thấp nhất thế giới)

- quốc nạn văn hoá suy đồi.

- quốc nạn Đảng làm dân trí VN xuống thấp hơn cả Campuchia (Để trả lời vì sao Đảng chưa cho phép đa đảng đa nguyên, thì Đảng trả lời: “Do dân trí nước ta còn thấp”, trong khi Đảng luôn vỗ ngực mình là đỉnh cao trí tuệ nhân loại! ?) (3)

“Ngày nay, khi nhân loại đã bước sang kỷ nguyên tri thức, kỷ nguyên văn hóa của thế giới phẳng, mà lạ thay, có một số xứ sở, ví như xứ sở của chúng ta, vẫn còn tình trạng xã hội nhân quần lộn tùng phèo như thời Khổng tử đã nhìn thấy các trật tự luân thường bị đảo lộn: vua không ra vua, dân không ra dân, cha mẹ không ra cha mẹ, con cái không ra con cái, người không ra người, ngợm không ra ngợm, luật pháp không ra luật pháp, giáo dục không ra giáo dục, văn hóa không ra văn hóa, bằng cấp không ra bằng cấp…” (8)

Trên kia là tuyên ngôn thơ, dưới đây là tuyên ngôn chính luận của Trần Mạnh Hảo:

“Thấy Đảng đi sai đường, là một con người, hơn nữa lại là một kẻ cầm bút, quyết không viết vì miếng lợi, mà viết vì lẽ phải, vì sự thật, vì chân lý, lương tri, vì dân tộc Việt Nam của chúng ta, dù có chết tôi cũng cam lòng, không hề ân hận rằng mình dám liều mạng can vua, khác nào can hổ; rằng vái lạy ông ba mươi, xin ông đừng vồ trâu bò nhà nông của chúng con nữa, xin ông ba mươi Mác-xít đừng vồ dân tộc chúng con nữa !” (4)

Thực hiện tuyên ngôn ấy, ông dấn thân làm tiếng ếch gọi mưa:

“Đến bây giờ tôi còn thương mấy con ếch báo thức; chúng là những con ếch đầu đàn, ngủ đông trong hang, nấc lên tiếng gọi đầu tiên đánh thức đàn ếch chui ra khỏi hang mà vào cuộc sinh nở với mùa xuân. Nhưng các nhà "tiên tri ếch, kẻ đánh thức đồng loại" dậy đón xuân kia đã bằng tiếng ồm ộp của mình báo rằng: lạy ông tôi ở bụi này. Mấy tay bắt ếch chuyên nghiệp nghe tiếng kêu thức tỉnh đồng loại của dũng tướng ếch cách mạng kia bèn chộp chú liền, cho vào giỏ về thịt; vào giỏ rồi mà chú vẫn uôm uôm! Vẫn báo cho đồng loại dậy mau mà chạy đi, mà vọt xuống ao kịp trốn. Xã hội Việt Nam hôm nay, so với xã hội loài ếch đã tiến hoá tới nhiều triệu năm, mà lạ thay, có mấy ai dám lên tiếng báo thức đồng loại ngủ hoài trong sợ hãi, trong yếm thế trùm chăn, để tất cả chồm dậy mà đón mùa xuân, chấp nhận số phận của nhà tiên cảm, tiên tri ếch kia: dám chết vì nghĩa lớn, vì tiếng báo thức đồng loại của mình” (5). 

Quả nhiên ông đã là chú ếch đầu đàn gọi mưa, trước cả Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp … 

Năm 1982. bài thơ “Cho một nhà văn nằm xuống” đã gây vụ án “Khóc Nguyên Hồng” chấn động văn đàn đổi mới. Ông Hà Xuân Trường - trưởng ban văn hóa văn nghệ trung ương Đảng - và ông Hoàng Tùng - Bí thư trung ương Đảng – lúc ấy đã tuyên bố phải bỏ tù tên phản động TMH dám công khai nã súng vào Đảng. 

Sau đó là tiểu thuyết Ly Thân.

Dường như Trần Mạnh Hảo hài lòng hơn với những trang chính luận vì ở đấy ông đã nói thẳng, nói thật chứ không bịa đặt quanh co như chàng Tôi trong tiểu thuyết Ly Thân:

“Suốt ba mươi năm qua, ông đã bịa ra bao nhiêu chuyện nhưng vẫn chỉ là tô vẽ theo ý đồ của kẻ khác, bất chấp sự thật, chỉ cốt để vừa lòng cấp trên, hầu như chả có tí gan ruột máu huyết của mình trong đó cả. Đó là thứ văn chương xu thời, bẻ cong ngòi bút viết cho kẻ cầm quyền đọc chứ nào phải viết cho nhân dân” (10).

Người ta bảo Trần Mạnh Hảo rất hay cà khịa các vị khoa bảng. Tôi không đủ trình độ để phân biệt đúng sai khi ông dám sửa gáy cả các giáo sư-tiến sỹ trong lĩnh vực văn chương nhưng, trong trường hợp này thì tôi thấy ông đích đáng:

“Tôi nghe nói, GS.TS. Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội, chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, người từng tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Văn (là người chấp bút bản dự thảo) đã chỉ huy hơn 70 giáo sư tiến sĩ, nghĩa là tập trung đỉnh cao trí tuệ toàn đảng để làm ra siêu văn bản này, mà kỳ lạ thay, "Bản Dự thảo Báo cáo chính tri. Đại Hội X" còn rất nhiều câu văn viết sai tiếng Việt!

...Trưng ra đây trình độ của Đảng để toàn dân biết, rằng Đảng chỉ biết cầm quyền, biết lãnh đạo, mà không bao giờ có khả năng viết đúng câu văn tiếng Việt, dù viết trong Bản dự thảo Báo cáo Chính trị cực kỳ quan trọng này! Nếu Trần Mạnh Hảo là thầy dạy môn Tiếng Việt, sẽ hạ bút cho văn bản này của ông Nguyễn Phú Trọng điểm hai !” (6). 

Càng đích đáng hơn khi ông đấu với giáo sư Nguyễn Đức Bình:

“GS Bình, nhà lí luận chính trị đa năng mang tính Carnavalism này, tưởng tướng mạo lù đù nghiền ngẫm triết gia, ai dè khả năng vũ hội hóa trang, thay đổi mặt nạ như chong chóng của GS cũng chẳng thua gì các vũ nữ Brazil dạ hội thoát y vũ dù ngay trên mặt trận nhào lộn lý luận của Ðảng. GS Bình vừa hô: “Vừng ơi, mở ra!”; cánh cửa dân chủ trong tranh luận vừa hé mở tí ti, GS đã hét tướng: “Vừng, khép ngay cửa lại, chặt vào!”; đặng chìa “bìa đỏ Tôn Ðản ưu tiên số 1” ra mà khoanh liền vùng cấm, dẹp ngay chính cái biển “đồi mới”: “Ðã đến lúc tất cả phải được đặt lên bàn nghị sự” của GS sang một bên, để dựng biển đỏ chặn đường: “Không được chống lại chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ chí Minh”!

……Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là gì, thần thánh ư? Chẳng phải! Chân lý tuyệt đối ư? Cóc phải! Làm cho con người tự do sung sướng ư? Ngược lại! Thế thì sao lại cấm nhân dân bàn bạc xem nó hay hay dở, đúng hay sai, rồi mới để nhân dân chọn lựa xem có nên đi theo nó hay không?

……Xin quý vị cùng lắng nghe GS Bình nói ra cái điều trẻ con nghe cũng phải bò lăn ra mà cười, rằng vì sao mà một nhà lý luận cao siêu nhất của đảng Cộng Sản Việt Nam mà lại ngố thế này, lại đi nói chuyện hoang đường viễn tưởng lú lẫn thế này hả giời:

“Vấn đề kinh tế thị trường định hướng XHCN vẫn là vấn đề cực kỳ hóc búa, còn phải tiếp tục nghiên cứu thảo luận làm rõ, đừng tưởng mấy cuộc hội thảo trước đây thế là xong. Tôi nghĩ rằng khái niệm “kinh tế thị trường định hướng XHCN” là một bước tiến của đảng ta trong quá trình tìm tòi, đổi mới lý luận”.

GS Bình đã phải hạ bút viết ra những dòng quá ngớ ngẩn ngờ nghệch này, chứng tỏ đảng Cộng Sản Việt Nam đã vào thời mạt kỳ, đã bị dồn tới chân tường không còn lối thoát vì hệ thống Cộng sản chủ nghĩa, cũng như kinh tế XHCN đã hoàn toàn sụp đổ, dẫn đến thượng tầng kiến trúc cũng sụp đổ theo; sụp đổ lý thuyết kinh tế XHCN, sụp đổ lý thuyết chính trị đấu tranh giai cấp, sụp đổ hệ thống chuyên chính vô sản độc tài …

……Khái niệm “Kinh tế thị trường định hướng XHCN ” thực ra là một khái niệm ảo, dùng để lừa bịp kẻ ngu dốt mà thôi! Vì kinh tế thị trường tức là nền kinh tế tự do, kinh tế tư bản chủ nghĩa. Còn XHCN là một xã hội theo lý thuyết Marxism thủ tiêu hoàn toàn tư hữu, thủ tiêu kinh tế tư nhân, chôn sống tư bản, xóa sổ bình địa kinh tế thị trường, thì làm sao lại có thể kết hợp hai nền kinh tế trái ngược nhau như nước với lửa ấy vào với nhau cho được?

…… Dưới bàn tay phù phép của nhà lý thuyết chính trị Carnavalism GS Nguyễn Ðức Bình này, “con mèo thực tại” đã cưới “con chuột nhận thức” để sinh ra “con rùa kinh tế thị trường định hướng XHCN” đang là niềm cứu chuộc đảng Cộng Sản Việt Nam tạm thời thoát chết! (7).

Phần tôi, tôi không biết có phải đây chính là người chưa đỗ lớp mưới đã được phong giáo sư không, nhưng quả thật là vì ĐCSVN đã chọn ông giáo sư này và ông Đào Duy Tùng làm hai trụ cột chính cho nên sự nghiệp lý luận của Đảng mới tối tăm, xuẩn muội đến mức như ngày nay! 

Không chỉ dám sờ gáy mấy giáo sư-tiến sỹ, ông còn phang thẳng vào mặt mấy vị “lãnh tụ vĩ đại”, mà nghe thật bõ hờn: 

“Trán Người cao hơn nghìn núi sọ
Mặt Người mênh mông hơn niềm hư vô thần linh
Tháng chạp Hồ Nam tuyết rắc đầy lông cáo
Sông Dương Tử ám như ma dìm chết đuối Động Đình...”
(Mao Trạch Đông)

Ông vả thẳng vào mồm kẻ trí trá nói lấy được: “Yêu nước phải yêu CNXH” vì “CNXH là con đường mà Bác Hồ và nhân dân dân ta đã chọn”:

“Đây là thứ chủ nghĩa chẳng có dây mơ rễ má gì với dân tộc Việt Nam ta cả. Mác từng tuyên bố lý thuyết triết học, lý thuyết kinh tế chính trị học của ông viết ra dựa trên cơ sở của triết học Đức, kinh tế Anh và nền chính trị Pháp, dựa trên cơ sở các chế độ tư bản của Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Hà Lan... nên nó chỉ có thể áp dụng cho các nước tư bản này. Nhưng các nước tư bản trên khôn hơn Mác; họ đã quẳng học thuyết mộng du này của Mác vào sọt rác mà phát triển xã hội theo phương thức hòa bình với đấu tranh nghị trường và nền kinh tế tư nhân cạnh tranh lành mạnh! Ngay cả nước Nga phương Đông phong kiến cũng không nằm trong bản đồ của chủ nghĩa Mác. Còn các nước Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Bắc Triều Tiên...không những không nằm trong bản đồ của chủ nghĩa Mác, mà ngay cả sự nằm mơ cũng không thể tìm được nét gì tương đồng giữa lý luận của Mác với thực tại các nước trên. Việc đưa chủ nghĩa Mác vào áp dụng ở các nước mà Mác gọi là "phương thức sản xuất Á Đông" như Việt Nam, Trung Quốc, là một việc làm sai trái, lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia; giống như lấy thước đo của chim đại bàng Đức để đo đạc loài mèo Á châu vậy. Lý thuyết của Mác là một lý thuyết chủ quan, duy ý chí, hoàn toàn thiếu biện chứng, thiếu khoa học và rất duy tâm, nên các nước ông ta tiên đoán sẽ dùng lý thuyết thần kỳ của mình mà làm cách mạng vô sản trên toàn lục địa Âu châu đã hoàn toàn không xảy ra, mà lại xảy ra ở Nga, là một nước nằm ngoài bản đồ chủ nghĩa Mác, mới đẻ ra quái thai lịch sử Stalin lấy giết người làm hành lạc.(6)

Ông “đanh đá” quá, quyết liệt quá. Có nhẽ chỉ ông mới dám thẳng thừng thế này:

“Bảo ĐCSVN là Tổ quốc Việt Nam khác nào các ông bảo con rận, con chấy đang ký sinh trên mình con người để hút máu người cũng là con người vậy!” (9)

Tôi từng bức bối, tởm lợm cái bọn trâng tráo vô luân dám ngang ngược tung hô “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước”, “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với Dân” nhưng không dám, và cũng không tìm được cách nói vừa văn hoa, vừa đã đời như TMH.

Nhiều người chỉ mới nhận ra được bản chất huynh đệ tương tàn của cuộc chiến chống Mỹ, TMH xổ toẹt cả cuộc kháng chiến chống Pháp: 

“Năm 1945, nếu Việt Nam không có ông Hồ Chí Minh và ĐCSVN, thì nước Việt Nam vẫn giành được độc lập. Nên nhớ là sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, quân Nhật ở Đông Dương đã trao chính quyền, trao độc lập cho người bản xứ. Chính phủ thân Nhật của Trần Trọng Kim chính ra đã là chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Nhưng vì Việt Minh đã nhanh chân hơn, tổ chức cướp chính quyền từ tay của chính phủ Trần Trọng Kim để tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945. Cuộc bầu cử đa nguyên đa đảng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 là một vết son trong lịch sử dân tộc. Nhưng sau khi ông Hồ Chí Minh ký hiệp định Fontainnebleau, mời quân Pháp vào miền Bắc, thay quân Tàu Tưởng giải giáp quân Nhật, đã hoàn toàn phá tan chính phủ liên hợp đa nguyên đa đảng năm 1946, phân chia hai phái Quốc Cộng thề không đội trời chung. 

… Cho đến năm 1951, sau đại hội đảng Lao động Việt Nam, ĐCSVN và Hồ Chí Minh đã Stalin hoá, Mao hoá cả cuộc kháng chiến chống Pháp, khiến hàng nghìn trí thức phải bỏ kháng chiến về thành. Lấy tính chất cộng sản (toàn những giáo điều bậy bạ) thay thế dần lòng yêu nước kháng Pháp chân chính (kiểu tướng Nguyễn Sơn, tướng Nguyễn Bình), cuộc kháng chiến chống Pháp về bản chất đã bị ĐCSVN & HCM phản bội, chuyễn dần sang cuộc chiến ý thức hệ, gián tiếp đụng đầu với Mỹ thông qua hình thức Pháp; như là cuộc chiến mang tính “phép thử”giữa Trung Cộng, Nga Xô và Hoa Kỳ! Cho nên, ta dễ hiểu vì sao trên bàn hội nghị Geneve 1954, Chu Ân Lai đã ép Phạm Văn Đồng ký văn bản chia đôi đất nước, khiến ông Đồng ức quá mà khóc. Bởi Mao-Chu đã biến ĐCSVN thành công cụ, thành tay sai vì Mao-Chu chi tiền; mà luật chơi ở đời: kẻ nào chi tiền, kẻ đó là ông chủ…” (8).

Ông quyết liệt khi không thể không quyết liệt, ông có lúc quật đối phương xuống “bẻ đi một giò”, nhưng vốn có trái tim Lục Vân Tiên. Ông mạnh nhưng là Hảo. Thậm chí đã từng rất nhút nhát:

“Anh đi hả?

Tôi trả lời cộc lốc:

- Đi! Oanh nhìn đó, súng ống đạn dược đủ cả.

Chính ra, lúc ấy, tôi cần phải ôm lấy nàng, để suốt đời không bị cái buổi tối buốt giá tháng mười hai ấy theo ám ảnh giày vò mãi.

Không hiểu vì rét hay xúc động, tôi thấy Oanh run lập cập.

Tôi đứng sát vào Oanh bên cạnh cái cột điện gãy như kẻ chết đói, nói rất nhanh, hổn hển:

- Tạm biệt em.

Nói xong, tôi run bắn lên, như thể cục cao su bật ra khỏi chỗ đứng. ấy là lần đầu tiên tôi kêu nàng bằng em một cách nghiêm chỉnh và trang trọng như không khí của những ngày tháng ấy.

Oanh nói như khóc trong tiếng gió bấc:

- Nhớ viết thư cho em.

Vừa nói Oanh vừa cầm tay tôi như nâng đỡ một đứa bé.

Bàn tay nàng ấm áp như con chim trốn tuyết của Pôn Galucô tôi vừa đọc, đã đậu vào tay tôi. 

Trong đêm tối của chiến tranh và giá rét, tôi nắm chặt lấy tay nàng, cúi xuống hôn ngấu nghiến vào từng ngón tay búp măng tuyệt đẹp, rồi bỏ chạy như thể một kẻ chết đói cướp để ăn. Tôi nghe tiếng Oanh chạy đuổi theo sau lưng một đoạn mới chịu dừng lại, để nhòa vào bóng tối của đêm tháng chạp biệt ly rét đến nỗi, những thanh sắt bên đường han rỉ cũng phải quằn quại lên, cong queo lên” (10).

Ông thương từ con vạc: “Đừng trách con vạc/Sao mày ăn đêm/Chao ôi đồng đất/Ban ngày như nêm” ….. đến “tiếng thở dài của đêm tối ngoài vườn”

“Tôi thấy mẹ khác nào mưa gió, suốt ngày cong như con tôm trên đồng cầy cấy, mò cá, vạt tép, bắt cua, mót lúa…Tối về lại xay thóc, giã gạo, có khi không dầu đèn, mẹ vừa đốt thanh củi nhặt thóc trong rá gạo vừa ru đứa em năm tháng tuổi ngủ. Tiếng mẹ ru buồn cả đêm mưa, buồn lây cả tiếng tàu chuối khuya ngoài vườn. Những đêm quê hương xưa nỗi buồn không ngủ. Nỗi buồn đi ngoài đường như ma. Nỗi buồn len lén như sương ngoài ngõ. Nỗi buồn trong trời đất sâu xa như lặn vào hết tâm hồn tôi qua lời ru của mẹ, qua tiếng thở dài của đêm tối ngoài vườn chuối mẹ thường ra núp thở than” (11).

Ông rất kính Chúa (từng là cậu giúp lễ cho cha xứ vùng Bùi Chu), và vô cùng sủng ái Đức Phật:

“Chia tay các thần linh, chia tay ngai vàng thực tại, chia tay vợ và con trai mới sinh, chia tay hoan lạc trần gian, Đức Phật khoác trên mình tấm vải gai thực tại của thầy tu khổ hạnh, chân đất cô độc đi giữa vô minh để ăn mày chân lý, lách qua bạo tàn lừa dối, lặn ngụp trong chết chóc, trong đói rách nhân quần đặng tìm ra phương pháp giác ngộ mà diệt trừ khổ nạn chúng sinh.

Minh triết của Đức Phật là một công án lớn vào bậc nhất nhân loại: nghỉ chơi với Thần Linh, vĩnh biệt các Niết Bàn (thiên đường) ảo tưởng…Ngài chỉ đường cho loài người: hãy tìm ra Niết Bàn trong chính mình, trong sự giác ngộ về vô ngã sắc sắc không không, từ bỏ tham sân si, từ bỏ hận thù, lấy ân báo oán sẽ diệt được Karma (nghiệp chướng), thoát vòng bể khổ bằng từ bi hỉ xả…Tôn giáo của Phật là tôn giáo con người: “ Phật là chúng sinh đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Ngài chỉ mang theo cái đuôi luân hồi của Bà – La – môn đến trú gốc bồ đề và tìm cách tu hành, đặng tiêu diệt nó…” (8).

Không chỉ tinh tế trong diễn cảm, TMH còn rất tinh tế trong lý luận khi giải thích rằng thi ca là hợp chất tác thành từ phản ứng hóa học giữa tư tưởng và cảm xúc mà những cơn đau chính là nhiệt độ, là lửa để tạo ra phản ứng thi ca (12). Ông có một định nghĩa thơ rất bác học: "Thơ chính là tuổi thơ của loài người còn sót lại"

Ông càng tỏ ra vừa uyên thâm, vừa uyên bác khi bàn về tương quan minh triết-triết học mà khi đọc tôi liên tưởng được với một khái niệm vật lý học coi ête vũ trrụ là môi trường phi vật chất lấp đầy toàn bộ không gian, trong đó sóng điện từ có thể lan truyền đi được. 

“Vâng, minh triết đã có trước triết học, cảm quan về thế giới khả giác đã có trước cảm quan về thế giới khả niệm. Dù ngay cả khi triết học khủng hoảng, bị thời đại tri thức bỏ rơi, minh triết vẫn còn hằng sống với con người, là thái độ khôn ngoan lương thiện của con người trước thực tại; bởi minh triết bao giờ cũng là cặp tình nhân của đời sống; khác với bà dì ghẻ triết học chỉ thích đay nghiến và cao ngạo, lăm lăm nén thực tại vào những phạm trù, những khái niệm, những quy nạp, những diễn dịch, những hệ thống theo kiểu nén cà nén dưa, toan khái quát hóa cả ánh trăng và sương khói, toan làm cuộc hôn phối giữa thực tại và hư vô, đặng lục vấn hiện tồn bằng gương mặt cau có của lí trí còi xương…

Tuy vậy, minh triết không tìm cách xung khắc với triết học mà đồng hành cùng triết học, bổ sung dưỡng chất thể xác và tinh thần cho nhà tu khổ hạnh triết học lúc sắp tàn hơi trên đường chinh phục ảo ảnh chân lý. Trên sa mạc triết học, minh triết có thể là những khóm mây hay thảng hoặc những cơn mưa. Khi dòng sông triết học phóng ra những ghềnh thác, hun hút chảy đến mệt nhoài, minh triết chợt hóa thân thành những chiếc hồ êm ả để dòng sông lý trí nghỉ ngơi, an ngủ…Và trong giấc ngủ đông của triết học, minh triết hầu như hiện thân thành những giấc mơ, những ngọn lửa sưởi ấm cả vô thức lẫn hữu thức. Ngọn lửa mà Héraclite từng coi như một biểu hiện của Logos, mang tinh thần biến dịch Thượng đế, hóa thân vào mọi hình thái sống và chết, thực và mộng, có và không…

Có thể nói, minh triết phần nào giống với linh hồn của triết học, dù triết học có chết đi, thì hồn vía của nó vẫn còn mãi với con người, đặng lúc tăm tối nhất, con người vẫn có thể xé lồng ngực mình, biến trái tim mình thành ngọn đuốc soi đường, như chàng Danco xưa của Gorki đã hóa thân thành ánh sáng, đưa đồng loại vượt qua cái chết đến sự sống…” (8).

Trần Mạnh Hảo tự khai rằng vì lý lịch gia đình xấu, không được vào đại học nên không có bằng cấp cao, nhưng thiết nghĩ, các vị học hàm học vị đầy mình kia hỏi làm sao sánh được với ông. 

Hãy biết nhìn thực chất để thấy được ai đó là con người thế nào? kiến thức ra sao? chứ không phải họ có danh hiệu gì.

Chợt nhớ, có một ông nhà văn khăng khăng xuyên tạc rằng Nguyễn Thanh Giang không có bằng mà cứ mạo nhận là tiến sỹ. Ông ta coi tiến sỹ là cái gì ghê gớm lắm! 

Hình như ông ta không hiểu rằng cái đáng xấu hổ của một người làm khoa học là không có công trình khoa học nào có giá trị chứ không phải là không được gọi là tiến sỹ; cũng như, cái đáng xấu hổ của một người càm bút là không có tác phẩm nào ra hồn chứ không phải là không được xưng danh “nhà văn” (khác với tất cả các nhà văn khác, ông này liên tục ghi chữ “nhà văn” trước tên mình!) 

Những gì Trần Mạnh Hảo đã nói, đã viết đủ để người ta yêu quý ông như một nhà thơ thiên bẩm và nể trọng như một vị khoa bảng trứ danh. 

*

Trần Mạnh Hảo sinh năm 1947 tại Nam Định trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa, Khi mới 14 tuổi, thơ của ông đã được đăng báo. Ông từng giữ chức danh ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam.

Trong cuộc chiến chống Mỹ, ông chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ. Từ năm 1973, ông về làm phóng viênbiên tập viên tạp chí Văn Nghệ quân giải phóng miền Nam và làm nghề viết văn, viết báo chuyên nghiệp.

Ông từng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1989, bị khai trừ khỏi đảng vì ấn hành tiểu thuyết Ly Thân. 

Là một nhà thơnhà văn kiêm nhà báo, từ 1974 đến nay Trần Mạnh Hảo đã xuất bản hơn 15 tập thơ, 4 cuốn tiểu thuyết, 5 tập lý luận phê bình văn học, 3 tập truyện thiếu nhi. Đặc biệt, loạt chính luận đặc sắc của ông đã giúp cải tạo nhận thức chính trị-xã hội, đóng góp tích cực cho công cuộc dân chủ hóa Việt Nam. 

Hà Nội đầu xuân Nhâm Thìn

Rút trong cuốn “ĐÊM DÀY LẤP LÁNH” Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội
Mobi: 0984 724 165

*
Ghi chú:

(1) Đỗ Trường – Trần Mạnh Hảo – Tiếng vọng trong đêm
(2) Trần Mạnh Hảo – Tham luận 
(3) Trần Mạnh Hảo – Góp ý lần thứ tư với “Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội X”
(4) Trần Mạnh Hảo – Karl Marx – ông là ai mà đầy đọa dân tộc tôi mãi thế!
(5) Trần Mạnh Hảo – Trò chuyện cùng Gió O Lê thị Huệ
(6) Trần Mạnh Hảo - Khi đảng còn độc quyền chân lý thì mọi sự góp ý đều hoá trò đùa, vô ích!
(7) Trần Mạnh Hảo - Tự do của Ðảng, nghĩa là đừng làm mất tự do của dân
(8) Trần Mạnh Hảo – Nơi nào Triết học im tiếng thì Minh triết cất lời
(9) Trần Mạnh Hảo – Một cuộc hỏi cung dân chủ
(10) Trần Mạnh Hảo – Ly Thân 
(11) Trần Mạnh Hảo – Đêm giao thừa nhớ mẹ
(12) Trần Mạnh hảo – Chế Lan Viên – Người làm vườn vĩnh cửu



Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1