Hà Nội một sáng đầu đông - Dân Làm Báo 1

Hà Nội một sáng đầu đông


Trần Sơn (danlambao) Sáng đầu đông Hà Nội, hôm nay sao mà buồn đến ra riết. Mới sáng sớm, khí trời còn lành lạnh, làn sương nhẹ vẫn giăng trên phố, người ra đường choàng thêm tấm áo đông xuân. Vậy mà đến chưa đến 8 giờ, trời đã oi lắm. Cái khô, cái ngột của cuối thu, đầu đông đến “gây’ người. Xe, người đã đổ ra phố nhộn nhạo lắm, giăng như mắc cửi.

Nhưng cái nhộn nhạo của Hà Nội sáng nay không thể nhòa đi được hình ảnh 3 người phụ nữ, một già, hai trẻ, trong tấm áo màu đen, chầm chậm đi trên phố. Trên tay họ là di ảnh người quá cố, là hình ảnh cha, chồng họ trong cơn hấp hối giã biệt cõi đời. Di ảnh của những oan hồn. 

Họ đi chầm chậm. 
Họ đi chầm chậm. 
Người hàng phố lặng đi khi họ đi qua. 

Mọi câu chuyện dở dang bên chén trà sáng bỗng dưng bặt lại. Ánh mắt dõi theo đến xót lòng. Một đám tang đi qua cũng chưa bao giờ làm họ xót xa đến thế. 

Con bé kia là ai? Có phải con ông Tùng dưới Trần Khát Chân đấy không? Ừ đúng rồi, trên tay nó cầm cái ảnh ông Tùng kia kìa. Hình như con bé tên Tiến thì phải, khổ thân nó. Một mẹ hai con chơ vơ. 

Thế hai người đàn bà kia là ai ý nhỉ? Tức thì một tiếng ai đó chen vào: Có biết vụ Nguyễn Công Nhật ở Đồng Nai không? Biết! Thì đấy! mẹ và vợ nó đấy. Trời, có phải vụ gạ tình đấy không. Khốn nạn! Chồng người ta nó đánh chết, vợ người ta nó rủ đi nhà nghỉ. Thằng nào rủ? - tiếng ai đó chen vào. Thì thằng công an điều tra viên chưa ai. 

Người hàng phố cứ xì xào như thế, lan theo mỗi chân họ bước qua từng góc phố. 

Họ vẫn lầm lụi bước đi. Họ đi đòi công lý. 

Công lý ở cái xứ này? Nhìn cảnh ba người đàn bà đi trên phố, sao mà nghe chua xót đến thế. 

Họ dừng lại giữa phố Yết Kiêu, nơi có cái trụ sở của cái bộ “còn đảng còn mình”, nơi đào tạo ra những thủ phạm giết chồng, giết cha họ. Họ đứng lặng lẽ trước cánh cổng, bên kia đường. 

Lúc này, nhiều xe dừng lại, san xẻ với họ nỗi đau oan khuất. Rồi những chiếc xe lại tất tưởi ra đi, lao vào cuộc mưu sinh. 

Bên kia đường, những đồng đội, đồng chí của thủ phạm giết cha họ, chồng họ vẫn ra, vẫn vào, không một cái nhìn cảm thông, không một lời an ủi. 

Rồi họ lại ra đi, bước chân chầm chậm dọc theo hè phố. Họ dừng lại nơi có có cái khẩu hiệu có lẽ to nhất Việt Nam “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ,văn minh”. Họ đứng im như vậy, mẹ già nhòa lệ, hai cô gái- một mất chồng, một mất cha, mắt nhìn thẳng, môi gằn lại. Giữa quảng trường có cái Cung mang tên Hữu nghị Việt-Xô, lúc này một vòng tròn vây quanh lấy họ. Những ánh mắt ái ngại, những lời nói cảm thông trao cho họ, những lời nói phẫn uất, nghèn ngẹn. 


Tiếng ai đó bảo “Thôi chị em mình đi đi, không lại chật đường, họ lại ra giải tán bây giờ”. Họ lại lầm lũi bước đi dọc theo hè phố. Sau họ, là một người phụ nữ, cũng nỗi xót xa, có lẽ chỉ có người phụ nữ mới hiểu: Chị Nga, dưới Phủ Lý, Hà Nam lên, bồng con đi theo. 

Cái đám người nhỏ nhoi ấy dừng chân lại trước cánh cổng Tòa Án "Nhân Dân". Hai cánh cửa sắt đóng im ỉm đến ghê sợ. Đáng lẽ sáng hôm nay đây, ngày 17 tháng 11 năm 2011 cánh cửa này phải mở ra cho công lý được thực thi. Nhưng nó vẫn đóng. 

Họ lại chầm chậm lê gót đến trước cánh cổng Phòng Tiếp Công Dân của Viện Kiểm Sát. Nào có ai tiếp họ. Họ lại đứng chờ trên hè phố, mắt thất thần hướng ra đường. Rồi người qua dường dừng lại, rồi ánh mắt cảm thông, rồi những lời chia xẻ... 

Họ lại ra đi, vẫn những người phụ nữ cô đơn đến não lòng trong cõi nhân gian này, họ đi tìm công lý. 

Ôi sáng Hà Nội một ngày đầu đông, giữa cuộc đời ồn ã này sao có những cảnh cùng cực đến thế. 


Tôi đã đi qua những nỗi đau của bản thân, tôi đã chứng kiến cái chết của người thân nhất cuộc đời mình, tôi đã chứng kiến nỗi đau của bạn bè. Tôi đã từng nghe tiếng than khóc của hàng trăm người nơi chốn đổ nát giữa thành phố NewYork ngày 11/9 năm 2001, hàng ngàn người sau trận sóng thần đảo Sumatra năm 2004, và cũng hàng ngàn người than khóc sau trận động đất Haiti tháng Giêng, năm ngoái. Nhưng sáng nay, một ngày đầu đông Hà Nội, cái đau của tôi, của một người chưa từng quen biết nhưng người phụ nữ oan ức kia, đau đến xé ruột. Đau mà không khóc cho được, không nói cho được cho ai hay. 

Khi tôi viết xong những dòng này, Hà Nội trở lạnh về đêm, mấy cây hoa sữa đầu phố cũng thôi ngào ngạt. Lại một đêm mất ngủ với những ý nghĩ vẩn vơ: Đêm nay những người phụ nữ khốn khổ kia sẽ đi về đâu. 






Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1