Vì sao CA TP HCM chưa bắt Hoàng Khương? - Dân Làm Báo 1

Vì sao CA TP HCM chưa bắt Hoàng Khương?

Bút Lông - Ngày 28/11, Công an TP.HCM có văn bản đề nghị “kiểm điểm và thu hồi thẻ nhà báo của phóng viên Nguyễn Văn Khương” (tức PV Hoàng Khương), người thực hiện bài “CSGT giải cứu xe đua trái phép”. Hiện ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với phóng viên Hoàng Khương, đồng thời ngày 3/12 thông báo trên mặt báo về việc này.

Trước đó, ngày 18/11 Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam cựu CSGT Huỳnh Minh Đức về tội nhận hối lộ và một cá nhân tên Hòa về tội môi giới hối lộ. Được biết, kết quả trên xuất phát từ các bài viết trên Tuổi Trẻ (thứ Ba 5/7/2011, bài “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ” và Chủ Nhật, 10/07/2011, bài “CSGT giải cứu xe đua trái phép”) của Hoàng Khương.

Theo nội dung bài viết ngày 5/7, 23g15 ngày 23/6, một xe đầu kéo va chạm với xe du lịch dẫn đến cả hai xe bị tạm giữ. Hai cán bộ của Đội CSGT Bình Thạnh (trong đó có Huỳnh Minh Đức) được cử khám dấu vết. Bài báo nêu rõ quá trình giải quyết vụ việc ông Đức hù phải phạt tài xế, giam bằng 2 tháng. Sau khi được “năn nỉ” ông Đức nói sẽ “nghiên cứu” lỗi nhẹ để không bị tước GPLX, không giam xe với giá: “Ba chai (3 triệu đồng: sếp chai, em chai, Lộc chai”). Sau khi nhận tiền, ông Đức cười an ủi: “Coi như thua trận banh chứ có gì đâu”.

* CSGT Huỳnh Minh Đức (phải) nhận 10 triệu

Còn theo bài viết ngày 10/7, ngày 23/4 Đội CSGT Bình Thạnh lập biên bản vi phạm đối với Hòa do điều khiển xe máy “độ” với các lỗi: điều khiển xe máy lạng lách đánh võng, gây rối trật tự... Ngay tại thời điểm bị lập biên bản, Hòa không xuất trình được giấy tờ xe, giấy tờ tùy thân. Sau đó đương sự nhờ người móc nối thượng úy Huỳnh Minh Đức và bị ông Đức hù: “Lỗi này phải đưa ra kiểm điểm trước tổ dân phố. Muốn “binh” phải đi đúng đường. Đưa biên bản coi rồi báo giá. Đưa tiền là lấy xe”. Người móc nối nói đưa trước 10 “chai” (triệu) cho ông Đức và đếm tiền đặt trên bàn, ông Đức xếp lại ngay ngắn rồi đút túi và nói “chủ nhật đưa giấy tờ xe, khoảng thứ năm, thứ sáu lấy xe, khỏi ra phường kiểm điểm”. Đến 3-7 (chủ nhật), ông Đức trả xe tại quán cà phê. Bài viết đăng kèm tấm hình ông Đức đang nhận tiền từ người môi giới (do Hoàng Khương chụp) và khẳng định việc trả xe là sai quy trình.

Đáng chú ý, tại quyết định khởi tố bị can Hòa, cơ quan điều tra nhận định: Hòa đã có hành vi móc nối nhận tiền của Tuấn và Nguyễn Văn Khương (nhà báo Hoàng Khương), đưa cho Đức giải quyết trái quy định đối với xe vi phạm giao thông và đua xe trái phép.

Xung quanh việc này Báo CAND và ANTG đăng nhiều bài chỉ trích cách thức tác nghiệp của Hoàng Khương, đồng thời đề nghị xử lý nghiêm hành vi gài bẫy CSGT của nhà báo này, cho rằng đã cấu thành tội đưa hối lộ. Theo cách “lên tiếng” này, khả năng sau khi được báo CAND “dọn đường”, cơ quan CSĐT Công an TP HCM sẽ khởi tố bị can (và có thể bắt) nhà báo.

Dĩ nhiên, khi cơ quan điều tra thực thi công vụ thì không ai có thể cản, bởi theo BLTTHS hoạt động của họ là độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tuy nhiên điều khó hiểu là tại sao cơ quan điều tra không thực thi luôn quyết định tố tụng với Hoàng Khương, sau đó thông báo đến Ban biên tập Tuổi Trẻ và Cục Báo chí về quyết định của mình để hai nơi này automatic đình chỉ công tác và thu hồi thẻ nhà báo (theo luật) mà lại làm động tác “chuyền bóng” để các cơ quan kia “sút” trước?

Thật hay là Ban biên tập Tuổi Trẻ đã rất nhanh “ghi bàn”…

Tuy nhiên điều rất đáng quan tâm là ý kiến của một Phó Chủ tịch Hội Nhà báo VN (đăng trên báo CAND hôm 6/12). Theo ý kiến vị này thì Hoàng Khương biết việc CSGT (Huỳnh Minh Đức) tiêu cực mà lại không thực hiện nghĩa vụ công dân tố giác đến cơ quan điều tra là không công bằng, công tâm. Cách vị này nói “khi anh phát hiện ra có hành vi đưa, nhận hối lộ giữa người thi hành công vụ và người vi phạm thì cách tốt nhất là anh nên trình báo cơ quan có thẩm quyền để bắt quả tang và xử lý cả người đưa và nhận hối lộ” có lẽ cũng giống như quan điểm nhiều cán bộ công an khi trao đổi với các phóng viên trẻ và phần nào cũng thuyết phục được một số người.

Hơn thế ý kiến của một vị lãnh đạo Hội nghề nghiệp còn có thể tác động rất lớn đến suy nghĩ, cách thức hành nghề của nhiều hội viên...

Thế nhưng xét kỹ quan điểm này là không chính xác, bởi khi Hoàng Khương đăng tải hành vi nhận hối lộ của Đức lên mặt báo nghĩa là Khương đã thực hiện việc báo tin tội phạm theo quy định tại Điều 100 BLTTHS. Theo điều luật này thì “tố giác của công dân” và “tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng” có giá trị pháp lý ngang nhau, không cái nào “to” hơn cái nào. Hoàng Khương là nhà báo và vị này đã báo tin tội phạm thông qua việc thực hiện nhiệm vụ của mình, nên không thể phê phán anh ta.

Và có lẽ vì lý do này chính cơ quan điều tra còn lưỡng lự trước khi thực thi quyết định tố tụng? 



Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1