Luật gia Trần Đình Thu (Nguoiduatin.vn) - Luật gia Trần Đình Thu đề nghị nhà chức trách miễn nhiệm thẩm phán Ngô Văn Anh, TAND TP Hải Phòng, người xét xử phúc thẩm vụ ông Đoàn Văn Vươn vì cho rằng đã "vi phạm nghiêm trọng đạo đức người thẩm phán".
Có một chi tiết mà nhiều người không hiểu: Đó là vì sao thẩm phán Ngô Văn Anh của Tòa án Nhân dân TP Hải Phòng không xử cho Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng thắng kiện luôn mà phải bày ra chuyện hòa giải để anh Vươn rút đơn kháng cáo?
Thật ra đây là một "trò mèo" của thẩm phán Anh. Vụ án này, nếu ông Ngô Văn Anh xử anh Đoàn Văn Vươn thua, huyện Tiên Lãng thắng, nhiều khả năng anh Vươn sẽ làm đơn kêu cứu ở Tòa án nhân dân tối cao. Và khi vụ án này được đưa lên Tòa án nhân dân tối cao, chắc chắn nó sẽ bị hủy để đưa về xét xử lại theo hướng dành phần thắng cho anh Vươn.
Chính vì biết khó thoát khỏi những con mắt tinh tường của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao nên thẩm phán Anh quyết không đưa trái banh ra khỏi tầm chân mình, mà tìm cách "lừa" anh Vươn bằng một tờ giấy hòa giải hoàn toàn không có giá trị pháp lý để anh Vươn rút đơn kháng cáo.
Khi anh Vươn rút đơn kháng cáo, án sơ thẩm lập tức có hiệu lực. Trong trường hợp này Tòa án Nhân dân tối cao không với xuống được vì vụ án dừng lại ở cấp huyện, nơi thấp hơn đến 2 cấp.
Ở đây, thẩm phán Anh đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức của người thẩm phán. Sau này khi xem xét tổng thể toàn bộ vụ việc Đoàn Văn Vươn, cơ quan chức năng cần xem xét để miễn nhiệm chức danh thẩm phán của ông Ngô Văn Anh theo quy định của Pháp lệnh thẩm phán và hội thẩm nhân dân hiện hành.
Theo dòng sự kiện Thẩm phán Ngô Văn Anh, TAND TP Hải Phòng, đã tổ chức cho đại diện UBND huyện Tiên Lãng và một số hộ dân, trong đó có ông Đoàn Văn Vươn và ông Vũ Văn Luân gặp gỡ. Thẩm phán Ngô Văn Anh lập Biên bản tạo điều kiện để các đương sự tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trong đó ghi nhận: Các hộ dân trình bày UBND huyện Tiên Lãng giao đất cho các hộ dân chứ không phải cho thuê. Thẩm phán Ngô Văn Anh trả lời ông Đoàn Văn Vươn như sau: “Trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã tạo điều kiện để các đương sự tự thỏa thuận với nhau để giải quyết vụ án và ngày 9.4.2010 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng ông nhất trí rút đơn kháng cáo và xin thuê lại đất theo qui định của pháp luật, đại diện UBND huyện Tiên Lãng cũng nhất trí cho ông thuê lại đất theo qui định của pháp luật.Vì vậy TAND TP. Hải Phòng đã đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ kiện. Để được thuê đất, ông cần làm đơn (và hồ sơ xin thuê đất) gửi tới UBND huyện Tiên Lãng để giải quyết theo thẩm quyền.” Bà Nguyễn Thị Mai, chánh án TAND TP Hải Phòng: Biên bản tạo điều kiện để các đương sự tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án mà Thẩm phán Ngô Văn Anh lập không có giá trị pháp lý trong tố tụng hành chính. Biên bản chỉ là căn cứ để sau đó tòa ra quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm. Ông Đặng Quang Phương, phó chánh án thường trực TAND tối cao: Để tạo điều kiện cho các bên giải quyết tranh chấp, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết vụ án hành chính quy định trong quá trình giải quyết vụ án, “tòa án tạo điều kiện để các bên có thể thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án”. Sau này, để tránh hiểu lầm, Luật Tố tụng hành chính quy định “tòa án tạo điều kiện để các đương sự đối thoại về việc giải quyết vụ án”. Việc “thỏa thuận” hay “đối thoại” ở vụ án hành chính không giống với việc hòa giải thành ở tranh chấp dân sự, tức không có giá trị bắt buộc thi hành. Thông thường, khi đôi bên trong vụ kiện hành chính gặp nhau, thỏa thuận được, thì đôi bên có thể đề nghị tòa tạm đình chỉ giải quyết vụ án một thời gian, để đôi bên thực hiện các nội dung thỏa thuận. Hết thời hạn mà không chấm dứt tranh chấp được thì tòa nối lại việc giải quyết vụ án… Trong vụ án hành chính, việc các bên thỏa thuận giải quyết vụ án không đương nhiên dẫn tới quyết định đình chỉ vụ án. Đây chỉ là cơ sở để các bên rút đơn và trên cơ sở đó tòa án mới ra quyết định đình chỉ vụ án. Để tránh hiểu lầm, TAND Tối cao hướng dẫn một nguyên tắc là khi nhận đơn xin rút đơn kiện hoặc đơn kháng cáo như thế, thẩm phán thụ lý vụ án phải hỏi đương sự xem họ rút đơn có tự nguyện không? Có bị tác động, xúi giục từ bên ngoài không? Có bị đe dọa, cưỡng bức không? Có hiểu hậu quả pháp lý của việc rút đơn không? Nguồn: Pháp luật TP HCM, Dân Việt |