Ngoại giao cũng nên nói thật - Dân Làm Báo 1

Ngoại giao cũng nên nói thật


Ngô Nhân Dụng Rượu vào, lời ra. Chắc quý vị độc giả còn đang cười về chuyện một nhà ngoại giao Trung Quốc say rượu đem nói tung hê những điều mà các nhà ngoại giao thường tránh không nói; câu chuyện mới được kể lại trên nhật báo Người Việt ngày hôm qua.

Chuyện xảy ra vào tháng 9 năm 2010, nhân vật chính là ông Sa Tổ Khang (Sha Zukang), lúc đó đang đứng đầu Vụ Kinh Tế Xã Hội của Liên Hiệp Quốc. 

Trước bá quan văn võ tại một tiệc rượu của các quan chức Liên Hiệp Quốc trong một làng nghỉ mát ở Alpbach, nước Áo, Austria, ông Sa Tổ Khang nói suốt 15 phút, trong lúc đang say. Ông nói thẳng với ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon rằng, “Ông không thích tôi, mà tôi cũng chẳng thích ông!” Bất chấp ngoại giao hơn nữa, khi nói mình ghét Bob Orr, nhà ngoại giao Mỹ ở Liên Hiệp Quốc, Sa Tổ Khang còn giải thích cho dễ hiểu: Vì ông ấy là Mỹ, mà tôi không thích người Mỹ! 

Không phải chỉ khi uống rượu vào, lời ra, ông Sa Tổ Khang mới nói kiểu đó. Ông Khang sinh năm 1947, đã làm ngoại giao cho chính phủ Trung Quốc trong 37 năm. Năm 2006, làm việc ở sứ quán tại London, được đài BBC phỏng vấn hỏi ông nghĩ sao khi chính phủ Mỹ cảnh cáo Trung Quốc đang gia tăng ngân sách quân sự, Sa Tổ Khang nói thẳng: “Họ câm cái mồm đi cho được việc! Nước Mỹ mỗi năm chi tiêu về quân sự bằng một nửa số tiền chi của cả thế giới, còn muốn dậy đời ai nữa?” Nhiều người Trung Hoa nghe thế phải cười khoái trá! 

Nghe đến chuyện này thì phải nghĩ: Nếu như có một người Việt Nam, một ông Nguyễn Tổ Khang nào đó, cũng dám nói thẳng tuột như ông Khang Tàu này, thì mình nên gửi ngay sang nhiệm sở ở số 32, Ðường Quang Hoa, Bắc Kinh! Có ngày, ông Nguyễn Tổ Khang, sau khi uống vài chén rượu Mao Ðài, cũng dám nói thẳng: “Này, đừng có nói chuyện giả dối hòa bình, hữu hảo gì nữa. Các anh cướp Hoàng Sa ba mươi năm rồi, bao giờ mới trả lại đây?” Hôm sau có bị sứ quán đuổi ngay về Hà Nội, cũng sẽ được nghe bà con cười khoái trá, coi như đáng mặt làm trai! 

Tiếc rằng mình chưa có ông Tổ Khang nào mà lại chỉ có một ông Tổ Trác! Ông ấy làm thiếu tá công an biên phòng ở Lạng Sơn, sát biên giới Việt-Hoa. Một điện văn của sứ quán Mỹ ở Hà Nội gửi về nước, mới bị tiết lộ, có nhắc đến ông Tổ Trác ấy. Người Sài Gòn thấy ai gặp họa bất ngờ, bảo là bị “tổ trác!” Một tùy viên chính trị sứ quán Mỹ tường trình buổi đi thăm biên giới Việt-Hoa, sau khi chính quyền hai nước thi hành hiệp định biên giới. 

Bữa đó là ngày 19 tháng 11 năm 2009, một ngày sau khi hai chính quyền Việt, Trung ký nhiều văn bản thi hành hiệp ước biên giới đã ký năm trước. Năm trước, ông Nguyễn Tấn Dũng đích thân sang Bắc Kinh để thỏa hiệp cho xong. Hiệp ước này phải ký gấp ngày 31 tháng 12 năm 2008, cho đúng kỳ hạn mười năm mà hai bên đã hẹn khi gặp nhau vào tháng 1 năm 1999. Một điểm bất đồng trong việc cắm cọc biên giới lúc đó là Thác Bản Giốc. Nhân viên ngoại giao Mỹ kể đi thăm thác Bản Giốc và được gặp các sĩ quan biên phòng và một đại diện Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Lạng Sơn. (Không biết người Mỹ này có thể lầm Lạng Sơn với Cao Bằng hay không!) 

Bức điện văn thuật: “Trông thấy rõ ràng đang còn say rượu, vị chỉ huy đồn biên phòng, ông ta tự giới thiệu là Thiếu Tá Hoa, cho biết ông mới kết thúc một cuộc họp tham khảo với các đối tác phía Trung Quốc ở bên kia sông. Mỗi tháng họp một lần, hoặc là họp khi có sự cố. Hỏi sự cố như thế nào, hỏi mãi ông mới đưa một thí dụ, nhiều khi có những du khách ngã xuống sông chẳng hạn. Thiếu tá này công nhận Bản Giốc là một địa điểm “nhạy cảm” nhưng không coi là một nơi tranh chấp nóng hổi. Ông ta chỉ cho nhà ngoại giao Mỹ cái cột mốc cắm trên bờ phía Việt Nam, rồi phía Trung Quốc. Còn ở giữa dòng sông, ông nói, không biết chắc biên giới nằm đúng chỗ nào, mà đó là thác nước, cũng chẳng ai đi qua được. Ông thiếu tá tên Hoa này kết luận: “Chỉ có mấy thước ấy mà, có đáng kể gì; miễn là hai nước Việt Nam và Trung Quốc sống hữu hảo để cùng phồn vinh với nhau?” 

Ðây là Thiếu Tá Hoa nói, hay là rượu nói? Mấy thước có đáng kể gì! Nói chuyện biên giới hai quốc gia, ít có ai nói như vậy. Người biết nghĩ chắc không nghĩ kiểu này. Rượu vào rồi, ai cũng thấy chỉ mấy thước có đáng kể gì! Chỗ này mấy thước, chỗ kia mấy thước nữa, cứ như thế, cái gì cũng xí xóa được cả! Miễn là hai bên vẫn hữu hảo, cùng phồn vinh, cùng chén chú chén anh suốt dọc 1375 cây số biên giới Việt Hoa! Nếu ai cũng biết xí xóa như ông Thiếu Tá Hoa, thì mọi cuộc tranh chấp biên cương ở khắp thế giới sẽ hòa cả làng hết! 

Người Mỹ viết không biết đánh dấu, tên ông này có thể là Hóa, Hòa, hay Hỏa (chắc không người Việt Nam nào, dù là một họa sĩ muốn đặt tên con là Họa). Trong hàng ngũ công an biên phòng ở Lạng Sơn có Thiếu Tá Hoàng Duy Hòa, công an huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, từng làm việc ở Ðồn Biên phòng Tân Thanh. Có thể là ông này - nếu nhầm thì xin lỗi Thiếu Tá Hoàng Duy Hòa nhé. 

Bản công điện của đại sứ Mỹ nhận xét, “Thiếu tá Hòa có lý,” rồi nhắc tới cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 làm chết 20,000 người Việt Nam, lý do được nêu ra chính thức là vì tranh chấp biên giới. Ký kết rồi, người Việt khỏi lo bị giết. Trên đường về thủ phủ tỉnh Cao Bằng (ở đây viết Cao Bằng) nhân viên sứ quán Mỹ còn được chỉ cho coi những làng xóm Việt Nam đã bị quân Trung Quốc san thành bình địa trong cuộc chiến tranh kéo dài hai tháng đó. Ðại Sứ Michalak nghĩ hành động đó cũng là một cách giải thích thêm cho việc ký kết hiệp ước biên giới nhanh chóng. Tức là ông công nhận bài học của Ðặng Tiểu Bình năm 1979 đã được tiếp thu. Nó thấm thía, 30 năm sau vẫn còn hiệu quả. Tôi không tin là ông Michalak hiểu người Việt Nam! Nếu ông nói ý đó công khai, người Việt nào, không cần uống rượu, cũng có thể nói thẳng với ông: Im cái miệng lại đi nào! 

Nếu ai cũng nghĩ như ông Michalak thì hai nước Mỹ và Canada không còn những cuộc tranh cãi dai dẳng suốt 200 năm qua về biên giới, đến bây giờ cũng còn tranh tụng! Trước khi ký hòa ước với chính phủ hoàng gia Anh năm 1782 công nhận nước Mỹ độc lập, nhà ngoại giao đại diện cho các thuộc địa Mỹ, ông Benjamen Franklin đã nhiều lần đòi Anh hoàng phải nhường cho nước Mỹ sắp lập cả lãnh thổ Canada; nhưng không thành công. Ðầu năm 1776 chính ông Franklin đã sang Canada mời họ đứng về phía Mỹ chống lại Anh hoàng, và thất bại. Hai nước Mỹ và Canada vẫn sống hòa bình cho tới nay. Những hồ sơ tranh chấp được cất vào tủ lạnh, nhưng vẫn có đó, không bên nào chịu nhường, chẳng ai nghĩ “Mấy thước đất ấy mà, đáng kể gì!” Chỗ này mấy thước, chỗ kia mấy thước, rồi sẽ thành nhiều cây số! 

Trong hiệp ước năm 2008, tác phẩm của ông Nguyễn Tấn Dũng, có việc “cưa đôi cho tiện”. Trước đó hai nước cãi nhau về 227 cây số vuông, bên nào cũng cho là thuộc nước mình. Thỏa hiệp năm 1999 không giải quyết được. Năm 2008, đem cưa đôi. Bên ta lấy 113 cây số vuông, bên Tàu lấy 114 cây số vuông. Chênh lệch một cây số vuông ấy mà, đáng kể gì! 

Nhưng tại sao người Việt Nam lại đòi đến 227 cây số vuông, nói là của nước mình, mà Trung Quốc không chịu? Giữa hai nước, bên nào có khả năng “nhận vơ” đất của bên kia làm của mình? Trong cuộc chiến 1979, quân Trung Quốc đã di chuyển nhiều cột mốc biên giới đem cắm xa về phía Nam, rồi họ gài mìn chung quanh, đố ai vào mà đổi chỗ đưa trở lại phía Bắc. Ðiều này đã bị chính phủ Hà Nội ghi lại, tố cáo, sách vở còn đó. Nếu tổng số đất đai bị chiếm theo kiểu đó là 200 cây số vuông, mà cuối cùng đồng ý cưa đôi mỗi bên 100, thì coi như nước Việt Nam bị mất 100 cây số vuông rồi! Bây giờ có một học sinh bị đứa nó giật lấy cái bánh; hai bên giằng co một hồi, cuối cùng thỏa thuận chia đôi, thì như vậy có gọi là hợp lý hay không? Ðó là công lý của những thằng đi bắt nạt thiên hạ, trẻ con cũng hiểu. 

Lịch sử nước ta nhiều khi có những người lãnh đạo rất bướng bỉnh, cứng đầu. Thời nhà Trần, quân Mông Cổ đã chiếm được nước Ðại Lý ở Vân Nam rồi, đưa thư dụ vua Trần sang chầu. Cuộc bành trướng của đế quốc Mông Cổ khắp Á sang Âu vẫn diễn ra theo kiểu đó. Ông vua nào chịu triều kiến, khấu đầu đại hãn Mông Cổ thì sẽ được tha về. Ai hơi chống lại một chút là đánh, thành quách bị san bình địa, y như mấy làng ở Lạng Sơn vậy. Vua Trần lúc đó đã có ý đi khấu đầu, cho dân được yên. Trần Thủ Ðộ nói: Bệ hạ muốn hàng thì xin chém đầu thần trước! Sau đó, năm 1257 quân Mông đánh, Hà Nội bị san thành bình địa thật. 

Không biết nếu hồi đó nếu ông Trần Thủ Ðộ chịu nhục một tý, nước ta tránh được ba lần chiến tranh, thì bây giờ người Việt mình được gọi là người gì? Năm 1776, dân Mỹ nổi lên đòi độc lập. Anh quốc đem quân chinh phạt. Quân Anh có 50,000 ở Bắc Mỹ, sắp gửi thêm 30,000 lính đánh thuê người Ðức. Tướng Washington chỉ có 5,000 quân chưa có đồng phục, cộng với những đội dân quân của các địa phương. Chỉ huy quân đội Anh là Ðô Ðốc Richard Howe gặp các đại biểu Mỹ. Ông nói ông rất thương dân Mỹ, khi dân Mỹ bị quân Anh đánh bại thì, “Tôi sẽ buồn, sẽ đau khổ như mất một người em vậy.” Một đối thủ chính trị của Benjamen Franklin, John Adams trong phái đoàn Mỹ năm người thuật lại, Dr. Franklin nghiêng mình, mỉm cười, với tất cả vẻ hồn nhiên thường thấy khi ông nói chuyện cũng như khi ông viết, trả lời: “Kính thưa huân trước, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để tránh cho huân tước khỏi nỗi đau lòng đó!” 

Mà lúc nói câu đó ông Benjamen Franklin không say rượu. Chắc Trần Thủ Ðộ khi xin được chém đầu cũng tỉnh táo chứ không say. Những ai nghĩ rằng việc ngoại giao cứ phải nhún nhường, nhẫn nại chịu đựng, nên nhớ lại các tấm gương này. Không phải cứ nhường thì được yên thân. Nhiều lúc phải nói thẳng, ngẩng đầu lên mà nói thẳng.




Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1