Văn chương trong vùng thòng lọng - Dân Làm Báo 1

Văn chương trong vùng thòng lọng


tặng Trần Mạnh Hảo

Vũ Đông Hà (danlambao) Ngày ấy chúng ta tuổi mười lăm, mười sáu, đã choáng váng tâm hồn trong những ngày đầu hòa bình và thống nhất của đất nước. Các bạn ta đã tập tành bước vào nề nếp mới của đời sống xã hội chủ nghĩa, và trong cuộc sống được xếp đặt kỹ càng đó, văn chương cách mạng cũng đã đi vào chúng ta như muôn ngàn thứ khác.

Chúng ta đã bỏ lại sau lưng những mượt mà quá khứ, những rung động ban đầu của lãng mạn mới lớn: “Làm sao định nghĩa được tình yêu. Có nghĩa gì đâu một buổi chiều...”; đã đánh rớt dọc đường những ngậm ngùi dĩ vãng “Đưa người ta không đưa sang sông. Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng...”; đã chia tay những lãng mạn về một thời chinh chiến mịt mù: “Xa quá rồi em người mỗi ngã. Bên này đất nước nhớ thương nhau...”. Thay vào đó, các bạn ta đã bừng bừng lên cơn sốt cách mạng với những giòng thơ “Khóc là: nhục, rên: hèn, van: yếu đuối. Và dại khờ là những lũ người câm…” 

Thời gian trôi nhanh như dòng máu đỏ. Ánh hào quang xã hội mới cũng lịm tắt dần với trưởng thành và nhận thức thực tế đạp vào mặt, đâm vào tim. Quay lưng lại với con đường vinh quang được đảng ra công dàn dựng, chúng ta rẽ bước tìm vào những con hẻm rất thực của cuộc đời. Và chúng ta đi. 

Đi với khắc khoải của Trần Dần. “Đi không thấy phố. Không thấy nhà. Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”. Đi với nỗi đau của Phùng Quán: “Người làm xiếc đi trên dây rất khó. Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn. Đi trọn đời trên con đường chân thật”. Chúng ta đi. Đi với Trần Nam Hương để thấy: “Đã có một thời nỗi đau ta phải giấu. Ta đánh mất ta trong nửa con người. Bài thơ phải cắt đi phần thật nhất. Trang báo ta cầm chỉ đọc những niềm vui”. 

Chúng ta đã từ giã con đường ta rộng thênh thang tám thước của đảng vinh quang để tỏa ra khắp nẻo đường lầy lội, nhớp nhúa quê hương. Vì sao? Vì như Chế Lan Viên, chúng ta đã nhận thức được rằng con đường tám thước ấy chỉ “chưa cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ. Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn. Cầm lên nhấm nháp...”. Chúng ta nhấm nháp cho xong những yếu hèn của bản ngả. Và chúng ta lại đi. 

Đi để trở về chốn cũ. Để cười câm trước những ngậm ngùi của Tố Hữu cuối đời bị mời ra khỏi chiếu hoa của đảng, chợt biết rằng chốn cũ ngày về đã không còn nữa: “Không, chính xưa anh ở chốn này. Tre già còn đó miếu còn đây. Lòng bâng khuâng mải ôn ngày cũ. Chợt tiếng người đâu: “chú hỏi ai”. Đi. Vật vã đi. Để thấy những mất mát cuộc đời của bao thế hệ: “Anh hỏi nhà anh không phải đây. Rồi thôi quay đóng cửa then gài. Để ngoài sương gió chiều pha lạnh. Dưới khóm tre già khách đứng ngây…” 

Chốn cũ ấy ngày nay lại có thêm người mới. Đường ta rộng thênh thang tám thước của đại thi sĩ Tố Hữu được thay thế bởi bệ phóng dân tộc mang hình tượng cà nông đại bác của đại thi hào Hữu Thỉnh. Những kẻ mù, đui, điếc - trẻ có, già-tưởng-trẻ có - chỉ còn cái miệng có ổ khóa, được cầm tay ân cần hỏi: Các bạn từ đâu đếnChúng tôi đến từ miền của tài năng. Xin chào các sứ giả đến từ miền của tài năng. Chúng tôi đến từ tương lai. Chúng tôi đến từ nền văn học trên mười đầu ngón tay. Sai tất! Tài năng của các bạn không còn là của riêng các bạn nữa, nó đã thuộc về một cái gì rộng lớn hơn, cao vọng hơn. Các bạn phải nhất trí: các bạn đến từ nghị quyết. Tagore nói Trò chơi chỉ là trò chơi khi có người chơi nó. Các bạn phải đến và ở trọ với trò chơi này. (* chữ nghiêng: Hữu Thỉnh)


Con đường chúng ta đi đó có kẻ trước người sau và gặp nhau trong cùng một nỗi ngậm ngùi. Ngậm ngùi của những kẻ đã góp vốn cuộc đời cho công ty buôn người, bán nước. Ngậm ngùi của những kẻ đã từng cả tin vào thợ thơ ngồi trong phòng kín múc máu đổ vào thơ: “Khóc là: nhục, rên: hèn, van: yếu đuối. Và dại khờ là những lũ người câm…” và rồi cũng một lần như Dương Thu Hương đem tủi nhục vào văn: “Một dân tộc dũng cảm biết bao trong chiến tranh và hèn mọn biết bao trong cuộc sống thời bình…”. 

Chúng ta gặp nhau để một lần cuối chia tay những ngậm ngùi cứ mãi loay hoay trong vòng tròn mang hình dáng thòng lọng treo dưới tấm bảng chỉ đường đi hoài không tới của đảng vinh quang. Chia tay với sợi dây treo cổ của người và của chính mình. Chúng ta chia tay với mảnh đất nghèo nàn sự thật, thừa mứa giả dối của văn chương; quay lưng với những mảnh chiếu trên, chiếu dưới và mâm cổ mang tên tác giả của những câu thơ đến buồn đi ỉa cũng không cho. Gặp nhau để cùng cười vào mặt cái gọi là bệ phóng văn chương thời đại mới... 65 năm, 

ở đó, vẫn nhân ảnh dị hình của thế kỷ đã qua 
ở đó, vẫn lơ lửng sợi dây thòng lọng kết quyện bằng nghị quyết thắt cổ văn chương 
và những tờ giấy bạc. 



viết lại những dòng cũ để tặng anh Trần Mạnh Hảo
và cho-không-biếu nhà thơ Hữu Thỉnh.


Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1