Đảng CS hãy trả lại Hiến pháp 1946 cho Dân Tộc Việt Nam ! - Dân Làm Báo 1

Đảng CS hãy trả lại Hiến pháp 1946 cho Dân Tộc Việt Nam !

Luật sư Lê Quốc Quân - Sau khi Đại Hội Đảng XI kết thúc, Quốc Hội đã phê duyệt xong các vị trí chủ chốt, bây giờ là lúc những người Cộng sản bàn việc đến việc sửa Hiến Pháp để củng cố quyền lực và kéo dài sự trị vì của mình trên dân tộc Việt Nam.

 Một Ủy ban sửa đổi Hiến Pháp đã được thành lập ngày 6/8 với 30 thành viên, Trưởng ban là chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Uỷ ban này dự kiến sẽ cho ra lò một Hiến Pháp mới vào cuối năm 2013. Dù biết rằng Việt Nam là một cơ thể đang lớn từng ngày và quần áo pháp lý chật chội đang bị bung cúc lung tung nhưng Hiến Pháp không phải là một cái váy, thích thay khi nào thì thay.

Nhìn lịch sử thế giới, có thể thấy rằng những nước văn minh thì hiến pháp ngắn gọn mà đầy đủ, thậm chí bất thành văn (như ở Vương Quốc Anh). Ngược lại, ở những quốc gia kém phát triển thì nhiều hiến pháp, hầu hết dài dòng, giáo điều thậm chí giả tạo. Hiến Pháp Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ được viết ra cách đây 224 năm chỉ ngắn gọn 7 điều mà đến nay vẫn nguyên giá trị. Hiến Pháp Cộng Hòa Liên Bang Đức 1949, với tầm nhìn chiến lược dự báo và định hướng tương lai, vẫn nguyên hiệu lực cho một Nước Đức thống nhất sau 40 năm.

Trong khi đó kể từ năm 1945 đến nay, Việt Nam đã có tới 4 Hiến Pháp (1946, 1959,1980 và 1992) với nhiều lần sửa đổi. Quốc gia “vừa bành vừa trướng” ngay sát vách chúng ta cũng không kém cạnh với 4 bản Hiến Pháp (1954, 1975, 1978 và 1982) và nhiều lần sửa đổi.

Bản Hiến Pháp bị đánh cắp !

Hiến pháp là đạo luật gốc, là một khế ước xã hội được ký kết giữa Nhân dân và Nhà cầm quyền. Hiến Pháp quy định nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập thể chế, cơ cấu và tổ chức quyền lực của Nhà nước. Thông thường Hiến pháp cổ súy Nhân dân với tư cách là người chủ sở hữu “lật đổ chế độ” và ký lại khế ước với các đại diện cầm quyền khác nếu như Nhân dân bị người thay mặt cầm quyền “bội ước”.

Cũng như nhiều quốc gia sau Thế chiến thứ II, Việt Nam có một Hiến Pháp tương đối hoàn chỉnh gồm 7 Chương, 70 Điều được Quốc Hội đa đảng đầu tiên của Việt Nam độc lập thông qua ngày 9/11/1946. Dù chưa được công khai hóa và áp dụng trên thực tế nhưng quyền cơ bản của công dân và tinh thần tự do dân chủ của nó vẫn giữ nguyên giá trị. Đặc biệt, trong xã hội dân sự ngày nay các quyền công dân cơ bản ấy rất cần được tôn trọng và phổ cập trong đời sống xã hội như một nguồn sống tinh thần không thể thiếu được.

Trong Hiến Pháp 1946, Điều 16 ghi nhận với tinh thần bao dung và thái hòa : “Những người ngoại quốc tranh đấu cho dân chủ và tự do mà phải trốn tránh thì được trú ngụ trên đất Việt Nam”. Những người soạn thảo Hiến Pháp thời đó, gồm các nhân sĩ tinh hoa của Đất Nước trong đó có cả cụ Cù Huy Cận, thân phụ của Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, với niềm tin rằng , Việt Nam sẽ là mảnh đất dung thân cho những người có tư tưởng tự do trên thế giới. Họ đâu biết rằng giờ đây hàng ngàn người Việt đấu tranh cho dân chủ và tự do tôn giáo đang phải băng rừng trốn sang Thái Lan hoặc chạy ra nước ngoài để tìm cơ hội tị nạn chính trị.

Trong Hiến Pháp “gọn và đẹp” đó còn có một thứ rất quan trọng nằm ở điều cuối cùng (Điều 70) là “Sửa đổi hiến pháp”. Theo đó, khi có 2/3 tổng số Nghị viên yêu cầu thì sẽ bầu ra một Ban dự thảo để bàn bạc những điều cần thay đổi. Sau khi Nghị Viện “ưng chuẩn” rồi còn phải “đưa ra toàn dân phúc quyết”.

Đó là điều mà Đảng cộng sản chưa bao giờ làm.

Khi những người cộng sản lộ diện dần trong Việt Minh và Chủ nghĩa xã hội trồi lên ở nước Việt thì Hiến Pháp 1946 bị “biển thủ”. Tuy nhiên, sự cuồng ngôn, đánh tráo khái niệm theo kiểu “cưỡng từ đoạt lý” được thể hiện trong các bản Hiến Pháp tiếp sau đó không thể làm phai mờ những giá trị hằn sâu trong hiến pháp 1946.

Đánh cắp là việc tày đình, còn mưu toan thủ tiêu nó là trọng tội. Nhưng cuối cùng những âm mưu và thủ đoạn đen tối cũng sẽ thất bại và sự thật sẽ chiến thắng . Hiến Pháp 1946 đang sáng dần lên và đã đến lúc phải được trả lại.

Đi một cung đường vòng

Sự thay đổi hiến pháp liên tục sau này cho chúng ta thấy tính chất lâm thời của chế độ. Nó “lâm thời” từ ý thức đến quyết định, từ hiến pháp đến luật…. Đảng coi Hiến Pháp là một cương lĩnh chính trị của chính mình, là một bài văn mô tả ý định của đảng mà càng đi càng thấy xa dần.

Luật sư Lê Quốc Quân (phải) và Nguyễn Tiến Trung

Sự lâm thời thể hiện rõ trong điều hành quốc gia khi người ta dùng “nghị quyết” chứ không phải Luật. Các Hiến Pháp sau này, như một thầy dạy môn Luật Hiến Pháp tại Trường Đại Học Luật Hà Nội, gắng uống thật say, và sau khi triết lý:“đời là cái đinh, tình là cái que” liền lảo đảo một cách đầy dũng cảm thổ lộ: “tao biết biết rõ thằng nào copy Hiến Pháp 1980 và copy từ nước nào”.

Hiến Pháp được làm ra bằng con đường copy của Liên Xô như vậy thì dĩ nhiên nó bị sửa đổi liên miên. Thay đổi này là do sự câu thúc của thực tế. Thế nhưng khi người ta đã đi lạc hướng thì cách tốt nhất là quay đầu đi lại, chứ không thể cứ sửa dần bằng cách đi uốn cong theo một đường vòng cung.

Như thế, đối với một con người là tổn thất, đối với một đất nước là sự phá sản. Nếu thay đổi dần dần và liên tục, dân chúng sẽ quên rằng, ta đang có một Hiến Pháp, một khế ước cơ bản và thiêng liêng, nghĩa là quên “sự tác thành” của một tự tình dân tộc.

Đỉnh hay đáy kim tự tháp

Hiến Pháp là linh hồn, là hơi thở trong cơ thể quốc gia, nó ghi nhận được những điều gì mà người dân mong ước nhất, là đạo luật tối cao bao trùm xuống toàn bộ quá trình làm luật và thực thi. Nó như đỉnh chiếc kim tự tháp tỏa ánh sáng xuống soi rọi các đạo luật và văn bản khác nằm trong lòng và bên dưới nó.

Thế nhưng Hiến Pháp hiện hành như một chiếc Kim tự tháp lộn ngược. Hiệu lực của Hiến Pháp teo tóp nằm trên cùng, không có ánh sáng soi rọi, phía dưới cứ phình ra nào là Luật, Pháp Lệnh, các văn bản hướng dẫn, cứ xuống mỗi cấp lại nở to ra và hiệu lực trùm lên cả Hiến Pháp.

Hãy trả lại viên ngọc trai bị đánh cắp

Có người cho rằng nên sửa Hiến Pháp 1992 theo hướng Đảng lựa chọn ra ứng cử viên và giới thiệu cho nhân dân lựa chọn thông qua trưng cầu dân ý. Điều đó khác chi “đảng cử-dân bầu” vì những kẻ độc tài đã “thành thần” trong tổ chức “trưng cầu dân ý theo ý của Đảng”.

Lại nữa, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường làm ở Viện nghiên cứu Lập Pháp, cho rằng cần thể chế hóa thành một điều luật trong Hiến pháp về vị trí, vai trò và trách nhiệm lãnh đạo của Đảng. Thực tế Đảng CS là một tổ chức chính trị - xã hội, cho nên có quyền và nghĩa vụ như bất cứ các tổ chức nào khác và hoạt động theo quy định pháp luật không cần phải có luật riêng, nếu có thì phải nằm chung trong Luật về Hội hoặc “Luật về các Đảng phái chính trị”

Tinh thần cơ bản của Hiến Pháp đa nguyên đầu tiên (1946) phải được tôn trọng và giữ nguyên. Đảng Cộng sản đã bắt cóc và cầm tù Hiến Pháp đó, nay nó phải được tự do và trở về với dân tộc.Hiến Pháp 1946 ngắn gọn và thiêng liêng, chắt lọc được cốt cách và tinh hoa Việt Nam, vượt qua thời gian khắc nghiệt, như hòn ngọc trai kết tinh theo dòng lịch sử đầy đau thương và trắc ẩn. Cho đến ngày nay những tinh hoa ấy vẫn giữ nguyên giá trị và được nhân dân tôn trọng, tuân thủ và mong muốn được bảo tồn. Có như vậy thì pháp lý, công lý và chân lý mới hy vọng đạt được.

Luật sư. Lê Quốc Quân 


Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1