Kinh tế Trung Quốc trên hai chân không vững - Dân Làm Báo 1

Kinh tế Trung Quốc trên hai chân không vững


Hà Tường Cát (theo Time) - Ðiều đáng sợ là nền kinh tế Trung Quốc phát triển như một cái bong bóng, sẵn sàng nổ vỡ và ảnh hưởng tai hại toàn cầu. Ðó là nhận định của tác giả Ken Miller, trên tuần báo Time tuần này.

Ðiều mà người ta lo ngại là nền kinh tế với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) $6,000 tỷ của Trung Quốc, liệu có góp phần cho sự ổn định của thế giới, hay sẽ sụp đổ, và tác động đến tất cả các quốc gia khác. 

Các bà nội trợ Trung Quốc chọn rau quả trong một tiệm Walmart ở Chongging hôm 25 tháng 10,2011. (Hình: ChinaFotoPress/Getty Images) 

Những ai am hiểu quá trình tăng trưởng nhanh chóng vượt bực của Trung Quốc đều tin rằng, nguy cơ ấy sẽ không tránh khỏi, trong tương lai. 

Theo ước lượng, trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2011, có 24% là do Trung Quốc. 

Từ hơn 30 năm, “phép lạ kinh tế” Trung Quốc đã tạo được nhờ các yếu tố căn bản: Nhân công rẻ, đất đai rẻ và... tiền “rẻ”. Nhưng khuôn mẫu này đang bắt đầu nứt rạn. Các ngân hàng cho vay quá nhiều nợ xấu, cũng lâm vào tình thế khốn khó như những ngân hàng Tây phương. 

Ở một đất nước hệ thống tài chính còn kém cỏi, dân Trung Quốc với bản chất tiết kiệm không biết dùng tiền dành dụm của họ như thế nào. Gởi trương mục ngân hàng bình thường thì lãi suất thấp, dưới mức lạm phát. Do đó những khoản tiền này được cho vay, chuyển vào các xí nghiệp quốc doanh và nhờ tiền ấy mà Bắc Kinh có thể thực hiện những công trình xây dựng lớn lao, từ nhà máy đến cao ốc, thay đổi hẳn bộ mặt của đất nước hơn 1 tỷ dân này. 

Những giới có chức quyền là người hưởng lợi nhiều nhất, họ có thể mua đất với giá rẻ, nhiều khi dưới giá thị trường; và rồi, người bán đất chỉ có thể được tham gia đầu tư ở giai đoạn chót của phát triển địa ốc. 

Năm 2010, trị giá tiền bán đất trên toàn quốc là $500 tỷ, tăng gấp đôi so với năm 2009. 

Từ ít năm gần đây, nơi đâu tại Trung Quốc cũng thấy những phi trường, cầu cống đường lộ tân kỳ, tuyến xe lửa cao tốc đang được xây dựng. Tại các thành phố và khu vực ngoài thành phố, những khu nhà mới mọc lên, có khi là một thành phố hoàn toàn tân tạo. 

Nhưng cuối cùng thì cầu đường chưa được sử dụng tới mức, có thể là sẽ thích hợp trong tương lai chứ không phải ngay bây giờ, và nhiều khu nhà xây lên còn bỏ trống chưa có người cư ngụ. Tính cách phù phiếm của thị trường địa ốc ở các đô thị lớn Trung Quốc vượt xa (nhưng khác hẳn về tính chất) so với thời điểm “hot” nhà cửa ở Hoa Kỳ, đưa tới vụ khủng hoảng tài chính năm 2007. 

Xây dựng là một ngành cần nhân công, chính quyền giải quyết vấn đề nhân dụng bằng những dự án kiến thiết lớn và các cơ xưởng mở mang để sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Mô hình ấy thích hợp trong 30 năm qua kể từ thời Ðặng Tiểu Bình và đưa Trung Quốc lên vị trí cường quốc kinh tế. Nhưng đến bây giờ, người ta thấy xuất hiện thêm nhiều khó khăn khác. Cơ xưởng sản xuất ở Trung Quốc hầu hết cũ kỹ và lỗi thời trong khi những nước Châu Á khác đang là những đối thủ cạnh tranh ngày càng mạnh. Ðó là chưa kể, tiền lương công nhân tăng lên dần cùng với lạm phát, không còn ở mức quá rẻ so với nước ngoài như trước kia nữa. 

Tất cả những sự kiện vừa kể đưa đến hậu quả là sự thu hồi tư bản đầu tư chậm lại và lợi nhuận giảm đi. 

Kế hoạch phát triển 5 năm gần đây nhất của Trung Quốc chủ trương chuyển từ trọng tâm xuất cảng và xây dựng sang gia tăng sức tiêu thụ nội địa dù điều này dễ nói nhưng khó làm được. 

Từ 10 năm nay, thu nhập bình quân (tính theo hộ gia đình) giảm đi. Một con số rất lớn tư bản do các ngân hàng nhà nước cho những doanh nghiệp quốc doanh vay thuộc loại nợ khó đòi, đã hai lần nhà nước phải thi hành biện pháp cứu nguy, xóa nợ và có thể sắp có một đợt xóa nợ nữa, lớn hơn. Nhà nước sở hữu các ngân hàng và với việc xóa nợ, người dân không còn được hưởng gì từ tiết kiệm mà họ ký thác ở đó. Trong những điều kiện ấy, chờ đợi dân chúng gia tăng tiêu thụ khó có thể là thực tế mà Bắc Kinh mong muốn. 

Trong nhiều năm, mức tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc luôn quanh quẩn ở mức 10% và các chuyên gia cho rằng nền kinh tế phát triển như vậy là quá nóng, cần phải hạ xuống ở mức 7% để giảm áp lực lạm phát. 

Năm 2010, trị giá hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ xuất cảng sang Trung Quốc là $92 tỷ. Nếu Trung Quốc thành công trong việc chuyển từ mô hình kinh tế phát triển dựa trên đất đai và tiết kiệm của dân chúng sang mô hình một thị trường tiêu thụ nội địa, thì nhu cầu nguyên liệu và hàng tiêu dùng nhập cảng cũng giảm và ảnh hưởng chung đến thị trường mậu dịch thế giới. Nhưng Trung Quốc không thể để cho nền kinh tế mà Thủ Tướng Ôn Gia Bảo đã phải nhìn nhận là “bất quân bình, không điều hợp và không thể chịu đựng được” của họ nổ như bong bóng. (H.C.)



Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1