Occupy Wall Street, Occupy Hanoi, Saigon? - Dân Làm Báo 1

Occupy Wall Street, Occupy Hanoi, Saigon?


Lê Diễn Đức Mùa hè năm 2008, bong bóng bất động sản Mỹ nổ tung, một loạt ngân hàng Mỹ ngã quỵ như hiệu ứng domino. Đến ngày 15/9/2008, tuyên bố phá sản của tổ hợp tài chính, ngân hàng Lehman Brothers, nơi nắm tài sản trị giá trên 600 tỷ đôla, đã làm rung động nước Mỹ và cả thế giới.

Sự sụp đổ tài chính lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ đã làm chấn thương không chừa ai trên mọi lục địa. 

Big Brother 

Trong năm 1929 đại khủng hoảng kinh tế Mỹ xảy ra. Nhưng rồi nước Mỹ đã vượt qua, trở thành một quốc gia thịnh vượng, một Big Brother. “America Dream” tiếp tục là niềm khao khát của hàng triệu người trên thế giới. 

Vai trò nhà nước phúc lợi và cảnh sát thế giới của Big Brother chi phí quá đắt. Nợ công của Mỹ nhanh chóng tăng lên, trong giai đoạn 1950-1960 là 35 tỷ đôla, thập niên tiếp theo lên 90 tỷ, thêm một thập niên nữa lên 600 tỷ! Số nợ của Mỹ trong năm 1998 là 5,5 ngàn tỉ đôla, đến năm 2011 đã vượt quá 14 ngàn tỷ đôla. 

14 ngàn tỷ là bao nhiêu? Ít người nhìn thấy đồng đôla mệnh giá 1000, bởi vì rất hiếm. Nếu xếp lên nhau những tờ đôla này, với 14 nghìn tỷ, chúng ta sẽ có một cột tiền với chiều cao hơn 1.400 km! Chia đều số nợ cho công dân của Hoa Kỳ, mỗi người phải gánh 45,3 ngàn đôla. 

Nhà nước nợ nần, nhưng dân cũng nợ, vì chính sách cho vay dễ dãi của ngân hàng. Nhiều người Mỹ mua sắm không chỉ để đủ cho nhu cầu, mà hơn cả mức cần thiết, không mua một mà nhiều, nhiều nhà, nhiều ô tô... Họ bình thản “mài” thẻ tín dụng, còn chuyện “kéo cày” trả nợ tính sau. Câu hát của ban nhạc Queen: “I want it all, I want it all, I want it all... and I want it now!” được đưa vào quảng cáo cung cấp thẻ tín dụng trên TV mô tả khá đầy đủ lối sống tiêu thụ Mỹ. 

Nhưng đấy là khi “mặt trận” bình yên, kinh tế phát triển, công ăn việc làm ổn định. 

Giờ đây, mỗi ngày hàng ngàn người Mỹ phải giao lại chìa khoá nhà cho các ngân hàng, vì hoặc không có khả năng trả, hoặc không đáng để trả khi mà giá trị tài sản thấp hơn nhiều so với lúc vay tiền mua. Trong thời gian gần đây, báo chí nói đến con số hơn 10 triệu gia đình bị mất nhà. Thất nghiệp ở mức xấp xỉ 10%, khoảng 25 triệu người. 50 triệu người không có bảo hiểm y tế, và khoảng 100 triệu người sống ở mức nghèo (tất nhiên, theo chuẩn của Mỹ). Vật giá sinh hoạt tăng lên cùng với giá xăng dầu. Lạm phát đang ở mức 10% và chưa thấy gì đảm bảo cho việc chặn đứng nguy cơ siêu lạm phát, là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng năm 1929. Nhưng giờ đây, nếu xảy ra, sẽ có quy mô toàn cầu. 

Lục Địa Cũ chơi vơi 

Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn nhất của rất nhiều quốc gia trong đó có châu Âu. Vì thế, cùng với Hoa Kỳ, châu Âu gánh chịu hậu quả nghiêm trọng. 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các ngân hàng châu Âu khi đang bơm nhiều tỷ euro để vực Iceland dậy, thì tới Ireland cũng đòi phao cứu hộ. Tiếp theo là Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý. 

Ngày 15/5/2011, người Tây Ban Nha chủ yếu là thanh niên, sinh viên, nhưng cũng có cả những người về hưu, thất nghiệp và không hài lòng với điều kiện làm việc, đã xuống đường biểu tình tại một số thành phố và chiếm đóng quảng trường Puerto del Sol ở thủ đô Madrit. 

Họ phản đối cuộc khủng hoảng kinh tế, nạn tham nhũng của các chính trị gia và tình trạng thất nghiệp cao, tới 20%, trong đó giới trẻ chiếm tới 44%. 

Thanh niên Tây Ban Nha nói họ học tập tinh thần của thanh niên Ai Cập trên quảng trường Tahrir. Khác ở chỗ là ở Ai Cập người ta đòi được quyền bỏ phiếu bầu những người lãnh đạo đất nước, còn thanh niên Tây Ban Nha xuống đường cho một ngày mai tốt hơn, đòi dân chủ Tây Ban Nha phải thay đổi. 

Phong trào xã hội này vì thế có tên “Phong trào 15 tháng 5”. Chính đây là cái nôi của những người “phẫn nộ”, truyền cảm hứng cho phong trào “Occupy Wall Street” (Chiếm Wall Street) tại New York, và đã bùng nổ trên toàn thế giới hôm thứ Bảy, ngày 15/10/2011. 


 
Thủ đô Madrit của Tây Ban Nha ngày 15 tháng 5 năm 2011, cái nôi của những người phẫn nộ

“Occupy Wall Street” 

Vào ngày 17/9/2011, khu vực Wall Street của New York, nơi có Thị trường chứng khoán, biểu tượng của chủ nghĩa tư bản Mỹ, giống như bị chiếm đóng. Hàng chục cảnh sát bảo vệ các đường phố bị đóng lại để ngăn chặn người biểu tình của phong trào “Occupy Wall Street”. 

Công viên nhỏ Zuccotti Park trở thành căn cứ địa cách mạng. Một góc của thành phố được các nhà cách mạng gọi là Quảng trường Tự Do (Liberty Plaza). Người tham gia biểu tình, các nhà báo và những người tò mò rảo quanh ngổn ngang người với túi ngủ, nệm, máy phát điện xách tay và latop. Một lá cờ Mỹ lớn tung bay, trên đó các ngôi sao được thay bằng logo của các tập đoàn tài chính, thương mại. 

Người nằm, người ngồi, người đi lại, người đánh cờ, người nhảy và ca hát, người khác vẽ áp phích hoặc thu thập chữ ký cho thỉnh nguyện thư gửi Tổng thống Barack Obama yêu cầu tăng thuế với giới giàu có. 

Sự phẫn nộ trên Wall Street xác thực và mạnh mẽ đến mức từ con số khoảng hai trăm người ban đầu tăng lên 500-600 và khi mọi người rời Liberty Plaza đi vào các đường phố thì lên tới hàng ngàn. 

Phong trào “Occupy Wall Street” phản đối giới tài chính thế giới và chính sách của chính phủ. Họ nhìn thấy các nhà tài chính không những chỉ làm giàu tại thời điểm kinh tế phát triển, mà còn làm giàu cho bản thân nhiều hơn trong thời kỳ khủng hoảng. 

Kinh tế gia Hoa Kỳ Joseph Stiglitz, người đoạt Giải thướng Nobel kinh tế 2001 cho biết, 1% số người giàu nhất nước Mỹ hiện nay sở hữu 40% tài sản của cả nước. 

Các chính phủ cánh hữu cũng như cánh tả, hoặc do tham nhũng, hoặc lo sợ đổ vỡ cấu trúc kinh tế của toàn xã hội, đã bỏ ra những khoản tiền khổng lồ cứu các tập đoàn tài chính. Bằng tiền của người nộp thuế. 

Khẩu hiệu của phong trào là “99%”, tức là 99% dân số Mỹ, những người sống ở mức nghèo hoặc đủ ăn, chống lại 1% giới giàu có còn lại đang thao túng nền kinh tế, tài chính Mỹ. 

Những người phẫn nộ biểu hiện sự thất vọng về một hệ thống đã tồn tại từ lâu. Sự phân phối của cải xã hội rất không đồng đều. Họ hy vọng điều này sẽ thay đổi sau cuộc bầu cử tổng thống và chiến thắng của Barack Obama, nhưng nó đã không xảy ra. Bây giờ thì quá đủ. 

Tuy nhiên, cần phải hiểu đúng thực chất sự chống đối của phong trào “Occupy Wall Street”. 

Loại trừ ở một vài nơi, lợi dụng các cuộc xuống đường, bọn côn đồ và vô chính phủ đã trà trộn gây rối và cướp phá, “Occupy Wall Street” là phong trào tranh đấu xã hội hoà bình, không mang tính bạo lực. Những người tham gia không đòi lật đổ chính phủ, mà chỉ phản đối chính sách của chính phủ. Phong trào chống lại những kết nối và mối quan hệ - nguyên nhân của khủng hoảng kinh tế tài chính - chứ không phải chống chính bản thân chủ nghĩa tư bản. 

Câu hỏi cho cuộc cách mạng 

Mới đầu các nhà bình luận nói về một cuộc “cách mạng” nhỏ của những người bị mất nhà, những người thất nghiệp, không có bảo hiểm sức khỏe, tóm lại là của những kẻ vô công rồi nghề. 

Các nhà xã hội và chính trị học nghĩ rằng, tình trạng này sẽ không bền vững, nhất là vào lúc mùa thu sương giá. Họ nhận định “Occupy Wall Street” tạo ra sự chú ý đến các vấn đề bất bình đẳng xã hội ngày càng tăng và ảnh hưởng quá mức của các tổ chức tài chính, nhưng nếu muốn đạt được nhiều hơn, phong trào sẽ phải hình thành cấu trúc rõ ràng, có lãnh đạo và chương trình. Họ nói, ở Manhattan, mọi người nhìn thấy không chỉ những biểu ngữ đòi trừng phạt giới tội phạm cổ cồn, những tấm áp phích nhắm vào các tổ chức tài chính, mà còn có cả những khẩu hiệu chống chiến tranh, đòi đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, cờ màu cầu vồng của giới đồng tính, các bức hoạ cổ vũ đi xe đạp như là phương thuốc hiệu nghiệm cho cuộc chiến tranh dầu hoả, hay lời kêu gọi bảo trợ gia súc vô chủ. 

Trong khi đó, đảng Dân Chủ muốn đưa những ý tưởng của "Occupy Wall Street" vào quan điểm của mình - ABC News viết trên trang web. 

Đảng Dân chủ có vẻ sẵn sàng học nghệ thuật sử dụng sự phẫn nộ của phong trào "Occupy Wall Street" như liều thuốc giải độc đối với phong trào cực hữu Tea Party của đảng Cộng Hoà. Khai thác được sự bất mãn của dân chúng, Tea Party đã đưa đảng Cộng hòa nắm quyền trong cuộc bầu cử quốc hội mới đây - bình luận viên Klein Rock của ABC News nhận định. 

Nhưng vấn đề là cuộc cách mạng “Occupy Wall Street” không quảng cáo cho bất cứ ai. Thậm chí họ còn cáo buộc Barack Obama, tổng thống của đảng Dân Chủ, đã làm quá ít để trừng phạt Wall Street về các thao tác tài chính gây nên sự sụp đổ của nền kinh tế. 

Cựu thủ lĩnh huyền thoại của Công đoàn Đoàn kết Ba Lan, người đoạt Nobel Hoà bình năm 1983, đã từng lãnh đạo hàng triệu người xuống đường chống lại chế độ cộng sản Ba Lan, Lech Walesa, có cái nhìn xa hơn. 

Vào giữa tuần, Lech Walesa nhận được thư của phong trào “Occupy Wall Street” mời ông sang New York hỗ trợ những người biểu tình. Ông nhận lời nhưng còn do dự thời điểm khởi hành. Theo ông, lý do chính để bắt đầu xuất hiện người biểu tình là ý muốn “thách thức sự bất công” và vì dân chúng ngày một có nghĩa ít hơn trong nền kinh tế. 

“Tôi phải suy nghĩ hơn xem mình phải làm gì. Các nghiệp đoàn và các nhà tư bản phải xem xét cần phải làm gì. Bởi vì chúng ta sẽ phải đối phó với các cuộc nổi dậy toàn cầu chống lại chủ nghĩa tư bản” – Lech Walesa dự đoán. 

“Chiếm đóng toàn thế giới” 

Lech Walesa không cần phải đợi lâu. Các nhà chính trị xã hội học dường như không tiên liệu hết diễn biến tình hình. 

Người ta đã từng ngộ nhận cuộc xuống đường của một triệu người Ai Cập trên quảng trường Tahrir không cần tổ chức và lãnh đạo, chỉ đến khi thành công mới vỡ lẽ rằng, đằng sau nó là phong trào “6 Tháng Tư” của giới trẻ đã được xây dựng suốt ba năm qua và một đại bản doanh gồm những thanh niên Ai Cập nòng cốt trực tiếp điều hành. 

Phong trào “Occupy Wall Street” lan toả nhanh chóng trên nhiều thành phố nước Mỹ như Washington, Chicago, New Orleans, Philadelphia, Minneapolis, Boston, Los Angeles… 

Và trong ngày thứ Bảy, 15/10, các cuộc biểu tình đã diễn ra đồng loạt tại 951 thành phố của 82 quốc gia từ châu Á, châu Mỹ, tới châu Phi và châu Âu. 

Ban tổ chức cuộc biểu tình toàn cầu viết trên trang web của họ rằng thông điệp của sự kiện là “bắt đầu sự thay đổi toàn cầu mà chúng ta muốn”. “Đoàn kết trong cùng một tiếng nói, chúng ta sẽ cho các chính trị gia, và các nhà tài phiệt mà họ phục vụ, biết rằng, chính chúng ta, nhân dân, quyết định tương lai của chúng ta". 

Các cuộc biểu tình lớn nhất được tổ chức tại Auckland, Melbourne, Tokyo, Seoul, Đài Bắc, Manila, Berlin, London, Madrid, Lisbon, Rome, Frankfurt, Dublin và Brussels… 

Một điểm cũng nên chú ý là “Occupy Wall Street” lan tới cả Ba Lan, nơi ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính nhất tại châu Âu, giữ được mức tăng tưởng dương suốt từ năm 2008 đến nay, hệ thống ngân hàng không có vấn đề thanh khoản, các tổ chức tài chính không mua trái phiếu của các nước có nguy cơ phá sản, không đầu tư vào các công cụ tài chính phức tạp (derivatives). 

Trong các cuộc biểu tình trên toàn thế giới, những người phẫn nộ đã mang theo các biểu ngữ với nội dung: “Con người, không phải lợi nhuận”; “Họ hỗ trợ ngân hàng, bán rẻ chúng ta”; “Chúng tôi phải trả giá cuộc khủng hoảng của các người”; “Sai lầm của các người, mất tiền của chúng tôi”; “Bây giờ Dân chủ dành cho chúng tôi”; “Quyền lực trong tay người dân”; “Nhân dân đoàn kết sẽ không bị đánh bại”; “Tôi yêu New York lương thiện và công bằng”, v.v… 

Giải pháp? 

Nhận định về các cuộc biểu tình trong ngày thứ Bảy 15/10/2011, trên truyền hình tin tức Ba Lan TVN24, Giáo sư chính trị học Z. Brzezinski, cựu Cố vấn an ninh của Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Cater nói: “Cuộc khủng hoảng tài chính rất nguy hiểm, nó sẽ huy động cả nước Mỹ và châu Âu để thực hiện những sửa đổi hầu ngăn chặn một tình huống mà sẽ mất tất cả”. 

Phong trào xã hội “Phong trào 15 tháng 5” và “Occupy Wall Street” chắc chắn sẽ có tác động lớn lên việc tìm giải pháp của lãnh đạo các nước và các tổ hợp tài chính nhằm cứu thế giới ra khỏi thảm hoạ kinh tế. 

Người Ba Lan đã khó có thể có cuộc sống tốt đẹp hôm nay, nếu như vào năm 1990 tự thân họ phải bắt đầu xây dựng nền dân chủ và phát triển kinh tế bằng di sản của chế độ cộng sản để lại với món nợ hơn 40 tỷ đôla và hệ thống hạ tầng lạc hậu. Lúc bấy giờ, hai Câu lạc bộ tài chính quốc tế Paris và London đã tặng Ba Lan món quà ngoạn mục: xoá nợ gốc 50% và xoá luôn mười mấy tỷ đôla tiền lãi. 

Liên hiệp châu Âu đã và đang thảo luận giải pháp giống như đối với Ba Lan hậu cộng sản, trước mắt để cứu Hy Lạp. Trong tháng 7 vừa qua, các ngân hàng châu Âu đã đồng ý xoá 21% nợ của Hy Lạp. Vào ngày 23/10 tới đây, Đức và Pháp sẽ đưa ra các đề nghị táo bạo hơn. Rất có thể Hy Lạp sẽ được giảm nợ tới 50-60%. 

Từ cuộc khủng hoảng năm 2008 tới nay, chính phủ Mỹ đã rót gần một ngàn tỷ đôla để cứu các ngân hàng và một số ngành kỹ nghệ, nhưng chưa thấy có chương trình nào của chính phủ hay của các tổ chức tài chính nhằm xoá nợ cho hàng chục triệu người Mỹ bị mất nhà và thất nghiệp. 

Liệu “Occupy Wall Street” có thúc đẩy 1% số người giàu có nhất nước Mỹ, bao gồm các ngân hàng và các tổ hợp tài chính Mỹ, bớt tham lam, quyết định giảm hoặc xoá một phần nợ cho dân chúng, giảm thiểu khó khăn và căng thẳng của toàn xã hội hiện nay? 

Chiếm Hà Nội, Sài Gòn? 

Tôi không có điều kiện kiểm tra chính xác, nhưng không thấy những người phẫn nộ xuống đường chiếm thành phố trong ngày 15/10/2011 tại các quốc gia có chế độ độc tài, chuyên chế, ít nhất không thấy tại Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Bắc Triều Tiên, Belarus, Nga… 

Giới tư bản cầm quyền ở những quốc gia này thực chất còn nguy hiểm hơn ở những nơi đang có phong trào “Occupy Wall Street”. Bởi vì, họ vừa nhân danh tổ quốc, nhân dân để làm giàu bất chính, nhưng cũng vừa sẵn sàng sử dụng bạo lực để bịt miệng tất cả những người phản đối hoặc có ý kiến khác họ. 

“Chuẩn” nghèo của Việt Nam dự kiến cho giai đoạn 2010-2015 cho thành thị là 812.500 đồng Việt Nam/người/tháng, cho nông thôn là 562.500 đồng /người/tháng. 

Với tỉ lệ lạm phát hiện nay, cùng với cơn bão giá lương thực, thực phẩm, dịch vụ sinh hoạt... chuẩn nghèo 5 năm tới sẽ bị mất khoảng 7-8% giá trị, tức khoảng 30-40 ngàn đồng/người/tháng. Vì thế, số người nghèo vừa vươn lên… ngưỡng cận nghèo, thực chất vẫn hoàn nghèo như cũ. Theo con số chính thức, Việt Nam hiện có 3,1 triệu hộ nghèo, chiếm 14,42% và 1,65 triệu hộ cận nghèo, chiếm 7,69%. 

Dân số Việt Nam hiện tại khoảng 89 triệu. Hơn 3 triệu đảng viên ĐCSVN chiếm hơn 3% dân số. Trong số này tôi giả thiết mạnh tay 15-20% có chức có quyền. 

Chưa cần tính hết mọi đặc lợi, chỉ nói đến các công trình đầu tư công xây dựng phát triển kinh tế trong hai thập niên gần đây nhất. Với mức đầu tư công trung bình chiếm 42-45% GDP và tỷ lệ rút ruột công trình từ 10 đến 30% giá trị, chúng ta thấy ngay giới có quyền, có chức đã cho vào túi riêng bao nhiêu từ hàng trăm tỷ đô la. 

Ai cũng nhìn thấy sự giàu có kinh hoàng của giới tư bản đỏ Việt Nam. Họ cũng chẳng cần giấu giếm, đặc biệt lớp con cháu họ. 

Mức chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam, với số tiền nêu trên cũng như điều kiện tối thiểu cho đời sống, còn khủng khiếp hơn mức các ông trùm tài chính trên phố Wall với người nghèo nước Mỹ. 

Giới có chức có quyền của ĐCSVN, đơn giản là những ông trùm tư bản đỏ, cũng xấp xỉ cỡ 1% dân số. Số này không những có toàn quyền khuynh đảo toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, mà còn nắm đầu, xỏ mũi 99% số còn lại. 

Vậy thì, một cuộc cách mạng “Occupy Hanoi, Saigon” sẽ là tất yếu? 

Trong cuộc biểu tình tại thành phố Cracow Ba Lan hôm thứ Bảy, ngày 15/10/2011, có tấm biểu ngữ với dòng chữ: “Chỉ những con cừu mới cần đến mục đồng chăn dắt”

Khẩu hiệu này có vẻ đúng với tình trạng hiện tại ở Việt Nam. Và thiết nghĩ nó sẽ cho lời đáp hợp lý với câu hỏi nêu trên! 

© 2011 Lê Diễn Đức – RFA


Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1