Đường lối chính trị ngoại giao của một số cường quốc Á Châu - Dân Làm Báo 1

Đường lối chính trị ngoại giao của một số cường quốc Á Châu


Chu Chi Nam (danlanbao) - Ngày hôm nay không ai chối cãi là trục kinh tế thế giới đang chuyển mình qua châu Á Thái Bình Dương. Nguyên sự kiện kinh tế châu Mỹ, dẫn đầu là Hoa kỳ đang gặp khó khăn, kinh tế Âu châu cũng vậy, Hy lạp đang lâm vào nguy cơ có thể phá sản, Cộng đồng Âu châu đã họp nhiều lần để tìm cách cứu chữa. Nguy cơ phá sản có thể ảnh hưởng sang tới Tây Ban nha, Bồ Đào nha, Ý và có thể cả là Pháp. Trong khi đó thì kinh tế của những cường quốc Á châu vẫn tăng trưởng. Những cường quốc lớn Á châu, chúng ta phải kể Trung cộng, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Nam Hàn; những cường quốc hạng trung là Pakistan, Nam Dương,Thái lan, Mã Lai, Đài Loan, Việt Nam, Bắc Hàn. Đấy là chưa kể những tiểu quốc, mặc dầu nhỏ, nhưng đóng một vai trò rất năng động và tích cực cho sự phát triển trong vùng. Đó là Singapore. 

Chúng ta hãy cùng nhau xét về thực lực kinh tế, đường lối chính trị ngoại giao và viễn tượng tương lai của một số quốc gia trên.

A) Những cường quốc lớn 

I) Trung cộng: 

Diện tích là 9 598 050 km2; dân số là 1 334 425 000 dân; sản lượng tính theo đầu người vào năm 2 009 là 4733,57 tỷ Mỹ kim (Theo Atlaseco 2011– Le Nouvem Observateur); sản lượng hàng năm tính theo đầu người là 3547 $. Tuy nhiên, ngày hôm nay, theo nhiều viện nghiên cứu và nhà kinh tế, thì sản lượng tính theo đầu người của Trung cộng là trên 5 000$, và tổng sản lượng là trên 5 000 tỷ. Tuy nhiên vì cẩn thận, người ta thường lấy con số trước đó 2 năm, vì đã được kiểm chứng. Ở đây tôi vẫn lấy con số của năm 2009, đối với những nước khác và dựa vào tờ báo Le nouvel Observateur. 

Theo như bản Tường trình của Quỹ Tiền Tệ thế giới cách đây hơn nửa năm, thì sản lượng tính theo đầu người của Trung cộng là hơn 5000$; đó là tính theo giá trị tiền tệ; nhưng nếu tính theo khả năng mua bán (Pouvoir d’achat), thì phải là hơn 7000$, nhân với hơn 1,3 tỷ người, thì Tổng sản lượng đã lên tới 10000 tỷ $. Và với sự tăng trưởng hơn 8%, thì chỉ vài năm nữa, tổng sản lượng Trung cộng sẽ bắt kịp Hoa kỳ với Tổng sản lượng là 15 000 tỷ. 

Không ai chối cãi rằng trong thời gian gần đây Trung cộng có phát triển. Tuy nhiên sự phát triển này mang lại rất nhiều bất công và mâu thuẫn tại ngay chính nội địa nước Tàu và nhiều phản đối trên trường quốc tế. 

Phản đối trên trường quốc tế, vì Trung cộng đi theo chính sách kềm giá đồng Nhân dân tệ bám sát đồng Đô la Hoa Kỳ và luôn rẻ hơn ít nhất từ 15 đến 20% so với Đô la, để dễ dàng xuất cảng. 

Mâu thuẫn ở chỗ chính giới Tàu, xuất thân từ đảng Cộng sản, mặc dầu tự nhận là đảng vì công nhân và nông dân, nhưng trên thực tế công nhân Tàu bị bóc lột tận xương tủy với giá nhân công rẻ mạt, để thu hút đầu tư quốc tế. Họ không những bị bóc lột bởi những ông tư bản trắng từ nước ngoài, mà còn bị bóc lột bởi những ông tư bản đỏ, mới giầu lên vì tham nhũng, hối lộ. Nông dân cũng vậy, đã bị hy sinh cho thành thị qua một chính sách kỹ nghệ hóa một cách man dại, không tôn trọng môi sinh, môi trường. Đất bị khô cằn. Giá sản phẩm nông nghiệp rẻ mạt. Sông ngòi ô nhiễm. Cả trăm triệu người bỏ nông thôn lên thành thị, thành những vô sản, sống vô cùng nghèo khổ. Trong khi đó thì công chức, con ông cháu cha giàu có, tiêu tiền vứt qua cửa sổ hay tìm cách chuyển tiền ra nước ngoài. 

Mặc dầu có sự tăng trưởng đầy mâu thuẫn đó, vẫn có nhiều người suy rộng ra rằng Trung cộng sẽ là đại cường quốc, vượt mặt Hoa Kỳ, làm bá chủ thế giới, và hơn thế nữa "Họa da vàng sẽ tới", thế giới sẽ chết vì Trung cộng, như quyển sách "Death by China" (Chết vì Trung Cộng), gần đây, được bán chạy nhất. 

Những dữ kiện, những lý luận, cùng những tiên đoán đưa ra, bảo rằng hoàn toàn sai thì cũng không đúng, nhưng bảo rằng hoàn toàn đúng, thì cũng không chỉnh, vì nó cũng có một vài căn cứ. 

Tuy nhiên theo tôi, thì Trung cộng, ít nhất trong thời gian ngắn hạn và cả trung hạn, khoảng 20 đến 50 năm trở lại đây, chưa có thể trở thành đại cường quốc để tranh hùng thế giới, nói chi là đe dọa và làm chủ thế giới, vì một số lý do sau đây: 

- Lý do thứ nhất, tôi không lấy quan điểm triết lý chính trị tây phương, mà tôi lấy quan điểm triết lý chính trị đông phương, theo quan niệm "Vương đạo và bá đạo”. Vương đạo, đó là chính sách hợp lòng dân, theo hợp lòng Trời, có nghĩa là hợp lẽ tự nhiên của thiên lý, không dung dối trá, giảo quyệt, không dùng bất cứ phương tiện gì để thành công. Trái lại, bá đạo là ngược lại lòng dân, không hợp lẽ tự nhiên, dùng tuyên truyền, dối trá, dùng đàn áp, cái súng và cái còng để trị dân. Theo như Trần hưng Đạo, người đã 3 lần đánh bại quân Mông Cổ, mà dân Việt đã tôn lên thành thánh: 

"Khí lượng của tướng, lớn nhỏ khác nhau. Tướng mà che điều gian, giấu điều họa, không nghĩ đến quần chúng oán ghét, đó là tướng chỉ huy 10 người. Tướng mà dậy sớm, khuya nằm, lời lẽ kín đáo, đó là tướng chỉ huy được 100 người. Tướng thắng mà biết lo, mạnh mà giỏi đánh, đó là tướng chỉ huy được ngàn người. Tướng mà ngoài mặt hăm hở, trong lòng ân cần, biết người khó nhọc, thương kẻ đói rét, đó là tướng chỉ huy được vạn người. Tướng mà gần người hiền, tiến người tài, ngày thường cẩn thận, thành thực, rộng rãi, giỏi việc dẹp loạn, đó là tướng chỉ huy được vạn người. Tướng mà dùng nhân ái đối với kẻ dưới, lấy tín nghĩa phục nước láng giềng, trên biết thiên văn, dưới biết địa lý, giữa biết việc người, coi bốn bể như một nhà, đó là tướng chỉ huy cả thiên hạ, không ai địch được.” (Theo Trần Hưng Đạo – Binh thư yếu lược – Nhà xuất bản Quê Mẹ - Paris 1988 – trang 15). 

Từ đó chúng ta xét đường lối của Trung cộng, chưa nói đến chính sách ngoại giao, đề tài chính của bài này, mà chỉ nói đến chính sách đối nội, thì chúng ta thấy quả là bá đạo, hành hạ dân, đàn áp dân với cái súng và cái còng, lừa bịp dân với cái loa qua chính sách tuyên truyền dối trá, lừa bịp, cho dân ăn bánh vẽ, bưng bít sự thật. 

"Tướng mà che điều gian, giấu điều họa, không nghĩ đến quần chúng oán ghét", đây chính là bá đạo, chỉ những chế độ trị dân bằng dối trá, đàn áp, qua cái loa và cái súng cái còng, như chế độ cộng sản. 

"Tướng mà biết dùng nhân ái đối với kẻ dưới, lấy tín nghĩa phục nước láng giềng, trên biết thiên văn, dưới biết địa lý, giữa biết việc người, coi bốn bể như một nhà", chính là vương đạo. Và chỉ có vương đạo thì mới phục được lòng dân và bình được thiên hạ. 

Từ đó nhìn vào chế độ cộng sản Trung cộng hiện nay, không những không được lòng dân, mà cả những nước chung quanh đều oán ghét, nên việc bình thiên hạ rất là khó. Đấy là chưa nói đến viễn tượng có thể bị vỡ tung ra từng mảnh, ít nhất là 5 mảnh ở nội địa, từ 5 sắc tộc Hán, Mãn, Mông, Hồi, Tạng, cộng thêm với Hồng Kông, Đài Loan và xa nữa là Singapore, theo như chủ trương của ông Lý Tăng Huy, một trí thức và đồng thời là một nhà chính trị, đã từng là tổng thống của Đài Loan. Ở đây tôi không đi sâu vào chủ trương này, tôi chỉ xin tóm tắt và lấy một thí dụ dễ hiểu. Đó là một quốc gia cực đông dân như Trung cộng, được ví như một đại gia đình, nhìn bề ngoài thì có vẻ hay, các con đi làm về chia nhau, đứa giàu nâng đỡ đứa nghèo; nhưng nhìn về mặt kinh tế phát triển hiện đại thì là một điều tai hại; vì kinh tế cần phải có thặng dư để đầu tư, đằng này làm được đồng nào tiêu xài đồng đó, người khá làm được phải chia cho người không khá, rồi cứ "lá lành đùm lá rách “, lùng thùng với nhau. Chính vì lẽ đó mà ông Lý Tăng Huy chủ trương chia nước Tàu ra làm 5 mảnh, dựa trên 5 sắc tộc thành 5 quốc gia, cộng thêm với quốc gia Đài Loan, Hồng Kông và xa hơn nữa là Singapore. Theo họ Lý, thì chỉ như vậy, nước Tàu mới có cơ thực sự phát triển, sau đó mới tính tới việc bình thiên hạ. 

Không nói xa, mới tuần vừa qua, một người gốc Tàu, làm việc cho đài BBC, Anh quốc, Xue Xinran, nhà báo, nhà tiểu thuyết, có viết nhiều bài bình luận về Tàu, trong đó có bài gần đây, đăng trên tờ Daily Télégraphe, ngày 8/10/2011, theo đó, về Trung cộng thì: 

"Người trẻ thì bất lực, người già thì kiệt sức, và giới lãnh đạo chính trị, hành chánh thì thiếu sáng kiến, chỉ biết hành hạ dân.” 

Một quốc gia như vậy, thì tương lai đâu có chi sáng lạng, làm thế nào mà có thể bá chủ thế giới ! 

- Một lý do nữa ngăn cản Trung cộng thành đại cường quốc có thể tranh quyền bá chủ thế giới là chính sách một con và chính sách giáo dục: 

Chính sách hạn chế sinh đẻ, chỉ cho phép có 1 con, được thực hiện từ thời Đặng Tiểu Bình, cuối thập niên 70, đầu thập niên 80. Chính sách này một cách tổng quát, đó là làm cho sự tăng trưởng kinh tế không bị hao mòn bởi tăng trưởng dân số. Một thí dụ dễ hiểu, nếu tăng trưởng kinh tế là 3%, mà tăng trưởng dân số cũng là 3%, thì trên thực tế không còn tăng trưởng kinh tế. Dân vẫn ở mức độ trước đây.Nói một cách khác đi, đây là chính sách dân số. Nhiều người coi thường nó, nhưng nó có một tầm ảnh hưởng rất quan trọng ở những nước phát triển, vì không những phải nghĩ đến phát triển kinh tế, mà còn phải nghĩ tới nhiều mặt khác, không chỉ nghĩ đến mặt tốt mà phải nghĩ đến mặt xấu. Hiện nay Trung Cộng đang phải trả giá mặt xấu của chính sách dân số một con. 

Đó là, vì truyền thống trọng nam, khinh nữ của Tàu, vì chính sách hạn chế sinh đẻ, nhiều người Tàu, sinh ra con gái thì giết nó chết, để có thể sinh ra một đứa con trai mai sau, làm cho nước Tàu bị lâm vào cảnh trai thừa, gái thiếu. Những chàng trai lớn lên, gặp nhiều khó khăn, nếu không nói là không có người yêu, lâm vào tình trạng nặng là bệnh tâm thần, nhẹ là chán nản, bất lực về thể xác cũng như tinh thần. Đúng như nhà báo, xướng ngôn viên tiếng Tàu của đài BBC, nói: "Người trẻ thì bất lực, người già thì kiệt sức, và giới lãnh đạo thì thiếu sáng kiến, chỉ biết hành hạ dân.” là đúng 

Thêm vào đó là vì mỗi gia đình chỉ có một con, nên những cậu quý tử được quá thương yêu, chiều chuộng, đưa dến tính ỷ lại, cái gì cũng do bố mẹ lo, không còn ý chí phấn đấu mai sau khi ra đời. 

"Giới trẻ bất lực "chính là vậy. 

Thêm vào đó là chương trình giáo dục nhồi sọ, không có sáng kiến. Chương trình học là di sản nặng nề của chế độ quân chủ phong kiến, nhưng nó trở nên trầm trọng với chế độ cộng sản, vì chế độ cộng sản cũng chỉ là mặt trái của chế độ quân chủ phong kiến, nhưng tồi tệ hơn nhiều, vì giới lãnh đạo cộng sản, so với giới lãnh đạo quân chủ, thì không có tư cách, thiếu đạo đức, nhân phẩm và danh dự; vì nhiều lý do, nhưng trong đó có một lý do chính, đó là nhập cảng lý thuyết duy vật Mác Lê, nhưng hiểu nghĩa thấp nhất của nó, là chỉ trọng vật chất, quên đi phần tinh thần; và chủ chương bá đạo, làm bất cứ cái gì, với bất cứ giá nào để thành công. (1) 

Giáo dục đây, chúng ta nên nhớ, không phải chỉ ở học đường, mà còn ở gia đình và xã hội, không phải chỉ cho giới trẻ, mà cho cả toàn xã hội, ngay cả giới lãnh đạo. 

Chính sách độc nguyên, chỉ có một luồng tư tưởng, một chính sách, chủ trương độc đảng, đã cấm đoán, triệt hạ những luồng tư tưởng không chính thức, bắt con người nói và làm rập khuôn theo giới lãnh đạo ra lệnh, ngày xưa là vua và triều đình, ngày hôm nay là đảng cộng sản. Đây là một trong những nguyên do chính làm cho văn minh Tàu đến rất sớm, so với những nền văn minh khác, nhưng bị khựng lại, rồi bị qua mặt, vì chế độ quân chủ kéo dài quá lâu, tiếp theo là chế độ cộng sản, không tốt đẹp gì hơn, nếu không muốn nói là xấu hơn. 

Phần lớn giai tầng sĩ phu, trí thức, đầu tàu tiến bộ của một quốc gia dân tộc, chỉ còn là những bộ máy, nhai đi, nhai lại, lập đi, lập lại, những cái gì ngày xưa vua và triều đình nói, ngày nay thì đảng cộng sản nói. Nước Tàu, mặc dầu có những phát minh sáng kiến rất sớm, như địa bàn, máy in, thuốc súng v.v…, nhưng rồi không còn những phát minh sáng kiến nữa, vì giai tầng sĩ phu trí thức trước đây và ngày hôm nay chỉ còn là những bộ máy nhai lại, nói leo, nói theo đảng. 

Đừng nghĩ rằng những nhà báo, những nhà tư tưởng, họ có những bài báo, những suy nghĩ khác với chính quyền là họ "Phản quốc “, mà phải nghĩ họ chính là những người yêu nước, những thầy của giới lãnh đạo, vì những người lãnh đạo, nhiều khi mù quáng, không nhìn ra rõ vấn đề. Họ nhiều khi là thầy của giới lãnh đạo vì giáo dục không phải chỉ cho giới trẻ, cho dân, mà cho cả giới cầm quyền là như vậy. 

- Lý do thứ 3 khiến Trung cộng không thể trở thành một đại cường quốc có thể tranh hùng, làm nghiêng ngửa bàn cờ chính trị quốc tế là vì Trung cộng từ ngày đảng cộng sản nắm quyền không có một đường lối ngoại giao nhất quán. 

Một nhà nghiên cứu về chính sách ngoại giao thế giới, đặc biệt là Á châu và Trung cộng có viết: 

"Từ ngày đảng Cộng sản nắm quyền vào năm 1949 tới nay, nước Tàu không có một đường lối ngoại giao hiện đại, nhất quán. Đường lối ngoại giao của Trung cộng có tính cách chống đỡ, vá víu nhiều hơn là tấn công nhất quán, nếu nói đến tính chất nhất quán, thì đó là một đường lối ngoại giao cổ điển từ thời phong kiến.” 

Chúng ta hãy nói đến tính chất ngoại giao có tính chất chống đỡ, vá víu; tính chất ngoại giao cổ điển phong kiến; và từ đó đưa đến sự cô lập của Trung cộng đối với những nước chung quanh và ngay cả trên trường quốc tế. 

1) Tính chất chính trị ngoại giao chống đỡ, vá víu: 

Đảng Cộng sản nắm quyền từ năm 1949, từ đó đến nay, Trung cộng không có một đường lối ngoại giao hiện đại, nhất quán là do nhiều nguyên do, trong đó có một nguyên do chính, đó là mối giao hảo giữa 2 đảng cộng sản lớn nhất thế giới, Liên Sô, Trung cộng, đã có sự hục hoặc từ khi Mao trạch Đông lên làm Tổng Bí Thư vào năm 1934, trên đường chạy sự lùng bắt của Tưởng Giới Thạch, Vạn Lý Trường Chinh. 

Lý thuyết Mác có tính cách Âu châu tự kỷ, coi thường Á châu. Mác cho rằng cách mạng cộng sản chỉ có thể xẩy ra ở những nước tân tiến kỹ nghệ, với một đội ngũ thợ thuyền đông đảo, vì đây mới chính là những con người vô sản thật sự, người cách mạng chân chính của chủ nghĩa cộng sản. Ngược lại, những nước chậm tiến còn có nhiều nông dân thì không thể nào có cách mạng cộng sản, vì bản chất của nông dân, theo Mác, là bảo thủ. 

Chính về điểm này đã có sự khác biệt về chiến lược giữa những người lãnh đạo ban đầu của đảng Cộng sản Liên sô, Lénine, Trotsky và Staline, và người lãnh đạo đảng Cộng sản Tàu, từ ngày Mao nắm quyền Tổng Bí Thư. Chiến lược của Mao là "Nông thôn bao vây thành thị", coi trọng người nông dân và thôn quê. Trong khi đó thì Lénine, Trotski, nhất là Staline sau này vẫn cho rằng chỉ có thể làm cách mạng, nếu không ở những nước kỹ nghệ, thì ít nhất là ở thành thị, chứ không thể ở nông thôn. 

Chính vì vậy mà đảng cộng sản Tàu, từ ngày được thành lập năm 1921, với sự giúp đỡ của Liên Sô, đã nhiều lần trục xuất Mao ra khỏi đảng. 

Hai đảng cộng sản Tàu và Việt Nam vì do Liên sô thành lập, nên lúc đầu đường lối ngoại giao, nói riêng và đường lối chính trị nói chung do Liên sô quyết định. Và đường lối này bị ảnh hưởng sâu đậm bởi quan niệm của Mác, Âu châu tự kỷ và cho rằng "Tư bản đang giãy chết", "Tư bản đang tự đào mồ chôn mình", vì vậy nó liên quan đến những biến cố lớn của lịch sử lúc bấy giờ. 

Đảng Cộng sản Tàu thành lập năm 1921, chỉ năm sáu năm sau, 1926, 1927, thì nghe lời Liên sô, nổi lên ở Quảng Đông và Thượng Hải, vì đây là những năm kinh tế thế giới, nhất là các nước tư bản bắt đầu khó khăn, báo hiệu cho cuộc khủng hỏang lớn 1929-1930; nhưng đều thất bại thảm hại. 

Đảng cộng sản Việt Nam, thành lập trễ hơn, vào năm 1930, nhưng cũng nghe lời Liên sô, nổi dậy ở Nghệ Tĩnh, Quỳnh lưu, vào cùng năm, năm của khủng hoảng kinh tế trầm trọng, nhưng cũng đi đến thất bại nặng nề. 

Cuộc nổi dậy ở Thượng hải, bị Tưởng Giới Thạch đàn áp mạnh mẽ, tắm trong biển máu, nhân vật thứ nhì của đảng cộng sản Tàu, có nhiệm vụ liên lạc thường xuyên với Liên sô là Chu Ân Lai, suýt bị bắt, đưa đến cuộc Vạn Lý Trường Chinh. 

Chính trên đường vạn lý, Chu Ân Lai, cùng một số đảng viên, họp Trung Ương Đảng, đưa Mao lên chức Tổng Bí Thư năm 1934, hạ quyền của nhóm thân Liên Sô, đưa nhóm của Mao, theo chiến lược "Nông thôn bao vây thành thị", gồm một số tướng lãnh nhà nghề như Chu Tề, và tướng lãnh thảo khấu, dẫn đầu bởi Mao, hạ bệ nhóm thân Liên sô, trong đó có 28 người học từ Liên sô về, xuống hàng thứ nhì. 

Mao trạch Đông đã coi thường đảng Cộng sản Liên sô đến mức độ trong thời gian vạn lý, không thèm liên lạc với Liên sô, làm cho Staline nghĩ rằng Mao đã chết. 

Mãi về sau, khi đặt được căn cứ địa ở Diên An, Mao mới liên lạc lại, và gửi người sang họp Đại Hội Đệ Tam Quốc Tế Cộng sản lần cuối cùng, năm 1936, và Staline, phải công nhận thực tế là Mao đã nắm quyền đảng cộng sản Tàu, từ đó phải làm hòa, nên Staline đã cho người mang tên Mikhailov, ký ngân phiếu trị giá 300000$ vào lúc bấy giờ, tương đương với 4 triệu $ hiện nay, tặng đảng cộng sản Tàu, ngân phiếu đề ngày 28/04/1938, (Theo Mao, của Jung Chang và Jon Halliday – nhà xuất bản Gaillimard – Pháp – trang hình). 

Thế rồi Mao cướp được chính quyền năm 1949. Trong khuôn khổ bài này, tôi không thể nói dài về sự thành công cướp chính quyền của Mao. Ở đây tôi chỉ nêu ra một câu nói của chính Mao, khi tiếp tướng Mountbatten, Tư lệnh hải quân Anh ở vùng Đông Nam Á vào Thế Chiến thứ hai. Mao nói: "Chúng tôi cướp được chính quyền là nhờ có chiến tranh với Nhật và Đại Chiến Thứ Nhì". Cũng đúng như lời nói của Đức Đạt Lai Lạt Ma: "Cộng sản là loài cỏ dại mọc trên hoang tàn của chiến tranh, là loài trùng độc, sinh sôi nẩy nở trên rác rưởi của cuộc đời.” 

Từ năm 1949 tới nay, khoảng thời gian dài gần 2/3 thế kỷ, chúng ta hãy xét tính chất chống đỡ, vá víu, đối phó với thời cuộc nhiều hơn là tính chất liên tục, nhất quán của ngoại giao Trung cộng, qua những biến cố quan trọng, đó là: 

- Cuộc viếng thăm Liên Sô của Mao vào năm 1950, 

Ngay sau khi cướp được chính quyền năm 1949, Mao sang viếng thăm Liên sô. Như trên đã nói, bang giao giữa 2 đảng cộng sản Liên Sô và Trung cộng ngay từ thời Lénine, cũng không mấy tốt đẹp. Người ta còn nhớ vào Đại Hội Đệ Tam Quốc Tế Cộng sản năm 1923, đại hội cuối cùng có mặt của Lénine, có người phát biểu trong đại hội, chỉ trích đảng cộng sản Tàu là có mùi quốc gia chủ nghĩa và Khổng Tử. Bang giao giữa 2 đảng lại xấu hơn với thời Staline. 

Staline là một con người vô cùng tàn ác, không những giết không thương tiếc đối thủ, mà ngay cả đồng chí, trong cuộc thanh trừng vào những năm 30, ông đã giết 9/10 những người trong Trung Ương Đảng; nhưng lại là một con người nhìn xa, ông đã tiên đoán rằng nếu Trung cộng mạnh, thì Phong trào Cộng sản thế giới sẽ trở thành lưỡng đầu chế, điều mà chúng ta thấy sau này. Chính vì vậy mà Staline đã lạnh nhạt với Mao Trạch Đông ngay từ lúc đầu. Ông đã để cho Mao đợi ở Moscou, rất lâu, làm cho Mao phải than lên: "Không lẽ tôi sang bên này là chỉ để ăn ngủ và đi cầu.” cũng như nói: “Để có được viện trợ của Liên khó khăn đến nỗi như lấy một miếng thịt ra khỏi miệng hổ.” 

- Xâm chiếm Tây tạng tháng 10 năm 1950

Đây là hành động xâm lấn đầu tiên của chính quyền cộng sản Trung cộng. Đức Đạt Lai Lạt Ma phải chạy trốn, rồi trở về năm 1951, một thời gian ngắn, rồi có sự nổi dậy của dân, Ngài phải chạy trốn cùng chính phủ sang Ấn độ. Từ đó đến nay, mặc dù có chính sách Hán hóa rất tàn bạo, nhưng cuộc đấu tranh của dân tộc Tây Tạng cho một quốc gia tự trị, cho nền văn hóa riêng biệt Tây Tạng không ngừng nghỉ và mỗi ngày một lớn mạnh. 

- Trung cộng tham chiến ở Triều Tiên, 

Ngày hôm nay, người ta còn biết rõ hơn về việc Kim Nhật Thành xua quân xuống miền Nam Triều Tiên, chính là vì xúi dục của Staline. Ông muốn gây ra chiến tranh Triều Tiên là để bắt buộc Trung Cộng lâm vào vòng chiến, không có thì giờ kiến thiết và hiện đại hóa đất nước. Điều này Mao trạch Đông cũng rõ, nên đã lấy thái độ trung lập, nếu không muốn nói là phản đối trong cuộc họp Bộ Chính trị. Chỉ có những người như Bành đức Hoài và phe quân nhân là ủng hộ việc gửi quân sang Triều Tiên. Chính vì vậy mà Mao đã đánh giá về Bành Đức Hoài: "Rút cục bản chất của ông ta vẫn mang nặng tính chất tư sản và quân phiệt phong kiến.” 

Năm 1953, Staline chết, Khrouschev lên thay, chủ trương chính sách hòa hoãn, hòa bình với những nước tư bản. Tuy nhiên mối bất hòa giữa Liên sô và Trung cộng không được dẹp yên mà còn trở nên trầm trọng đến nỗi vào đầu thập niên 60, Liên sô rút hết cố vấn ở Trung cộng về nước. 

- Trung cộng tham dự hội nghị Genève về Đông Dương, năm 1954, 

Nhiều sử gia, bình luận chính trị thường lầm, cho rằng Trung cộng, qua Chu ân Lai, đã giữ một vai trò quan trọng trong hội nghị Genève về Đông Dương tháng 7 năm 1954. Thực sự không phải như vậy, người quan trọng là Molotov, Ngoại trưởng Liên sô. Và tất cả quyết định quan trọng là từ Khrouschev, Tổng Bí Thư lúc bất giờ. 

Theo nhật ký của Khrouschev, thì khi bắt đầu hội nghị Genève về Đông Dương, ở Moscou có phái đoàn Trung cộng, dẫn đầu bởi Chu Ân Lai, nhưng trong đó có Hồ Chí Minh. Cả 2 người này muốn gặp Khrouschev, tất nhiên được chấp thuận. Tuy nhiên trước khi gặp tay ba, thì Chu Ân Lai muốn gặp tay đôi trước. Khrouschev cũng không từ chối và Hồ Chí Minh phải ưng thuận. Chu Ân Lai nói là Hồ Chí Minh và phái đoàn Việt Nam đã sang Bắc Kinh, yêu cầu được viện trợ để tiếp tục chiến tranh, nếu người Pháp không muốn hòa bình. Chu Ân Lai chưa trả lời và yêu cầu cùng nhau sang Moscou để hỏi ý kiến Liên sô. Theo Khrouschev, thì Chu Ân Lai nói là không thể nào giúp đỡ vào lúc này vì Trung cộng mới ra khỏi chiến tranh Triều Tiên. Chính Khrouschev nói là nếu có từ chối thì cũng phải từ chối khéo để không bị ảnh hưởng tới tinh thần những quân đội đang đánh ở Điện Biên Phủ. Khrouschev kể tiếp là sau đó nhận được điện thoại từ chính phủ Pháp, đề nghị giải pháp chia đôi nước Việt Nam. Theo ông ta, thì ông ấy rất mừng, vì đây là giải pháp "hay nhất". Chính ông đã điện cho Molotov ở Genève lúc bấy giờ, bảo phải chấp nhận giải pháp này, và đừng tỏ ra mừng rỡ trước mặt, vì còn để mặc cả, được càng nhiều càng tốt. 

Chúng ta phải nhớ Hội Nghị Genève về Đông Dương chỉ là tiếp nối của Hội nghị Bá Linh và Hội Nghị Genève về Triều Tiên. 

Sau khi Staline chết năm 1953, Khrouschev lên thay, chủ trương hòa hoãn và hạ bệ Staline, như chúng ta đã thấy trong Đại Hội Đảng cộng sản Liên sô năm 1956. Người ta còn nhớ năm 1948, Staline đã phong tỏa Bá Linh, làm cho Hoa Kỳ phải mở cầu không vận để tiếp tế cho Đồng Minh, năm 1949, thì Mao cướp được chính quyền, năm 1950, thì khởi đầu chiến tranh Triều Tiên. Nay Khrouschev lên, chủ trương hòa hoãn, nên có hội nghị Tứ Cường (Mỹ, Nga, Anh, Pháp), để giải quyết vấn đề thể chế cho Bá linh. Từ Hội Nghị Bá Linh, người ta bước sang Hội nghị Genève về Triều Tiên. Một khi giải quyết xong Triều Tiên, thì phái đoàn Pháp yêu cầu hội nghị này giải quyến vấn đề Việt Nam. Phái đoàn Nga chấp thuận, với một điều kiện là phải có mặt của Trung cộng. Chỉ cần điểm này, chúng ta cũng thấy phái đoàn quan trọng không phải là Trung cộng, mà là Liên sô. Ngay khi gần kết thúc hội nghị, Molotov giải quyết những yêu sách đưa ra vào giới phút cuối của Phái đoàn Cam Bốt cũng chứng tỏ điều này. 

Về việc chia đôi nước Việt Nam, trong thời gian có mối bất hòa Việt – Trung, cộng sản Việt Nam đỗ lỗi cho Trung cộng. Nhưng theo ông Jean Chauvel, Đại sứ của Pháp lúc bấy giờ tại Thụy Sỹ, người có quen biết Tạ quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng phái đoàn Việt Cộng lúc bấy giờ, thì ý kiến chia đôi Việt Nam chính là từ họ Tạ. Ông Chauvel kể trong nhật ký của ông, thì trong một bữa cơm thân mật giữa ông và Tạ quang Bửu, thì chính ông này đã đứng lên, chỉ vào cái bản đồ Việt Nam treo trên tường gần đó nói rằng chúng tôi cần một phi trường và một hải cảng. Đoán từ ý kiến này, ông suy ra là Việt cộng muốn chia đôi đất nước. Chính vì vậy ông đã điện về chính phủ Pháp và chính phủ Pháp đã điện qua Khrouschev đưa ra đề nghị này. 

Cộng sản Việt Nam giỏi trong việc ném đá dấu tay. Cái gì hay thì vơ vào lòng. Cái gì dở thì đổ cho người khác. Nhưng rồi sự thật sẽ được phơi bày. Chính vì vậy mà người dân có câu vè: "Mất mùa thì tại thiên tai. Được mùa thì tại thiên tài đảng ta.” 

- Tham dự Hội Nghị các quốc gia không liên kết tại Băng Đung năm 1955, 

Nhiều người nghĩ Hội Nghị các quốc gia Không Liên Kết họp ở Băng Đung (Nam Dương), là do vai trò chính của Chu Ân Lai, Trung Cộng. Không phải như vậy. Vai trò chính là từ Nerhu, Ấn Độ ở Á Châu, nước theo đường lối trung lập từ lâu, và Nasser, ở Trung Đông, thêm vào có Sukarno, Sihanouk. Trung Cộng vì là nước đông dân nên được mời thế thôi. 

- Bất hòa giữa Trung cộng và Liên sô nổ lớn khi Liên sô rút các cố vấn khỏi Trung cộng cũng trong thập niên 60, 

Như trên đã nói bất hòa giữa 2 nước cộng sản lớn bắt nguồn từ lý thuyết Mác có tính chất Âu châu tự kỷ, thêm vào đó là cả 2 nước Liên sô và Trung cộng, bề ngoài là cộng sản, nhưng thực chất bên trong là một chế độ quân chủ, 2 chế độ này đều muốn lãnh đạo phong trào cộng sản thế giới, cả 2 nước đều tố cáo lẫn nhau là chủ nghĩa xét lại, hay nói đúng ra là không theo lời dạy chân truyền của Mác và Lénine. Ai đúng, ai sai ? Thật ra nếu nói chủ nghĩa xét lại, thì phải kể từ Lénine, vì theo Mác, cách mạng cộng sản chỉ có thể xẩy ra ở những nước kỹ nghệ tân tiến, vì chỉ ở những nước này mới có một đội ngũ công nhân thực sự vô sản. Nay Lénine làm cách mạng ở một nước nửa kỹ nghệ, nửa nông nghiệp. Nói đúng ra cách mạng cộng sản Liên sô chỉ là một cuộc đảo chính và nhờ vào sự giúp đỡ của ngọai quốc, đó là Bộ Tham Mưu Đức lúc bấy giờ. Và người quan trọng làm cuộc đảo chánh này chính là Trotski. Chữ ông ta dùng lúc đầu là cuộc đảo chánh, chẳng có sự tham dự của thợ thuyền và dân chúng. Ông ta viết: "Dân Nga, sau một giấc ngủ, ngày mai tỉnh dậy thì đã thấy bộ mặt nước Nga thay đổi. Cuộc đảo chánh làm cho không đầy 10 người chết và gần 50 người bị thương"

Vào tháng 10/1963, Đặng Tiểu Bình, lúc đó đã là Thư ký thứ nhất của đảng Trung Cộng, dẫn đầu một phái đoàn gồm có Lưu Thiếu Kỳ, sang bên Moscou tranh luận chống lại Khrouschev. Nhưng những luận điểm đưa ra cũng chẳng có chi là thuyết phục, quá tầm thường và theo quan điểm của chủ nghĩa kinh nghiệm hạng thấp. Điều mà họ Đặng áp dụng cho nước Tàu sau này. Thực ra thì giới lãnh đạo Tàu và Việt Nam, kể từ Mao, Hồ vào lúc đầu, không có ai học khá, không có trình độ trung học, nói chi đến đại học, và lại là sản phẩm của giáo dục Pháp. Ở Việt Nam và ở vùng tô giới Tàu thuộc Pháp, vào đầu thế kỷ 20, sau khi đặt xong nền thống trị, chính quyền Pháp nghĩ đến việc đào tạo tay sai biết nói tiếng Pháp lúc bấy giờ, nên đã mở bậc tiểu học, có cái bằng được gọi là "Cao đẳng tiểu học", trình độ sau tiểu học một vài năm. Ở Việt Nam, Hồ Chí Minh, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẫn, Lê Đức Thọ, đều có bằng này. Sau khi "Tốt nghiệp tiểu học", thì có thể trở về làng làm ông giáo làng dạy quốc ngữ và chữ Pháp, như Hồ Chí Minh, Trần Phú, Lê Thị Minh Khai. Vì vậy Trần Phú còn có biệt danh là ông giáo Phú. Lê Thị Minh Khai thì là cô giáo Khai. Nếu không dạy học thì đi làm ty hỏa xa, trên thực tế là xét vé tàu hỏa, như Lê Duẫn, Lê Đức Thọ. Ở Tàu cũng vậy, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình cũng vậy. Vì vậy nên Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình đã xuống tàu sang Pháp làm công nhân. Có Mao trạch Đông ra tiễn ở hải cảng. Sau đó, Hồ Chí Minh, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình v.v…, sang học ở trường Đại học Đông phương. Tiếng gọi là đại học, nhưng trình độ rất thấp, chỉ cần có chứng chỉ làm việc tại một hãng xưởng 2 năm, thì được chấp nhận vào học. 

- Đánh nhau lớn tại biên giới Ấn Trung vào năm 1962, 

Thực ra cuộc tranh chấp biên giới Ấn Trung chẳng qua chỉ là hậu quả của chính sách bành trướng Trung Cộng và hậu quả của tranh chấp Nga – Hoa. Ấn độ từ xưa tới giờ vẫn là một nước trung lập, không những giữa tư bản và cộng sản mà ngay giữa nhưng nước tư bản với nhau, giữa Anh, Pháp, Hoa Kỳ; và ngay giữa những nước cộng sản, giữa Liên sô và Trung cộng. 

Tuy nhiên vì chính sách bành trướng, Trung cộng chiếm Tây Tạng, làm cho Ấn Độ phải giúp đỡ Đức Đạt Lai Lạt Ma cho tỵ nạn, gây ra sự bất bình của Trung cộng. 

Cuộc tranh chấp Nga – Hoa, như trên đã nói là bắt nguồn từ ý thức hệ của Mác; nhưng cũng bắt nguồn từ đầu óc đơn giản, vô trí thức của Mao, giới lãnh đạo cộng sản Tàu và nhiều giới lãnh đạo cộng sản trong đó có giới lãnh đạo Việt Nam, bắt đầu từ Hồ Chí Minh. Ở đây có người cho rằng tôi đánh giá thấp Mao và giới lãnh đạo cộng sản. Nhưng không phải vậy, nếu định nghĩa trí thức như một nhà tư tưởng nọ, là "Một người cùng một lúc có thể suy nghĩ hiện tượng A và cái gì phản A", thì Mao chỉ có thể nghĩ một hiện tượng một lúc. Bằng cớ đó là trong kế hoặch "Đại nhảy vọt", Mao bắt dân giết chim, cho rằng nó ăn hại mùa màng, nhưng Mao không nghĩa rằng giết chim đi, thì sâu bọ sẽ lan tràn còn làm hư hại mùa màng hơn. Cũng như Mao cho rằng một nước kỹ nghệ là một nước mà trình độ sản xuất thép ở mức độ cao. Nay để kỹ nghệ hóa mạnh và nhanh tại Trung cộng, Mao bắt dân bỏ công ăn, việc làm, gia đình nào cũng làm lò luyện thép, mang ngay cả nồi niêu xong chảo ra luyện, rút cục dân không còn đồ dùng, vì thép luyện ra ở mức độ thấp, nay làm lại nồi niêu cũng không được. Đấy là một vài thí dụ, còn rất nhiều thí dụ khác. 

Một thí dụ khác điển hình, đó là Mao cho rằng, để trở nên một cường quốc, thì phải có bom nguyên tử, vì vậy bằng bất cứ giá nào Mao muốn có bom nguyên tử, đòi Liên sô phải giúp mình. Tuy nhiên Liên sô rất sợ nếu Trung cộng có bom nguyên tử sẽ trở nên kiêu căng, đòi lãnh đạo phong trào cộng sản thế giới, và phong trào này sẽ trở nên lưỡng đầu chế, giành quyền lãnh đạo của Liên sô, nên Liên sô không giúp. 

Lợi dụng tình thế, Hoa Kỳ đã nhảy vào, khai thác tối đa mối bất hòa Nga-Hoa. Có giả thuyết cho rằng chính Hoa Kỳ đã giúp Trung Cộng sản xuất bom nguyên tử qua sự kiện có 2 nhà bác học nguyên tử Hoa Kỳ gốc Tàu, trốn khỏi Hoa Kỳ về Trung cộng. Chúng ta nên nhớ, Henry Kissinger đã từng nói: "Hoa Kỳ không có bạn, mà chỉ có đồng minh", và chính ông là tác nhân chính trong cuộc gặp gỡ ở Thượng Hải. 

Chính vì vậy mà đưa đến việc bắt tay giữa Trung cộng và Hoa kỳ, được tiêu biểu bằng cuộc gặp gỡ ở Thượng Hải. 

- Trung cộng bắt tay với Hoa Kỳ qua Hội Nghị Thượng Hải năm 1972, 

Đây là một cuộc gặp gỡ rất quan trọng giữa Tàu và Mỹ, đồng thời nó cũng quan trọng trong cuộc cờ thế giới lúc bấy giờ, và có thể nói nó cũng là một trong những nguyên do chính đưa đến sự sụp đổ của đế quốc Liên sô và các chế độ cộng sản ở Đông Âu.Cuộc gặp gỡ này làm cho sự tranh chấp Nga – Hoa càng trở nên căng thẳng. Ngoài những vụ đụng độ quân sự ở vùng biên giới, cả hai bên đã nỗ lực chạy đua vũ trang và canh phòng biên giới. Chỉ mình Liên sô, trong thời gian chiến tranh Lạnh, theo ước tính của những chuyên gia, thì đã chi tiêu khoảng 2000 tỷ $, cho vấn đề vũ trang trong đó có 800 tỷ cho tranh chấp Nga Hoa ở vùng biên giới. Chính vì lẽ đó mà Liên sô kiệt quệ vì vừa chạy đua vũ trang với Hoa kỳ, rồi lại với Trung cộng, lâm vào cảnh nhà nghèo thi đua tiêu tiền với nhà giàu. Ở điểm này Trung cộng khôn ngoan hơn, mặc dầu hô hào tình nghĩa cộng sản quốc tế, nhưng Trung cộng rất ít giúp đỡ những nước cộng sản khác, ngoại trừ lúc đầu với Việt Nam. 

- Trung cộng theo chính sách mở cửa, 

"Mèo trắng mèo đen không quan trọng. Quan trọng là mèo nào bắt chuột hay, Đặng tiểu Bình viếng thăm Hoa Kỳ năm 1978, và Trung Cộng dạy cho cộng sản Việt Nam một bài học, năm 1979. 

Thực ra chính sách mở cửa của Đặng, cũng như cuộc viếng thăm Hoa Kỳ của ông, có thể nói, chỉ là sự tiếp nối chính sách mở cửa ngoại giao hay đúng ra là chính sách "Đổi đồng minh", từ chỗ tố cáo Hoa Kỳ đủ mọi tánh hư, tật xấu, là con hổ giấy, nay trở thành người bạn và là con hổ có nanh vuốt nguyên tử, chánh sách này đã bắt đầu từ năm 1972 từ Thượng Hải qua cuộc bắt tay Trung Mỹ, quyết định bởi Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai. Quyết định dạy cho Việt Nam một bài học mới là riêng của họ Đặng, nó bắt nguồn từ 2 lý do: nội bộ và ngoại giao. Nội bộ vì lúc đó đang có cuộc tranh giành quyền hành lớn trong quân đội, phe bảo thủ muốn giữ nguyên chiến lược đánh du kích, không cần phải hiện đại hóa quân đội, và phe cải cách thì ngược lại; nên họ Đặng gây chiến ở Việt Nam để nói với phe bảo thủ, để chứng tỏ rằng quân đội Trung cộng còn quá lạc hậu, so với quân đội một nước chư hầu, như Việt Nam, được Liên sô trang bị. Lúc đó quân đội cộng sản Việt Nam được trang bị rất tối tân. Nguyên do ngoại giao, đó là họ Đặng muốn đoạn tuyệt với Liên sô, đứng hẳn về phía Mỹ. Đó là chưa nói sự kiện cộng sản Việt Nam, sau biến cố 30/4/1975, trở nên hống hách, làm mất lòng các nước láng giềng, mặc dầu cộng sản Việt Nam lúc đó chỉ là "một thằng con nít bị Liên sô, dưới thời Brejnev xúi ăn cứt gà". 

- Trung cộng và cộng sản Việt Nam tái lập lại bang giao bình thường vào tháng 3/1990, ở Thành Đô, qua cuộc họp thượng đỉnh Việt Trung. Cũng trong thập niên này, Trung cộng gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế. 

Từ năm 1972 cho tới cuộc gặp gỡ Việt Trung ở Thành Đô, có bao nhiêu biến cố xẩy ra: Liên sô càng ngày càng trở nên kiệt quệ, vì nhiều lý do, trong đó có sự sai lầm và không tưởng của lý thuyết Mác, có việc tranh chấp Nga Hoa, có việc về khoa học và kỷ thuật, gần như Liên sô không chạy đua nổi với Hoa Kỳ, lâm vào tình trạng nhà nghèo thi đua tiêu tiền với nhà giầu; và nhất là từ khi khoa học điện toán trở nên tinh vi hơn và đã đi vào thương mại, hơn nữa đi vào đời sống từng gia đình, làm cho kinh tế phát triển mạnh, Liên sô không theo kịp. 

2) Tính chất ngoại giao cổ điển, phong kiến 

Không riêng gì về chính sách ngoại giao, mà chính sách chính trị nói chung của tất cả những chế độ cộng sản đều có tính cách quân chủ, phong kiến, độc tài, ngày xưa thì dân nhất nhất phải nghe lời vua và triều đình, ngày nay, thì nhất nhất phải phục tùng đảng. Nhưng nó có một chút khác biệt, đó là ngày xưa dù vua và triều đình độc tài, ác ôn, côn đồ, nhưng chỉ ở trung ương, mà ngày hôm nay với độc tài đảng trị của cộng sản, sự ác ôn, côn đồ xuống tới địa phương, chỉ cần một ông xã trưởng cộng sản cũng gây bao tang tóc, tai họa cho dân. Vấn đề này vẫn còn ở Trung cộng và những nước cộng sản còn lại. Về ngoại giao thì Trung cộng không coi những nước láng giềng chung quanh như những người bạn, mặc dầu trên tuyên truyền, nhưng thực tế là coi họ như những chư hầu, tìm cách khai thác, lợi dụng, bắt chẹt họ. Trường hợp điển hình là với Việt Nam, sau Hội Nghị Thượng Đỉnh Thành đô vào năm 1990. Ngày hôm nay, ngoài tuyên truyền, với khẩu hiệu 16 chữ vàng, bạn bè tốt, láng giềng tốt, cùng nhau hướng tới tương lai v.v…, Trung cộng đã lợi dụng khai thác tối đa cộng sản Việt Nam, lấn đất, chiếm biển, khai thác bô xít, khai thác rừng với những hợp đồng béo bở, biến giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam thành những quan thái thú, thời nhà Tần, nhà Hán, nhà Đường. Việt Nam hiện nay chỉ là một quận lỵ của Trung cộng. 

3) Sự cô lập của Trung cộng đối với những nước chung quanh và trên trường quốc tế 

Chính vì chính sách ngoại giao thời quân chủ phong kiến này mà Trung cộng hiện nay, nếu chúng ta nhìn trên bản đồ, thì chúng ta thấy đang bị cô lập trên trường quốc tế, và bị bao vây bởi nhưng nước thù nghịch chung quanh, từ Nam Hàn, qua Ấn độ, tới Nhật Bản, Úc, Nam Dương, Mã lai, ngoại trừ Việt Nam. Ngay cả với 2 nước Miến Điện và Lào, hai nước này cũng đã bắt đầu chán Trung cộng. Miến Điện thì không chịu xây cái đập chủ trương và do một hãng Trung cộng, đã dùng phương pháp hối lộ để mua chuộc chính quyền Miến Điện trước đó. Nay chính quyền mới họ không thi hành quyết định này vì có sự phản đối của dân Miến. Lào cũng vậy, chính sách cho phép người Tàu sang làm ăn buôn bán ồ ạt, rừng rú của chính quyền đã làm dân Lào bất mãn, chính phủ Lào phải quyết định tạm ngưng chính sách này. 

Đối với thế giới, chính sách ngoại giao của Trung cộng cũng không khác gì, tìm cách kiếm lợi, bất chấp thủ đoạn, nên đã ký những hiệp ước thương mại với những chính quyền độc tài Phi Châu hay Trung Đông, điển hình là với Kadhafi, không hề nghĩ đến quyền lợi của dân bản xứ. 

Chừng nào mà nước Tàu còn bị cai trị bởi chế độ độc tài cộng sản, một chế độ quân chủ lỗi thời, cấm đoán mọi quyền tự do căn bản của con người, không có bầu cử tự do, không hợp lòng dân, tất nhiên không có sự đồng thuận, hưởng ứng của dân; chừng nào chế độ giáo dục vẫn còn là chế độ nhai lại, nhồi nhét, làm cho giới trẻ thiếu phát minh sáng kiến; chừng nào giới báo chí, trí thức không dám nói lên lời chân thật để sửa sai, chỉ trích chính phủ; chừng nào nước Tàu còn đi theo một đường lối ngoại giao lỗi thời của thời quân chủ, phong kiến, coi những nước khác không phải như bạn, mà coi như những kẻ chư hầu, phải thần phục mình; chừng nào mà giới lãnh đạo Tàu còn đầu óc cổ hủ, nghĩa rằng sức mạnh của một quốc gia là có đất rộng người đông, tìm cách xâm chiếm nước khác, chứ không phải bằng sức mạnh của một quốc gia, chính là nó có một nền giáo dục hay, đào tạo ra được một đội ngũ sĩ phu, trí thức có nhiều phát minh sáng kiến, đi đúng với thời hiện đại của văn minh tri thức điện toán; chừng ấy nước Tàu, dầu có phát triển kinh tế, nhưng vẫn không thể nào có ảnh hưởng mạnh mẽ trên trường quốc tế. 

Chẳng khác nào như Đức Trần hưng Đạo đã nói: 

"Tướng mà che điều gian, dấu điều họa, không nghĩ đến quần chúng oán ghét, là tướng chỉ huy 10 người… Tướng mà dùng nhân ái đối với kẻ dưới, lấy tín nghĩa phục nước láng giềng, trên biết thiên văn, dưới biết địa lý, giữa biết việc người, coi bốn bể như một nhà, đó là tướng chỉ huy cả thiên hạ, không ai địch nổi." (1) 

(Còn tiếp – Xin hẹn Quí Vị bài sau về Nhật Bản). 

Paris ngày 15/11/2011 



(1) Xin đọc thêm những bài về Trung cộng, trên http://perso.orange.fr/chuchinam/


Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1