Mở miệng tập thể và đấu tranh "kiến nghị" - Dân Làm Báo 1

Mở miệng tập thể và đấu tranh "kiến nghị"


Vũ Đông Hà (danlambao) Xung đột giữa độc tài và dân chủ, giữa tự do và kềm kẹp có thể thảo luận, phân tích ở nhiều phạm trù khác nhau. Một trong những góc cạnh để chiếu rọi vào một cách dân giã là cuộc chiến giữa quyền mở miệng của nhân dân và nỗ lực khóa miệng quần chúng của nhà cầm quyền.

Trong suốt hơn 55 năm tại miền bắc và 35 năm toàn cõi Việt Nam dưới sự cai trị của đảng CSVN, mở miệng ngược với chủ trương lãnh đạo đều có hiểm họa mở luôn cánh cửa tù cho chính mình. Kinh nghiệm trải qua sớm nhất và tiêu biểu về hiểm họa này là nhóm Nhân Văn Giai Phẩm.

Năm 1986, nương theo chương trình cải cách kinh tế và một số mặt về xã hội trong khung cảnh gọi là "Đổi Mới", đảng CSVN nới-lỏng-có-kiểm-soát ổ khóa trên miệng của người dân. Từ bóng đêm toàn trị bước sang thời đại kinh tế thị trường của tư bản giãy hoài không chết, Ủy viên Ban bí thư TW Nguyễn Văn Linh lúc bấy giờ kêu gọi các nhà văn hỗ trợ cải cách kinh tế XHCN đã ngắt ngoải bằng cách viết sự thật. Ông Nguyễn Văn Linh, một cá nhân nhưng đã nhân danh đảng viên đảng cộng sản gọi đó là "cởi trói tư tưởng" cho cả một dân tộc. Ông trở thành tổng bí thư của thời đại mở miệng có định hướng.

Bỏ qua những bài viết "tâm huyết" của lối mở những cái miệng tròn-không-tròn-méo-chẳng-méo, bỏ luôn những bài viết-ít-lách-nhiều của nền báo chí VN, thì miệng được mở rộn ràng, thoải mái nhất là ở những... quán nhậu vỉa hè. Người dân VN nương theo luồng gió đổi mới muộn màng để mở miệng sau khi mở những chai bia thời mở cửa chợ. Họ không lý luận, không kinh điển chính trị, triết lý xã hội, văn chương thi phú... họ chỉ cần 2 chữ ĐM ở đầu câu và chữ Đảng ở cuối câu và cụng bia cái rầm. Thế là... tự do đổi mới, tự do được xì hơi sau nhiều đêm dài bức bí của thời toàn trị. Phải đến 15 năm sau, "mở miệng" mới được "đoàn ngũ hóa", có căn cước... tự cấp và bò từ vỉa hè bàn nhậu ra... vỉa hè quần chúng với sự ra đời của nhóm Mở Miệng vào năm 2001 bởi 3 chàng thanh niên, nhà thơ trẻ Lý Đợi, Bùi Chát và Khúc Duy.

Trong giai đoạn đổi mới này, những điều được thoát ra từ cửa miệng được "cho phép mở" cũng vẫn phải chui qua loa truyền thông của đảng. Những cái miệng được mở tự phát từ nhân dân cũng nằm ở phạm vi 3 người vừa nói vừa chửi cho nhau nghe. Những bài thơ của nhóm Mở Miệng vẫn phải in lén in lút bởi nhà xuất bản Giấy Vụn được hình thành sau đó. Những cái miệng được mở bằng lương tâm không bằng lương tháng hoặc chính sách "cởi trói tư tưởng" của ông Nguyễn Văn Linh vẫn phải thì thào trong căn phòng kín hay thể hiện qua bài báo chưa gửi đã biết chắc sẽ bị quăng vào sọt rác bởi tổng biên tập mang thẻ đảng...

Cái chìa khóa mà đảng cầm trong tay cho ổ khóa đang hờ hững treo trên miệng của chúng ta từ thời đổi mới: Tự do nói, nhưng nói một mình và miễn sao không có nhiều người nghe.

Cho đến khi cuộc cách mạng tin học bùng nổ vào giữa thập niên 90.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Dân Làm Báo đã nói: Internet đã “cách mạng hóa” lãnh vực thông tin, từ người sản xuất tin, chuyển tin cho đến người nhận tin. Internet tự nó không đem lại lợi thế cho ai nếu người đó không biết khai dụng. Nhưng chắc chắn internet đã tạo ra một sân chơi công bằng hơn. Những nhà độc tài không còn độc quyền thông tin qua phương tiện một tờ báo, một đài phát thanh, một đài truyền hình… Một học sinh, sinh viên, một bác về hưu đã dễ dàng trong 30 phút là có thể trở thành “tổng biên tập” của một tờ báo có tên gọi là Blog".

Vai trò cốt lõi của cuộc cách mạng tin học trong cái sân chơi "công bằng hơn" này là: (một cách bình dân tiếp ý từ phần trước của bài viết) đem tiếng nói từ một bàn nhậu vài người đến cho cả một đám đông xa lạ, không cùng thời gian lẫn không gian; những phát biểu từ vỉa hè không bốc hơi theo men bia mà nằm lì một chỗ, chờ đợi người người ghé bước lắng nghe (đọc).

Internet không chỉ gia tăng sức mạnh của cái miệng mà hơn thế nữa, quan trọng hơn cả là gia tăng cơ hội cho những lỗ tai nghe.

Từ đó, chính sách độc tài bịt miệng phải đi vào hướng giải quyết mới: vừa bịt mồm người nói vừa - quan trọng hơn - bịt tai người nghe.

Từ đó, khẩu hiệu của những người muốn tự do mở miệng cũng phải thay đổi. Từ quyền ĐƯỢC NÓI (right to speak) chuyển sang quyền ĐƯỢC NGHE (right to be heard).

Để phát huy quyền được nghe (rộng lớn) đòi hỏi những công sức, phương án và kế hoạch đi xa hơn một bài viết hay phạm vi của trang blog cá nhân. Quyền được nghe đi đôi với yếu tố được nói công khai, an toàn và CÓ TRỌNG LƯỢNG. Một trong những hình thái này là một viện nghiên cứu, điển hình là Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (Institutes of Development Studies - IDS), một tổ chức khoa học và công nghệ được các nhà khoa học tự thành lập. Mặc dù mang sứ mệnh nghiên cứu, tư vấn các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế và xã hội; đưa ra các giải pháp, những kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức... IDS đã trở thành một tiếng nói tập thể có trọng lượng và ảnh hưởng đến nhận thức chính trị của một bộ phận lớn trong quần chúng. Chính vì thế mà đảng đã phải ngăn chận bằng quyết định số 97/2009/QĐ-TTg, dẫn đến sự tự giải tán của IDS vào tháng 9 năm 2009.

Thí dụ của IDS cho thấy nhu cầu quan trọng của tiếng nói tập thể - hay theo nhan đề của bài viết - Mở miệng tập thể. Làm thế nào để có thể mở miệng tập thể và quần chúng có thể tiếp cận với tâm lý an toàn trong bối cảnh đàn áp càng ngày càng gia tăng? Làm sao những lên tiếng tập thể này có thể phổ biến rộng rãi và có trọng lượng đến với quần chúng để qua đó những dữ kiện, tình hình, vấn nạn được công khai nêu ra mà nhà cầm quyền khó vin vào lý cớ gì để trừng phạt người nói (viết) lẫn người nghe (đọc) hay quan trọng không kém - những người chuyển tải tiếp thông tin?

Cuối năm 2010, trong tình hình tranh tối tranh sáng của những đấu đá nội bộ trước đại hội đảng XI, một Kiến Nghị Bauxite với hơn 2000 chữ ký đã được một phe nhóm trong đảng bật đèn xanh cho các báo lề phải đăng tải. Trọng lượng của bản kiến nghị là tập thể của nhiều người trí thức, cách mạng lão thành, văn nghệ sĩ và lãnh đạo cũ. Cả nước qua đó biết đến hiểm họa Bauxite Tây Nguyên.

Sau đó là sự ra đời của hàng loạt nhiều kiến nghị, khiếu nại, khiếu kiện tập thể bởi tập thể trí thức. Mục đích của nó chẳng ăn nhập gì đến cái tên nó mang - kiến nghị, khiếu nại hay nói cách khác: XIN. Kinh nghiệm và trí tuệ của dân ta và tất cả những người ký tên vào những kiến nghị đều biết rõ những yêu cầu, đề nghị đều đi vào cõi hư vô. Đảng và nhà nước cũng thừa biết điều đó, đều hiểu rõ những câu chào đón mở đầu lẫn chấm dứt - kính gửi thủ tướng, tổng bí thư... chỉ để những người ký tên rất lịch sự, an nhiên trong phần thân bài vạch trần những vấn nạn gây nên bởi hệ thống và con người đang nắm quyền để nhiều người dân nắm rõ. Chính vì thế đảng và nhà nước mới đẻ ra một cái luật kỳ quái nhưng phải không thể không đẻ: không giải quyết khiếu nại tập thể. Không GIẢI QUYẾT nhưng không thể CẤM. Những người làm đơn "xin xỏ", "kiến nghị" cũng chẳng âu lo "xin mà không được" vì mục tiêu của họ không phải để xin xỏ, yêu cầu. Họ chỉ dùng nó như một trò chơi cút bắt để đạt được mục tiêu tối hậu: chúng tôi cùng nhau đàng hoàng, tự tại gửi những điều chúng tôi muốn nói đến nhân dân của chúng tôi ngay trước mũi các anh.

Mở miệng tập thể. Đó là mục tiêu. Cách nào, hình thức nào, chữ dùng nào, tên gọi nào cũng chỉ là cứu cánh. Ngày mở miệng tập thể có ý nghĩa nhất, mở miệng sung sướng nhất và chắc chắn ngày ấy sẽ phải đến là ngày cả triệu dân ta bước ra khỏi nhà và cùng nhau lên tiếng nói xác định ai mới thực sự là chủ nhân của đất nước này. Cho đến ngày đó và để có ngày đó, mọi sáng kiến, nỗ lực góp gió thành bão cho phong trào mở miệng tập thể là một nhu cầu không thể thiếu.

Chúng ta, không chỉ dừng lại với quyền được nói, chưa đủ! mà cần khai phá để được nghe, được hàng ngàn, hàng trăm ngàn, hàng triệu người nghe được chúng ta. Lúc đó thì cả một dân tộc sẽ xuống đường lên tiếng nói. Vì lúc đó, họ đã nghe quá đủ!



Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1