Khai tử một khái niệm: lề trái và lề phải - Dân Làm Báo 1

Khai tử một khái niệm: lề trái và lề phải


Dân Làm Báo Từ lúc nào chúng ta gọi hơn 700 tờ báo, những phương tiện, con nguời, ý tưởng được viết ra nhằm phục vụ bộ máy độc tài là lề phải? Tại sao những con người độc lập, viết lên những khát vọng chân chính của mình, những ước mơ chung của dân tộc lại bị cho rằng đang đi bên lề trái? 

Phải và Trái. Từ thuở nào chúng bị đánh tráo ý nghĩa và chúng ta tự hoán chỗ đứng của mình?

Người ta thường chỉ phân biệt Phải - Trái khi muốn làm rõ mục đích đúng - sai, kiểu như phân biệt Chính - Tà. Ở đây, những người viết lên khát khao của mình về một cuộc sống tốt đẹp, về một xã hội mà các giá trị và quyền căn bản của con người được tôn trọng, về một cuộc sống tự do... là những con người có ước mơ và trách nhiệm như nhau. Vậy thì tại sao phải nhốt mình vào khái niệm Phải - Trái mà người khác đã cố tình vạch ra một cách có chủ đích, hòng tạo ra khoảng cách giữa những người viết có tâm huyết với nhau? 

Blogger Điếu Cày, một trong những con chim đầu đàn của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, nơi tập hợp khởi xướng ra phong trào Dân Báo, người cựu chiến binh cất lên tiếng nói bảo vệ chủ quyền không lẽ lại đang đi trên lề "trái"? Bà Thu Hồng tức blogger Beo cũng là tổng biên tập báo Thể Thao, người vừa mới phán “Hoàng Khương Sai Rồi”, lại đang đường đường chính chính đi trên con đường "phải" hay sao? 

Và phóng viên Hoàng Khương – người có hơn 50 bài viết vạch trần tiêu cực của ngành công an - Anh đang ở lề nào trong cái quan niệm hổ lốn phải và trái? 

Phải - Trái, nghe chừng chỉ là một cách gọi đơn giản, thông thường. Nhưng một khi vẫn còn suy nghĩ phân biệt Phải - Trái theo quan điểm lề nào đảng cho phép, tức là tự chúng ta đã vạch ra ranh giới giữa những người luôn muốn bảo vệ lẽ phải và sự tốt đẹp trong xã hội này. 

Hơn thế nữa, khi "phải" thuộc về đảng và "trái" được dán vào trán bloggers, vào những trang web độc lập không chịu sự quản lý, kiểm soát của Bộ Thông tin, việc phân định ranh giới đã vô hình chung phục vụ và nằm trong ý muốn lẫn mục tiêu của hệ thống tuyên truyền đang nắm quyền mở mắt và bịt miệng nhân dân. 

Những người như blogger Điếu Cày, phóng viên Hoàng Khương, không phải là những con người đi lề bên trái của xã hội. Những con người can đảm ấy, là hiện thân của lẽ phải, của những nỗ lực không biết mệt mỏi cho một tương lai tốt đẹp hơn của đất nước. Không thể chia lề để đánh giá và xếp loại những cá nhân dũng cảm ấy theo lối mòn trái phải của lề mà ai đó đã vạch ra. 

Không thể tiếp tục theo lối mòn PHẢI là thuộc về đảng và TRÁI thuộc về chúng ta!. Ý nghĩa và giá trị của lề hay con đường nằm ở đích đến. 

Đích đến của đảng là bằng mọi cách để thống trị và giữ quyền lực. Trong ý đồ đó, cái lề mà đảng vạch ra cho tất cả mọi ý tưởng, tiếng nói có thể được khép nép nhón bước, tiếng nói biết quỳ, biết luồn trôn, biết lách.. để  được hiển thị trên từng trang báo, trang mạng nằm trong quyền kiểm soát của đảng. Đi ra khỏi lề đó, con người có nguy cơ bị đàn áp. Bước chân vào lề đó, con người có nguy cơ bị mất chính mình. Chỉ có một tên gọi cho cái lề màu đỏ, có hình ảnh thấp thoáng, rình mò của kiểm duyệt, bạo lực, trấn áp, lao tù... đó là: Lề Đảng 

Đích đến của chúng ta là khát vọng chung của dân tộc. Là tự do của mỗi người để có được tính độc lập của từng cá nhân. Có được độc lập cá nhân để cùng nhau quyết định vận mạng chung của đất nước và duy trì độc lập của dân tộc. Cái "lề" của chúng ta không có bóng dáng của súng đạn, của còng số tám, cùa đàn áp, khủng bố. Nó chỉ mang hình ảnh của 90 triệu người dân VN với khát vọng của họ. Đó là Lề Dân

Chỉ có Lề Đảng và Lề DânChỉ có một bên là con đường bị kềm kẹp, uốn nắn, dối trá của kẻ cai trị. Và bên kia là con đường của tự do, độc lập và chân thật của những người nhất định không chấp nhận làm kẻ bị trị. 

Đã đến lúc, chúng ta chấm dứt sử dụng khái niệm lề Phải - Trái đối với luồng thông tin mà chúng ta tiếp nhận từ nhiều kênh khác nhau, đối với những con người đứng trong hay đứng ngoài hệ thống của tập đoàn cai trị. Hành trình tìm đến công bằng xã hội, tự do, dân chủ, sẽ không có khái niệm phân lề do một đảng đã cướp chính quyền và bằng mọi giá bám víu vào quyền lực định ra cho tất cả những người có chung niềm mơ ước. Nếu phải gọi tên một bản tin, một bài báo, được chỉ định rõ mục đích viết nhằm định hướng thông tin, định hướng dư luận, hãy gọi đúng bản chất của nó, đó là những bài báo đi theo Lề Đảng. Hành trình còn lại là của những công dân yêu chuộng tự do, đang nỗ lực phấn đấu vì một xã hội tốt đẹp, đó là Lề Dân. 

Hãy khai tử khái niệm lề trái và lề phải. 

Chỉ có lề đảng và lề DÂN. Bài viết của bạn nhắm tới mục tiêu phục vụ cho ai sẽ chứng tỏ cho mọi người biết bạn đang ở lề nào.





Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1