Đừng nghe những gì Trung quốc nói, hãy nhìn những gì TQ làm
Trần Bình Nam - Biển Đông đã dậy sóng trong nhiều năm qua. Nhưng năm 2011 vừa qua sóng gió đã trở thành bão táp. Năm 2012 báo hiệu cơn bão sẽ hung hãn hơn. Việt Nam cần chuẩn bị lấy tấn chịu những áp lực của Trung quốc trên Biển Đông.
Từ tháng 7/2010, sau khi bà ngoại trưởng Hillary Clinton công bố chính sách xem sự tự do lưu thông trên Biển Đông là quyền lợi sinh tử của Hoa Kỳ, Trung quốc đã tỏ ra bất bình và bắt đầu áp dụng mọi biện pháp để áp đặt quyền ưu tiên của mình trên Biển Đông .
Trước hết, Trung quốc thi hành chặt chẽ lệnh ngưng đánh cá mỗi năm. Thứ hai là dùng lực lượng Hải gíam kiểm tra mọi hoạt động kinh tế trong vùng bản đồ hình chữ U để chứng tỏ chủ quyền của mình đối với vùng biển và hải đảo trong đó. Hai sự việc này tạo căng thẳng với Việt Nam, và gió mạnh trong những năm trước trở thành bão tố.
Trước khi đi sâu vào các đụng chạm giữa Trung quốc và Việt Nam trong năm 2011 để tìm hiểu đường đi nước bước của Trung quốc trong những năm tới, chúng ta cần lược qua những nét chính một số vấn đề và văn kiện liên hệ như (1) Luật Biển, (2) Việc cấm đánh cá trên biển, (3) Bản đồ hình chữ U của Trung quốc, và (4) Nguyên tắc Ứng xử trên Biển Đông.
**
Luật Biển: Luật Biển là một bộ luật quốc tế có hiệu lực từ ngày 16/11/1994, kết quả của một nỗ lực hợp tác quốc tế gồm nhiều giai đoạn để giải quyết những vấn đề liên quan đến biển cả.
Giai đoạn 1 bắt đầu từ năm 1956 tại Geneva cho đến năm 1958 và đi đến thỏa thuận về một số lĩnh vực liên quan đến chủ quyền và bổn phận trên biển như Hải phận, Thềm Lục Địa, Nguyên tắc đánh cá và bảo vệ hải sản v.v…
Giai đoạn 2 họp năm 1960 chính yếu giữa Hoa Kỳ và Liên bang xô viết, và không đạt được thỏa thuận gì quan trọng.
Giai đoạn 3 họp tại New York năm 1973 gồm 160 nước tham dự. Và nhờ áp dụng nguyên tắc ghi nhận ý kiến đồng thuận (chứ không biểu quyết đa số) nên sau 9 năm làm việc hội nghị thành hình được một dự luật gọi là Luật Biển (United Nations Convention on the Law of the Sea (viết tắt là UNCLOS). UNCLOS trở thành bộ luật quốc tế ngày 16/1/1994 sau khi được 60 nước phê chuẩn và chính thức gọi là Luật Biển 1982. Bộ luật gồm 320 Điều (Articles) và là bộ luật quốc tế đầu tiên xác định rõ vùng Đặc quyền Kinh tế (Exclusive Economic Zone – EEZ) của các nước ven biển là 200 hải lý hay 370 km (Điều 57) và bổn phận bảo vệ sự sinh đẻ của tôm cá và các sinh vật sống trong biển để bảo tồn nguồn thực phẩm chung trên thế giới (Điều 61). Trung quốc và Việt Nam đều là hội viên của Luật Biển.
Lệnh cấm đánh cá hằng năm của Trung quốc:
Điều 61 của Luật Biển khuyến cáo các nước có bờ biển hằng năm nên có thời kỳ ngưng đánh cá để tôm cá sinh đẻ. Từ năm 1999 Trung quốc bắt đầu ban hành lệnh cấm ngư dân đánh cá trên Biển Đông từ giữa tháng 5 đến hết tháng 7 từ vĩ độ 12 Bắc trở lên. Nhưng chỉ cấm lấy lệ. Ngư dân hai nước Trung quốc và Việt Nam vẫn đánh cá trong vùng cấm. Riêng trong vịnh Bắc Việt thì giữa Trung quốc và Việt Nam có thỏa thuận được một nguyên tắc đánh cá riêng biệt ổn thỏa.
Nhưng từ tháng 5 năm 2009 sau khi Trung quốc chính thức đệ nạp Liên hiệp quốc bản đồ chủ quyền trên Biển Đông gồm 9 vạch (không có tọa độ chính xác) bao phủ hầu hết Biển Đông chạy sát bờ biển Việt Nam khỏang từ 75 đến 100 dặm xuống tận vĩ độ 4 Bắc có hình chữ U thì Trung quốc bắt đầu tuần tra vùng biển cấm. (Thềm lục địa nối dài và bản đồ hình chữ U).
Nếu vùng biển cấm hoàn toàn thuộc Trung quốc thì việc Trung quốc tuần tra để áp dụng lệnh cấm đối với ngư dân Trung quốc thì không thành vấn đề. Vấn đề là Trung quốc áp dụng lệnh cấm trong toàn vùng biển nằm trong bản đồ hình chữ U. Một phần vùng này chập lên vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý là vùng hoàn toàn thuộc chủ quyền khai thác kinh tế của Việt Nam theo Luật Biển (xem bản đồ). Vùng chập này Trung quốc “nói lấy được” là của họ, không có luật lệ nào công nhận cả. Việc tàu tuần tra biển (gọi là tàu Hải giám) của Trung quốc không cho ngư dân Việt Nam đánh cá trong vùng này bằng cách tịch thu thuyền hành nghề, bắt giữ và đánh đập ngư dân Việt Nam là một vi phạm trầm trọng đến tài sản và tính mạng của nhân dân Việt Nam. Mục đích của Trung quốc trong hành động này là biến một vùng biển thuộc chủ quyền kinh tế của Việt Nam thành một vùng tranh chấp.
Trong vụ “cấm đánh cá” theo mùa Việt Nam đứng trước một vấn nạn. Nếu ra lệnh cho ngư dân ngưng đánh cá thì mặc nhiên được hiểu Việt Nam công nhận chủ quyền của Trung quốc trong bản đồ chữ U trong đó có một vùng chập lên vùng Đặc quyền Kinh tế của mình (xem bản đồ phần //////) . Nhưng nếu khuyến khích và yểm trợ ngư dân cứ đánh cá thì Việt Nam có thể bị quốc tế hiểu (TBN: và Trung quốc không bỏ lỡ dịp tuyên truyền) là không đếm xỉa đến nguyên tắc chung theo Luật Biển. Việt Nam có một chọn lựa là gởi công hàm cho Liên hiệp quốc biết rõ thái độ của mình là tuân hành nguyên tắc “ngưng đánh cá” trong mùa, đồng thời khẳng định chủ quyền của mình trong vùng Đặc quyền Kinh tế. Nhưng có thể Việt Nam không muốn đưa việc tranh tụng với Trung quốc ra trước Liên hiệp quốc để giữ tình giao hão giữa hai nước. Hơn nữa Việt Nam vẫn hiểu lầm một cách tai hại rằng không có gì giải quyết qua Liên hiệp quốc được khi Trung quốc có quyền phủ quyết. Và sự chọn lựa này làm cho thái độ của Hà Nội (không to tiếng tố cáo, gọi tàu của Trung quốc là “tàu lạ”…) trước việc Trung quốc bắt nạt ngư dân Việt Nam được xem là một thái độ “hèn nhát” .
Việt Nam chỉ trở nên cứng rắn hơn sau Hội nghị Diễn Đàn An Ninh Á Châu tháng 7/2010 tại Hà Nội qua đó Hoa Kỳ công bố sự quan tâm của mình đối với các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.
Lịch sử bản đồ hình chữ U trên Biển Đông:
Ngày 7/6/1933 chính phủ Trung hoa Dân quốc (trong tay Trung hoa Quốc Dân Đảng) thành lập Ủy Ban Bản Đồ Đất Biển (Land and Water Map Inspection Committee) với mục đích vẽ lại bản đồ đất biển thuộc chủ quyền của Trung quốc. Ủy Ban này thay đổi danh xưng nhiều lần, và vẽ nhiều bản đồ về Biển Đông. Đến năm 1947 Ủy Ban công bố một bản đồ gồm 11 vạch đứt khỏang nhau và nếu nối lại với nhau sẽ thành một chữ U (giống hình một cái lưỡi bò cho nên báo chí còn gọi là vùng biển lưỡi bò) bao trọn Biển Đông gồm cả vịnh Bắc Việt, các quần đảo Pratas, Hoàng Sa, Trường Sa và bãi Macclesfield. Chính quyền Trung quốc tuyên bố đó là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung quốc. Sự tuyên bố chủ quyền này có tính cách độc đoán không dựa vào một cơ sở pháp lý quốc tế nào cả.
Năm 1949 Mao Trạch Đông chiếm Trung quốc thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung quốc (TBN: nước Trung hoa cộng sản). Năm 1953 với sự chấp thuận của Chu Ân Lai, Trung quốc bỏ hai vạch trong vịnh Bắc Việt và công bố bản đồ chủ quyền gồm 9 vạch (TBN: Trung quốc không giải thích tại sao bỏ 2 vạch trong vịnh Bắc Việt, nhưng trong thời gian đó cuộc chiến Việt-Pháp đang ở cao điểm, Hải quân Pháp hoàn toàn làm chủ vịnh Bắc Việt, nên có lẽ Trung quốc bỏ hai vạch trong vịnh Bắc Việt để phản ánh thực tế là Trung quốc không có quyền và cũng không có sức đòi chủ quyền trong vịnh Bắc Việt.).
Lúc đó không ai “buồn” để ý đến công bố của Trung quốc. Trên thực tế người Pháp còn làm chủ Đông Dương. Một đơn vị quân đội miền Nam còn đóng tại Hòang Sa, và Hải quân Pháp xem như làm chủ Biển Đông. Cái bản đồ 9 vạch hình chữ U của Trung quốc đi vào quên lãng.
Mãi đến tháng 5 năm 2009, sau khi Việt Nam đệ trình Liên hiệp quốc thềm lục địa kéo dài của mình, Trung quốc mới nộp cho Liên hiệp quốc bản đồ 9 vạch hình chữ U và tuyên bố chủ quyền trọn vẹn đất biển của mình trong đó. (Thềm lục địa nối dài và bản đồ hình chữ U).
Nộp thì cứ nộp. Nhưng đối với Liên hiệp quốc và theo luật quốc tế Trung quốc không có chủ quyền gì trong vùng biển đó, mặc dù Trung quốc nói chủ quyền của Trung quốc có tính lịch sử (historic title).
Theo quan niệm chung, chủ quyền có tính lịch sử phải phản ánh 2 điều: (1) có thực quyền tại đó trong một thời gian đủ dài (2) trong thời gian có thực quyền không có nước nào tranh chấp. Việc tuyên bố chủ quyền chính thức của Trung quốc trong Biển Đông khi đệ nạp cho Liên hiệp quốc bản đồ hình chữ U không đạt được một điều kiện nào cả. Trái lại đối với quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam đạt được cả 2 điều kiện ít nhất từ thời các chúa Nguyễn cho đến năm 1947 khi Trung hoa Dân quốc công bố bản đồ 11 vạch.
Nguyên tắc Ứng xử 2002 giữa Trung quốc và các nước Asean (Declaration on the conduct of Parties in the South China Sea – DOC):
Nguyên tắc ứng xử này ký tại Phnom Penh ngày 4/11/2002 giữa 8 nước trong khối Asean và Trung quốc gồm 10 Điều cam kết chính yếu là: (1) Tuân hành Hiến chương Liên hiệp quốc, Luật Biển, các luật lệ quốc tế điều hành quan hệ giữa các quốc gia và 5 nguyên tắc chung sống hòa bình (2) Công nhận quyền hải hành và quyền bay tự do trên vùng biển, vùng trời của Biển Đông (3) Cam kết giải quyết tranh chấp biển đảo bằng phương pháp hòa bình, không dùng vũ lực (4) Không làm cho tình hình trên Biển Đông trở nên phức tạp, không xây cất hay đem cư dân đến chiếm các hải đảo còn tranh chấp.
**
Trở lại tình hình từ đầu năm 2011 sau khi có dấu hiệu Hoa Kỳ thay đổi thái độ và Việt Nam trở nên cứng rắn hơn trước sự chèn ép của Trung quốc.
Tháng Giêng năm 2011, đảng Cộng sản Việt Nam sau khi củng cố hàng ngũ qua đại hội Đảng thứ 11, bắt đầu áp dụng chính sách hòa hoãn với Trung quốc. Trung quốc cũng chìa ra bàn tay nhung.
Ngay sau Đại Hội, tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gởi đặc sứ Hoàng Bình Quân đi Bắc Kinh tường trình kết quả đại hội và chuyển lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào thăm viếng Việt Nam.
Đồng thời tháng 4/2011 Trung tướng Gui Boxiong Phó Chủ tịch Quân ủy Trung quốc đến Hà Nội theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh để thảo luận về hợp tác quân sự hai bên trong đó có chương trình thao diễn Hải quân chung trong vịnh Bắc Việt.
Tiếp theo đó là cuộc họp cấp thứ trưởng bàn về biên giới và hai bên cam kết sẽ ký một thỏa thuận chi tiết về cách giải quyết các tranh chấp quyền lợi trên biển theo tinh thần của “Nguyên tắc Ứng xử 2002”.
Nhưng sau khi chìa bàn tay nhung Trung quốc lôi bàn tay sắt ra. Như các năm trước ngày 11/5/2011 chính quyền đảo Hải Nam công bố lệnh ngưng đánh cá trong Biển Đông. Như đã nói vùng cấm chập lên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngoài khơi các tỉnh Phú Yên , Khánh Hòa, và lên phía Bắc còn nằm trong vùng biển của quần đảo Hoàng Sa là vùng tranh chấp giữa Trung quốc và Việt Nam. Việt Nam vẫn xem Hoàng Sa và vùng biển chung quanh là vùng đảo biển của mình bị Trung quốc cưỡng chiếm sau trận hải chiến đầu năm 1974 với Hải quân Việt Nam Cộng Hòa.
Ngay sau lệnh cấm của Trung quốc, Việt Nam tuyên bố việc cấm đánh cá trong vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam và trong vùng biển chung quanh quần đảo Hoàng Sa là vi phạm chủ quyền Việt Nam. Và ngư dân các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ngãi vẫn tiếp tục đi đánh cá với sự yểm trợ của các đội hải tuần Việt Nam. Không như những năm trước, năm nay Trung quốc tăng các đội Hải giám lên đến 150 chiếc, có ngày lên đến 200 chiếc. Nhiều đụng chạm đã xẩy ra với ngư dân Việt Nam . Như ngày 1/6 Trung quốc dọa bắn một ngư thuyền Việt Nam gần Trường Sa và ngày 5/7 nhân viên Hải giám Trung quốc đánh đập một chủ thuyền khác trước khi dùng vũ lực đuổi ra khỏi vùng biển “cấm” tại Hoàng Sa.
Trung quốc cũng còn tìm cách ngăn cản việc khai thác dầu khí của Việt Nam trong vùng Đặc quyền Kinh tế. Ngày 26/5 Trung quốc cho 3 tàu Hải giám đến lén cắt giây cáp dò tìm dầu khí của tàu Bình Minh 2 của Cục Dầu khí PetroVietnam . Đây là lần đầu tiên Trung quốc xâm phạm một cách lộ liễu vùng EEZ của Việt Nam. Tàu Bình Minh 2 lúc đó đang ở ngoài khơi tỉnh Khánh Hòa cách mũi Đại Lãnh 120 hải lý tức 222 km, trong khi giới hạn của EEZ là 370 km (xem bản đồ) . Việt Nam gởi ngay công hàm ngoại giao đến tòa đại sứ Trung quốc tại Hà Nội phản đối sự xâm phạm vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam thì Trung quốc trả lời họ bảo vệ tài sản trong vùng biển của họ, và yêu cầu Việt Nam ngưng xâm phạm chủ quyền và tài sản của Trung quốc. Ý Trung quốc muốn Việt Nam và thế giới hiểu rằng nơi tàu Bình Minh 2 đang dò tìm dầu hỏa nằm trong đường chữ U thuộc chủ quyền của Trung quốc. Một vụ “mang lửa bỏ tay người” trắng trợn.
Trong hai ngày liên tiếp 29 & 30/5 trong khi tàu khảo sát Viking II do PetroVietnam thuê tìm dầu khí trong bãi Tư Chính (Vanguard Bank), một tàu hải giám Trung quốc đến cắt giây kéo dụng cụ tìm dầu. Lực lượng bảo vệ Viking II của Việt Nam đã ngăn cản đuổi tàu hải giám của Trung quốc đi. Đoạn phim do Việt Nam phổ biến ngày 6/11/2011 có lẽ là đoạn phim ghi lại cuộc săn đuổi này.
Đầu tháng 6 tại hội nghị Shangri-la tại Singapore, sau vụ cắt cáp tàu Bình Minh 2, bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh và bộ trưởng quốc phòng Trung quốc Liang Guanglie gặp riêng nhau. Tướng Phùng Quang Thanh than phiền vụ Bình Minh 2 và tướng Liang Guanlie nói rằng Trung quốc không hề muốn những việc đáng tiếc như vậy xẩy ra, hứa kiểm tra, và lưu ý tướng Phùng Quang Thanh rằng Hải quân Trung quốc không liên hệ đến vụ đáng tiếc.
Lời hứa của tướng Guanlie là lời hứa cuội. Chỉ mấy ngày sau (ngày 9/6) Trung quốc lại cho tàu đánh cá đến cắt giây cáp của Viking II. Viking II đã đề phòng trước tóm kềm cắt của Trung quốc vào lưới và kéo tàu đánh cá Trung quốc đi xa. Vụ này Việt Nam và Trung quốc lời qua tiếng lại khá sôi nổi. Cuối tháng 6 một vụ cắt giây cáp khác lại diễn ra chung quanh bãi Tư Chính, nhưng Việt Nam không làm lớn chuyện vì lúc đó Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đang công tác Bắc kinh về vụ Biển Đông.
Bãi Tư Chính nằm ở khoảng vĩ độ 7.32′ Bắc và 109.32′ kinh đô Đông, cách Vũng Tàu về hướng Đông Nam chừng 391 km (xem bản đồ). Bãi Tư Chính nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam nhưng bãi Tư Chính thuộc Việt Nam từ lâu và ở rất xa biên giới Trung quốc nên việc Trung quốc hai ba lần ngăn cản việc tìm dầu ở đó chứng tỏ Trung quốc muốn nói bãi Tư Chính nằm trong bản đồ hình chữ U thuộc chủ quyền của họ. Một điều Việt Nam từng mãnh mẽ bác bỏ.
Cộng đồng thế giới trên nguyên tắc đồng ý với Việt Nam, và hiểu ý đồ của Trung quốc nói vùng biển trong bản đồ chữ U của họ là Trung quốc đang áp dụng chiến thuật biến “không thành có”, biến “hư thành thật” sở trường của Trung quốc.
Sau vụ 9/6 tại bãi Tư Chính thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bằng lời lẽ mạnh mẽ tuyên bố rằng “toàn đảng, toàn dân và toàn quân” sẽ bảo vệ quyền lợi của tổ quốc. Trong dịp này Dũng tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc Việt Nam. Đồng thời chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đi thăm đảo Cô Tô ngoài khơi tỉnh Quảng Yên sát biên giới Trung quốc cũng tuyên bố “sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ biển đảo.”
Ngày 13/6 Hải quân Việt Nam tiến hành một cuộc thao dượt dùng đạn thật chung quanh đảo Hòn Ông cách bờ tỉnh Quảng Nam 40 km. Cuộc tập dượt gồm bắn đại pháo từ đất liền, hỏa tiễn từ chiến hạm và từ phi cơ phóng pháo loại Sukhoi. Trước đó hai hôm tờ Global Times của đảng Cộng sản Trung quốc viết bàì chế nhạo cuộc tập dượt của Việt Nam là một động thái “quốc gia quá khích” chỉ tạo thêm hiềm khích giữa nhân dân hai nước.
Để Trung quốc không hiểu lầm quyết tâm của Việt Nam bảo vệ xứ sở chính quyền cho phép nhân dân Hà Nội và Sài gòn biểu tình trong các ngày Chủ Nhật trong suốt 12 tuần từ ngày 5 tháng 6.
Tuy nhiên Hà Nội vẫn không quên mặt ngoại giao để duy trì quan hệ bình thường với Trung quốc. Cuối tháng 6 Hà Nội gởi ông Hồ Xuân Sơn thứ trưởng ngoại giao đi công cán Bắc Kinh.
Qua lời hay ý đẹp thứ trưởng Hồ Xuân Sơn tỏ ra hòa dịu với Trung quốc, hứa sẽ ngưng các cuộc biểu tình chống Trung quốc (Hồ Xuân Sơn: Bức xúc biển đảo). Tuy nhiên các cuộc biểu tình này vẫn được tiếp tục cho đến ngày Chủ Nhật 21/8.
Ngày 1/8 đại diện Trung quốc và Việt Nam gặp nhau vòng thứ 8 để tiếp tục trao đổi thảo luận về biên giới (TBN: các cuộc thảo luận này bắt đầu từ đầu năm 2010). Qua vòng hội đàm này Việt Nam vẫn khẳng định lập trường thương thuyết đa phương đối với các tranh chấp trên Biển Đông, và chỉ thỏa thuận nói chuyện song phương với Trung quốc qua các vấn đề liên quan đến vịnh Bắc Việt.
Ngày 28/8, Thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đi Bắc Kinh gặp Tham Mưu Phó quân đội Trung quốc thảo luận về các vấn đề quân sự và an ninh. Hai bên nhìn nhận vấn đề Biển Đông là vấn đề tế nhị nhất trong quan hệ an ninh giữa hai nước. Tướng Vịnh nhấn mạnh đến 3 điểm cần giải quyết: 1. Tuyên bố chủ quyền đơn phương (TBN: ám chỉ bản đồ hình chữ U), 2. Quan hệ giữa Trung quốc và Việt Nam (TBN: ám chỉ chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam Trung quốc đang chiếm đóng), 3. Thảo luận đa phương.
Tiếp tục các cuộc tiếp xúc có tính hòa giải, ngày 6 tháng 9 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gặp ông Dai Bingguo, cố vấn chính phủ Trung quốc tại Hà Nội trong vòng hội đàm lần thứ sáu (hằng năm) có tính chỉ đạo chính sách chung. Biển Đông là vấn đề chính và hai bên hứa hẹn thực hiện những gì lãnh đạo cấp cao hai bên đã đồng ý. Và sẽ lấy “Nguyên tắc Ứng Xử 2002” để giải quyết tranh chấp nơi Biển Đông.
Quan hệ Việt – Trung lên cao điểm cuối năm, hòa dịu trong căng thẳng. Giữa tháng 10/2011 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi Bắc Kinh theo lời mời của ông Tổng bí thư Trung quốc Hồ Cẩm Đào. Trong khi đó ngày 25/11 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố trực tiếp truyền hình trước Quốc hội với sự hiện diện của tất cả Ủy viên Bộ chính trị rằng Hoàng Sa là của Việt Nam và Trung quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm năm 1974.
Đặc biệt hơn nữa ngày 20 tháng 12, Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam trong 2 ngày. Ông là người sẽ thay thế Hồ Cẩm Đào vào năm tới và sẽ là nhân vật quyết định chính sách đối với Việt Nam cho nên chuyến thăm viếng của ông có một tích cách quan trọng đặc biệt. Ông Tập Cận Bình muốn trực tiếp đánh giá ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay là những người sẽ đương đầu với ông trong 4 hay 5 năm tới. Thứ hai là gián tiếp cảnh giác Việt Nam cần thận trọng trong việc chọn lựa chính sách và hành động.
Để làm nổi bật chuyến thăm viếng Việt Nam của Tập Cận bình, ngày 3/1/2012 một bài báo của Trung quốc phổ biến trên “Mạng Sina” do Phùng Thiện Trí viết, Quốc Thanh dịch, Basamnews đăng tải đã dùng luận điệu “gắp lửa bỏ tay người” vừa ăn cướp vừa đánh trống đại ý rằng “chúng tôi” đã quá tốt, quá tử tế với Việt Nam mà “bọn họ” không biết điều cứ giành lấn đất đai tài sản của chúng tôi. Và sau cùng “dọa nạt” Việt Nam: “Chịu hết nổi chúng tôi phải tuốt gươm thôi.”
Cái gì sẽ diễn ra trên Biển Đông và nơi biên giới trong những năm tới? Trung quốc quyết dành quyền ưu tiên trên Biển Đông bằng cách áp đặt chủ quyền của mình trong bản đồ hình chữ U. Việt Nam thì không thể bỏ không khai thác dầu khí và quyền đánh cá trong giới hạn Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý của mình.
Nếu các việc như cắt giây cáp tàu Bình Minh và tàu Viking tiếp tục xẩy ra Việt Nam sẽ phải phản ứng mạnh mẽ hơn và đụng độ quân sự có thể xẩy ra. Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc Châu, Asean đều phải chọn thái độ của mình.
Đã đến lúc thế giới không nên nghe những gì Trung quốc nói, mà hãy mở to mắt nhìn những gì Trung quốc làm. Biển Đông không chỉ dậy sóng mà bão táp thật sự sẽ đến./.
3 Jan. 2012
binhnam@sbcglobal.net
Tài liệu tham khảo:
1. “Chinese Assertiveness in the South China Sea and Southest Asian Responses” by Carlyle Thayer (Journal of Current Southeast Asian Affairs, 30,2,77-104)
2.Google search engine
3.Basamnews, 3 Jan 2012