Bằng cấp, ghế, và nhố nhăng - Dân Làm Báo 1

Bằng cấp, ghế, và nhố nhăng


Nguyễn Thông Dư luận, nhất là làng báo, đang xì xầm chuyện ông Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai, kiêm Giám đốc Đài phát thanh-truyền hình Đồng Nai, me-xừ Mai Sông Bé có sự “không bình thường” trong vấn đề học vấn, bằng cấp.

Nhiều người biết chuyện, tặc lưỡi: chuyện nhỏ. Bằng cấp của quan chức to nhỏ xứ này, nếu bới ra, bịt mũi 24/24. Thôi thì cứ kệ các ngài, rút dây chẳng những động đến rừng mà còn động tới cả trời nữa ấy chứ. 

Nghe xì xào mãi, mình cũng tò mò. Xưa nay tò mò là đặc tính của loài người, đàn ông cũng như đàn bà. Cụ cố Hồng trong Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng đó, miệng xoen xoét “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng sau đó lại ghé sát tai thì thào “thế nào, thế rồi sao?”. Mình là con cháu cụ cố Hồng mà lị. 

Từng nghe, sau khi Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai tiến hành kiểm lên kiểm xuống, xác minh (thực ra mình không tin vào các vị kiểm tra lắm), có kết luận rằng ông Mai Sông Bé đã học hết chương trình trung học phổ thông hệ 12/12 và hoàn thành lớp 12 niên khóa 1975-1976. Kết luận ỡm à ỡm ờ, rút cục chả rõ ông ấy có bằng tốt nghiệp hay không. Theo mình thì không, bởi nếu có thì ủy ban kiểm tra lại chẳng mừng hú lên rồi, chí ít ra cũng giúp được đồng chí đang trốn trong đống rơm thoát nạn. Lạ nhỉ. Hoàn thành và học hết mà không tốt nghiệp, không có mảnh bằng lận lưng. Ở cái xứ mà giáo dục đang bị đẩy phổ cập (hình thức) tới gần mức người người đại học, nhà nhà đại học thì bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hắt hơi cũng ra cả đống. Bằng tốt nghiệp phổ thông chứ có phải thạc sĩ, tiến sĩ đâu mà một quan chức tại vị suốt bao năm vẫn tròn trĩnh số không tuyệt đối. Hay là có văn bằng nhưng bằng giả, giờ phải giấu đi? Hay là học mà không được thi? Mỗi chuyện cỏn con thế mà nghĩ nhức cả đầu. 

Điều oái oăm là không tốt nghiệp lớp 12 (trình độ văn hóa tối thiểu để làm quan) nhưng vẫn được bổ nhiệm vào chức này vị nọ. Xứ mình có cả bộ máy tổ chức, tuyển dụng, cất nhắc, bãi bỏ chặt chẽ lắm kia mà. Có thể xảy ra nhiều tình huống: 

-Không căn cứ vào bằng cấp mà chỉ dựa vào công lao, đóng góp để xếp ghế. Khi chiến tranh chấm dứt, nhiều vị trong rừng ra, nào được học hành gì, chỉ mải đánh nhau, công tích đầy mình, giữ tước vị này nọ là đúng rồi, không mấy ai thắc mắc. Nhưng ông Mai Sông Bé không thuộc diện từ R. 

-Người có tài năng đặc biệt, xuất chúng thì được trọng dụng, dù học hành không đến nơi đến chốn. Trường hợp này hơi hiếm, nhất là ở xứ ta bởi quy định về tổ chức nhân sự rất chặt chẽ, muốn vào làm nhà nước, gì thì gì cũng phải bằng cấp, bằng nhỏ ghế thấp, bằng lớn ghế cao. Và ông Mai Sông Bé không phải người tài đến mức vượt được ba-ri-e. 

-Mua quan bán tước. Nạn này xưa nay đều có. Mua bằng tiền, bằng gái, bằng mưu mô thủ đoạn. Ngày xưa ngôi vua còn có thể mua được, ghế quan là cái đinh gì. Mình không biết mấy về ông Mai Sông Bé nên không dám đề cập khả năng này, mong rằng không phải như vậy. 

Hồi trước giải phóng, ở miền Nam nếu học hết lớp 11, được lên lớp, thì xã hội cho cái danh tú tài bán phần. Tốt nghiệp 12 thì danh giá hơn, đeo “học vị” tú tài toàn phần, có bằng cấp xác nhận đàng hoàng. Trường hợp ông Mai Sông Bé, gọi chính xác là tú bán, tú non. 

Hỡi ôi 

Cả tỉnh Đồng Nai, vốn được coi là vùng văn hiến của miệt Nam bộ, sừng sững Văn miếu Trấn biên, vậy mà lục lọi khắp chốn cùng nơi không kiếm được mảnh bằng tú tài nên phải tiến cử ông tú non. Ở thời “ra ngõ gặp cử nhân, về nhà đụng thạc sĩ” thì cõi này quả thật “Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”, thảm quá. 

Ta đừng vội trách ông Bé. Chỉ băn khoăn chút, giá như ông đừng ỡm ờ trình độ học vấn của mình, cứ có thế nào khai ra như thế, chả làm ông nọ bà kia thì thôi, đâu đến nỗi vỡ tổ con chuồn chuồn, bị tố cáo này nọ. Vả lại, vụ của ông, so với nhiều, rất nhiều vụ khác; so với nhiều, rất nhiều ông khác, chỉ nhỏ như con thỏ. Đáng bàn ở chỗ khác kia. 

Như đã nói, việc đề bạt, xếp chỗ cho quan chức xứ ta vốn chặt chẽ bài bản lắm. Chưa bàn đến cấp trung ương, chỉ cần thấy ở mỗi tỉnh thành, về mặt đảng đã có ban tổ chức, về mặt chính quyền lại thêm sở nội vụ, cơ cấu xong còn đệ trình qua ba bốn cửa xét duyệt, đố sai sót . Vậy mà cái bộ máy nhân sự nhà nước tưởng chừng cực kỳ thâm nghiêm, chặt chẽ, con kiến chui chả lọt huống chi con người, hóa ra lại hết sức lỏng lẻo, mù mờ, lắm chuyện. Theo tìm hiểu của tôi, ông Bé làm quan hàng tỉnh cũng kha khá thâm niên, tức đã trải qua bao lần xét duyệt. Cán bộ xứ ta, hồ sơ lý lịch mỗi lần cơ cấu là mỗi lần khai, nhiều vị đến lúc nghỉ hưu hồ sơ cá nhân cao gần bằng đầu người. Cả một bộ máy nặng nề, chồng chéo sinh ra chỉ cốt để chọn đúng người đúng việc, rút cục voi vẫn chui lọt lỗ kim. Lâu lâu dư luận lại ồn lên một chập vị này bằng giả, vị kia khai man, vị nọ gian dối... Sự thật phơi bày, hầu hết đều từ tố cáo của những người trung thực chứ bộ máy tổ chức gần như bất lực, có vào cuộc cũng chỉ dọn dẹp cho êm thấm kẻo người ta trông vào lại “xấu chàng hổ ai”. 

Cả một xã hội sính bằng cấp nên mới sinh ra nạn chạy chọt, giả dối để đạt cho được mục đích dù biết mình không đủ tiêu chuẩn, không có khả năng (tôi sẽ đào sâu thêm về vấn đề này trong bài tới). Ngày lại ngày, năm lại năm, bộ máy tổ chức cứ tồn tại một cách nhí nhố vô trách nhiệm, người ta cứ mua danh bán tước, kẻ không đủ tài đức cứ tiếp tục chễm chệ ngai đủ dạng thấp cao. Cuối cùng chỉ xã hội và người dân chịu thiệt, lãnh đủ. 

10.2011 




Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1