Tội lãng phí, làm nghèo đất nước - Dân Làm Báo 1

Tội lãng phí, làm nghèo đất nước


Đại Nghĩa sưu tầm (Danlambao) - Khi nói đến sự thối tha của chế độ cộng hòa XHCN Việt Nam, chúng ta thường hay chỉ nói đến vấn đề tham nhũng mà ít ai để ý đến một nguyên nhân quan trọng hơn, đó là lãng phí. Lãng phí chính là phương tiện để cho kẻ có quyền, có điều kiện tiến đến mục đích cuối cùng là tham nhũng, một đại tội mà trời không dung, đất cũng không tha. Lãng phí và tham nhũng là hai sự việc được cấu kết chặt chẽ với nhau để móc ngoặc tài sản của nhân dân đồng thời nhận được những loại mà ngôn ngữ báo chí trong nước thường dùng là: phong bao, bôi trơn, lót tay, quà cáp, bồi dưỡng, lợi quả, hoa hồng v. v…do sự lãng phí mà có. 

Tham nhũng loại này thường phải dùng tiền của nhân dân chung, chi rất “xộp” cho đối tác thi công để họ lại quả xứng đáng, hoặc vun tiền ra mua sắm các thứ hàng phế thải linh tinh của nước ngoài đem về với hóa đơn trời ơi đất hởi tính vào cho công quỹ. Theo như báo Tuổi Trẻ online có bài “Đại biểu Quốc hội nói gì về lãng phí?” đã tường thuật lại lời phát biểu của ĐB Lê Thanh Long (bí thư tỉnh ủy Long An) như sau:

“Theo tôi, lãng phí bây giờ còn nghiêm trọng hơn tham nhũng và gây hại rất nhiều. Cái tội của lãng phí còn to hơn tham nhũng.

“Tham nhũng còn có địa chỉ,“chỉ mặt đặt tên” được, còn lãng phí được nguỵ tạo dưới nhiều dạng và không ai chịu trách nhiệm, không biết qui trách nhiệm về đâu. Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, năm nay chúng ta đầu tư 57.000 tỉ đồng. Tỉ lệ thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản người thì nói 35%, người thì nói 10%.

Theo tôi cho mức 15%. Như vậy thất thoát lãng phí cũng đã là 7.000-8.000 tỉ đồng rồi! Chưa kể tới nhiều dạng lãng phí khác như hội họp, hoặc tiệc tùng, chi phí hành chính…” (Tuổi Trẻ online ngày 14-5-2008)

Người ta đã hào phóng thực hiện một dự án làm đường mà mới nghe qua sự phí tổn của nó không ai là không kinh ngạc, thực ra không biết cái dự án này thuộc về tham nhũng hay lãng phí, chắc chắn là cả hai mà không nghe nói có chuyện gì cần thẩm tra:

“Những con số giật mình từ Quốc hội: Đoạn đường chuẩn bị từ khu vực Trung Tự đến Ô Chợ Dừa (TP Hà nội) chỉ dài vỏn vẹn 1.082 m, mà dự kiến phải chi 750 triệu đồng- tức là khoảng trên 40 triệu USD/km…

“Ngày 20-10, bàn về những lãng phí trong quy hoạch, nhiều Đại biểu đã giật mình”. (Người Lao Động online ngày 21-10-2005)

Ngoài lãng phí về tiền bạc, vật chất, người cộng sản còn lãng phí cả chất xám một cách không thương tiếc. Một vị tiến sĩ thuộc loại giỏi ở nước ngoài đang được xứ người trọng dụng nhưng khi về nước thì tài năng của ông ta bị phí phạm vô cùng, tôi nghĩ những người có học vị cao, có tài muốn về “giúp nước” thì hảy xem cái gương của thầy PGS.TSKH Trần Đức Chính:

“Một tiến sĩ có luận án khoa học được các đồng nghiệp Quốc tế đánh gía xuất sắc và đem ra ứng dụng thực tế ở nước ngoài. Nhưng khi về nước, ông được giao cho việc…theo dõi việc đi sớm về muộn của giáo viên, sinh viên, một công việc chẳng liên quan gì đến chuyên môn của ông. Câu chuyện của PGS.TSKH Trần Đức Chính, trường Đại học Xây dựng Hà nội là một ví dụ về tình trạng lãng phí chất xám trong các cơ quan, tổ chức nhà nước hiện nay”. (RFA online ngày 23-10-2005)

Trong loạt bài nêu lên những “địa chỉ đen” trên báo Tuổi Trẻ online chúng ta biết được có tới hàng hà sa số dự án toàn là phá hoại, lãng phí, làm nghèo đất nước. Thế mà người cộng sản vẫn vô tư làm hại dài dài:

“Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết tổng mức đầu tư 43 công trình là hơn 5.362 tỉ đồng…Trong số 43 công trình, có 4 công trình có mức đầu tư lớn xảy ra tình trạng tham nhũng – lãng phí gồm hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Huế (tổng mức đầu tư 180 tỉ đồng). Nhà máy gạch granit Thiên Thạch tại Nam định (100 tỉ đồng), nhà máy chế biến cà chua tại Hải phòng (43,018 tỉ đồng), công trình cải tạo hồ Phú Lão tại Hòa bình (12,3 tỉ đồng.)

“Theo kết quả kiểm tra của Bộ Xây dựng, có tới sáu trong tổng số 43 công trình xây xong rồi…đóng cửa, trong đó có hai dự án nằm trong số bốn công trình có mức đầu tư lớn nhất”. (Tuổi Trẻ online ngày 9-12-2006)

Qua kết luận của BCT về năng lực cán bộ cho ta thấy được tình trạng phe cánh bao che, sử dụng những kẻ không chuyên làm lãng phí biết bao nhiêu là tiền bạc mà nhân dân phải gánh chịu.

Những sự việc điển hình nêu trên về xây dựng, hay mua sắm đồ phế liệu, bây giờ đến những việc hội hè, quà cáp ăn chơi lãng phí chúng ta sẽ thấy còn chóng mặt hơn, họ đã thẳng tay vun tiền của dân qua cửa sổ một cách xả láng:

“Báo Tiền Phong đưa tin qua bài viết tựa đề “Quà biếu của 663 đơn vị với trên 4.000 tỉ đồng”. Con số này được chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội Vũ Đức Khiển đưa ra tại hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham mhũng, lãng phí để minh chứng rằng sau 6 năm triển khai pháp lệnh thực hành tiết kiệm, các con số thống kê về lãng phí vẫn ở mức báo động…

“Cán bộ nhậm chức có “truyền thống” phải mua xe mới chớ không hài lòng với xe cũ của người tiền nhiệm…

“Một thói quen “xài sang” khác của số đông đơn vị nhà nước liên quan đến những chi tiêu cho lễ hội, tiếp khách, quà biếu. Riêng tiền quà biếu của 663 đơn vị lên đến trên 4.000 tỉ đồng. “Hiếm có nước nào trên thế giới chi mạnh tay như thế”. (Tiền Phong online ngày 10-10-2006)

Thời buổi bây giờ ở Việt Nam thất thoát được tính tới tiền tỷ chớ không còn là tiền triệu nữa. Ngân quỷ của đảng CSVN không biết lấy từ đâu ra mà chi tiêu sai phạm hơn 80 tỷ đồng:

“Qua kiểm tra, Ủy ban kiểm tra Trung ương phát hiện số tiền sai phạm hơn 80 tỉ đồng. Ủy ban kiểm tra các cấp hơn 56 tỉ đồng, tăng gần gấp hai lần so với nhiệm kỳ Đại hội IX…

“Ông Nguyễn Văn Chi cũng chỉ rõ: Tình trạng vi phạm qua kiểm tra tài chính đảng là đáng lo ngại, kiểm tra ở đâu cũng có vi phạm với mức độ khác nhau…

“Ông Chi nhấn mạnh, trước tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, đòi hỏi nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát tài chính phải được đẩy mạnh hơn và quyết liệt hơn”. (VNExpress online ngày 26-7-2010)

Dưới đây Tuổi Trẻ online ngày 6-4-2008 cho chúng ta thấy “Những ‘địa chỉ’ lãng phí, thất thoát” qua bài “Lãng phí hàng trăm tỉ đồng từ 9 cảng cá”:

“Việc đầu tư xây dựng một số cảng cá chưa hợp lý về vị trí, qui mô công trình và mua sắm thiết bị chưa phù hợp với nhu cầu thực tế đã gây lãng phí 52 tỉ đồng.

“Kết quả thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm trong việc đầu tư xây dựng, gây lãng phí hàng chục tỉ đồng…

“Sau hơn ba năm bàn giao, cảng cá Cà Mau không có tàu đánh bắt thuỷ hải sản cũng như các loại tàu khác có công suất 60-300 CV cập cảng”. (Tuổi Trẻ online ngày 6-4-2008)

Một điều quan trọng là những người muốn thực hiện các công trình để có điều kiện chấm mút họ không tính được tiến độ mà nhà thầu thi công trong thời điểm gía cả vật tư sẽ bị trượt gía làm thất thoát tiền thuế xương máu của người dân. Chúng ta sẽ thấy đau xót khi những dự án “Lãng phí tiền tỷ vì những công trình siêu ì”.

“Cầu Hoàng Hoa Thám xây 10 năm mới chỉ được 3 trụ, gây thất thoát 136 tỷ. Dự án siêu ì ạch Nhiêu Lộc-Thị Nghè buộc phải bỏ ra thêm 100 triệu USD. Con đường “rùa” Rừng Sác cũng trong tình trạng tương tự. Hàng trăm tỷ đồng của TP.HCM “trôi sông” cùng những công trình này”. (VnExpress online ngày 5-9-2008)

Ai đời, những công trình gây lãng phí như ở Cần thơ có tình trạng mới nghe qua tưởng đây là điều nghịch lý, nhưng với Việt Nam XHCN thì đó là việc thường ngày của huyện. “Xây 9,4 tỉ đồng, sửa…20 tỉ đồng!” đó là tựa đề một bài báo của Người Lao Động, xin trích đoạn dưới đây:

“Hạng mục bờ kè tả (bờ trái rạch Khai Luông) thuộc dự án nạo vét và xây dựng kè rạch Khai Luông (quận Ninh Kiều, TP Cần thơ) có gía trúng thầu hơn 9,4 tỉ đồng. Quá trình thi công đã có sai phạm, làm cho công trình này bị hư hỏng nặng. Theo tính toán của giới chuyên môn, để sửa sai, ngân sách nhà nước phải chi thêm hơn 20 tỉ đồng”. (Người Lao Động online ngày 6-8-2008)

Dư luận trong nước có dạo xôn xao về “Đề án 112 lãng phí, thất thoát tiền” ra sao? Người cộng sản thì từ xưa nay sử dụng người “hồng hơn chuyên”. Vì thế cứ em nào có “ní nịch” trích ngang ba đời “cốt cán” thì cho vào, không cần chuyên môn, trình độ a, b, c cũng được do đó khi thất bại thì cứ đổ thừa tại, bị, mắc, phải…rồi thì cho qua, nghĩ tội người dân đã phải mất một số tiền lớn.

“Dự án tin học hóa nói trên, còn gọi là đề án 112, đã phá sản sau 5 năm triển khai. Cho tới khi ngừng dự án năm 2007, khoảng 300 tỉ tiền công quỹ đã bị thất thoát vì làm trái.

“Tháng 11-2007, phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã phải lên điều trần trước Quốc hội, thừa nhận “chính phủ đã sai lầm khi giao đề án 112 cho một cơ quan tham mưu không có chuyên môn, hoạt động lỏng lẻo”. (BBC online ngày 22-1-2009)

Những sự lãng phí mà khi biết đến không ai không đau lòng, không ai không chua xót cho những đồng tiền chắc mót của nhân dân từ mọi thứ để đóng góp vào tay những người “đày tớ” của dân để họ phun phí một cách không thương tiếc. Không biết người cộng sản có tim óc hay không mà coi tiền của nhân dân không hơn tờ giấy lộn. Biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt của những cụ gìa lao động còng lưng vất vả, mua tảo bán tần, bao nhiêu trẻ con đi rong suốt ngày bán từng tờ giấy số, cơm bửa no bửa đói đem tuổi thơ đi đổi lấy miếng ăn. Dân thu vô từng đồng, cán bộ vung ra từng tỉ, báo chí phải kêu lên “Huyện nghèo chơi…sang”. Tiền của dân để trong kho, trong ngân hàng làm sao ăn, chỉ có cách bày ra làm chuyện nọ, chuyện kia mới có dịp mà đục khoét.

“Trong vòng ba năm (từ 2007-2009), huyện Phước Long đã huy động hàng ngàn hộ dân để đóng góp và vốn ngân sách đầu tư hơn 116 tỉ đồng để xây dựng 113 km bờ kè dọc theo các tuyến kênh, sông trong huyện. Công trình này vừa hoàn thành cuối năm 2009, có nhiều tuyến kè chỉ mới đưa vào hoạt động mấy tháng…Vậy mà mới đây, lãnh đạo huyện này lại quyết định xây dựng tuyến kè mới (mở rộng song song cách tuyến kè cũ 3m), với nguồn vốn ghi ban đầu lên đến 63 tỉ đồng, khiến tuyến kè cũ trị gía hơn trăm tỉ đồng trở nên vô dụng”. (Thanh Niên online ngày 22-7-2010)

Trong “Những công trình gây lãng phí: Tiền tỉ tan theo dự án nước”, đó là tựa đề của bản tin trên Thanh Niên online mà người mới xem qua đã thấy choáng ngợp.

“Dự kiến bỏ ra hơn 1.700 tỉ đồng để xây dựng nhà máy nước và mạng cấp hai nhằm cung cấp nước cho các khu dân cư, khu công nghiệp…trên địa bàn. Nhưng nhà máy xây xong rồi mà mạng cấp nước đến các khu công nghiệp chưa có, các dự án công nghiệp lớn cũng đình trệ, khiến nguy cơ tiền tỉ trôi theo nước…

“Để cứu nguy cho dự án gần 2.000 tỉ đồng khỏi bị phá sản, đành phải “chữa cháy” bằng cách cho đấu nối nguồn nước của DTW vào hệ thống nước sinh hoạt của dân cư…Do vậy, nếu phải tính cấp bù phần chênh lệch thì theo tính toán… hơn 52 tỉ đồng/năm. Nhưng đây chỉ là mức bù lỗ cho năm đầu tiên, trong khi cứ hai năm giá nước lại tăng một lần cho đến 20 năm”. (Thanh Niên online ngày 20-7-2010)


Những con sâu bự chuyên đục khoét tiền của nhân dân bằng thủ thuật đi mua “đồ cũ ” để đánh lận con đen đem về gía cả tính theo tỷ lệ lót tay nên họ không ngần ngại mua đồ về đắp chiếu, khi đem ra bán sắt vụn xơi thêm một lần nữa. Nhìn thấy “nhóm lợi ích” làm nghèo đất nước, các cụ cách mạng lão thành cũng nóng ruột kêu la. Cụ Nguyễn văn Bé đã 87 tuổi đời kêu than: Toàn những chuyện tày trời mà không nghe, không biết:

“Tập đoàn điện lực xây dựng 2 nhà máy nhiệt điện tốn hàng ngàn tỉ đồng rồi bỏ hoang đắp chiếu mấy năm nay, gây tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên làm khổ sở cho dân, điêu đứng các ngành kinh doanh sản xuất…

“Tập đoàn Vinashin trong vòng 4 năm hoạt động thua lỗ liên tiếp đến mức cụt vốn trong số 90 nghìn tỉ đồng chỉ còn vỏn vẹn 10 nghìn tỉ đồng, mua hai chiếc tàu thuỷ Italy mỗi chiếc đều trên nghìn tỉ đồng rồi về đắp chiếu chờ bán sắt vụn…” (Đối thoại online ngày 15-7-2010)

Cái hay đâu không thấy chớ cái nghề vung tiền ra nước ngoài mua sắt vụn, đồ phế thảy là nghề của vẹm. Chỉ có món này là ngon xơi của lót béo bở. Người cộng sản lợi dụng câu nhật tụng “kinh tế thị trường định hướng XHCN” lấy quốc doanh làm chủ đạo, vì vậy cộng sản chuyên môn bám víu vào công ty, tập đoàn, tập đảng quốc doanh để tập trung tiền bạc tài sản của nhân dân vào cho “nhà nước quản ní” tạo điều kiện đục khoét công quỷ được dễ dàng.

Vinashin, con tàu định mệnh của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tập đoàn quốc doanh này trực thuộc phủ thủ tướng đang bị xâu xé để tranh giành quyền lực trước kỳ Đại hội đảng lần thứ XI. Ông Dũng cũng đang tấc bậc dùng mọi thủ đoạn quỷ quyệt, quỷ quái để cứu con tàu ma này, kết quả ra sao hạ hồi sẽ rõ, còn bây giờ về khía cạnh lãng phí tiền của nhân dân thì là đã quá rõ:

“Điển hình là việc mua con tàu Hoa Sen với khoản tiền lên tới 60 triệu euro nhưng sau đó không khai thác được phải neo đậu ở Khánh hòa. Ngoài ra Vinashin đã dùng vốn vay quốc tế mua chín tàu cũ tuổi đời hơn 15 năm với tổng chi gần 200 triệu USD”. (Tuần Việtnamnet ngày 12.7-2010)

Ông Phạm Thanh Bình, người lãnh đạo tập đoàn Vinashin là người được thủ tướng Dũng trực tiếp bổ nhiệm nên dù ông này không có đủ khả năng hay chuyên môn để điều khiển tập đoàn lớn như thế này cũng vẫn được ưu ái trọng dụng:

“Một số dự án trái với quy hoạch được phê duyệt, dàn trải nhiều lĩnh vực, địa bàn, có lĩnh vực không liên quan đến công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển, có nhiều công ty, dự án thua lỗ nặng nề; ước tính dư nợ lên tới khoản 86.000 tỉ đồng, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn sở hữu gấp gần 11 lần, khó có khả năng tự cân đối dòng tiền.

“Theo kết luận của Bộ chính trị, những hạn chế, yếu kém của Vinashin trước hết là do trình độ cán bộ lãnh đạo, quản lý của công ty mẹ và các đơn vị thành viên chưa đáp ứng được yêu cầu quản trị một tập đoàn kinh tế lớn. Người đứng đầu tập đoàn còn hạn chế về năng lực, có biểu hiện thiếu trách nhiệm, tuỳ tiện, cá nhân báo cáo không trung thực, cố ý làm trái, vi phạm pháp luật…” (Đàn Chim Việt online ngày 10-8-2010)

Một sự đại lãng phí gần đây nhất đã cho chúng ta thấy rõ bộ mặt tham lam thiếu sĩ diện của chế độ Cộng Hòa XHCNVN, đó là việc phun phí tiền của nhân dân trong việc tổ chức Đại lễ ngàn năm Thăng Long vừa qua. Sự phun phí tiền bạc mồ hôi nước mắt của nhân dân đã gây sự bức xúc trong lòng mọi người và được mục sư Tin Lành Nguyễn Trung Tôn mô tả:

“Vậy là còn 30 ngày nữa đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam chính thức khai mạc: đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long”, kinh phí cho buổi lễ này dự tính là 94 ngàn tỷ đồng Việt Nam xấp xỉ 4,5 mỹ kim (theo Vnexpress). Với kinh phí lớn khổng lồ như vậy người dân Việt Nam sẽ được những gì???…Nếu với số tiền trên dùng vào việc xây dựng đường, trường, trạm, hay đầu tư xóa đói giảm nghèo…vv …thì chắc chắn mang lợi ích cho dân tộc, đất nước rất nhiều, nhưng chi phí cho một kỳ lễ hội thì đây là một vấn đề để mọi người dân Việt Nam phải quan tâm. Lợi nhuận lớn nhất từ những khoản chi phí kếch xù này sẽ rơi vào tay những người có chức có quyền và những kẻ cơ hội, còn thiệt hại thì thuộc về toàn thể người dân Việt Nam”. (Lương Tâm Công giáo online ngày 12-9-2010)

Lại thêm một dự án làm nghèo đất nước ngay giữa cái thủ đô ngàn năm Thăng Long của bọn người mà tôi không biết dùng từ gì để gọi họ. Một dự án “Đầu tư hơn 200 tỉ xây Cung Trí Thức để…bỏ trống”, đó là tựa bản tin của Dân Trí online.

“Hà Nội đầu tư hơn 200 tỉ đồng xây dựng Cung Trí Thức để làm nơi hội tụ các hội, hiệp hội. Tuy nhiên, hơn 8 tháng đi vào hoạt động (từ 10-2010), chỉ có 7 hội về Cung, 2 khối nhà cao 15 và 3 tầng gần như bỏ không…Lý do họ đưa ra là đã có cơ sở làm việc ổn định, Cung Trí Thức cũng không thuận tiện cho hoạt động nên họ không có nhu cầu chuyễn đến”. (Dân Trí online ngày 9-7-2011)

Những tài liệu sưu tầm lược kể trên đây chỉ là những điển hình về sự lãng phí của chính quyền CSVN trong mấy năm qua. Nếu ngồi nghĩ lại, người dân Việt Nam sẽ thấy được tại sao họ đã làm việc cật lực và đóng thuế kể cả tiền người Việt nước ngoài gởi về mỗi năm trên 8 tỉ USD mà đất nước nghèo vẫn hoàn nghèo?!

Đại Nghĩa



Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1