Chuyện một trí thức - Dân Làm Báo 1

Chuyện một trí thức


Nguyễn Bá Chổi (danlambao) Trước đề tài đang “hót” về “trí thức”, mang tiếng “dân làm báo” mà cứ im hơi lặng tiếng thì cũng khó coi, nếu không nói là “nhà báo” trùm mền. Kẹt nỗi, tuy được mang tiếng là nhà báo, nhưng trình độ “trí thức” của Chổi nếu có cũng chỉ ngang tầm tè của chị em, nên khôn hồn, tốt hơn hết là noi gương cụ Khổng Khưu,“kính nhi viễn chi” với trí thức, như với thần thánh. Biết thì thưa tốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Nhưng chẳng lẽ cứ cắm đầu cắm cổ “tạo ra sản phẩm” dưới chăn mãi, đành làm liều ló đầu ra hót đại một bản. Thay vì luận về hai chữ trí thức là việc ngoài tầm với, Chổi xin kể chuyện về một nhà trí thức.

Ông LVTh. vốn xuất thân từ giòng dõi nho gia đất Thanh Chương, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông là người thuộc trí thức đúng tiêu chuẩn có học phải có... phản biện xã hội. Như lời giáo sư Nguyễn Huệ Chi phát biểu trên BBC quanh nội dung bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ của Gs. Ngô Bảo Châu, đại khái “nếu trí thức không phản biện thì lấy ai phản biện cho”.

Ông Th. Không “phản biện” suông bằng miệng mà bằng hành động. Ông đã từ bỏ con đường hoạn lộ thênh thang truyền thống để đi làm cách mạng cứu dân cứu nước thoát khỏi ách nô lệ thực dân và phong kiến. Ông được phái vào Nam hoạt động và phụ trách vùng Sài Gòn Chợ Lớn. Tại đây ông bị bắt và bị chính quyền thực dân Pháp kết án tử hình, nhưng sau đó nhờ sự can thiệp sao đó của đảng Xã Hội Pháp (?) - rất tiếc người viết không còn nhớ rõ lời người em ruột của ông kể về anh mình), ông được giảm án xuống khổ sai chung thân và “đày” ở nhà tù Côn Sơn; ông bị Pháp cắt gân một gót chân nên đi lại hơi khó khăn (người viết đã có dịp gặp ông ở Sài Gòn sau này).

Sau hiệp định Genève chia đôi đất nước, ông được trao trả tù về Hà nội. Ông có người em gái lấy chồng xa nên lâu lắm anh em ông không gặp nhau. Mãi cho đến khi gia đình người em từ Hà Tĩnh trốn ra Hà Nội để tìm đường vô Nam thì anh em mới tình cờ tái ngộ. Sau khi nói thật cho người anh biết mục đích ra Hà Nội của gia đình mình, người em ngạc nhiên nhận được phản ứng trái với dự đoán từ ông anh, đại khái: “Hai em và con cái nên đi vào trong đó. Phần anh thì đã lỡ rồi; không thể đi được.” Và ông đã tìm cách giúp gia đình người trốn thoát an toàn sang bên kia vĩ tuyến 17.

Hơn hai mươi năm sau anh em ông lại gặp nhau ở Sài Gòn. Ông được chính quyền cấp cho một toà nhà 5 lầu ở ngay trung tâm thành phố mà phe ông vừa “giải phóng” được, trên đường Gia Long, với những trang hoàng thiết bị rất sang trọng (trước tháng Tư 1975 người viết chưa hề được đặt chân đến một tư gia nguy nga và sang trọng nguy như thế).Theo như lời ông, ngôi nhà này do một thương gia của chệ độ cũ “cống hiến cho cách mạng” trước khi đi ra nước ngoài sinh sống. 

Ông ở Sài Gòn, thích uống Cà phê Ban Mê Thuột, nhưng phải là cà phê Ban Mê Thuột “thứ thiệt” rất hiếm hoi giữa thời ngăn sông cấm chợ mà chú Trường Chinh cho phép CA được hưởng 50% nếu chặn bắt được của khách đi đường. 

Một hôm người em gái đã cao tuổi, từ xứ cà phê ông thích, “nhào lộn” xe đò chạy xăng trước kia nay bị giải phóng cải lùi chạy bằng than, vượt trên 600 Km con đường lắc lư “do hậu qủa chiến tranh” (BMT-NhaTrang-SaiGon) đi thăm anh sau hơn hai mươi năm trời nam bắc cách biệt. Khi người em đặt quà biếu anh lên bàn, ông anh hỏi “Cô có mang cà phê cho anh không?”. 

Cô em vốn thẳng tính lại còn đó nỗi đau do phe ông anh mang đến: đứa con trai trưởng đang học kỹ sư công chánh với tương lai sáng lạn thì quân ông cậu bổng dưng kéo vào châm “mùa Hè đỏ lửa”, phải xếp bút nghiên theo lệnh tổng động viên rồi mất tích trong một trận đánh sau khi mới ra khỏi quân trường; đứa con trai thứ cũng đã thành thương phế binh; cùng biết bao tan nát khác trong lòng bà về số phận của những đứa con còn lại sau ngày “giải phóng”. Bà đốp chát: “Cà phê thiếu gì nhưng làm sao mang cho anh được. Không có chế độ nào khốn nạn như cái chế độ của nhà anh. Tôi đi từ trên đó xuống đây phải qua không biết mấy chục trạm CA. Không nơi nào chúng không xét. Chúng không chừ chỗ nào trên thân thể người ta, kể cả dưới cái quần lót.” 

Ông anh vội đứng vụt dậy, đập tay xuống bàn, nói như quát:

“Quân này lạ nhỉ. Bao nhiêu lần họp tao đã bảo chúng nó phải dẹp ngay cái trò ngăn sông cấm chợ này đi rồi mà chúng vẫn làm vậy à.”

Trên đây là những điều người viết ghi lại hoàn toàn theo trí nhớ qua lời kể của người em ruột ông LVTh và bản thân chứng kiến. Rất tiếc là cả hai ngươi đã qua đời nên người viết không thể hỏi lại người em là chỗ gần gũi thân tình để viết cho rõ hơn về một vài chi tiết trong câu chuyện về một người trí thức.

Ông LVTH có thể được gọi là một nhà trí thức tri hành song toàn, tức là một nhà trí thức “đúng tiêu chuẩn” như đòi hỏi của hầu hết còm - sĩ tràn lan trên báo mạng mà ảnh hưởng của nó bấy lâu nay đang khiến nhiều vị sợ bỏ mạng, chập chờn trước mắt hình ảnh ống cống của chú Gà Đá Phi. 

Đó là ông trí thức trong thời kỳ ông đi theo kháng chiến chống Pháp. Đến giai đoạn ông nhận ra việc đi theo con đường do người hàng xóm Làng Sen dẫn đường là một lầm lỡ như ông tâm sự với người em, nhưng ông vẫn hành xử như người “phóng lao thì phải theo lao”. Phóng lao thì phải theo lao có phải là thái độ đúng đắn của một người trí thức, khi cái lao ấy không phóng vào con mồi nhưng phóng vào chính trái tim của dân tộc. Và như thế ông có còn là một người trí thức đúng nghĩa nữa hay không. 

Người viết trình bày như trên chỉ nhằm mục đích “bổ đề” hai chữ trí thức, chứ hoàn toàn không có ý trách móc hay đòi hỏi gì thêm một người “lão thành cách mạng” lỡ làng nay đã ra người thiên cổ. Vì mỗi khi nhắc đến ông lại hiện về trong trí nhớ người viết hình ảnh một người có khuôn mặt hiền lành và trông rất trí thức, khác hẳn với những “cán bộ cách mạng” tôi đã từng đối diện, kể cả những người được giới thiệu là cán bộ cao cấp từ trung ương ngoài Hà Nội vào “lên lớp” tù cải tạo. Nếu nhận xét không lầm, trong lần gặp gỡ duy nhất ấy, người viết thấy trong ánh mắt ông vẻ ngại ngùng. Cái ngại ngùng lạ lùng của người chiến thắng trước một kẻ thuộc phe bại trận. Một cuộc chiến rõ ràng ông không hề muốn; biết mình “đã lỡ” từ lâu nhưng cứ để mặc cho gió cuốn theo.




Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1