Về một bức ảnh gây sốt - Dân Làm Báo 1

Về một bức ảnh gây sốt

Nguyễn Tuệ Anh (NCTG) - Chuyện một ngài đại sứ tự mình mang hành lý của chính mình và tự mình đi mua cà phê cho chính mình trong khi chờ lên máy bay đi nhậm chức ở Trung Quốc mà cũng có thể gây sốt trên các trang mạng nước này.

Ðọc bài này, tôi chợt nhớ cách đây chưa lâu, báo chí Việt Nam cũng cuống quýt hết cả lên vì sự kiện tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tự mình đi xe máy về trường cũ thăm thầy cô giáo.

Cần biết là trường cũ của ông ở ngay bên kia cầu Long Biên. Ngày nào bạn tôi, một người mẹ của hai con, sống ở Long Biên, làm việc và gửi con đi học ở Hà Nội, chả tha lôi nhau đi đi về về mấy bận như thế.

Trở lại hai sự kiện trên, chúng ta thấy điều gì? Tại sao việc tự phục vụ bản thân, mà đối với mỗi một con người bình thường là điều đương nhiên phải thế, lại trở thành một việc đáng xuýt xoa và ngưỡng mộ khi nhân vật chính là chính khách cấp cao? 

Bức ảnh gây sốt tại Trung Quốc chụp cảnh đại sứ Gary Locke tự tay đi mua cà phê tại sân bay - Ảnh: AP

Từ khi nào người ta cho rằng “phàm là” chính khách thì đương nhiên có đặc quyền được kẻ khác phục vụ, kể cả trong những chuyện cá nhân?

Từ khi nào người ta quên rằng làm chính khách thì cũng chỉ là làm một công việc, tuy quan trọng, nhưng cũng được trả lương từ thuế của dân, để phục vụ cho dân?

Mỉa mai nhất là, những tư tưởng này lại thường xuất hiện ở chính những xã hội nơi người ta luôn rao giảng rằng không có giai cấp.

Theo cái đà ấy, chắc nếu thủ tướng Anh David Cameron, người từng đi nghỉ bằng máy bay giá rẻ và ở khách sạn ba sao, mà sang làm thủ tướng Việt Nam hoặc Trung Quốc thì có khi thành “hot boy” mất.

Hay thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng vậy, ông có bận đi dự hội nghị APEC bằng hàng không giá rẻ. Singapore là một trong những nước có GDP tính trên đầu người cao nhất thế giới. Kinh tế Singapore tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong những năm qua.

Nhưng họ không có một máy bay chuyên biệt nào dành riêng cho thủ tướng cả. Một thủ tướng lĩnh lương cao nhất thế giới nhưng khi đi máy bay cũng phải xếp hàng check in như ai, không hề được ưu tiên.

Xã hội Việt Nam ngày càng phân hóa giai cấp một cách nhanh chóng và sâu sắc. Nhiều người mới giàu lên hay mới có chút địa vị đã quên cả cách tự phục vụ bản thân vì quen được người khác phục vụ.

Nhiều cô bạn tôi ở trong nước hay than phiền rằng nghỉ Tết, ô-sin về quê là không thể nào xoay xở nổi với việc nhà. Mà các cô ấy không phải xuất thân cành vàng lá ngọc gì đâu nhé. Cũng từ con nhà lao động bình thường đi lên. Tôi chắc ngày nhỏ cũng xắn quần nấu cám heo như ai (như tôi).

Sống ở nước ngoài lâu năm, tôi không thấy mọi người ở đây có thói quen đó (trừ Singapore là một nước cũng bóc lột người giúp việc nhà từ các nước lân cận với giá rẻ mạt). Các bạn của tôi vẫn vừa đi làm, vừa đi học, vừa sinh con, vừa làm việc nhà. Hai vợ chồng tự xoay sở với nhau hết, không có bố mẹ hay ô-sin ở bên giúp đỡ như ở Việt Nam. Thế mà mọi việc vẫn đâu vào đấy.

Có cô bạn giờ làm luật sư ở Mỹ, vừa đẻ con xong đã vác con đến lớp. Con ngủ, mẹ học thi. Giờ thì đã ba con rồi, đứa nào cũng được chăm bẵm tốt nên khỏe khoắn xinh xắn. Còn cô ấy cũng đã lấy được chứng chỉ hành nghề luật ở Mỹ, một việc không hề dễ dàng đối với người nói tiếng Anh như ngôn ngữ hai, lại còn đến từ một đất nước có nền giáo dục lạc hậu như Việt Nam.

Có cô bạn học tiến sĩ ở Úc, trước khi đi đẻ còn nấu sẵn một tủ lạnh thức ăn để dành những ngày nằm ổ. Thế mà các con vẫn lớn, vẫn ngoan và khỏe mạnh. Cô ấy thì giờ học xong, về giữ một cương vị cao tại Ðại học Quốc gia Hà Nội.

Có cô bạn khác dạo trước làm tiến sĩ ở Pháp. Tôi sang thăm, thấy cô có cách dạy con rất hay. Thằng bé nhà cô ấy mới có 4 tuổi nhưng sáng dậy đã tự biết làm vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, sắp xếp đồ đạc cá nhân vào ba lô, rồi ngồi vào bàn ăn chờ ăn sáng. Ăn xong tự biết cất thìa, dĩa và đi giày dép chờ mẹ đưa đi học. Tôi rất lấy làm ngưỡng mộ.

Trái lại, trẻ em ở trong nước, đến 4 tuổi có khi vẫn còn phải ẵm đi ăn rong. Nhiều đứa lớn lên hỏng đến mức này, cũng vì bố mẹ quá phụ thuộc vào ô-sin.

Nói chung tất cả là do quan niệm sống và giáo dục của gia đình.

Ðồng nghiệp người Mỹ của tôi ở đây bảo cô không có khái niệm để người khác phục vụ mình. Cô là phó giáo sư, sức ép giảng dạy và nghiên cứu rất lớn, đồng thời cô còn làm trong rất nhiều committee của khoa và của trường. Bận rộn như thế nhưng vẫn tự tay cô chăm sóc gia đình, không thuê người làm.

Người phương Tây họ có tính tự lập cao là vậy. Họ cũng tin vào sự bình đẳng giữa con người với con người và không thấy thoải mái nếu phải ngồi vắt chân chữ ngũ sai phái người khác phục vụ nhu cầu cá nhân mình.

Tôi không phản đối việc thuê người giúp việc, vì thực ra đây cũng là cách phân phối lại của cải trong xã hội. Nhưng lệ thuộc vào họ từ những việc nhỏ của cá nhân, tới mức không thể xoay sở khi vắng họ là điều mà tôi khó chấp nhận.

Tương tự, cái tư tưởng cho rằng đã là chính khách thì phải có người đi mua cà phê phục vụ mình hay bưng bê cho mình cũng là điều tôi không chấp nhận được. Mà tôi thấy xã hội Việt Nam ngày càng phát triển lệch lạc theo hướng này. Có một tí tiền, một tí quyền, thế là có quyền vênh váo, hống hách. Có quyền đòi hỏi những điều hết sức chướng tai, gai mắt.

Thực ra, để ý sẽ thấy người ta càng giỏi, càng danh giá thì lại càng giản dị, càng khiêm tốn. Càng không đòi hỏi đặc quyền đặc lợi. Thế nên, tôi rất muốn nhìn thấy nhiều hơn nữa những chính khách như ngài tân đại sứ Mỹ ở Trung Quốc, thủ tướng Anh hay thủ tướng Singapore.

Nếu ngày nào người dân còn trầm trồ, còn suýt xoa vì những điều hết sức đương nhiên như nói ở trên thì những vị lãnh đạo của họ cần phải xem lại bản thân mình.

Nguyễn Tuệ Anh



Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1