Dòng dõi Thánh Gióng - Dân Làm Báo 1

Dòng dõi Thánh Gióng


Mai Xuân Dũng - Tại sao những anh hùng áo vải sau cuộc kháng chiến thành công lập nên một nhà nước phong kiến cố tình cho dựng nên những huyền tích để cắt nghĩa cho các thắng lợi trong quá khứ? tại sao các chính phủ cộng sản cứ đưa đảng ra để cắt nghĩa cho các thành công? Thật dễ hiểu, điều duy nhất đúng là họ muốn người ta quên đi vai trò của nhân dân mà đề cao vai trò của kẻ hiện đang thống trị nhà nước...

Một trong những sai lầm ngớ ngẩn nhất của người lớn là để cho cái quan niệm: khôn đâu đến trẻ, khỏe chẳng đến già ăn sâu vào từng tế bào não, thống trị tư tưởng của chính mình và hậu quả là nhiều khi cách tư duy cằn cỗi ấy làm hại chúng ta, những kẻ “khôn” ở tuổi U50, 60 thậm chí có thể còn ở tuổi cao hơn nữa.

Một lần thằng cu con bên hàng xóm sang chơi xem vẽ. Nó đứng thần mặt ngắm bức tranh sự tích cu Gióng. Mạo muội nói vậy vì bức tranh miêu tả cậu bé lên 3 đang trần tình dòng dõi của mình với con ngựa.

Sơn dầu 600 x 700 Mai Xuân Dũng

Tôi vờ không để ý nhưng vẫn quan sát cu cậu. Nghiêng ngó hồi lâu dáng chừng không cắt nghĩa được cu cậu đành hỏi:

- Ông ơi, tranh kia ông vẽ thằng bé nói chuyện với con ngựa đấy ạ ?

- Phải.

- Người nói chuyện với con vật được hả ông?

- Ngày xưa, các con vật và người giao tiếp được với nhau bằng ngôn ngữ như ta bây giờ. Có thể như thế lắm chứ.

- Nhưng ông ơi, thằng bé nói gì với con ngựa đấy ạ?

- Này, cháu có thấy hình cái vết chân to đùng kia không?

- Dạ có.

- Đấy, đại khái con ngựa thì uy nghi to lớn như thế, nhất là ngựa chiến thì thường dữ lắm đâu phải ai cũng cưỡi được. Nhất là thằng cu Gióng bé tý cứ đòi cưỡi thì đời nào nó nghe. Vậy phải làm sao nhỉ?

- Dạ, chắc cu Gióng phải nói với ngựa là mày biết tao là ai không? Mày thấy cái vết chân kia không? Vết chân bố tao đấy. Không cho tao cưỡi bố tao bắt mày nhốt vào chuồng cho nhịn đói.

Nghe xong tôi suýt chết sặc ngụm nước chè chưa kịp nuốt xuống họng. Các bạn cứ bảo là “khôn đâu đến trẻ” nữa đi.

Tuổi thơ của chúng ta, những người đi qua cuộc chiến tranh chống lại người Mỹ nhưng chủ yếu là tự người Việt nam giết nhau là chính rồi cuộc chiến ở biên giới tây nam với Pôn pốt cộng sản-tay sai của người anh lớn Trung quốc và cuối cùng, chúng ta theo đảng cầm súng đánh nhau với chính anh Tàu-người anh cộng sản của đảng ta. Cho đến bây giờ, dù Tàu vẫn đang chiếm đất chiếm đảo của ta, bắt bớ dân chài của ta trên chính biển quê hương của chúng ta nhưng đảng dạy: Trung quốc với ta là hai nước anh em XHCN cần đoàn kết trên tinh thần 4 tốt và nên dựa vào Trung quốc để xây dựng CNXH vì còn ai hơn Trung quốc được?

Cũng có thể câu nói đó là câu nói “đểu” thôi nhưng nó đầy tính bợ đỡ, hèn hèn thế nào ấy.

Vấn đề là lớp thanh niên bây giờ nghe xong họ có tin không?

Trước đây lớp người chúng ta đã có tuổi thơ “kỳ quái”. Một tuổi thơ đói rách, ngô nghê đến mức có ai đó nói lỡ nuốt phải hột me ngày mai ngủ dậy cây me sẽ mọc trên đầu cũng đã từng tin. Đó là chuyển cỏn con chứ chưa nói đến những chuyện lớn lao hơn, những chuyện mà “người nhớn” đã huy động tất cả bộ máy tuyên truyền khổng lồ để mà nhồi vào não bộ chúng ta hằng giờ, hàng ngày, hàng tháng, hàng năm. Nhồi đến mức não chúng ta đầy phè sự lố bịch. Niềm tin của chúng ta trở thành một thứ não trạng khó tẩy rửa vô cùng. Cái não trạng đó cho đến bây giờ còn hằn sâu vào những quan niệm khác nhau, nhiều suy tư khác nhau theo một lối, theo một cái rãnh đã định hướng mà có khi chúng ta chưa chắc đã nhận biết được trong các quan niệm, trong những nhận thức của chúng ta về thế giới quan, nhân sinh quan đâu là đúng.

Lớp thanh niên ngày nay, những 8X, 9X…so với lớp cha chú thật đáng nể về kiến thức khoa học kỹ thuật. Các bạn đó có thông tin đa kênh để so sánh, để bộ lọc có cơ hội kích hoạt mạnh mẽ. Tính logic trong tư duy của các bạn khá hơn hẳn chúng ta hồi bằng tuổi. Đáng mừng cho họ vì như vậy, cái giá phải trả cho các quyết định, các hành động sẽ ít nước mắt, thậm chí ít máu hơn lớp chúng ta.

Nhưng điều làm những bậc cha chú tử tế lo lắng là chính não trạng của lớp thanh niên ngày nay chưa sạch hết được những vết hằn định hướng trước kia trong một số quan niệm. Các bạn ấy thật là bàng quan đến độ vô cảm trước những vấn đề lớn của thời cuộc và những nỗi đau thế thái.

Trở lại chuyện cu Gióng và thằng bé hàng xóm. Ngày trước, tôi cũng đã từng suy nghĩ về cái vết chân Thần thánh, vết chân Người Trời mà mẹ Gióng đã vô tình ướm vào để rồi mang thai cu Gióng. Có cả một câu chuyện tếu thế này. Có lần một kẻ làm chuyện ấy với một thiếu nữ vị thành niên đến lúc cô này có thai, chuyện vỡ ra. Chính quyền xã cho giải tay thanh niên kia ra xử. Ông chủ tịch xã quay cách gì hắn cũng không chịu nhận đã “ấy” cô bé mà chỉ nhận có cầm tay thôi. Hắn bảo ngày xưa chỉ cần dẫm vào vết chân đàn ông chị em còn có chửa như mẹ ông thánh Gióng đấy thì sao?

Không ai có thể chối cãi rằng người ta luôn luôn lấy ông Giời ra để cắt nghĩa cho mọi sức mạnh, cho mọi thắng lợi, mọi thành công nào đó. Ngoài chuyện Thánh Gióng còn nhiều chuyện khác trong sử nói đến vai trò của Thần thánh. Thật hài hước, tại sao cứ phải có thần Kim Quy mới xây được thành Cổ Loa và phải nhờ móng thần để làm lẫy nỏ mới chống được Triệu Đà? Tại sao cứ phải có gươm thần Lê Lợi mới đuổi được giặc Minh?..vv…

Nhiều chế độ phong kiến trước kia đã tìm cách tuyên tryền, lý giải mọi sự theo cách ấy vì vua là thiên tử, là con Trời nên mọi chiếu vua ban đều là sự mạc khải của Trời, mọi việc thiên tử làm đều có sứ mạng của Trời gửi gắm. 

Rồi sau này, đến một giai đoạn khác của lịch sử, những nhà nước cộng sản lấy đảng thay cho ông Giời để cắt nghĩa cho mọi thành công còn ông Giời chỉ còn đóng vai trò của những kẻ gây ra mất mùa, tai ương, nghèo đói, bệnh dịch.

Đi đến vùng sâu vùng xa mới thấy nếp nghĩ ấy ăn sâu đến thế nào trong tiềm thức của người dân, thậm chí của các cán bộ. Nhất nhất câu gì cũng: “nhờ ơn đảng chính phủ” hoặc nhờ ơn nhà nước..vv…mới có cái chảo tốt để nấu cám, có cái cơm để ăn, có cái điện để xem cái vô tuyến…(chư không phải tự họ đã làm mửa mật ra).

Bảo sao học sinh ta ngày nay dốt sử. Dốt là phải bởi cái lối học sử theo kiểu lấy tính đảng ra để hiếp dâm lịch sử. Tại sao ông Gióng cứ phải sinh ra bởi người Trời mới đánh được giặc Ân? Tại sao cứ phải có gươm của cụ rùa, Lê Lợi mới đánh thắng giặc Minh? đến nỗi rùa thành “Cụ” như đám cận thần quen xu nịnh gọi mấy ông lãnh đạo cấp cao.

Tại sao những anh hùng áo vải sau cuộc kháng chiến thành công lập nên một nhà nước phong kiến cố tình cho dựng nên những huyền tích để cắt nghĩa cho các thắng lợi trong quá khứ? tại sao các chính phủ cộng sản cứ đưa đảng ra để cắt nghĩa cho các thành công? Thật dễ hiểu, điều duy nhất đúng là họ muốn người ta quên đi vai trò của nhân dân mà đề cao vai trò của kẻ hiện đang thống trị nhà nước. Nhưng người ta cũng mau quên các bài học lịch sử là các vương triều chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nào đó, dài ngắn phụ thuộc vào các chính sách của nhà nước do họ dựng nên, chỉ có nhân dân là tồn tại vĩnh cửu. Chính nhân dân mới là Người làm nên các kỳ tích, chính nhân dân làm nên lịch sử, lòng dân là lòng Trời. Một nhà nước sợ dân, đi ngược lòng dân sẽ không bao giờ có thể có một tương lai vững bền. Không hiểu điều đơn giản đó chúng ta mãi chỉ là những cu bé ngây thơ nhiều tuổi thôi.




Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1