Công lý - Dân Làm Báo 1

Công lý


Dân Làm Báo - “Ở Việt Nam, Công Lý chỉ là tên của một diễn viên hài” - đó là câu đùa chua chát của nhiều người, khi chứng kiến nhiều vụ việc bất công xảy ra hàng ngày trong xã hội. 

Người ta mất niềm tin vào sự đảm bảo công bằng trong xã hội đến nỗi không tin vào sự hiện diện của công lý. Tất cả chỉ còn một tóm gọn trong một câu ngắn ngủi dành cho hệ thống pháp lý của đất nước này: "Luật là tao, tao là luật".

Chứng kiến cảnh ba người phụ nữ mòn mỏi trên con đường đi tìm công lý cho người thân của mình bị chết oan tại đồn công an là bạn Trịnh Kim Tiến, Nguyễn Thị Thanh Tuyền, và mẹ của anh Nguyễn Công Nhựt, có nhiều ý kiến thương cảm, ngưỡng mộ, chia sẻ... và cũng có nhiều ý kiến cho rằng: “Đừng hy vọng hão huyền, đứng phí công vô ích, sẽ chẳng bao giờ có công lý cho những trường hợp như thế”. 

Thật nguy hiểm bởi nếu ai cũng để những suy nghĩ tiêu cực như thế tác động đến tư tưởng của mình, thì liệu có chăng những nỗ lực tìm kiếm công lý, thầm lặng nhưng quyết liệt như ba người phụ nữ kia đã làm? 

Trịnh Kim Tiến, một cô gái tuổi mới đôi mươi, cái tuổi mà nhiều bạn bè cùng trang lứa khác vẫn đang mơ mộng, nhìn đời bằng qua một góc nhìn thật trong trẻo và vô tư, thì Tiến đã phải đối mặt với biến cố tang thương ập đến, trở thành trụ cột, là chỗ dựa tinh thần cho cả gia đình, trong nỗ lực đi tìm lại công bằng cho người cha thân yêu của mình là bác Trịnh Xuân Tùng, người đã chết vì bị trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh gẫy cổ. 

Nguyễn Thị Thanh Tuyền, một người vợ trẻ, với những dự định đẹp biết bao cho tương lai, cũng phải nuốt nước mắt, giấu nỗi đau mất chồng vào trong lòng, miệt mài nỗ lực tìm kiếm sự công bằng cho anh Nguyễn Công Nhựt, người bị chết oan tại đồn công an huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. 

Những bước chân của họ trên đường phố Hà Nội cho hành trình tìm công lý chính là một thái độ xác quyết: không chấp nhận bất công. Họ chính là hơi thở của công lý dù đang thoi thóp. 


Nếu cách đây nửa thế kỷ, khi những người da đen Hoa Kỳ đang bên bờ tuyệt vọng giữa những bất công của kỳ thị chủng tộc, Martin Luther King, Jr. đã tuyên bố "Tiến bộ của con người không phải tự nhiên mà có, cũng không phải đương nhiên sẽ tới. Mỗi bước tiến tới mục tiêu của công lý đòi hỏi hy sinh, đau khổ, tranh đấu, nỗ lực không mệt mỏi và sự dấn thân thiết tha của những con người hết lòng cống hiến" thì ngày hôm nay, tại Việt Nam, người con gái tuổi mới ngoài đôi mươi Trịnh Kim Tiến cũng đã tha thiết rằng "Trước hết sống phải có niềm tin. Nhưng tin vào sự thật một niềm tin tuyệt đối để đòi lại công bằng. Và để đạt được điều đó thì không chỉ đặt niềm tin suông vào những người có trách nhiệm. Mà tôi phải tranh đấu để có. Công lý tự nó cũng không phải là một điều được ban phát. Phải tìm thì mới hy vọng có. Và phải có niềm tin thì mới có ý chí để đi tìm." 

*

Công lý thường được đo lường bằng hiệu quả của hệ thống pháp lý, kết quả công bằng của một phiên tòa. Chính vì vậy mà Thần công lý là biểu tượng của pháp luật và ngược lại tinh thần thượng tôn pháp luật là con đường dẫn đến công lý. Nếu pháp luật được thực thi theo nguyên tắc vô tư, không thiên vị, công bằng và tuyệt đối, thì công lý xuất hiện. 

Vô tư là không ưu tiên cho ai, không nhượng bộ cho thế lực nào và không chèn ép ai. Công bằng là xét xử đúng theo hành động người ta đã làm, không thêm bớt, không vu cáo và không dồn ai vào đường cùng. 

Tuy nhiên, trên đất nước chúng ta hiện nay, tòa án hoàn toàn nằm trong tay của đảng. Thần công lý của CHXHCNVN không cầm cán cân mà cầm búa và lưỡi liềm. Vì thế, nhìn vào tòa án và hệ thống pháp lý của đảng - không phải của nhân dân, người ta nói: công lý đã chết!. 

Tuy nhiên, vượt ra khỏi ao tù của một tòa án búa và liềm, nơi công lý nằm trong tay những kẻ chức quyền với hình hài méo mó, còn có một phiên tòa khác: đó là phiên tòa của dư luận và lương tâm. Đó cũng là điều mà cách đây gần 100 năm, Mohandas Gandhi đã tin như vậy: "Có một tòa án cao hơn, đó là tòa án của lương tâm. Nó vượt qua tất cả các tòa án khác". 

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người tuy không đồng tình với cách “gài bẫy” cảnh sát giao thông của phóng viên Hoàng Khương, cũng như việc gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại Tiên Lãng, Hải Phòng mới đây đã chống trả quyết liệt với lực lượng công an cưỡng chế, vẫn bày tỏ sự đồng cảm và ủng hộ sự can đảm và dấn thân của anh Khương, và chia sẻ với những mất mát cùng phản ứng bộc phát trong tuyệt vọng của cả gia đình ông Vươn. 

Chính dư luận đang mở ra một phiên tòa công lý ngoài đời. Và khi người ta đã quá tuyệt vọng vào sự thiếu vắng công lý của tòa án và nền pháp lý CHXHCNVN, khi có những nỗ lực chống trả lại bất công, áp bức, dù ở hình thức nào, đều nhận được sự chia sẻ và khuyến khích của nhiều người. 

Từ những phiên tòa dư luận, công lý của tòa án lương tâm sẽ tạo áp lực và từng bước phục hồi công lý của hệ thống tòa án. Do đó, với tình hình xã hội hiện tại, mọi nỗ lực tìm kiếm và tranh đấu cho công lý có thể chưa đạt đến mục tiêu sau cùng nhưng ít nhất trước mắt, những nỗ lực đáng quý ấy đã giúp cho nền công lý đang thoi thóp có thể tiếp tục sống còn để chúng ta có hy vọng vực dậy nó sau này.

*

Albert Einstein đã nói: "Trong phạm vi của sự thật và công lý, không có sự khác biệt giữa chuyện lớn và nhỏ, bởi vì các vấn đề liên quan đến việc đối xử với người dân đều phải như nhau". Công lý dành cho một công dân bình thường như ông Trịnh Xuân Tùng không thể là một chuyện nhỏ hay khác biệt so với bất kỳ ai. 

Đồng tình hay phản đối, đó là thái độ và sự lựa chọn của mỗi cá nhân khi đứng trước mỗi tình huống. Chỉ có sự im lặng trước những gì đang diễn ra trước mắt, mới là đáng sợ. Bởi im lặng một hình thức đồng cảm với tội ác, là chấp nhận quay lưng để tội ác nghênh ngang tiếp diễn. 

Xin hãy lên tiếng nói vì bất công không biết kỳ thị và phân biệt bạn là ai.




Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1