Việt Nam giao thương yếu vì tham nhũng - Dân Làm Báo 1

Việt Nam giao thương yếu vì tham nhũng


TN (Người Việt) - Ngoài nhận thức chậm chạp về mục tiêu phát triển kinh tế đường biển, Việt Nam hiện có một đội ngũ công chức tham nhũng, theo Ngân Hàng Thế Giới, và thiếu khả năng nghiệp vụ vốn là hậu quả của một chính sách giáo dục chậm đổi mới...

*

Hơn 90% hàng hóa xuất-nhập cảng ra vào Việt Nam qua các cảng biển. Con số mới nhất được công bố cho thấy mỗi năm có 154 triệu tấn hàng hóa, 233,000 lượt hành khách và 62,000 lượt tàu thuyền ra vào cảng biển Việt Nam. 

Không ai phủ nhận vị trí chiến lược của các cảng biển Việt Nam tại Ðông Nam Á giữa vùng “tam giác cảng hùng mạnh nhất thế giới là Singapore, Hong Kong và Cao Hùng.” 


Ảnh: Bốc dỡ container ở cảng Việt Nam. (Dân Trí)

Thực tế, chi phí hậu cần của 24 cảng Việt Nam hiện nay chiếm 25% tổng sản lượng quốc gia (GDP) trong khi các quốc gia khác chỉ có 10%. 

Theo báo Thanh Niên, đại diện Ngân Hàng Thế Giới tham dự cuộc hội thảo về năng lực cạnh tranh của Việt Nam hôm 11 tháng 10 tại Hà Nội nhận định: “Vị trí cạnh tranh thương mại của Việt Nam còn yếu kém.” 

Ngoài mục tiêu nâng kim ngạch xuất-nhập cảng trong nước, Việt Nam đang tính đến sự phát triển của hệ thống cảng biển. Việt Nam có thế mạnh vì vừa là quốc gia lục địa vừa là quốc gia hải dương. Ðịa hình đầy thuận lợi này giúp hàng hóa xuất-nhập cảng Việt Nam ra vào không cần phải quá cảnh các quốc gia láng giềng. Ngược lại, hàng hóa của Thái Lan, Lào, Cam Bốt và kể cả tỉnh Vân Nam, Trung Quốc xuất cảng đi nơi khác phải quá cảnh hoặc lưu kho tại Việt Nam. 

Thế nhưng, theo Ngân Hàng Thế Giới, ngày nay Việt Nam không thể viện dẫn những “hậu quả của mấy mươi năm chiến tranh” biện minh cho việc chậm chạp xây dựng cơ sở hạ tầng để sớm có cảng quá cảnh của tàu thuyền vận chuyển hàng xuất-nhập cảng như kiểu Singapore. Chiến tranh đã kết thúc hơn 36 năm cũng đã khá đủ nếu chính quyền Việt Nam biết nhắm thời cơ và chớp lấy thời cơ. 

Theo các tài liệu nghiên cứu của Ngân Hàng Thế Giới thì Việt Nam đã bỏ lơ việc gấp rút phát triển ngành hậu cần đường biển. Trong khi đó thì Trung Quốc đang ráo riết xây dựng tuyến đường sắt nối liền Côn Minh và Nam Ninh để hy vọng sớm dừng việc quá cảnh Việt Nam qua ngõ Lạng Sơn và Lào Cai. 

Tương tự như vậy, Thái Lan đang xây tuyến đường sắt từ Bangkok đến Phnôm Pênh để hàng hóa từ Cam Bốt và Lào có thể được chuyển nhanh đến Thái Lan mà không cần quá cảnh cảng Việt Nam như hiện nay. 

Các tài liệu nghiên cứu này còn cho rằng nếu Việt Nam không nhanh chóng mở xa lộ và đường sắt nối liền các cảng ở biển Ðông và các trung tâm kinh tế Lào, Cam Bốt thì coi như đã chậm chân. 

Ngoài nhận thức chậm chạp về mục tiêu phát triển kinh tế đường biển, Việt Nam hiện có một đội ngũ công chức tham nhũng, theo Ngân Hàng Thế Giới, và thiếu khả năng nghiệp vụ vốn là hậu quả của một chính sách giáo dục chậm đổi mới. 

Theo Việt Nam Economic Times, thủ tục hành chính tại các cảng biển hiện nay chồng chéo, mâu thuẫn, do nhiều cơ quan đảm nhận và vì thế mà “mạnh ai mấy ăn và mạnh ai nấy làm khó dễ thương nhân để kiếm chác.” 

Các chủ tàu cho biết khi đến cảng Việt Nam phải nộp 36 loại giấy tờ, xuất trình 27 loại giấy tờ. Khi vào cảng, họ phải nộp thêm 28 loại giấy tờ rồi khi đến cảng thì nộp thêm 36 loại khác nữa đồng thời phải xuất trình 27 loại khai báo cho đại diện 6 cơ quan chứ không phải một cơ quan. 

Mặt khác theo báo Dân Trí, giới xuất-nhập cảng Việt Nam hiện nay đang phải è cổ đóng đủ loại phí từ phí “rủi ro,” phí đình công, phí mất cân đối container... Chưa kể nhiều loại phí phi lý như phí tách bill, phí cấp giấy ủy quyền, phí nâng và hạ container, phí xếp dỡ container, phí chứng từ báo hàng, phí làm hàng, phí đại lý, phí thu bãi... mà họ phải đóng cho các chủ tàu. 

Tình hình thu phí bừa bãi như thế hôm 5 tháng 4 vừa qua đã được Thứ Trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Thành Biên xác nhận “diễn ra từ nhiều năm nay.” Thế nhưng “biết chỉ biết để đó” chứ các cán bộ lãnh đạo bộ này không hề ra tay để ngăn chận. 

Cuối cùng theo nhận xét của các tổ chức quốc tế, hệ thống cảng biển của Việt Nam hiện nay gồm 100 cầu cảng, 24 cảng biển chính, và ba cảng “chủ lực” là Hải Phòng, Ðà Nẵng, Sài Gòn đều có chung một đặc điểm là hẹp, thiếu cảng sâu để tiếp nhận tàu trọng tải lớn, thiếu thiết bị xếp dỡ hàng hóa, thiếu đường giao thông nối cảng. 

Năng lực cạnh tranh thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế đúng là quá kém. (TN)



Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1