Tạm ngưng quăng lưới bắt người vi phạm giao thông - Dân Làm Báo 1

Tạm ngưng quăng lưới bắt người vi phạm giao thông


Thanh Lưu (PL) - Ngày 26-11, Công an TP Thanh Hóa cho biết đã chính thức tạm dừng việc quăng lưới để chặn người vi phạm giao thông.

Đồng thời, công an tỉnh đang phối hợp với Công an TP Thanh Hóa tiến hành tổng kết, đánh giá về việc sử dụng biện pháp này để báo cáo Ủy ban An toàn giao thông và Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Bộ Công an). 

Trước đó, Đại tá Trịnh Xuyên, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết việc quăng lưới bắt những người không chấp hành hiệu lệnh của Công an TP Thanh Hóa xuất phát từ thực tiễn công tác chống đua xe, lạng lách, đánh võng mà Công an Thanh Hóa đã áp dụng. Quy định của pháp luật về việc trên thì chưa có, tuy nhiên cũng chưa có quy định nào cấm thực hiện việc này. 



*

Quăng lưới bắt “quái xế”: Tiểu nông "xé" văn minh đường phố

PGS, TS. Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng: “Hành động quăng lưới bắt người vi phạm giao thông là "tiểu nông", gây bất ổn đến quyền con người”.

Theo PGS, TS. Trịnh Hòa Bình, xét về góc độ phương tiện hành nghề, cần xác định việc sử dụng các dụng cụ như que, gậy hay lưới đánh cá chỉ cốt để lực lượng chức năng hoàn thành nhiệm vụ.

Quăng lưới để bắt người vi phạm luật giao thông. Ảnh ITN

Nói cho cùng, trong nghệ thuật trấn áp tội phạm thường xảy ra tình trạng bắt nhầm, hoặc bắt không hết. Vì thế, theo PGS, TS. Trịnh Hòa Bình, khi CSGT, CSCĐ đã dùng hết cách rồi mà vẫn không bắt giữ được những kẻ thách thức dư luận, thách thức luật pháp, đi ngược lại với chuẩn mực xã hội, thì có thể áp dụng giải pháp này.

Tất nhiên hành động quăng lưới phải đảm bảo yếu tố an toàn cho người điều khiển phương tiện trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nhưng hành động quăng lưới bắt “quái xế” chỉ nên coi như giải pháp tình thế, không thể trở thành giải pháp căn bản được.

Tuy nhiên, ở góc độ xã hội, PGS, TS. Trịnh Hòa Bình cho rằng, bằng cảm quan nhiều người sẽ cho rằng phương pháp này có thể gây tai nạn cho người điều khiển phương tiện. Tình huống này hoàn toàn có thể xảy ra khi quăng lưới vào đối tượng đang phóng nhanh, vượt ẩu.

Nếu xảy ra tai nạn thì hành vi này chẳng khác gì lực lượng chức năng cầm dùi cui quật người ta ngã để bắt. Mặt khác, hành động quăng lưới chắc gì đã bắt được tội phạm, có khi còn quăng cả vào người lành. Lúc đó chẳng lẽ lại xin lỗi rồi xong, hay lại đưa nhau ra tòa?

Ngoài việc dễ xảy ra tai nạn, hành động dùng lưới để quăng có một cái gì đó gây phản cảm, dẫn đến bất ổn về quyền con người. Trên thực tế, lưới đánh cá từ trước tới nay chỉ được dùng để bắt cá, bắt chim, nay lại được dùng để… bắt người. Nói về mặt nhận thức xã hội, hành động này quá bôi bác vì đã mang hành động chài lưới, tiểu nông đưa vào văn minh đường phố.

“Trong khi tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM được coi như điểm “nóng” về vi phạm luật lệ giao thông, nhưng bằng các nghiệp vụ thông thường, họ vẫn có thể trấn áp được hiểu quả. Tại sao ở Thanh Hóa lại không làm được? Tôi cho rằng, hành động này là một sáng tạo vớ vẩn, không cần thiết. Thật nực cười khi coi đây là một sáng kiến vĩ đại” – PGS, TS. Trịnh Hòa Bình nhận định.





Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1