Những sự đời tuồng như không thể 2 - Dân Làm Báo 1

Những sự đời tuồng như không thể 2

Vũ Thế Phan (danlambao) - Do đâu nên nỗi? Thật là đáng tiếc cho một nhân tài của đất nước ta, của thế giới: Với bộ óc tinh xảo như nó mà đừng được giáo dục & đào tạo vào những việc tủn mủn bất cố liêm sỉ thế này thì dân tộc ta và e cả nhân loại được hưởng nhờ không ít.

Đang từ cửa sổ toa xe lửa trầm tư dõi mắt xuống sự nhốn nháo, í ới của người và người, tôi giật mình nghe tiếng con gái giọng Nam «mời cụ mua gà vườn hấp muối tiêu, ướp theo kiểu Sóc Trăng». Nhìn xuống tôi thấy một cô bé độ 13, 14 tuổi - cỡ con cháu ngoại nhà mình, đang nâng lên một cái khay có 5 con gà hấp, mỗi con độ hai cung tay người lớn chặp lại, căng ú rất bắt mắt. Tôi bảo «cám ơn cháu, bà không ăn gà hấp». Nói rồi tôi tiếp tục theo đuổi ý tưởng đang lỡ dở trong đầu. Đồng thời có chút thắc mắc, dựa trên nguyên tắc ở các xứ tôi đã ghé thăm bằng xe lửa - kể cả ga Bangkok, Thái Lan - thì không ai ngoài hành khách có vé được sáp lại gần lề ray xe lửa. Con bé này chắc ngoại lệ. Tôi thầm nghĩ vậy là vì sau hơn chục kỳ về đây, tôi đã hiểu hơi hơi rõ ở đất nước thượng tôn pháp luật như xứ ta, xuyên qua căn bản ‘đầu tiên’ thì bất cứ cái gì cũng có thể ngoại lệ, siêu ngoại lệ, ngoại trừ duy nhất một việc là bô bô giữa đường giữa phố chuyện vui có vợ có con theo lẽ hết sức bình thường của ai đó, vì như thế là phạm vào tội bật mí bí mật quốc gia mà ai ai cũng biết, nhất là ‘nhân dân’ không nằm trong định nghĩa của ngài ĐT-TS Nguyễn Văn Quang, tức nhân dân mạng.

«Bà ơi, bà mua giúp cháu với, gà thả vườn, thịt chắc ngon lắm». Tôi lại nhìn xuống, chú ý hơn: lại con bé đó, tóc thắt đuôi gà, áo thun trắng bỏ ra ngoài quần jean bạc màu, sau lưng đeo một cái túi du lịch màu dương đậm (sac à dos). Tôi cám ơn nhưng vẫn không mua. Độ năm phút sau, tiếng còi xe lửa hụ lên, báo hiệu tàu sắp rời bến. «Bà ơi, bà giúp mở hàng cho cháu đi mà», tôi nhìn xuống: vẫn con bé đó, đôi mắt tròn xoe, ngây thơ ngước nhìn tôi nhoẻn miệng cười. Nụ cười của nó làm tôi liên tưởng tới cái kiểu cười vòi vĩnh của con cháu ngoại, đến là dễ ghét mà sau cùng, cách chi cũng phải chiều nó. Cho nên, dù không ưa món gà hấp, tôi quyết định ủng hộ con bé: thôi được, cháu gói cho bà một con. Nó nói bao nhiêu tôi ừ bấy nhiêu, không lựa chọn gì cả vì vốn không thích, định bụng đưa về làm quà Sài-gòn cho gia đình con em gái ở ‘Huế đẹp, Huế thơ, Huế ngó lơ là mất bóp’. (Sẽ có bài riêng cho đề tài này).

Tôi chìa tay xuống trao cho con bé tờ 100.000 VNĐ: cháu giữ lấy, bà tặng cháu mớ tiền còn lại. Vừa nói tôi vừa thấy nụ cười của con cháu ngoại…vàng. Cô bé bán gà cầm tờ giấy bạc, cám ơn rối rít. Nhìn nó ngồi xuống, đặt cái khay lên đùi, tay trái giữ khay, tay phải vói móc từ cái sắc đeo sau lưng ra một xấp báo Nhân Dân, tách một trang ra, loay hoay đưa con gà hấp này lên, đặt xuống khay lại, chọn con khác rồi lại đặt xuống. Tôi nghĩ bụng: nó đang lựa con to nhất cho mình. Cứ thế cho đến khi xe lửa chuyển bánh. Có lẽ do nó gói vội nên đầu và một phần cổ con gà hấp thò ra khỏi tờ Nhân Dân, đứng dậy nâng tay đưa lên cho tôi. Tôi với tay xuống, hấp tấp cầm ngay cái đẩu con gà hấp: Xe lửa chạy, đầu và cổ con gà hấp chạy theo trên tay tôi cho đến…Huế, còn thân con gà trụ lại Sài-gòn !

Ở Huế, nhìn «con gà hấp» còn nguyên bốn cái găm tre (như cái đinh) gần cùng màu với da con gà, dài chừng 5 phân lủng lẳng xuyên qua cổ, cả nhà được một trận cười ra… nước mắt.

Tôi, một bà già 71 tuổi với 43 năm lưu lạc thăng trầm nơi xứ người, lại mắc bịp một con bé 13, 14 tuổi thơ ngây, dễ thương như con cháu ngoại nhà mình, ngay trên quê hương mình ! Phật, Chúa ơi! Do đâu nên nỗi? Thật là đáng tiếc cho một nhân tài của đất nước ta, của thế giới: Với bộ óc tinh xảo như nó mà đừng được giáo dục & đào tạo vào những việc tủn mủn bất cố liêm sỉ thế này thì dân tộc ta và e cả nhân loại được hưởng nhờ không ít.

*

Sau khi đã đồng ý với giá cả trên bảng giá, cô ở quầy tiếp tân đưa hai vợ chồng chúng tôi lên lầu chọn phòng. Vào căn đầu tiên, cô ấy nói: phòng này mới được nâng cấp, sơn lại mới. Vợ tôi bảo: cô cho xem phòng khác vì tôi không chịu được mùi sơn mới. Qua phòng thứ hai, chung vách với cái thứ nhất, là một phòng cũ, bày biện giống bên kia. Chúng tôi đồng ý lấy phòng này.

Tắm rửa xong, vợ chồng rũ nhau đi ăn Mì Cao Lẩu. Hai đứa tôi vừa xuống khỏi cầu thang là có một nhân viên nam trẻ của khách sạn xum xoe tiến tới: cô chú đưa chìa khoá xe cho cháu để cháu cất vào ga-ra cho an toàn. Khu này khó có chỗ đậu, hơn nữa an ninh ‘còn hạn chế’. Tôi chưa dám lái xe hơi dạo phố ở Việt Nam, nên khi thật cần thiết mới kêu taxi. Tôi đưa chià khoá cho cậu ta, nói: cám ơn cháu.

Sau trọn ba ngày đêm thích thú dạo chơi phố cổ Hội-An, khi tản bộ khi bằng xe xích-lô, nhất là về khuya dưới ánh đèn lồng kỳ ảo, đi lui đi tới đâu hai chục lần trên chiếc cầu Nhật Bản, trầm ngâm phóng mắt ngắm con sông Thu Bồn nằm trên cảng thị mà trước đó chỉ mới biết qua nhiều tên gọi khác nhau, thấy hình ảnh qua sách báo về sự hình thành của chữ Việt hiện hành ở nước ta từ đầu thế kỷ 17. Sau này là trên Net, trên VTV4. Chúng tôi quyết định trả phòng quay về Đà Nẵng.
Nhìn biên lai, tôi ngạc nhiên, hỏi cô tiếp tân:

Sao tổng cộng lại so le với giá biểu thế? (1.950.000VNĐ, đúng ra là 1.650.000VNĐ).

Thưa cô chú, tại vì tiền phòng cũ (600.000 VNĐ / đêm) đắt hơn tiền phòng mới 50.000 Đồng / đêm do không... có mùi sơn mới! Còn 150.000 Đồng là tiền gửi xe 3 đêm và non nửa ngày sáng nay.

Nói xong, cô ta cúi mặt xuống, chăm chú viết viết, ghi ghi chi đó. Hai vợ chồng tôi im lặng nhìn cô ấy một lúc, cô ấy vẫn chẳng ngước lên. Tôi định bụng xin gặp ban giám đốc khách sạn nhưng rồi thôi: cô ta chỉ làm theo chỉ thị. Tôi cười bằng mắt với vợ tôi, lắc đầu chẳng nói gì, thanh toán thêm 300.000VNĐ. Cự nự ư: không khéo họ cho gọi ‘bạn dân’ đến đưa hộ chiếu thay vì hai đứa về ‘làm việc’ vài ngày thì chương trình du lịch ‘thôi rồi Lượm ơi’ 1000 / 100% là cái chắc, có mà khóc thấu ông Sarkozy.

Trên đường về Đà Nẵng, tôi cầm tay lái mà lòng dạ chùng xuống như thể bị huyết áp thấp: không hiểu nổi cái văn hoá dịch vụ khôn vặt đến trơ trẽn này. Mà to tát gì cho cam, sao lại có thể như thế được chứ? Đối với du khách ngoại quốc - đặc biệt da trắng, họ có đủ dũng khí dở trò này không? Tại sao chỉ thừa can đảm óp ép người mình? Tại sao?

Câu hỏi này, vợ tôi có câu trả lời: “tại vì anh tài khôn ‘dân tộc tính 4.000 văn hiến’, sổ tiếng Việt. Từ nay có về, những nơi công cộng như sân bay, biên giới, khách sạn, nhà hàng...: anh cương quyết chịu điếc, chịu câm đối với tiếng nước ta, chỉ giao lưu theo ngôn ngữ trong Passeport của anh coi, mọi sự trên đất nước rồng tiên này trong tim anh sẽ ‘dễ thương’ hơn rất rất nhiều. Anh sẽ không bị vu, qui tội bêu rêu do ‘thế lực thù địch’ kích động”.

Ờ ha. Mà sao lại có thể như thế được chứ?

Trong sinh kế, tôi may mắn có cơ hội đi qua nhiều nước nhưng chẳng khách sạn nào có phòng rộng y hệt nhau nhưng Cũ đắt hơn Mới, bắt khách hàng trả thêm phí Parking mà không niêm yết quy định gì cả. Âu cũng là một phát kiến mới Made in Viêt - Nam, thế giới ‘dẫy chết’ cần học và làm theo hầu phát triển hơn nữa. Tôi không nêu tên khách sạn này ở đây bởi óc bã đậu vợ chồng tôi chưa thể thuộc lòng hai chữ Nhẫn tâm.

Liên quan tới hai chữ Nhẫn tâm, sinh thời ông thân tôi khi bàn luận về vế thứ 2 (thế nào là con người XHCN) trong câu ‘danh ngôn’ chưa bao giờ có định nghĩa «muốn xây dựng xã hội XHCN trước hết cần có Con người XHCN» của bác Minh, bác Duẩn như sau:

“muốn mưu đồ đại sự thì phải luyện tập chữ Nhẫn. Muốn hành hiệp thiện nguyện phải tích lũy chữ Tâm. Còn muốn trở thành Con người mới XHCN thì phải thuộc lòng hai chữ Nhẫn tâm!”

Vũ Thế Phan





TB: Hiện nay trong sổ tay của tôi còn một mớ ‘sự đời tuồng như không thể’ mà chính tôi đã được may mắn sống qua hoặc do thân nhân trong gia tộc sống dùm, kể lại. Mà muốn cho họ ‘dám’ thố lộ sự đời của họ (vì họ ngại bà con cho là ngu, hay là do họ ‘thích xu nịnh, quá keo kiệt’, như ai đó - chắc chắn là chỉ đọc chéo bài chủ - đã phán cái đùng vào tôi trong bài số 1), tôi phải dẫn nhập làm quà bằng vài sự đời của bản thân tôi. Tôi đang phân vân: nên chăng tiếp tục những sự đời vặt vãnh mà hầu như khúc ruột thừa nào cũng đã ít nhiều trải nghiệm, vấn đề là nói hay không nóí ra, thế thôi. Giấu cái xấu đâu xoá được cái xấu, vậy nói ra cho người khác biết để tránh mắc bẩy cũng là một hình thức giảm dần cái xấu. Tâm trạng tôi, xem ra, chẳng mấy khác tâm trạng của cụ Toan Ánh khi cụ cho xuất bản tại SG 51 năm trước đây cuốn ‘Nghệ thuật Ăn trộm và Bắt trộm của người xưa’. Vướng con trùng diễn đạt bằng chữ theo kiểu Việt Nam trong đầu kể cũng nhiêu khê, khổ tâm quá xá chứ chẳng chơi.

Đọc thêm : 

Những sự đời tuồng như không thể (Phần 1)


Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1